Cảm nhận về truyện Ông già và biển cả

0
72
Rate this post

Đề bài: Nêu cảm nhận của anh/chị sau khi đọc đoạn trích truyện “Ông già và biển cả” của nhà văn Hê-minh-uê.

***

Bài văn đạt điểm cao của học sinh lớp 12 THPT Phan Chu Trinh cảm nhận về truyện Ông già và biển cả

Hê-minh-uê (1899 – 1961) là nhà văn Mỹ, được giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1954. Vốn là phóng viên từng tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, Hê-minh-uê để lại dấu ấn sâu sắc trên mảng đề tài: Những cuộc săn bắt thú, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả, … là những tác phẩm của Hê-minh-uê được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Bạn đang xem: Cảm nhận về truyện Ông già và biển cả

Ông già và biển cả” là một truyện vừa, kể lại chuyên ông chài Xan-chi-a-gô trong một chuyến ra khơi may mắn đã đánh bắt được một con cá kiếm khổng lồ. Khi giong thuyền đưa cá về bến thì bị đàn cá mập đuổi theo; lão đã dùng mái chèo, dùng chày chống trả dữ dội. Thuyền cập bến, lão thiếp đi trong căn lều nhỏ. Du khách xúm quanh con thuyền ngắm nhìn con cá kiếm chi còn lại bộ xương với cái đuôi tuyệt đẹp.

Bước sang ngày thứ ba, khi mặt trời đang mọc thì con cá kiếm mắc câu đang lượn vòng vùng vẫy. Trước cái chết, con cá lượn vòng, làm căng sợi dây câu; con cá “quay tròn” tạo nên những “vòng tròn rất lớn”. Xan-chi-a-gô phải “dùng cả hai tay, lắc người, dốc hết lực của cả cơ thể, của chân trụ ra mà kéo”. Có lúc lão “phải dốc sức ra mà níu”, quyết “khuất phục” con mồi. Hai giờ sau, khi con cá “chậm rãi lượn vòng”, các vòng tròn lượn cứa nó “đã hẹp hơn nhiều” con cá đang ngoi dần lên trong lúc bơi, thì lão chài “mồ hôi ướt đẫm… mệt thấu xương”. Mọi cái giá của lao động đối với người câu cá trên biển cả, lúc này, lão chài mới thật thấm thía: hoa mắt, mồ hôi xát muối vào mắt và trán, chóng mặt, choáng váng… “khiến lão sợ”. Lão muốn đọc một trăm lần kinh lậy Cha và một trăm lần kinh Mừng Đức Mẹ để cầu mong “Chúa giúp…chịu đựng”.

Khi con cá “quật đột ngột” làm cho sợi dây nẩy mạnh, hình như nó đau quá “cuồng lên”, lão chài bèn vốc ít nước biển vỗ lên đầu mình, rồi tì gối vào mũi thuyền, quàng sợi dây lên lưng, lão tự nhủ mình “đứng dậy chiến đấu”.

Biển dậy sóng, gió mậu dịch nổi lên. Con cá lượn vòng, lúc ở mũi thuyền, lúc ở đuôi thuyền, mãi đến vòng thứ ba, lần đầu tiên lão nhìn thấy con cá. Thoạt tiên thấy “một cái bóng đen” lão thắc mắc hỏi: “Nó không thể lớn như thế được”. Nhưng khi con cá trồi lên, lão ngạc nhiên thấy: “Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẳm”. Khi nó lặn xuống còn mấp mé mặt nước, ông chài chăm chú nhìn “thân hình đồ sộ và những sọc màu tía trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xoè rộng”.

Cuộc đấu giữa người và cá cứ diễn ra giằng co mãi. Cá mỗi lúc một đuối sức dần, nhưng vẫn cố vùng vẫy. Lão chài “toát mồ hôi” tự động viên mình: “Hãy bình tĩnh và giữ sức, lão già ạ”. Nhìn thấy lưng con cá đã nhô lên, nhìn thấy cái đuôi đồ sộ cử động, con cá “khẽ nghiêng mình”, lão vừa ra sức kéo con cá vào gần thuyền vừa nói: “Ta đã di chuyển được nó… Ta đã di chuyển được nó rồi”. Một mình giữa biển cả mênh mông, như muốn xua đi nỗi cô đơn, lão “tâm sự” với tay, với chân, với đầu của mình: “Kéo đi, tay ơi… Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu à.  Hãy tỉnh táo vì tao. Bọn mày chưa bao giờ bại trận. Lần này ta sẽ lật được nó”.

Con cá kiếm không chỉ là “đối tượng” săn bắt, không chỉ là giằng co, mà còn là “bạn”, là “người anh em” đối với lão chài. Trước lúc phóng lao, khi miệng “khô khốc”, mệt nhoài,  khi đã “đuối sức”, lão nói với con cá kiếm bằng tất cả tâm tình: “Mày đang giết tao, cá à… Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ. Hãy đến và giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai”…

Cái gì đến thì nhất định sẽ đến. Con cá kiếm mỗi giờ một đuối sức dần. Lúc thì nó “rướn thẳng mình”, lúc thì nó “chầm chậm bơi xa” cái đuôi đồ sộ “lắc lư trong không trung”, lúc thì nó “bơi nghiêng”, mõm gần chạm tới mạn thuyền trong “cơn hấp hối”. Lão chài buông sợi dây xuống, giẫm chân giữ, nhấc cao ngọn lao, vận hết sức bình sinh phóng lao xuống sườn con cá, ngay sau cái ngực đồ sộ của nó. Con cá kiếm bị trúng lao “rơi sầm xuống làm nước bắn tung trùm cả ông lão và con thuyền”. Đôi tay lão chài “xây xát”; còn con cá “nằm ngửa phơi bụng ánh bạc của nó lên trời”. Biển đổi màu “bởi máu đỏ loang từ tim cá”, làn máu đen sẫm loang ra trong làn nước biếc sâu hơn ngàn thước, tựa đám mây. Trên mặt biển, “con cá trắng bạc và thẳng dơ bồng bềnh theo sóng”.

Thành quả lao động đã nắm trong tay, trận đấu đã kết thúc, khi mặt trời đã xế trưa. Khát, đói và mệt rã rời. Lao chài phải lấy dây và thòng lọng buộc cá vào cái mấu đằng mũi thuyền, chuẩn bị dựng cột, giong thuyền trở về. Lão say sưa ngắm con cá kiếm: “Da cá chuyển từ màu gốc, màu tía ánh bạc, sang màu trắng bạc và những cái sọc phô cùng màu tím nhạt… còn mắt nó dửng dưng như những tấm kính trong kính viễn vọng hay như một vị Thánh trong đám rước”.

Giờ đây, lão chài cảm thấy “khoẻ hơn”, đầu óc “tỉnh táo”. Lão nhìn con cá hơn nửa tấn, nhẩm số tiền bán cá sẽ thu được với giá ba mươi cend một pound. Lão vui sướng tự hào nghĩ “Di Maggio vĩ đại sẽ về ta hôm nay”. Còn có niềm vui sướng, hạnh phúc nào to lớn hơn niềm vui sướng hạnh phúc của lão chài khi chuẩn bị giong thuyền đưa cá về bến? Đó là cái giá và ý nghĩa của lao động.

Bữa cơm trưa của lão chài giữa biển khơi tuy đơn sơ mà ngon lành. Toàn đồ tươi sống của hương vị biển. Lão chài bắt vội được hơn mười con tôm nhỏ, lão “rứt đầu rồi nhai gọn cả vỏ lẫn đuôi”. Uống vài ngụm nước còn lại trong chai, lão cảm thấy thật dễ chịu. Lão nghĩ đến chuyện lấy nước mặn chữa lành đôi tay chảy máu. Nhìn đám mây tích và dải mây tơ, lao giong thuyên êm xuôi về bến trong làn gió nhẹ.

Nghệ thuật miêu tả và tự sự của Hê-minh-uê còn ít nhiều làm chúng ta “bỡ ngỡ” nhất là sự đan cài lời độc thoại, độc thoại nội tâm với lời kể. Qua đoạn trích, hình ảnh lão chài và con cá kiếm khổng lồ đã để lại cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc. Lao động thật sự là bài ca của lòng kiên nhẫn và tinh thần dũng cảm. Lao động đem đến cho con người bao niềm vui giữa thiên nhiên và biển cả bao la. Chính cái giá của lao động mới làm cho chúng ta thấy rõ hơn ý nghĩa về hạnh phúc mà do bàn tay sáng tạo và lòng dũng cảm đem lại.

Các nhà lí luận thường nói đến “tảng băng trôi” ý nghĩa hàm ẩn trong tác phẩm của Hê-minh-uê. “Ông già và biển cả” đem đến vinh dự giải thưởng Pu-lit-ze (1953) cho tác giả, nó là một ẩn dụ ca ngợi ý chí, tính kiên nhẫn, sức mạnh và lòng dũng cảm của con người trong lao động và khám phá thiên nhiên. Nó đã khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta bao ý nghĩ tốt đẹp về con người và lao động, về con người và thiên nhiên.

Top 2 bài văn mẫu hay nhất phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Ông già và biển cả

Bài văn mẫu số 1:

Hê-ming-uê là một nhà văn Mĩ nổi tiếng, văn phong của ông giản dị, trong sáng, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về thế giới tự nhiên và con người. Một trong các tác phẩm nổi tiếng của ông là tiểu thuyết “Ông già và biển cả”, đây là một bản anh hùng ca ca ngợi con người và sức lao động của con người “Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”. Trong tác phẩm, nổi bật nhất là đoạn trích miêu tả trận chiến của Xan-chi-a-gô với con cá kiếm hung dữ để chinh phục được nó.

Tác phẩm kể về lão chài Xan-chi-a-go thường ra vùng biển nóng đánh cá. Ông theo đuổi khát vọng chinh phục được con cá lớn xứng đáng với tài nghệ của mình, nhằm khẳng định ý nghĩa của tồn tại. Suốt 84 ngày đêm ra khơi, ông chẳng câu được con cá nào. Lần này ông lại ra biển, đưa thuyền đến tận vùng Giếng lớn – nơi có nhiều cá nhất. Buông câu từ sáng sớm mãi đến non trưa, phao câu mới động đậy. Một con cá kiếm khổng lồ mắc câu và kéo chiếc thuyền của ông ra tận khơi xa. Dũng cảm chịu đựng và đương đầu với con cá suốt 3 ngày đêm, bàn tay bị dây câu cứa rách nát ứa máu, không một mẩu bánh mì bỏ bụng, chân tay tê dại, tuy nhiên, ông lão nhất định không bỏ cuộc. Sáng ngày thứ 3, con cá đuối dần, lão chài dùng lao đâm chết cá, buộc con cá vào đuôi thuyền, hân hoan trở về bến. Trên đường về, đàn cá mập đuổi theo chiếc thuyền, xông vào đớp và rỉa con cá kiếm. Lão chài dùng mái chèo quật tới tấp vào đàn cá dữ trong đêm tối nhưng khi lão chài về bến con cá chỉ còn lại bộ xương. Lão nằm vật ra lều và ngủ thiếp đi “mơ thấy đàn sư tử”.

Tác giả miêu tả vẻ ngoài con cá kiếm cực lớn “một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó”, rồi khi nó nổi lên, cái đuôi nhô khỏi mặt nước thì “cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm”. Thân hình và cái đuôi con cá thì đồ sộ với “bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”, nó trông điềm tĩnh và tuyệt đẹp. Con cá kiếm giữ cho mình một phong độ hiên ngang ngay cả khi đã đuối sức. Ngay cả cái chết của con cá kiếm cũng được miêu tả một cách oai hùng và nhanh đến bất ngờ, dường như ngay cả nó cũng chưa kịp nhận ra cái chết đã ập tới. Có thể nói, con cá kiếm toát lên một sức mạnh ghê ghớm và sự oai phong, đĩnh đạc.

Ông lão vừa yêu quý con cá (lão gọi nó là người anh em) nhưng đồng thời lại xem nó là một địch thủ mà ông quyết tâm phải giết cho bằng được. Đây là một trạng thái tâm lý hết sức phức tạp nhưng có thể lý giải được của ông lão. Xanchiago làm nghề câu cá, sau bao nhiêu thất bại trong 84 ngày qua, con cá đối với ông bây giờ là mục tiêu bắt buộc phải chinh phục vì danh dự của mình. Nhưng trong cuộc chinh phục đó, con cá kiếm lại bộc lộ những phẩm chất cao quý mà con người cần có, nó không lồng lên làm đắm thuyền, không lặn sâu xuống biển làm đứt dây câu mà chấp nhận một cuộc đấu sức sằng phẳng là mải miết kéo ông lão ra khơi xa. Ông lão rất khâm phục hành động đó của con cá kiếm, ông đã thốt lên “Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ!” Đây chính là một trận chiến không cân sức, bởi con cá kiếm vừa to lớn, khổng lồ, vừa có một sức mạnh ghê gớm và sự oai hùng, đĩnh đạc. Trong khi đó, ông lão chỉ có một mình, giữa đại dương mênh mông, nhưng với bàn tay điêu luyện và niềm tin, ý chí, nghị lực, ông đã chiến thắng cả sức mạnh của tự nhiên. Dù trong hoàn cảnh cam go, đối đầu với bao khó khăn thử thách, ông lão vẫn vững tin vào con người và chính mình. Xanchiago hiện lên như một dũng sĩ ngoan cường, người quyết tâm theo đuổi khát vọng lớn lao là bắt được con cá lớn xứng đáng với tài nghệ của mình. Ông lão đã thể hiện được điều mà ông lão tôn thờ: “Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”. Lão đã khẳng định được niềm tin và sức mạnh, khả năng tồn tại của con người trước sức mạnh của tự nhiên. Lão tin chắc rằng mình sẽ giết được con cá kiếm khổng lồ, tin rằng “ta sẽ có nó”, “tao sẽ tóm mày ở đường lượn”,.. và ông đã nói với con cá “cá ơi cá, đằng nào mà mày cũng phải chết mà thôi”. Như vậy, niềm tin đã giúp ông lão nuôi vững quyết tâm chinh phục con cá khổng lồ. Nó được biểu hiện cụ thể qua ý chí, nghị lực của Xanchiago.

Cuộc chiến đấu và chinh phục được cá kiếm thể hiện tài nghệ, ý chí và nghị lực của ông lão Xanchiago. Đồng thời đoạn trích còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Hê-ming-uê: Niềm tin bất diệt vào con người: con người luôn dũng cảm đấu tranh, luôn theo đuổi khát vọng nhưng cũng tỉnh táo ý thức được giới hạn của mình.

Bài văn mẫu số 2​​​​​​​:

Hê-minh-uê sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại một tiểu bang nước Mĩ. Ông là người đề xướng và trung thành với nguyên lí tảng băng trôi trong sáng tác văn học. Ông là tác giả của hàng loạt tác phẩm xuất sắc như Giã từ quá khứ, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả. Trong đó tác phẩm Ông già và biển cả tạo được rất nhiều tiếng vang và được coi là kiệt tác văn chương của thế giới. Tác phẩm thể hiện tinh thần bất diệt và ý chí niềm tin, nghị lực của con người, chuyển tải thông điệp nổi tiếng của Hê-minh-uê: Con người ta sinh ra không phải để dành cho thất bại, con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bi.

Tác phẩm nói về ông lão Xan-chi-a-go đánh cá ở vùng nhiệt lưu, nhưng đã lâu không kiếm được con cá nào. Đêm ngày ông mơ về thời trai trẻ với tiếng sóng gào, hương vị biển, những con tàu và cả những đàn sư tử. Trong một lần ra biển khi ông thả mồi, một con cá lớn tình khí kì quặc mắc mồi. Đây là một con cá kiếm to lớn mà ông hằng mong ước. Sau cuộc vật lộn cực kì căng thẳng ông đã giết được con cá. Nhưng lúc ông quay và bờ thì từng đàn cá mập hung dữ đuổi theo rỉa thịt con cá kiếm và ông đã phải đơn độc chiến đấu đến kiệt sức. Tuy vậy ông vẫn nghĩ ”không ai cô đơn nơi biển cả”. Khi ông già mệt mỏi quay vào bờ thì con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương.

Trong tác phẩm nổi lên hình ảnh ông già Xanchiago và hình ảnh con cá kiếm. Khi ông lão thả câu và nói chuyện với chim trời và biển thì một con cá kiếm mắc câu và bắt đầu với những vòng lượn “vòng tròn lớn” “con cá đã bắt đầu quay tròn” nhưng con cá vẫn chậm rãi lượn vòng. Những vòng tròn được nhắc đến ngay từ khi con cá mắc câu cho ta thấy con cá rất ngoan cường chống trọi một cách hung dữ dù sự sống có thể không còn bao lâu khi nó đã mắc câu. Đó là những cố gắng cuối cùng của con cá để thoát kéo sự bủa vây níu kéo của người đánh cá. Ta thấy được vẻ đẹp hùng dũng mạnh mẽ và ngoan cường của con cá trong cuộc chiến một đấu một này. Nó kiên cường dũng cảm không kém so với đối thủ của mình. Lúc đầu thu dây để con cá không quay vòng, ông còn sức để “ lách vai và đầu ra khỏi sợi dây, liên tục kéo nhẹ nhàng”. Ông lão trong hoàn cảnh đơn độc đó “ hoa mắt”, “mệt đến thấu xương” nhưng vẫn kiên nhẫn vừa thông cảm cho con cá vừa vì cuộc sống mưu sinh nên phải khuất phục nó. Nhưng rồi ông cứ phải ra sức để kéo sợi dây buộc cho con cá khỏi quay vòng, ông thấy sức lực suy kiệt nhanh chóng. Ông thấy “mồ hôi như xát muối lên vết cắt phía trên vai và trán.”

Cuộc chiến đấu đã đến chặng cuối hết sức căng thẳng nhưng cũng hết sức đẹp đẽ. Hai đối thủ đều dồn sức tấn công và dồn sức chống trả. Cảm thấy hoa mắt choáng váng nhưng ông lão vẫn hết sức kiên cường “ta không thể tự chơi xỏ mình và chết trước một con cá như thế này được” lão nói. Ông lão cảm thấy một cú quật đột ngột và cú này mạnh ở sợi dây mà lão đang kéo bằng cả hai tay. Lão biết con cá cũng đang ngoan cường chống trả và lão biết con cá sẽ nhảy lên, lão mong con cá sẽ không nhảy lên lão nói “đừng nhảy, cá”, lão nói đừng nhảy nhưng lão cũng biết con cá sẽ nhảy lên bởi một cú nhảy sẽ giúp nó thở không khí. Ông mong con cá không nhảy và cầu chúa bằng cách hứa “ta sẽ đọc một trăm lần kinh lạy cha và một trăm lần kinh Mừng Đức Mẹ. Ông lão nương vào giỏ chờ “lượt tới nó lượn ra ta sẽ nghỉ”. Đến vòng thứ ba ông lão lần đầu tiên thấy con cá, lão không thể tin vào độ dài của con cá “không” ông lão nói “nó không thể lớn như thế được”. Những vòng lượn của con cá đã yếu dần, nó đã yếu đi nhưng cũng không hề khuất phục, lão nghĩ “tao chưa thấy bất kì ai bình tĩnh duyên dáng cao thượng hơn mày, cá ạ”. Ông lão cũng đã rất mệt mỏi và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng ông vẫn luôn nhủ “mình có thể cố thêm lần nữa”. Dồn hết sức lực cuối cùng và lòng kiêu hãnh để lão mang ra đối trọi với cơn hấp hối của con cá. Ông lão nhấc ngọn lao phóng xuống sườn con cá và “cảm thấy mũi sắt đâm phập vào lão tì người lên ấn sâu và dồn hết trọng lực lên cán dao”. Đây là đòn đánh cuối cùng để tiêu diệt con cá. Lão rất tiếc khi phải giết nó nhưng vẫn phải giết nó “khi ấy con cá mang cái chết trong người sực tỉnh phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ vẻ đẹp và sức lực của nó. Cái chết của con cá cũng bộc lộ vẻ đẹp kiêu dũng và hiếm thấy, cả con cá và ông lão đều là kì phùng địch thủ. Họ xứng đáng là đối thủ của nhau. Theo mạch trần thuật người đọc thấy được trận chiến mỗi lúc một cam go và ta có lúc tưởng chừng như ông lão mất cá khi mà sức lực của ông mỗi lúc một cạn dần. Và cuối cùng ông lão đã chiến thắng một chiến thắng vinh danh ý chí và sức mạnh của con người. Cuộc chiến đấu gian nan với biết bao thử thách đau đớn đã tôn vinh biết bao vẻ đẹp ngoan cường của người lao động: kiên cường dũng cảm thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Cuộc đối đầu giữa ông lão và con cá kiếm cho ta thấy sự cảm nhận của ông lão đối với con cá kiếm không chỉ dừng lại ở mức độ của một người đi săn đối với một con mồi mà cao hơn nữa là sự cảm thông bộc lộ ở những lời đối thoại của ông lão đối với con cá. Những lời lẽ và ý nghĩ này đã biến con cá trở thành một nhân vật có linh hồn. Những đối thoại mối quan hệ giữa con cá và ông lão là mối quan hệ giữa người đi câu với con cá câu được; quan hệ giữa hai kì phùng địch thủ cân sức ngang tài, cân sức cân tài, cả hai đều phải nỗ lực hết mình và còn là quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong quan hệ với con người thiên nhiên vừa là bạn lại vừa là đối thủ. Con cá kiếm mang vẻ đẹp biểu tượng của thiên nhiên kiêu hùng kì vĩ đồng thời mang biểu tượng của ước mơ khát vọng kì vọng, mục đích cao đẹp mà con người theo đuổi để đạt được. Ước mơ tuy giản dị nhưng mang tầm vóc lí tưởng bởi đó là khát vọng của mỗi cuộc đời. Đó là nhân vật đặc biệt hiện lên với vẻ đẹp cao thượng và oai hùng khiến ông lão thán phục và ngưỡng mộ. Cuộc chiến đấu của ngư phủ có ý nghĩa đó là hành trình chiến đấu vô cùng gian khổ và khắc nghiệt đầy hiểm nguy để thực hiện ước mơ mục đích ý tưởng mà mình đang theo đuổi. Sự chiến thắng của ông lão không phải là do sức mạnh từ cơ bắp mà là sức mạnh từ ý chí nghị lực bản lĩnh kiên cường để chiến đấu “con người có thể bị hủy diệt nhưng không bao giờ bị đánh bại” đó là câu nói mà ông lão tự động viên mình trong cuộc chiến đang diễn ra gay cấn. Câu nói ấy thể hiện một ý chí ngoan cường một tinh thần kiêu hãnh của con người trước mọi khó khăn thử thách.

Hình ảnh con cá kiếm được phát biểu trực tiếp qua ngôn từ của người kể chuyện đặc biệt là qua những lời trò chuyện của ông lão với con cá ta thấy ông lão coi nó như một con người. Chính thái độ đặc biệt khác thường này đã biến con cá trở thành nhân vật chính thứ hai ngang hàng ông lão. Bên cạnh đó thái độ của ông lão đối với con cá kiếm cũng khiến chúng ta ngỡ ngàng khi ông gọi nó là người anh em cho thấy ông không hề coi nó là kẻ thù của mình. Con cá vừa là đối tượng chinh phục lạ vừa là người anh em của lão.

Hình ảnh cuối cùng của con cá kiếm khi chưa bị chiếm lĩnh là một hình ảnh thăng hoa và tỏa sáng trước khi chết “khi ấy con cá mang cái chết trong người sực tỉnh phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ vẻ đẹp và sức lực của nó” một vẻ đẹp thật hùng vĩ ngoạn mục giữa trời biển mênh mông. Nó chính là biểu tượng ước mơ mà ông lão muốn chinh phục. Hình ảnh con cá kiếm đã bị chiếm lĩnh là một hình ảnh khác hẳn “da cá chuyển từ màu gốc, màu tía ánh bạc sang màu trắng bạc và những cái sọc lớn hơn cả bàn tay người xòe rộng” một con cá của hiện thực khi ông lão đã chinh phục được. Từ ước mơ đến hiện thực nó không còn xa vời khó nắm bắt và vì thế nó cũng không còn đẹp đẽ huy hoàng như trước nữa. Đây chính là nguyên lí tảng băng trôi mà tác giả He-minh-uê đã ngầm nêu ra trong tác phẩm.

Tác phẩm cho ta thấy khâm phục trong cách viết của tác giả thật giản dị có lúc lỏng nhưng lại rất chặt. Văn của ông có nhiều khoảng trống, nhiều hình ảnh mang tính đa nghĩa sử dụng nhiều độc thoại nội tâm. Đoạn văn là tiêu biểu cho cách viết truyện của He-minh-uê: luôn đặt con người trước khó khăn thử thách. Con người phải vượt qua thử thách giới hạn của bản thân mình để vươn tới đạt được ước mơ hoài bão của mình. Hai hình tượng ông lão và con cá đều mang ý nghĩa biểu tượng gợi ra nhiều tầng nghĩa của tác phẩm. Đoạn văn tiêu biểu cho nguyên lý tảng băng trôi của Hê-minh-uê.

——————————————————————–

» Xem thêm bài văn mẫu:

  • Phân tích truyện Ông già và biển cả

  • Nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm Ông già và biển cả

Tham khảo và tuyển chọn những bài văn hay trình bày cảm nhận về nội dung tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê – Để học tốt Ngữ Văn lớp 12.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-truyen-ong-gia-va-bien-ca/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp