Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc

0
50
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc

cam nhan ve truyen ngan vi hanh cua nguyen ai quoc

Dàn ý, văn mẫu viết Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc hay, thu hút
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc

I. Dàn ý Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Ý nghĩa nhan đề:
– “Vi hành” chỉ việc làm có ý nghĩa tích cực, khi nhà vua chấp nhận rời xa cung cấm để hòa nhập vào cuộc sống trong dân gian để thấu hiểu được những bất công, những khổ cực của dân chúng.
– “vi hành” của Khải Định trong tác phẩm, ta lại nhận ra một sự châm biếm đầy sâu cay, Khải Định “vi hành” sang Pháp để ăn chơi hưởng thụ, một cách nhục nhã và đê hèn.
-Nhan đề tiếng Pháp mà dịch ra có nghĩa là “bí mật, không ai biết”, cho thấy sự lố bịch và đớn hèn của tên vua bù nhìn trên đất Pháp, những tưởng mình cao sang, nhưng cũng chỉ là trò tiêu khiển cho ngoại quốc.

b. Hình tượng Khải Định trong mắt cư dân Pháp:
– Câu chuyện đã mở ra bằng việc tác giả đặt ra một tình huống khá hài hước: Trên một chuyến tàu điện, khi có một cặp đôi trẻ người Pháp nhận nhầm tác giả là vua Khải Định, sau đó họ đưa ra những lời bình phẩm một cách “trần trụi” thậm chí có chút xấu tính vì tưởng nhân vật “tôi” không biết tiếng Pháp.
– Khải Định có bộ dáng thật kỳ quặc và hài hước:
+ Đầu thì đội cả một “cái đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn” quê mùa.
+ Khuôn mặt cũng không có gì gọi là sáng láng khi “mũi tẹt”, “mắt xếch”, “mặt bủng như vỏ chanh”.
+ Hành vi, điệu bộ thì lấm lét, sợ sệt, “nhút nhát”, “lúng túng”, trông chẳng khác nào một kẻ có ý đồ ăn trộm xấu xa.
+ Hai vị khách tếu táo còn có một sự suy luận hài hước vì cái vị khách mà họ đang nhìn trộm, khi nghĩ rằng hôm nay ông vua An Nam không trong đầy vàng bạc, trang sức, cùng với cái đèn chụp bởi lẽ ông ta vì túng tiền nên đã đem chúng tống hết vào tiệm cầm đồ.
+ Tinh quái khi nhận định rằng “hắn còn làm mình bật cười hơn nữa lúc hắn đeo lên người hắn đầy đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm”.
=> Vị vua An Nam so với những người dân An Nam khác chẳng có gì khác biệt và đáng chú ý, người Pháp không xem ông ta là vua, mà thay vào đó ông ta giống như một trò hề, một kẻ được đám nhà báo “săn đón”, tìm ra những trò lố bịch để đưa tin.

c. Hình tượng Khải Định trên góc nhìn của tác giả:
– So sánh với các cuộc vi hành của các vị vua nổi tiếng trong lịch sử từ phương Đông sang phương Tây, với vua Thuấn, vua Pi-e cải trang vi hành để trào phúng chuyến “vi hành” của Khải Định.
– Ông vua này cũng vi hành thật đấy, nhưng không phải trên mảnh đất quê hương, mà là ở đất Pháp, có lẽ là để nhìn xem “mẫu quốc” có được “sung sướng, có được uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài hay không”.
– Sự ngây ngốc, bất tài, vô dụng của Khải Định còn nằm ở việc ông ta ngu ngơ, yếu hèn ôm chân đế quốc vì sợ mất ngai vàng, cố bám víu để tiếp tục sống những ngày tháng cẩm y ngọc thực.
– Ông ta đã sống một cách nhục nhã, làm vua nhưng chỉ biết đến bản thân, để mặc cho nhân dân chịu cảnh lầm than với rượu, thuốc phiện, thuế sưu nặng nề.
– Chẳng hề biết rằng bản thân mình đang trở thành một tù nhân đặc biệt cần quản thúc và theo dõi chặt chẽ, khi được hẳn một đội mật thám “hộ giá” như hình với bóng, chỉ cần hề ông vua “da vàng” mất bóng một cái là họ lại nháo nhào lo lắng cho “an nguy” của vị vua đáng kính.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II.  Bài văn mẫu Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc

Bên cạnh một sự nghiệp chính trị, quân sự vẻ vang, vĩ đại, Hồ Chí Minh còn có một sự nghiệp văn chương đa dạng và phong phú với nhiều thể loại khác nhau. Có thể nói rằng trong suốt cuộc đời của Hồ Chủ tịch sự nghiệp thơ văn luôn gắn liền và phục vụ một cách tích cực và hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng lắm chông gai của Người. Những năm đầu làm cách mạng, Hồ Chí Minh còn buôn ba ở nước ngoài nhiều năm, với vai trò là một người An Nam yêu nước, dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc, Bác đã để lại khá nhiều tác phẩm đặc sắc với nội dung chủ yếu là châm biếm, phê phán và lên án mạnh mẽ chế độ thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai bù nhìn. Truyện ngắn Vi hành là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho đề tài này, khi kín đáo châm biếm sự nhu nhược hèn nhát của nhân vật vua Khải Định bằng giọng văn hài hước, thâm sâu. Đồng thời cũng thể hiện thái độ, tầm nhìn của Hồ Chí Minh giai đoạn đương thời.

Sự châm biếm đã bắt đầu từ nhan đề “Vi hành”, do nhà xuất bản đặt, vốn dĩ đây là một từ chỉ việc làm có ý nghĩa tích cực, khi nhà vua chấp nhận rời xa cung cấm và lối sống xa hoa của mình để hòa nhập vào cuộc sống trong dân gian, tìm tòi, quan sát đời sống nhân dân, thấu hiểu được những bất công, những khổ cực của dân chúng để tìm cách cải thiện khắc phục. Có thể nói rằng “vi hành” là việc làm của đấng minh quân sáng suốt, có tấm lòng độ lượng vị tha. Tuy nhiên khi soi chiếu vào cách “vi hành” của Khải Định trong tác phẩm, ta lại nhận ra một sự châm biếm đầy sâu cay, Khải Định “vi hành” sang Pháp, nào có phải để tìm hiểu đời sống nhân dân, rõ ràng là chuồn sang ấy để ăn chơi hưởng thụ, thì làm sao xứng với mấy chữ “vi hành”. Sự châm biếm không chỉ dừng lại ở nhan đề tiếng Việt, mà nó còn bộc lộ rất rõ ràng thông qua nhan đề tiếng Pháp mà dịch ra có nghĩa là “bí mật, không ai biết”, cho thấy sự lố bịch và đớn hèn của tên vua bù nhìn trên đất Pháp, những tưởng mình cao sang, nhưng cũng chỉ là trò tiêu khiển cho ngoại quốc.

Câu chuyện đã mở ra bằng việc tác giả đặt ra một tình huống khá hài hước, tác giả đã phác họa được một bức chân dung sống động và khách quan về nhân vật chính của truyện ngắn – vua Khải Định. Câu chuyện xảy ra trên một chuyến tàu điện, khi có một cặp đôi trẻ người Pháp nhận nhầm tác giả là vua Khải Định, sau đó họ đã liên tục lén lút quan sát vị khách An Nam bằng những cái nhìn “ngấu nghiến” và một cặp mắt “ma mãnh và tò mò” đồng thời đưa ra những lời bình phẩm một cách “trần trụi” không ngại ngùng, thậm chí có chút xấu tính vì tưởng nhân vật “tôi” không biết tiếng Pháp. Chính vì vậy nhân vật Khải Định đã hiện lên với một góc nhìn rất khách quan và mới lạ, góc nhìn của những người dân Pháp. Đó là một con người có bộ dáng thật kỳ quặc và hài hước trong cuộc bàn tán của cặp đôi trẻ, mà theo họ tưởng tượng thì Khải Định đầu thì đội cả một “cái đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn” quê mùa, kiểu trưởng giả học làm sang. Khuôn mặt cũng không có gì gọi là sáng láng khi “mũi tẹt”, “mắt xếch”, “mặt bủng như vỏ chanh”. Hành vi, điệu bộ thì lấm lét, sợ sệt, “nhút nhát”, “lúng túng”, trông chẳng khác nào một kẻ có ý đồ ăn trộm xấu xa. Thậm chí hai vị khách tếu táo còn có một sự suy luận hài hước vì cái vị khách mà họ đang nhìn trộm, khi nghĩ rằng hôm nay ông vua An Nam không trong đầy vàng bạc, trang sức, cùng với cái đèn chụp bởi lẽ ông ta vì túng tiền nên đã đem chúng tống hết vào tiệm cầm đồ rồi. Đặc biệt cô gái còn tinh quái khi nhận định rằng “hắn còn làm mình bật cười hơn nữa lúc hắn đeo lên người hắn đầy đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm”. Rõ ràng trong mắt hai vị khách nước ngoài, đại diện cho cả một dân tộc Pháp, vị vua An Nam so với những người dân An Nam khác chẳng có gì khác biệt và đáng chú ý, mà có lẽ ông ta chỉ trở nên thu hút tầm nhìn hơn khi ở cái bộ dạng mũ mão, trang sức quấn đầy người chẳng khác nào một tên hề làm xiếc mạt hạng nhất ở phố Paris. Khải Định đã bệ vệ đứng trên đất Pháp với tư cách của một ông vua, nhưng hiển nhiên rằng trong cuộc nói chuyện của cặp đôi trẻ, thì người Pháp không xem ông ta là vua, mà thay vào đó ông ta giống như một trò hề, một kẻ được đám nhà báo “săn đón”, tìm ra những trò lố bịch để đưa tin. Thậm chí một cách đáng buồn Khải Định trên đất Pháp còn chẳng bằng được một tên hề Sác-lô, bởi lẽ muốn xem Sác-lô biểu diễn phải có tiền, còn Khải Định thì đã nghiễm nhiên diễn cho dân Pháp những vở kịch hài hước, lố bịch mà không kể một công nào. Một ông vua trong tầm mắt của “mẫu quốc” mà ông ta tận tụy lại trở nên rẻ rúng, yếu hèn, không khác nào một con rối bị người ta giật dây sai khiến, còn gì nhục nhã và đáng buồn hơn cho nhân dân An Nam nữa.

Đó là hình tượng Khải Định trong mắt người dân “mẫu quốc”, trên góc nhìn của tác giả, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu suy nghĩ về cuộc “vi hành” kỳ dị của Khải Định. So sánh với các cuộc vi hành của các vị vua nổi tiếng trong lịch sử từ phương Đông sang phương Tây, với vua Thuấn, vua Pi-e cải trang vi hành để thâm nhập vào đời sống nhân dân, thấu hiểu được những nỗi khổ cực của họ, để về thay đổi chính sách an dân. Còn ngày nay Việt Nam có vua Khải Định cũng “vi hành” đấy, thế nhưng đó chỉ là cái cách để ông ta trốn đi ăn chơi, hưởng thụ, và làm ti tỉ những việc riêng tư cho mẫu quốc, chứ biết gì đến nhân dân. Không chỉ vậy, xấu hổ hơn là cái bộ dáng khúm núm sợ sệt của ngài đã làm toàn thể nhân dân và đất nước An Nam chịu nhục nhã. Sự trào phúng và châm biếm Khải Định không chỉ ở việc so sánh sự “vi hành” của nhân vật với cổ nhân, mà còn nằm ở những liên tưởng, suy diễn đầy sâu cay của tác giả về chuyến đi này của Khải Định. Ông vua này cũng vi hành thật đấy, nhưng không phải trên mảnh đất quê hương, mà là ở đất Pháp, có lẽ là để nhìn xem “mẫu quốc” có được “sung sướng, có được uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài hay không”, hoặc cũng có lẽ là để hưởng cái đặc quyền của những cậu ấm cô chiêu, sống dưới cái đặc quyền được đãi ngộ bằng lụa là gấm vóc, nhưng vô tích sự và hèn nhát chăng. Sự ngây ngốc, bất tài, vô dụng của Khải Định còn nằm ở việc ông ta ngu ngơ, yếu hèn ôm chân đế quốc vì sợ mất ngai vàng, cố bám víu để tiếp tục sống những ngày tháng cẩm y ngọc thực. Đồng thời vẫn ảo tưởng, nghĩ bản thân cao quý, sang trọng, nhưng thực tế thì trong mắt con dân đế quốc ông ta hay bất cứ một người An Nam nào cũng giống nhau, thậm chí Khải Định còn trở thành một tên hề, một kẻ mua vui mạt hạng. Ông ta đã sống một cách nhục nhã, làm vua nhưng chỉ biết đến bản thân, để mặc cho nhân dân chịu cảnh lầm than với rượu, thuốc phiện, thuế sưu nặng nề. Đồng thời cũng chẳng hề biết rằng bản thân mình đang trở thành một tù nhân đặc biệt cần quản thúc và theo dõi chặt chẽ, khi được hẳn một đội mật thám “hộ giá” như hình với bóng, chỉ cần hề ông vua “da vàng” mất bóng một cái là họ lại nháo nhào lo lắng cho “an nguy” của vị vua đáng kính. Điều đó đã khiến cho những người dân An Nam cũng được hưởng lây chút đặc quyền của Khải Định, cũng được “hộ giá” kỹ càng như một nhà vua chân chính. Nực cười làm sao cho một kẻ bị bám đuôi, bị cầm tù mà vẫn ung dung sống thảnh thơi, đường hoàng hưởng thụ.

Truyện ngắn Vi hành là một truyện ngắn với kết cấu đặc sắc, tuy cốt truyện đơn giản nhưng cách xây dựng nhân vật trên cả hai góc nhìn khách quan và chủ quan đã làm nổi bật và tăng chiều sâu cho nội dung của truyện. Bằng ngòi bút sâu cay, thâm thúy Nguyễn Ái Quốc đã phê phán và trào phúng mạnh mẽ nhân vật Khải Định, kẻ đại diện cho cả một bộ máy chính quyền phong kiến thối nát với các đặc điểm hèn nhát, nhu nhược, ngu muội, ham vinh hoa phú quý, ôm chân “mẫu quốc” để sống hưởng thụ, mặc cho nhân dân đói khổ.

————— HẾT—————

Bài viết Cảm nhận về truyện ngắn Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc chính là sự mỉa mai, châm biếm của tác giả với vị vua bù nhìn Khải Định. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo các bài viết Phân tích nhân vật Khải Định trong truyện ngắn Vi hành, Soạn bài Vi hành, Dàn ý nghệ thuật châm biếm đả kích trong vi hành, Nghệ thuật châm biếm đả kích trong vi hành,…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-truyen-ngan-vi-hanh-cua-nguyen-ai-quoc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp