Đề bài: Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo: “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”.
Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo
Bạn đang xem: Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo…
I. Dàn ý Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Chuẩn)
– Chí Phèo của Nam Cao là một kiệt tác trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, thể hiện sâu sắc những giá trị hiện thực và nhân đạo, đầy mới mẻ.
– Bi kịch lớn nhất của Chí Phèo là bi kịch bị từ chối quyền làm người, quyền hạnh phúc, câu nói “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”của bà cô Thị Nở chính là đại diện cho những định kiến tàn nhẫn của xã hội chặn đứng con đường hoàn lương của Chí Phèo.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh cuộc đời Chí Phèo:
– Mồ côi cha mẹ, lớn lên cũng chất phác thật thà, làm điền canh cho nhà Bá Kiến, thế nhưng bị đổ oan rồi bị tống vô tù 7, 8 năm…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo tại đây
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo (Chuẩn)
Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ngay từ khi ra đời đã lập tức đưa tên tuổi của nhà văn Nam Cao trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học phê phán những năm 1930-1945. Hơn thế nữa nó đã trở thành một tác phẩm được xem là kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Có được thành công như vậy chính là nhờ vào những nguyên mẫu có thực ở làng Đại Hoàng quê tác giả, mà thông qua ngòi nghệ thuật xuất sắc, Nam Cao đã xây dựng nên những nhân vật có một không hai, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc, tạo thành một câu chuyện với cốt truyện hấp dẫn, có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Cuộc đời của Chí Phèo là chuỗi những bi kịch dài và nối tiếp, trong đó đớn đau và khổ sở nhất ấy chính là bi kịch bị từ chối quyền làm người, bị từ chối quyền hạnh phúc. Bà cô của Thị Nở đã có một câu nói với cháu gái khiến người đọc không khỏi thấy day dứt, xót xa cho nhân vật Chí Phèo rằng: “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”.
Cuộc gặp gỡ với Thị Nở chính là định mệnh của Chí Phèo, cuộc gặp gỡ đầy nhân văn ấy dường như đã đánh thức trong tâm hồn Chí Phèo một phần nào đó lâu nay vẫn ngủ quên, vẫn bị nhấn chìm bởi men rượu, bởi những tiếng chửi rủa chán chường. Lúc này người ta mới nghĩ lại, mới nhớ lại rằng, Chí Phèo của trước kia cũng hiền lành, chăm chỉ như bao người nông dân khác, thế nhưng cái xã hội phong kiến thối nát, với những con người quan quyền cậy thế, chỉ vì chút ghen tuông dở hơi mà đẩy một chàng trai hiền lành vào chốn ngục tù khổ sở. Ai biết được trong bảy tám năm ấy đã xảy ra những chuyện gì với Chí Phèo, người ta chỉ thấy sau khi ra tù Chí Phèo đã trở thành người khác, với cái bộ dạng mà cả làng đều nhất trí “trông gớm chết”. Ai ai cũng ghê sợ Chí Phèo, con người ta hình thành hẳn trong mình những cái định kiến ghê gớm, vững chắc, kẻ biết chuyện cũng như không biết chuyện thì đều mặc định cho mình một suy nghĩ, Chí Phèo là kẻ lưu manh, đáng sợ, phải xa lánh hắn ta. Chính điều đó đã chặt đứt đi cái con đường hoàn lương của Chí Phèo.
Quay trở lại với cuộc gặp gỡ định mệnh với Thị Nở, họ đã ăn nằm với nhau trong một đêm trăng, rồi ngủ thiếp đi, sau đó Thị Nở dìu Chí Phèo về căn lều của hắn và ra về. Lúc Chí Phèo tỉnh lại, dường như đã có một cái gì thay đổi, hắn ở trong căn lều tối tăm ẩm thấp lờ mờ nhưng vẫn có thể tưởng tượng ra “nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, hắn nghe thấy “tiếng chim ríu rít bên ngoài”. Tất cả những thứ ấy đều là những điều mà bấy lâu nay hắn chẳng hề cảm nhận được, bời vì hắn bận say! Người vốn vẫn chìm đắm trong men rượu như Chí Phèo mà cũng có ngày sợ rượu, lần đầu tiên trong suốt gần chục năm đằng đẵng hắn mới lại thấy được tiếng huyên náo của cuộc sống và thậm chí hắn còn thấy vui vẻ. Bát cháo hành của Thị Nở, sự quan tâm chăm sóc của một người đàn bà dở hơi, xấu xí thế mà lại đánh thức cái tâm hồn ham sống, mong muốn làm lại cuộc đời của Chí Phèo, hắn cũng có ước vọng điền viên, ước vọng có một gia đình nho nhỏ, nhưng giờ đã ở bên kia dốc của cuộc đời liệu có muộn lắm không? Hắn nghĩ thế.
Có lẽ cuộc đời của Chí Phèo đã thực sự thay đổi và thậm chí có được hạnh phúc với Thị Nở, nếu như thị chẳng dở hơi mà có suy nghĩ “Hay mình dừng yêu để hỏi cô đã”, thế rồi bi kịch của Chí Phèo lại tiếp diễn. Tiếp diễn bởi chính cái định kiến cay nghiệt mà người đời đã dành cho hắn. Con đường trở về với lương thiện, cái khát khao muốn được hòa vào cuộc sống, được sống như con người đã bị chặn đứng lại bởi những lời chua chát, xuất phát từ bà cô của Thị Nở, kẻ đại diện cho thái độ, định kiến của xã hội, cho cả làng Vũ Đại với Chí Phèo. Bà cô già, lại còn ế chỏng chơ của Thị Nở, trước thiết nghĩ bà ta cũng chẳng thương yêu gì cô cháu dở hơi của mình, mà có lẽ bà tự thấy “tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dài dằng dặc của bà, không có chồng. Bà chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không biết”. Cái uất ức, cái ích kỷ yếu hèn của con người khiến bà ta đổ hết lên đầu cháu mình, toan phá tan cái hạnh phúc chớm nở của cô cháu, bà ta cần gì biết cháu lấy ai, nhưng với sẵn cái định kiến khốn nạn về một thằng Chí Phèo không cha, một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ, bà ta cứ luôn mồm mà xả không thương tiếc. Những câu nói tuy không phải là dao nhưng cắt vào lòng người những vết sâu hoắm, ấy là lưỡi dao định kiến tàn nhẫn của xã hội phong kiến đương thời. Một khi nó đã mặc định điều gì, thì kẻ đó chỉ có thể chịu chết bị đóng đinh với cái định kiến đó đời đời kiếp kiếp, bị người ta xa lánh, người ta sợ hãi hay gì đó mà cứ chấp nhất nhất tin vào cái xấu chứ chẳng bao giờ tin vào điều kỳ diệu của tạo hóa, chẳng tin vào sự thức tỉnh lương tri của Chí Phèo.
Chí Phèo không cha, không mẹ là lỗi của hắn sao? Liệu có ai còn nhớ Chí Phèo trong hình dáng của một anh canh điền hiền lành chất phác, liệu có ai biết rằng tại sao cuộc đời Chí lại bê bết như bây giờ, liệu có ai thèm đếm xỉa đến nỗi oan khuất đi tù 7, 8 năm của Chí? Không, không một ai cả, họ chỉ trực chờ chăm chăm nhìn vào cái xấu, cái tệ hại nhất của con người ta để mà ra sức xỉ vả vùi dập, thậm chí vô tình đã tước đi cái quyền được làm người, được vui sống. Bà cô của Thị Nở chính là tiêu biểu trong số ấy, phải bà đau đớn, chua xót vì không có được hạnh phúc gia đình, thế nhưng cớ gì phải ngăn cản cháu mình là Thị Nở. Bà ta đã không thể mở lòng, không thể suy nghĩ một cách tích cực rằng Chí Phèo sẽ thay đổi và Thị Nở ít ra cũng hơn bà có được hạnh phúc, bởi lý trí của bà ta bị che mờ bởi sự ích kỷ, bởi những định kiến cay nghiệt mà người đời gán cho Chí Phèo. Thế là hết, giấc mơ quay lại làm người lương thiện, giấc mơ điền viên của Chí và thị đã tàn, đã bị chặn đứng một cách phũ phàng bởi lời của bà cô. Cũng lúc này đây, trong tuyệt vọng, trong cơn say Chí Phèo mới nhận ra chỉ có chết mới là con đường duy nhất giải thoát cho hắn khỏi bể khổ này, hắn đã sống lê lết ở cái cuộc đời này hơn 40 năm, thế nhưng đi đâu người ta cũng khinh ghét hắn, tiếng hắn chửi với tiếng chó sủa hòa vào nhau, có lẽ đã từ lâu lắm người ta đã chẳng còn coi hắn là con người, thì lấy đâu ra cái gọi là hạnh phúc, lương thiện, tình yêu?
Câu nói đầy cay nghiệt của bà cô Thị Nở chính là đại diện cho những định kiến đến tàn nhẫn của xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ đối với Chí Phèo. Nó đã chặn đứng hết tất cả ước mơ, hy vọng, lương tri vừa mới được đánh thức của Chí, dồn Chí đến bước đường cùng, lựa chọn cuối cùng là cái chết để giải thoát. Phân cảnh, lời nói của bà cô khiến cho người đọc không khỏi xót xa, day dứt về một kiếp người bất hạnh, chồng bất hạnh thất thểu, lay lắt bước ra từ những trang sách của nhà văn Nam Cao.
———————-HẾT————————
Chí Phèo là truyện ngắn hiện thực xuất sắc của nhà văn Nam Cao, để thấy được hết bi kịch tha hóa của Chí Phèo cũng là của rất nhiều người nông dân khốn khổ trong xã hội phong kiến xưa, bên cạnh bài Cảm nhận về câu nói của bà cô Thị Nở trong truyện Chí Phèo, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện Chí Phèo, Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo, Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp