Cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng

0
54
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng

cam nhan ve hinh anh thay giao ha men trong tac pham buoi hoc cuoi cung

Bài văn cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng

Bạn đang xem: Cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng

I. Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng (Chuẩn)

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả, tác phẩm, giới thiệu nhân vật thầy Ha-men.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh câu chuyện:
– Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871, dẫn đến việc hai vùng An-dát và Lo-ren của Pháp bị nhập vào Phổ.
– Người Pháp không còn được học tiếng mẹ đẻ, những thầy cô giáo dạy tiếng Pháp bị buộc phải rời đi.
– Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của thầy Ha-men diễn ra trong không khí nghẹn ngào, xúc động.

b. Hình ảnh người thầy trong buổi học cuối cùng:
– Ăn mặc trang trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, cái mũ tròn bằng lụa thêu…
– Nhẹ nhàng bước lên bục giảng, chất giọng từ tốn thông báo: “Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con”. => Đau đớn và buồn bã.
– Chăm chú tiếp tục giảng giải, dường như muốn truyền đạt lại hết nguồn tinh hoa kiến thức của cuộc đời về tiếng Pháp cho học sinh.

c. Những bài học cuối cùng của thầy Ha-men:
– Thầy Ha-men đã chỉ ra sự thích trì hoãn của đa số đám học sinh, hậu quả là tai họa đã giáng xuống xứ sở này chỉ trong một đêm.
– Ca ngợi về tiếng Pháp, về vẻ đẹp của nó, đó là thứ ngôn ngữ “hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất”.
– Khẳng định một chân lý, một bài học vô cùng quý giá và luôn đúng ở mọi thời đại rằng “khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khóa của chốn lao tù.
– Những tâm tư trong lòng người thầy chỉ gói gọn lại bằng mấy chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”, bộc lộ tấm lòng yêu nước sâu sắc, không bao giờ chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận về nhân vật thầy Ha-men.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình ảnh thầy giáo Ha- men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng (Chuẩn)

Chiến tranh luôn mang lại cho con người những nỗi bất hạnh và mất mát đau thương khôn cùng, trong đó có những nỗi đau dù không phạm vào da thịt nhưng nó lại khiến con người ta day dứt, trăn trở đến vô cùng, ấy là nỗi đau chia cắt dân tộc, nỗi đau chứng kiến đất nước bị giày xéo, bị buộc từ bỏ vốn văn hóa của dân tộc, để tiếp thu ngôn ngữ của kẻ thù, chịu sự khuất nhục đau đớn. Tất cả những nỗi đau ấy đều được thể hiện rất rõ thông qua truyện ngắn Buổi học cuối cùng và nhân vật người thầy Ha-men.

Alphonse Daudet (An-phông-xơ Đô-đê) (1840 – 1897) là một nhà văn Pháp khá nổi tiếng với nhiều các tác phẩm đặc sắc như Thằng nhóc, Lá thư hè, Những người đàn bà đang yêu,… Ông đặt bút ở nhiều thể loại nhưng trong đó thể loại truyện ngắn An-phông-xơ Đô-đê gây được nhiều ấn tượng hơn cả với giọng văn tĩnh lặng, trầm ấm. Buổi học cuối cùng là một trong những tác phẩm đáng chú ý của An-phông-xơ Đô-đê, ra đời trong bối cảnh lịch sử nhiều đau thương, Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871, dẫn đến việc hai vùng An-dát và Lo-ren của Pháp bị nhập vào Phổ, đem đến cuộc chia cắt dân tộc đau đớn, không chỉ vậy các trường học ở nơi đây bị buộc phải dạy bằng tiếng Đức. Dẫn đến một sự kiện xót xa, khi mà người Pháp không còn được học tiếng mẹ đẻ, những thầy cô giáo dạy tiếng Pháp bị buộc phải rời đi trong nghẹn ngào, và thầy Ha-men chính là một trong số những con người phải nếm trải nỗi đau như vậy.

Câu chuyện diễn ra dưới cảm nhận và cái nhìn của nhân vật Phrăng- một cậu bé ham chơi, không quan tâm lắm đến chuyện học hành và thường trì hoãn các buổi học, đặc biệt là buổi học tiếng Pháp của thầy Ha-men. Cậu thường tránh né sự trách phạt của người thầy bằng cách len lén vào lớp những lúc buổi học ồn ào đan xen giữa tiếng đánh vần và tiếng thước kẻ của thầy giáo. Hôm nay cũng như thường lệ, Phrăng vẫn chứng nào tật ấy, tiếp tục tới trường trong bộ dạng hộc tốc, vội vã, thế nên khi thấy bảng cáo thị trên bảng tin cậu cũng chẳng kịp để ý xem chuyện gì đang xảy ra trên quê hương mình, và cũng bỏ qua cả lời nói tưởng như là chế nhạo từ bác phó rèn Oát- stơ. Chỉ khi bước đến lớp, thông qua ô cửa sổ mở rộng, nhìn thấy không khí lớp học im lặng như một buổi sáng chủ nhật, và thầy Ha-men đang đi lại với cây thước kẹp dưới nách làm cậu bỗng có linh cảm không tốt, dường như có một chuyện gì đó hệ trọng lắm đang đợi chờ phía trước. Thực tế trong lúc này Phrăng sợ hãi sẽ bị thầy trách phạt nặng vì lỗi đến muộn của mình, thế nhưng thật bất ngờ, người thầy vốn nổi tiếng nghiêm khắc khi nhìn thấy Phrăng bên ngoài thì lại từ tốn, dịu dàng bảo cậu bé vào lớp “Phrăng vào chỗ nhanh lên con, lớp sắp bắt đầu học mà lại vắng mặt con”.

Sau khi đã ngồi vào vị trí trong sự ngỡ ngàng, Phrăng mới kịp nhận ra sự khác lạ của người thầy, hôm nay thầy mặc “chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, rìa lá sen xếp nếp mịn và và cái mũ tròn bằng lụa thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra và phát phần thưởng”, bộ trang phục mà hiếm khi thầy Ha-men diện, chỉ có những dịp quan trọng thầy mới dùng đến. Điều đó khiến Phrăng dần cảm nhận được buổi học hôm nay có gì đó khác biệt, trang trọng hơn ngày thường. Đáp lại sự thắc mắc ấy, thầy Ha-men nhẹ nhàng bước lên bục giảng, dáng vẻ trang trọng và dịu dàng nhất của một người thầy nhìn xuống các học sinh thân yêu nói bằng một chất giọng từ tốn: “Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các vùng An-dát và Lo-ren…Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con…”. Có lẽ rằng đối với một người dân Pháp, một người thầy dạy Pháp văn để nói ra được những thông tin ấy, thầy Ha-men đã phải đau đớn và buồn bã đến thế nào. Và rồi mai đây những học sinh nơi này buộc phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ, để đi học thứ tiếng đến từ kẻ thù, từ quân “khốn nạn” đã xâm lược, giày xéo mảnh đất quê hương. Hơn ai hết thầy Ha-men, một người thầy đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời cho sự nghiệp dạy tiếng mẹ đẻ cho bao thế hệ học sinh lại càng thấm thía nỗi đau này hơn bất kỳ một người Pháp nào khác. Chính vì thế trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp này, thầy đã ăn vận thật đẹp, thật trang trọng để tôn vinh nó, và thầy cũng mong rằng mỗi một học sinh, mỗi một người dân Pháp ở An-dát và Lo-ren cũng như thầy trân trọng và ghi nhớ từng khoảnh khắc đang diễn ra ngày hôm nay. Chỉ bấy nhiêu đó thôi người ta cũng nhận thấy tấm lòng yêu thương tiếng mẹ đẻ thiêng liêng, sự tâm huyết trong quãng đường lao động vì sự nghiệp giáo dục hơn 40 mươi năm mà thầy Ha-men sắp phải từ giã. Đó là một mất mát, một nỗi đau lớn trong lòng người thầy giáo tội nghiệp, bởi sắp tới đây thứ thầy phải từ bỏ không chỉ là công việc dạy học, mà là cả mảnh đất thầy đã gắn bó hơn nửa đời người, tận mắt thấy viễn cảnh đất nước rơi vào tay giặc, rồi số phận các em học sinh, những người dân Pháp ở nơi đây sẽ ra sao, càng nghĩ lại càng thấy xót xa.

Và trong buổi học cuối cùng này, thầy Ha-men không dành nhiều thì giờ để trách phạt học trò, hay dạy các em đánh vần từng tiếng mẹ đẻ nữa. Trước sự ngập ngừng ấp úng của cậu học trò Phrăng khi cậu không thể đọc trôi chảy bài học bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà rồi giờ đây cậu sẽ không còn được học nữa, thầy Ha-men vẫn rất nhẹ nhàng, ôn tồn nói với Phrăng cũng là những lời nói sâu kín trong lòng mà thầy muốn nói với tất cả mọi người. Thầy Ha-men đã chỉ ra sự thích trì hoãn của đa số đám học sinh, người ta cứ tưởng rằng mình còn khối thì giờ để học, ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa, nhưng đâu ai biết được rằng tai họa đã giáng xuống xứ sở này chỉ trong một đêm.

Mảnh đất quê hương thân thuộc bỗng trở thành thuộc địa của kẻ thù, chúng ta những người dân bản xứ buộc phải từ bỏ tiếng bản địa để học thứ tiếng của chúng, để sẵn sàng trở thành nô lệ cho những kẻ xâm lược. Đau đớn làm sao, giá như người ta có thể học và ghi tạc trong lòng thứ tiếng mẹ đẻ rồi truyền cho con cháu thì ít nhất dù mất chủ quyền lãnh thổ, người ta vẫn còn được tự tôn, được văn hóa dân tộc. Thế nhưng đáng buồn rằng, đến tiếng mẹ đẻ mà những cô cậu học trò như Phrăng cũng không thể đọc trôi chảy thì chỉ ít lâu nữa thôi như lời thầy Ha-men nói những nỗi nhục nhã sẽ ập tới, kẻ xâm lược có quyền chỉ thẳng mặt những người tự nhận là dân Pháp mà nói rằng: “Thế nào! Các người tự nhận là dân Pháp mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người” và điều đó dường như đang trở thành sự thật.

Từng lời nói ấy của thầy Ha-men dẫu rất nhẹ nhàng thế nhưng đã giáng từng nhát thật mạnh vào trái tim của từng người, những con người vẫn tìm lý do để trì hoãn việc học hành tử tế. Thế nhưng thầy Ha-men cũng là một người có suy nghĩ thấu đáo, thầy hiểu và cũng hiểu được rằng việc học hành không tử tế, không phải hoàn toàn là lỗi của những đứa trẻ, mà còn có phần lỗi ở các bậc phụ huynh khi không ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, và thầy cũng nhận cả lỗi về mình, vì có đôi khi thầy cũng chưa hoàn toàn làm tốt bổn phận dạy dỗ của một người giáo viên. Người thầy đạo đức, có cái nhìn thấu hiểu và sáng suốt ấy vậy mà sắp phải rời khỏi nơi mình đã từng gắn bó bốn mươi năm cuộc đời, không còn được cống hiến cho mảnh đất này nữa. Điều ấy không khỏi làm người ta cảm thấy chạnh lòng, đau xót trước bi kịch của những con người và mảnh đất xứ An-dát.

Cũng trong buổi học cuối cùng ấy, thầy Ha-men đã nói rất nhiều về tiếng Pháp, về vẻ đẹp của nó, đó là thứ ngôn ngữ “hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất”. Những lời ngợi ca tiếng mẹ đẻ ấy đã thể hiện rõ được tấm lòng của người thầy, không chỉ là sự trân trọng, yêu mến sâu sắc với tiếng nói của dân tộc, mà còn là tấm lòng yêu quê hương, lòng tự tôn mãnh liệt của một người dân Pháp trước sự xâm lược của kẻ thù. Thông qua tình cảm ấy, thầy Ha-men khẳng định một chân lý, một bài học vô cùng quý giá và luôn đúng ở mọi thời đại rằng “khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khóa của chốn lao tù…”. Lời dạy ấy dường như đã mở ra trong trái tim của độc giả và cả những con người xứ An-dát một con đường sáng, càng khẳng định tầm quan trọng của văn hóa, truyền thống vốn là cốt lõi của một dân tộc, một đất nước. Rồi thầy Ha-men lại chăm chú tiếp tục giảng giải, dường như người thầy tội nghiệp muốn truyền đạt lại hết nguồn tinh hoa kiến thức của cuộc đời về tiếng Pháp cho học sinh của mình trong những giây phút cuối trước khi phải chia xa. Bao nhiêu những biểu hiện ấy đều cho thấy tấm lòng đạo đức và cả nỗi đau đớn tột cùng trước nghịch cảnh đất nước của thầy Ha-men, là sự tiếc nuối, xót xa, trăn trở cho số mệnh của cả một dân tộc trước sự xâm lược tàn ác của kẻ thù.

Dáng vẻ tội nghiệp, luyến tiếc của người thầy còn bộc lộ thông qua việc thầy đứng trên bục giảng nhìn đăm đăm từng thứ đồ vật trong lớp học những thứ vốn đã gắn bó với thầy suốt mấy mươi năm nay. Dường như tầm mắt người thầy muốn mang đi hết tất cả hình bóng của ngôi trường nhỏ bé thân thương. Đau lòng, buồn bã trước nghịch cảnh nhưng thầy Ha-men vẫn cố gắng hoàn thành thật tốt buổi dạy cuối cùng như là một lời chào từ biệt. Tiếng chuông báo điểm giờ tan trường reo lên, như đánh động vào tâm can của người thầy. Thầy muốn nói, muốn phát biểu gì đó trước mặt toàn thể những người có mặt ở đây trước giờ chia tay, thế nhưng không thể vì quá xúc động. Cuối cùng những lời muốn nói ấy, những tâm tư trong lòng người thầy chỉ gói gọn lại bằng mấy chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”, tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng cả tấm lòng của người thầy, tấm lòng yêu nước sâu sắc, không bao giờ chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù, đó cũng là bài học cuối cùng mà thầy Ha-men đáng kính muốn truyền lại cho các học sinh thân yêu của mình trước khi phải rời đi.

Nhân vật thầy Ha-men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng là một nhân vật gây cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc, không chỉ bởi vì tình yêu tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ, tấm lòng yêu nước, lòng căm ghét quân thù, không bao giờ chịu khuất phục mà còn đặc biệt bởi cái cách mà thầy truyền đạt lại những bài học quý giá vào buổi học cuối cùng. Không ồn ào, không vòng vo, sáo rỗng mà chỉ đơn giản là chỉ ra những khiếm khuyết của mọi người một cách nhẹ nhàng, từ tốn, từ đó đưa ra những bài học sâu sắc về ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Thêm vào đó vẻ đẹp của người thầy còn là cái cách mà thầy chăm chút, tỉ mẩn chuẩn bị cho lần lên lớp cuối cùng một cách chỉn chu, trang trọng và đáng nhớ nhất. Tất cả đều thể hiện thật rõ ràng cái cốt cách sáng ngời của một người thầy cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, truyền bá văn hóa dân tộc không ngừng nghỉ, kể cả khi rơi vào nghịch cảnh đau xót.

——————HẾT——————–

Buổi học cuối cùng là một trong những tác phẩm hay và sâu sắc khi viết về bi kịch và những nỗi đau dân tộc xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ nhất, để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tìm đọc thêm các bài viết Tả lại hình tượng thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng, Sơ đồ tư duy buổi học cuối cùng, Phân tích tác phẩm Buổi học cuối cùng, Kể sáng tạo truyện Buổi học cuối cùng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-hinh-anh-thay-giao-ha-men-trong-tac-pham-buoi-hoc-cuoi-cung/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp