Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

0
102
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

cam nhan ve truyen ngan rung xa nu cua nguyen trung thanh

Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Bạn đang xem: Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

I. Dàn ý Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác phẩm rừng xà nu
– Tác phẩm mang đậm dấu ấn của con người và vùng đất Tây Nguyên.

2. Thân bài

a. Hình tượng cây xà nu;
– Là hình ảnh xuyên suốt trong tác phẩm, mở đầu bằng hình ảnh cánh rừng xà nu, kết lại cũng bằng hình ảnh rừng xà nu nối tiếp nhau.
– Là loài cây gắn bó mật thiết với mảnh đất Tây Nguyên: trong sinh hoạt, trong các sự kiện quan trọng…
– Rừng xà nu là nơi chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn kẻ thù, nhưng vẫn vươn mình bảo vệ cho làng Xô Man “ưỡn tấm …cho làng”.
– Là loài cây chịu nhiều đau thương “cả rừng xà nu … thuong”, mượn hình ảnh đó để nói lên nỗi đau thương của con người.
– Bị tàn phá nặng nề, bị thương thế nhưng cây xà nu lại có một sức sống mãnh liệt “trong rừng … mọc lên”: lớp cây này tiếp nối những cây khác vươn lên: tượng trưng cho sức mạnh con người Tây Nguyên trong chiến tranh.
– Xà nu còn là loài cây ham ánh sáng mặt trời “cũng ít có … thẳng tắp” => ánh sáng đại diện cho tự do, cho khát vọng hạnh phúc => tượng trưng cho con người Tây Nguyên yêu tự do.

b. Các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau trong Rừng xà nu:

* Cụ Mết: là đại diện cho lớp người đi trước
– Ngoại hình: cụ hớn sáu mươi tuổi nhưng quắc thước “râu …bóng”, “giọng nói … ngực”, “ông ở trần …lớn”
– Cụ là người đại diện cho thế hệ anh hùng đầu tiên của làng Xô Man, được miêu tả đúng với một nhân vật mang âm hưởng sử thi.
– Mỗi câu nói của cụ đều là những triết ký được đúc rút “Đảng còn … này còn”, “chúng nó cầm …giáo”
– Tính cách: cụ là con người quả quyết, gan dạ, có tầm nhìn xa (tích lương thực để đánh giặc), yêu thương và che chở cho dân làng.
=> Cụ là biểu tượng cho lớp người thế hệ trước, hội tụ những vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của con người Tây Nguyên, được dựng lên trong âm hưởng sử thi hào hùng.

* Nhân vật Tnú
– Là thanh niên đại diện cho thế hệ thứ hai kế tiếp cụ Mết, cũng mang những phẩm chất cao đẹp, ý chí mạnh mẽ của con người Tây Nguyên, cũng được xây dựng trong cảm hứng sử thi hào hùng.
– Tnú có một số phận đau thương: mồ côi cha mẹ, được dân làng nuôi lớn, thừa hưởng những tính cách, phẩm chất của con người Tây Nguyên và đặc biệt anh giác ngộ Cách mạng từ rất sớm.
– Ngay từ khi còn bé, Tnú đã mang gạo vào rừng nuôi giấu cán bộ “nó đeo cái xà lét …cán bộ”.
– Tnú quyết tâm học con chữ, để có thể thay anh Quyết lãnh đạo dân làng, học không được “nó cầm …ròng ròng”.
– Nhưng khi làm liên lạc, nó vô cùng thông minh, tháo vát và nhanh nhẹn, nó băng rừng vượt suối để làm liên lạc cho Cách mạng “không bao giờ …con cá kình”.
– Bị địch bắt khi giao thư, Tnú “nuốt luôn cái thư”, bị địch bắt giam, nó vượt ngục trở về làng lãnh đạo dân làng chống giặc.
– Lớn lên, Tnú trở thành một chiến sĩ nòng cốt trong phong trào Cách mạng ở núi rừng này, anh có lòng căm thù giặc sâu sắc.
+ Anh mang đá núi Ngọc Linh về cho dân làng mài giáo mác chuẩn bị chống giặc
+ Bị giặc bắt, châm lửa đốt mười đầu ngón tay, Tnú không hề kêu van một tiếng “anh Quyết … kêu van” =>tinh thần thép, gan dạ.

– Tnú còn là người gắn bó với quê hương và yêu thương vợ con vô cùng;
+ Nhìn vợ con bị giặc tra tấn, anh đau đớn tột cùng “anh bứt hàng …không hay: rồi “nhảy xổ” vào tên lính đang tra tấn vợ mình bằng đôi bàn tay trần, anh quyết hy sinh để cứu vợ con.
+ Anh cũng là người có tấm lòng gắn bó với quê hương, dù xa làng ba năm nhưng anh vẫn nhớ từng gốc cây, từng địa điểm trên con đường vào làng.
=> Tnú là kết tinh của con người Tây Nguyên với những phẩm chất cao quý, là nòng cốt của kháng chiến chống Mỹ, là thế hệ thứ hai tiếp nối những truyền thống anh hùng của con người Tây Nguyên, của dân tộc Strá, của bản làng Xô Man.

* Nhân vật Dít
– Là em gái của Mai, vợ Tnú, cũng là một người giác ngộ Cách mạng từ nhỏ
– Tiếp nối bước chân của Tnú và Mai, Dít cũng mang gạo vào rừng nuôi giấu cán bộ và cũng bị địch bắt.
– Mười tuổi những Dít có lòng gan dạ và sự chịu đựng phi thường, bị giặc bắn dọa, nhưng đến phát thứ mười, Dít không khóc nữa mà đứng im.
– Sau này, lớn lên, Dít trở thành bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội, trở thành người kế tiếp bước Tnú giúp dân làng chống giặc.
=> Dít – đại diện cho lớp người phụ nữ thanh niên ở quê hương nối tiếp những người anh hùng với những phẩm chất cao đẹp của con người nơi đây.

* Bé Heng
– Xuất hiện ở đầu câu chuyện nhưng lại là lớp thế hệ kế tiếp của kháng chiến, là cây xà nu non của núi rừng Tây Nguyên.
– Tuy còn nhỏ nhưng Heng đã làm nhiệm vụ liên lạc, thông thuộc những hố chông, cạm bẫy mà dân làng dựng lên để dẫn cán bộ và khách vào làng.
– Heng – đại diện của lớp cây con lớn lên “mọc lên …bầu trời” =>hứa hẹn một tương lai vững vàng.

c. Nhận xét chung:
– Rừng xà nu là câu chuyện của cả một tập thể những con người anh hùng, thê shekẹ này nối tiếp thế hệ khác của núi rừng Tây Nguyên. Họ bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của con người núi rừng: gan dạ, nhanh nhẹn, yêu quê hương và có lòng căm thù giặc sâu sắc.
– Họ là những cây xà nu – loài cây tượng trưng cho núi rừng này, luôn vươn lên mạnh mẽ và có sức sống mãnh liệt, yêu tự do, yêu Cách mạng, dù bom rơi đạn bắn, lớp cây này nối tiếp lớp cây khác “đến hút tận chân trời”.
– Nghệ thuật: ngôn từ giản dị, cách kể chuyện hấp dẫn, cách xây dựng nhân vật vô cùng độc đáo, kết hợp với cảm hứng sử thi anh hùng

3. Kết bài

– Rừng xà nu là tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Trung Thành

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Nền thơ ca và văn học Cách mạng luôn khiến chúng ta cảm thấy tự hào khi lật giở từng trang truyện, từng bài thơ. Mỗi nhà văn dường như đều tự chọn cho mình một mảnh đất để khai phá, để ngòi bút của mình đắm chìm vào trong văn hóa xứ sở. Ta có Tô Hoài với những tập hồi ký về Tây Bắc, có Nguyễn Thi với những tác phẩm gắn bó với con người Nam Bộ,… thì Nguyễn Trung Thành lại chọn cho mình mảnh đất Tây Nguyên để gieo nguồn cảm hứng. Ở mảnh đất ngập tràn sử thi tráng lệ ấy, Nguyễn Trung Thành đã chắp bút viết lên Rừng xà nu – một tác phẩm mang đậm văn hóa con người Tây Nguyên thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Nội dung của tác phẩm là những vấn đề lớn lao, mang nhiều ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Đó là hình ảnh của toàn dân tộc đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, những thế hệ anh hùng cứ tiếp nối nhau trên mảnh đất Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu gắn liền với các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên này, nó là biểu tượng, là hình ảnh tượng trưng tràn đầy sức sống của những con người nơi đây.

Có lẽ vì thế mà mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã cho chúng ta thấy một cánh rừng xà nu “hàng vạn cây” ở ngay đầu làng Xô Man. Đây là hình ảnh xuất hiện đầu tiên, cuối cùng và xuyên suốt trong cả tác phẩm. Loài cây gắn bó với con người nơi đây từ sinh hoạt, sản xuất đến kháng chiến chống giặc. Trong sinh hoạt, xà nu trở thành gỗ để giúp dân làng đun nấu, hun khói bảng đen để tập viết chữ, những đuốc lửa xà nu soi sáng những căn nhà, con đường, … Ngoài ra, cây xà nu còn xuất hiện trong hầu hết các sự kiện quan trọng của làng Xô Man như thắp đuốc để mài vũ khí chống giặc, soi sáng con đường để giết giặc, …

Thế nhưng, rừng xà nu ấy lại là nơi chịu nhiều bom đạn của kẻ thù nhất bởi làng Xô Man nằm trong tầm ngắm đại bác của địch, và cánh rừng xà nu là tấm lá chắn bảo vệ cho làng. Mỗi ngày ba lần, những loạt đạn đại bác “bắn, đã thành lệ” rơi xuống “ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Hình ảnh những cây xà nu đứng chắn ngang trước làng, chịu những tổn thương của bom đạn gây ra “hàng vạn cây không cây nào là không bị thương” khiến người đọc không khỏi nhói lòng. Chúng chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn kẻ thù, ấy vậy mà vẫn hiên ngang “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Những cây xà nu bị thương, “bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, rồi từng chút “nhựa ứa ra tràn trề”, dần dần “bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Đó là những hình ảnh tang thương về sức tàn phá kinh hồn của kẻ thù với những cây xà nu. Mượn hình ảnh đau thương ấy của những thân cây, tác giả muốn nói tới những nỗi đau đớn mà con người phải chịu đựng dưới bom đạn của kẻ thù xâm lược.

Bị tàn phá nặng nề là thế, thế nhưng, cánh rừng xà nu vẫn mỗi ngày một vươn lên mạnh mẽ, với một sức sống vô cùng mãnh liệt “Trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy, cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Một cây xà nu ngã gục là một lớp những cây con sẽ mọc lên kế tiếp, mạnh mẽ hơn gấp bội lần. Lớp cây này thay lớp cây khác hay cũng là những lớp thế hệ cách mạng song hành, nối tiếp nhau của làng Xô Man, của Tây Nguyên. Xà nu phải chăng chính là sự tượng trưng cho con người mảnh đất Tây Nguyên này, sức sống của chúng, ý chí của chúng cũng là sức sống, ý chí của con người nơi đây, mạnh mẽ, quyết liệt vô cùng? Trong chiến tranh, dù bom đạn có tàn phá khốc liệt thế nào, có dã man ra sao, chúng vẫn nhất quyết vươn lên, chống trả lại một cách mãnh liệt nhất “đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”!

Xà nu còn là một loài cây ham ánh sáng, thứ ánh sáng mặt trời trong lành và vàng óng ánh “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn, thẳng tắp”. Những cây xà nu ham ánh nắng để phóng lên mà tận hưởng, để sinh sôi, nảy nở, phát triển. Ánh nắng ấy phải chăng cũng chính là thứ ánh sáng của tự do, của khát vọng sống hạnh phúc? Và những con người Tây Nguyên như những cây xà nu mang trong mình tình yêu tự do mãnh liệt ấy mà phóng lên, bất chấp những khốc liệt, khổ đau.

Hình tượng rừng xà nu xuyên suốt trong tác phẩm, mở đầu bằng hình ảnh những cây xà nu và kết lại là hình ảnh của rừng xà nu nối tiếp nhau đến tận chân trời, bởi nó là tượng trưng cho con người vùng đất Tây Nguyên này. Có thể nói cây xà nu mang trong mình sự cứng cỏi, mạnh mẽ, mang trong mình tình yêu với tự do thì con người Tây Nguyên cũng vậy, cũng mang trong mình khát vọng tự do mạnh mẽ ấy để đương đầu với khốc liệt chiến tranh, của những tàn bạo mà bọn xâm lược đang gây ra.

Tác phẩm Rừng xà nu không chỉ nổi bật hình tượng cây xà nu với sức sống mãnh liệt mà còn nổi bật với các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau trong bản làng người dân tộc Strá – làng Xô Man.

Đầu tiên trong thế hệ những con người anh hùng ấy là cụ Mết – một người già làng, một con người Cách mạng đại diện cho lớp người đi trước. Cụ Mết đã hơn sáu mươi tuổi, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn mang một vẻ quắc thước, khỏe khoắn không ngờ “râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược”. Và hơn thế, cụ còn mang một vết sẹo thật dài ở má phải, cái sẹo vẫn “láng bóng”. Đây là những dấu tích của thời gian, dấu tích cho những năm tháng thăng trầm, bồi đắp lên một cụ Mết hôm nay. Cụ Mết là đại diện cho lớp thế hệ người đi theo Cách mạng đầu tiên của làng Xô Man này. Bởi vậy có lẽ khi miêu tả về cụ, Nguyễn Trung Thành đã đặt vào đó cái âm hưởng sử thi hoành tráng của Tây Nguyên với “bàn tay nặng trịch” và “tiếng nói dội vang lồng ngực”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”. Cụ Mết là người đã đi qua hơn nửa đời người, sống gắn bó với núi rừng Tây Nguyên này, cụ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa, những giá trị con người nơi đây. Chính vì thế, cụ là người đi tiên phong trên con đường Cách mạng kháng chiến chống Mỹ. Mỗi câu nói của cụ đều là những chân lý được đúc kết qua bao thăng trầm của thời gian “Đảng còn thì núi nước này còn” hay “chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Đó là những câu nói làm nên con người cụ Mết – một người con anh hùng – cây xà nu già cả, uyên thâm của làng Xô Man nói riêng, của núi rừng Tây Nguyên nói chung. Mang trong mình những phẩm chất cao đẹp của người con dân tộc Strá, của bản làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên, cụ quả quyết, gan dạ, có tầm nhìn xa khi cụ đã cùng dân làng tích trữ lương thực để chống giặc dài lâu, luôn yêu thương và che chở cho dân làng.

Cụ Mết chính là biểu tượng cho lớp thế hệ đi trước trong kháng chiến chống Mỹ, hội tự những phẩm chất cao đẹp nhất của con người Tây Nguyên và cái âm hưởng sử thi hào hùng nữa.

Lớp thế hệ thứ hai tiếp nối bước chân của cụ Mết là Tnú – người thanh niên cộng sản gan dạ, kiên trung, người lãnh đạo dân làng Xô Man cùng nhau nổi dậy kháng chiến chống lại kẻ thù. Tiếp nối cụ Mết, Tnú cũng mang trong mình những phẩm chất cao đẹp truyền thống của con người nơi đây.

Điều đầu tiên mà ta cảm nhận được ở Tnú đó là sự gan dạ, nhanh nhẹn, tháo vát của một chàng trai miền núi rừng. Ai đọc tác phẩm cũng đều biết rằng, Tnú có một số phận rất đau thương khi mồ côi cha mẹ từ rất sớm, anh lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người dân làng Xô Man. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ những đức tính cao đẹp của con người nơi đây như gan dạ, dũng cảm, và giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Ngay từ khi mới “cao bằng ngang bụng cụ Mết”, anh đã đi làm Cách mạng, trở thành người nuôi giấu cán bộ trong rừng thay cho những thanh niên, ông bà già của bản làng khi ấy. Người đọc có thể ấn tượng ngày một đứa bé “đeo cái xà lét nhỏ xíu của mẹ nó để lại, trên bó rau dưới giấu hai lon gạo trắng, nó luồn như một con sóc qua các hốc đá cheo leo, nó chạy lon ton trong rừng đi tìm nuôi anh cán bộ”. Ngay từ nhỏ, Tnú đã ý thức được sự quan trọng của Cách mạng và quyết tâm theo Cách mạng mà chẳng hề sợ hy sinh.

Tnú học con chữ để quyết tâm thay anh Quyết làm Cách mạng. Học không được, Tnú”cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, máu chảy ròng ròng”. Đó là hành động thể hiện chí sự quyết tâm đến cùng của một người chiến sĩ Cách mạng tí hon.

Về học hành, Tnú có thể chậm hơn Mai một chút, thế nhưng, khi băng rừng vượt suối để làm liên lạc cho cán bộ thì “cái đầu nó sáng lạ lùng”. Chẳng giống như những người khác thích đi vào những lối mòn, những con đường bằng phẳng, Tnú “không bao giờ đi đường mòn, nó leo lên một cây cao nhìn quanh, nhìn một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt tất cả các vòng vây. Qua sông, nó không thích chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Nguyễn Trung Thành đã dựng lên bức tranh về một chú bé giao liên tháo vát, nhanh nhẹn nhất của núi rừng Tây Nguyên này bằng những từ ngữ thật sinh động và chân thực. Người ta như thấy được cái bóng chú bé ấy thấp thoáng qua những lùm cây cao, qua những con suối cao, thác lớn mà vẫn băng băng vượt lên tất cả.

Đến lúc bị địch bắt, Tnú bất ngờ khi “họng súng của giặc phục kích chĩa vào tai lạnh ngắt”, ấy thế mà nó vẫn kịp “nuốt luôn cái thư”. Đây là cách xử lý nhanh nhất, can đảm nhất, thông minh nhất của người giao liên tí hon ấy! Bị địch bắt, bị giam trong nhà lao, nhưng Tnú vẫn tìm mọi cách để trở về quê hương, trở về bản làng của mình sau ba năm bị giam giữ và tra tấn. Từ đây, anh trở thành người lãnh đạo bản làng của mình đứng lên chống lại lũ quân thù man rợ bằng tất cả ý chí, lòng căm thù sâu sắc nhất của mình. Một mình anh đã lên núi Ngọc Linh, gùi đá về làng, nếu như trước là để lấy phấn viết thì nay, anh đem về những viên đá sắc nhất để cùng dân làng mài giáo mác chuẩn bị đánh giặc. Có thể nói, Tnú là lớp thế hệ kế tiếp cụ Mết với một ý chí càng mạnh mẽ hơn, quyết tâm càng sâu sắc hơn, bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của con người nơi đây càng mạnh mẽ hơn.

Bởi thế nên khi chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, anh đã không thể kìm được mà nhảy xổ vào thằng lính to béo chỉ với đôi bàn tay không. Gan dạ là thế, anh bị địch bắt, bị đốt mười đầu ngón tay bằng lửa xà nu, nhưng không hề có một tiếng kêu van nào vang lên cả “Người Cộng sản không thèm kêu van”. Anh Quyết đã từng nói thế và Tnú cũng sẽ nhất quyết không kêu van lũ kẻ thù của mình. Quả là một tinh thần thép, một lòng gan dạ đến vô cùng của người con Tây Nguyên.

Không chỉ là một người chiến sĩ Cách mạng kiên trung, Tnú còn vô cùng gắn bó với quê hương và yêu thương vợ con của mình! Ba năm làm Cách mạng đi xa, thế nhưng ngày trở về, Tnú vẫn nhớ rõ những cái cây, từng con đường cũ vào bản của mình. Anh băng băng trên con đường cũ với một lòng nôn nóng muốn được gặp lại tất cả những người thân yêu của mình trong bản làng ấy.

Anh cũng vô cùng thương yêu vợ con của mình, khi chứng kiến cảnh Mai và con bị tra tấn, anh đã đau đớn đến tột cùng, đứng cạnh cây vả mà “anh bứt hàng chục trái vả mà không hay” rồi nhảy xổ vào tên lính đang tra tấn vợ con anh chỉ bằng đôi tay trần. Lúc đó, có lẽ Tnú chẳng còn một suy nghĩ gì khác trong đầu, chẳng còn nhớ tới vũ khí hay bất cứ gì khác, anh chỉ biết một điều đang hừng hực trong tâm trí là sự quyết tâm cứu sống Mai và con dù có phải hy sinh cả thân mình.

Tnú – người con của núi rừng Tây Nguyên nay, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp nhất của những con người nơi đây, là nóng cốt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là thế hệ thứ hai kế bước những truyền thống anh hùng của con người Tây Nguyên, của dân tộc Strá và của bản làng Xô Man. Miêu tả Tnú, Nguyễn Trung Thành cũng không quên thêm vào anh chất sử thi hùng tráng làm nên bản sắc của con người nơi đây.

Thế hệ thứ ba kế tiếp những thế hệ anh hùng nơi đây là Dít – em gái của Mai, vợ của Tnú. Cũng như Mai – chị của mình, Dít là một người con gái giác ngộ Cách mạng từ sớm. Chị đã kế tiếp bước chân của cụ Mết, của Tnú, của Mai, trở thành một cán bộ nòng cốt, thay thế Tnú lãnh đạo bản làng Xô Man này chống giặc. Cũng như Mai, như Tnú, Dít cũng trở thành một cô giao liên băng rừng mà nuôi giấu cán bộ. Đến ngày bị giặc bắt, một đứa trẻ mới mười tuổi như Dít phải chịu trói, chịu đứng giữa trời cho bọn giặc bắn súng dọa. Chúng không bắn thẳng vào Dít mà bắn xung quanh cô, “bắn từ từng từng viên một, không bắn trúng, chỉ bắn sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít”. Nó khóc thét lên khi từng viên đạn sượt qua, đối với một đứa trẻ mười tuổi thì trải nghiệm đó quá sức chịu đựng và thật phi thường. Thế nhưng, “đến viên thứ mười, nó chùi nước mắt, từ đó im bặt”, nó đứng yên cho từng viên đạn sượt qua. Có lẽ nỗi sợ hãi của con người ta khi đến một đỉnh điểm, nó sẽ trở thành sự chai lì sẽ khiến cho con người đó trở thành một kẻ không còn sợ hãi cái chết nữa. Và Dít đã được tôi luyện như vậy đấy! Sau này trưởng thành, Dít trở thành bí thư chi bộ xã, chính trị viên xã đội, lãnh đạo dân làng, cùng với dân làng chống giặc ngoại xâm. Dít là đại điện cho lớp thế hệ thứ ba, những người phụ nữ thanh niên ở quê hương tiếp nối nhưng truyền thống anh hùng và những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên.

Thế hệ tiếp nối thứ tư là bé Heng. Thằng bé mới còn nhỏ xíu, ấy thế mà đã trở thành người dẫn đường cho cán bộ và khách vào làng, đi qua những hố chống dày đặc. Heng là lớp cây xà nu con kế tiếp “như những mũi tên phóng thẳng lên bầu trời”, hứa hẹn một thế hệ kế tiếp đầy vững chắc. Nếu như rừng xà nu nối tiếp nhau bằng những cây con, ham ánh sáng, phát triển nhanh chóng thì những con người ở đây cũng lớp này thay lớp khác kế tiếp nhau tiếp nối truyền thống đánh giặc anh hùng của cha ông.

Rừng xà nu là câu chuyện về cả một tập thể những con người anh hùng, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia của núi rừng Tây Nguyên. Họ bộc lộ sự gan dạ, bộc lộ những phẩm chất anh hùng của mình như gan dạ, dũng cảm và hơn thế là tình yêu quê hương, yêu gia đình, Tổ quốc. Hình tượng rừng xà nu “nối tiếp nhau đến hút tận chân trời” cũng là nói về những con người nơi đây, thế hệ này kế cận thế hệ kia vươn lên mạnh mẽ. Họ là những thân xà nu hừng hực sức sống mãnh liệt, yêu tự do, sẵn sàng vươn lên dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù bom rơi đạn nổ ra sao.

Rừng xà nu là tác phẩm đánh dấu sự thành công của tác giả Nguyễn Trung Thanh. Ông đã xây dựng hình ảnh của cả một bản làng người dân tộc thiểu số cùng nhau đứng lên chống giặc với một cảm hứng sử thi bát ngát. Cùng với những biện pháp phóng đại, so sánh, liệt kê, ẩn dụ, ông đã thành công dựng lên hình tượng cây xà nu biểu tượng cho con người Tây Nguyên gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giọng văn hùng tráng, mang âm hưởng sử thi, ngôn tự giản dị, mộc mạc chính là những điều làm nên sự thành công cho tác phẩm Rừng xà nu.

Tác phẩm khép lại nhưng trong lòng chúng ta vẫn vang vọng mãi giai điệu tự hào. Tự hào về những con người Việt Nam gan dạ, kiên trung trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, yêu hơn quê hương, Tổ quốc của mình. Và một phần trong đó là sự biết ơn những thế hệ đi trước đã dũng cảm hy sinh máu xương để chúng ta có được nền độc lập hôm nay.

————————–HẾT—————————–

Trên đây là bài viết Cảm nhận về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, chúng ta có thể thấy được sự kiên trung, anh dũng của những con người núi rừng Tây Nguyên, đồng thời thấy được sức sống mạnh mẽ của những người con dân tộc Strá. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về tác phẩm Rừng xà nu thông qua các bài phân tích khác như Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu, Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu để hiểu rõ thêm về tác phẩm đặc sắc này.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-truyen-ngan-rung-xa-nu-cua-nguyen-trung-thanh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp