Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt

0
74
Rate this post

Đề bài: Sau khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí Phèo bảo với Thị Nở: “- Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11). Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12), sau khi đãi người đàn bà bốn bát bánh đúc, Tràng cười và nói với thị: “- Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những câu nói trên.

cam nhan ve y nghia cua nhung cau noi trong chi pheo va vo nhat

Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt

I. Dàn ý Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt
 

1. Mở bài

– Sơ lược về hai tác phẩm.
– Dẫn vào vấn đề cần cảm nhận.
 

2. Thân bài:

a. Lời cầu hôn của Chí Phèo: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”:

* Sơ lược về cuộc đời và bi kịch của Chí Phèo.

* Nguồn gốc và ý nghĩa của lời cầu hôn:
– Sự gặp gỡ của Chí Phèo và Thị Nở khiến Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu sau hơn 20 năm tàn tạ, đớn đau và say sỉn.
– Hắn nhận ra mình đã già, nghe thấy những âm thanh của sự sống khiến hắn thấy xót xa cho số phận của mình. Những ước mơ thuở trẻ sống dậy trong tâm hồn Chí, hắn sợ cô độc.
– Những điều đó chứng tỏ nhân tính của Chí Phèo đã được hồi sinh, hắn đã dần thức dậy những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp và lương thiện.
– Bát cháo hành đã cho Chí Phèo một niềm hy vọng vào việc Thị Nở sẽ đưa hắn trở về hòa nhập với cộng đồng, hắn sẽ được sống một cuộc đời bằng phẳng và lương thiện.
– Lời cầu hôn của Chí Phèo thể hiện những khao khát hạnh phúc nguyên thủy trong tâm hồn của mỗi con người, đối với riêng Chí Phèo là lòng khao khát được quay về làm người lương thiện.
– Lời cầu hôn của Chí Phèo đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm, đồng thời cũng chính là chất xúc tác khiến cho mạch truyện trở nên cao trào và có những bước ngoặt lớn, mở ra một hệ tư tưởng thấm đẫm tính hiện thực.

b. Lời cầu hôn của Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”:

* Sơ lược về cuộc đời và hoàn cảnh của Tràng:

* Ý nghĩa của lời cầu hôn:
– Thể hiện rất rõ ràng cái khát khao hạnh phúc sâu thẳm trong tâm hồn của nhân vật, Tràng ao ước có một người vợ, có một mái ấm gia đình. Đó dường như đã là bản năng nguyên thủy của con người mà cho dù cái màu xám xịt của đói nghèo đang bao trùm, thì thứ khao khát cháy bỏng ấy vẫn rực sáng như ngọn đuốc sưởi ấm lòng người giữa đêm đông lạnh giá.

– Làm thay đổi con người: Tràng trở nên có trách nhiệm hơn, thị trở nên hiền thục, đảm đang, bà cụ Tứ thấy yêu đời, vui vẻ => Ngôi nhà bừng sáng lên niềm hy vọng.
– Lời cầu hôn còn mở ra cho con người một lối thoát mới, khi thị gợi nhắc về lá cờ đỏ sao vàng.
– Câu nói của Tràng chính là mấu chốt tạo nên tình huống truyện độc đáo, để từ đó làm nổi bật chủ đề và tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt

Trong những truyện ngắn viết về người nông dân có lẽ giọng văn đau đớn và lạnh lùng nhất là của Nam Cao với Chí Phèo, đầm ấm tình người và chứa chan nhiều hy vọng về cuộc sống tốt đẹp nhất thì phải kể đến Kim Lân với tác phẩm Vợ nhặt. Nhưng dẫu có khác nhau về cách viết thì cả Nam Cao và Kim Lân đều có chung một tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh”, các tác giả đều rất để ý đến những biến chuyển trong tâm lý nhân vật, đặc biệt là tạo ra những bước ngoặt lớn đậm tính nhân văn trong cuộc đời của họ từ đó nêu bật lên tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Như cảnh sau khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị Nở, Chí Phèo nói với Thị Nở: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” (Chí Phèo – Nam Cao). Và trong Vợ nhặt của Kim Lân, sau khi đãi người đàn bà bốn bát bánh đúc, Tràng cười và nói với thị: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Cả hai câu nói đều có chung một mục đích, nhưng những ngụ ý mà tác giả muốn tỏ bày thông qua đó thì ở mỗi thiên truyện lại có nhiều điều cần phải suy ngẫm.

Chưa từng thấy nhân vật nào trong nền văn học Việt Nam lại bị vùi dập đến khốn khổ như Chí Phèo, hắn ta sống lương thiện bi kịch cũng ập đến mà hắn sống lưu manh thì bi kịch lại càng tiếp diễn nặng nề. Có thể nói rằng cuộc đời Chí Phèo chính là một chuỗi

Những bi kịch không hồi kết. Thuở nhỏ vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi lại ở cái lò gạch cũ rồi bị trao tay hết kẻ này người nọ, sau cùng thì lớn lên trong cái nôi của làng Vũ Đại. Bản tính của Chí vốn dĩ là lương thiện, năm 20 tuổi ấy hắn vẫn mơ ước một cuộc sống bình dị chồng cày, vợ dệt, nuôi lợn, mua đất, hắn lập chí làm ăn chân chính khi đi làm tá điền cho nhà Bá Kiến. Nhưng đời không để hắn được yên ổn thế, bà ba vợ Bá Kiến gian dâm với Bá Kiến máu ghen lồng lộn trong người đã đẩy Chí Phèo lương thiện vào cái nhà tù phong kiến thực dân, vào là là con người nhưng bước ra đã mất nửa nhân tính. Từ đó làng Vũ Đại ai cũng ghê sợ và xa lánh Chí Phèo, họ không muốn dính dáng tới một thằng lưu manh, nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ, cùng những tiếng chửi inh ỏi làng xóm. Chí Phèo đứng giữa một loạt các bi kịch bị tha hóa thành lưu manh, bị kẻ thù lừa bịp biến thành “con vật lạ”, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, ngày ngày bán rẻ nhân cách để sống tàn tạ với những ngày tháng đằng đẵng không biết tỉnh rượu là gì.

Sau những dòng văn đau đớn, lạnh lẽo về cuộc đời bất hạnh của Chí, cuối cùng Nam Cao cũng để cho hắn được ít ngày hạnh phúc. Thị Nở một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, hơn 30 tuổi mà vẫn ế chồng, bỗng xuất hiện trong cái cuộc đời gần như nát bấy của Chí Phèo, như một thiên thần, như một cơn mưa rào giữa mùa hạ, tưới lên cái tâm hồn vốn khô cạn hơn 20 chục năm ròng của Chí. Sau cái đêm kỳ lạ ấy, lần đầu tiên Chí Phèo tỉnh rượu, lần đầu tiên sau mấy chục năm trời Chí được nghe lại những âm thanh quen thuộc “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Thứ âm thanh ấy đã đem đến cho tâm hồn Chí Phèo những nỗi buồn thật xót xa “Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!”. Chí Phèo nhận ra rất nhiều thứ, hắn chợt nhận ra mình thế mà đã sống vất vưởng hơn 20 năm trời, hắn đã sang đến bên kia con dốc của cuộc đời, hắn thấy sợ rượu, hắn dường như đã “trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Cuối cùng, chốt lại một kẻ lưu manh, một con quỷ dữ như Chí thế mà lại biết buồn bã cho số phận mình, biết sợ cô độc. Điều đó chứng tỏ rằng lương tâm tưởng đã chết của Chí, cái thiên lương bị vùi dập hơn 20 năm của Chí đang được hồi sinh một cách thần kỳ. Cũng đồng nghĩa rằng trong lòng Chí Phèo đang sống lại những ký ức, những ước mơ thời trai trẻ, mong được sống lương thiện, có một gia đình chồng vợ hạnh phúc. Và giờ đây Chí Phèo nhận thức được sâu sắc rằng chỉ có Thị Nở mới có thể giúp hắn, cùng hắn thực hiện cái mơ ước đẹp đẽ ấy, hắn sẽ không còn cô độc, hắn sẽ lại có một cuộc đời lương thiện, Thị Nở sẽ đưa hắn về lại với cộng đồng. Sau bát cháo hành, cùng với sự quan tâm ấm áp mà Thị Nở dành cho mình, Chí Phèo lại càng hy vọng mãnh liệt về một cuộc đời tử tế thế nên hắn quyết tâm cầu hôn thị bằng câu nói: “Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Hắn yêu thị như một người đàn bà, rồi cũng yêu thị như mẹ, có thể nói rằng Thị Nở đã cho Chí Phèo tất cả những thứ tình cảm mà hắn hằng mong đợi trong hơn 40 cuộc đời. Trong mắt Chí giờ đây, thị dù có xấu tệ hại hơn nữa thì thị vẫn rất có duyên, bởi người ta vẫn thường ví “Trong mắt, tình nhân hóa Tây Thi” là có nguyên do. Lời cầu hôn có chút e dè, ngập ngừng thốt ra từ miệng Chí Phèo, khiến người ta thấy thật xót xa, có lẽ hắn bị từ chối lâu quá, bị bỏ rơi, bị xa lánh quá nhiều lần, cuộc đời chỉ toàn bi kịch, máu và nước mắt thế nên đến cả lời cầu hôn cũng mang biết bao nhiêu sợ hãi, bao nhiêu cớ sự. Hắn sợ lại bị từ chối, hắn sợ cái hy vọng mong manh về một cuộc đời hạnh phúc, lương thiện sẽ tan thành mây khói nếu như thị từ chối. Hắn còn cách nào nữa đây? May mắn thay thị đã đồng ý, nhưng cũng bất hạnh thay cái lời cầu hôn phấp phỏng của Chí lại dẫn Chí đến một bi kịch khủng khiếp khác – bi kịch bị từ chối quyền làm người, giáng vào tâm hồn tàn tạ của Chí Phèo một đòn chí mạng cuối cùng, khiến hắn hoàn toàn tuyệt vọng. Có thể nói rằng lời cầu hôn của Chí Phèo đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm, đồng thời cũng chính là chất xúc tác khiến cho mạch truyện trở nên cao trào và có những bước ngoặt lớn, mở ra một hệ tư tưởng thấm đẫm tính hiện thực, vốn là cái đích cuối mà Nam Cao nhắm đến.

Nếu như Chí Phèo mắc kẹt giữa những những bi kịch bị tha hóa, bị từ chối quyền làm người, thì Tràng, thị và cụ Tứ lại là những con người bị mắc kẹt trong cái nạn đói khủng khiếp những năm 44-45, người chết nhiều như ngả rạ, nay chết, mai chết, nói chung rồi cũng sẽ chết. Cái nạn đói kinh hoàng ấy là nỗi ám ảnh của cả một thế hệ những con người ở làng quê Việt Nam trước cách mạng. Thê thảm, tàn tạ đến thế nhưng bằng ngòi bút tài hoa của mình Kim Lân vẫn nhìn ra được sự ấm áp, cái ấm áp ấy đến từ tình cảm chân thành, bao dung mà con người dành cho nhau trong những năm tháng khốn khổ nhất. Tràng là một anh con trai xấu xí, nghèo xơ xác, làm nghề đẩy xe bò kiếm sống, nhà còn một người mẹ già, hoàn cảnh ấy thú thật khó mà cưu mang thêm được ai nữa. Thế nhưng khi thấy một người đàn bà “áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, Tràng lại chặc lưỡi, thương cảm nửa đùa nửa thật “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Có lẽ Tràng cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều như thế, chỉ tấm lòng lương thiện ẩn sâu trong tâm hồn của một người đàn ông nghèo khó thôi thúc Tràng phải giang đôi bàn tay ra với thị, cứu vớt thị khỏi cái nạn đói đang nuốt chửng từng con người một. Câu nói tưởng bông đùa ấy, thế nhưng lại thể hiện rất rõ ràng cái khát khao hạnh phúc sâu thẳm trong tâm hồn của nhân vật, Tràng ao ước có một người vợ, có một mái ấm gia đình. Đó dường như đã là bản năng nguyên thủy của con người mà cho dù cái màu xám xịt của đói nghèo đang bao trùm, thì thứ khao khát cháy bỏng ấy vẫn rực sáng như ngọn đuốc sưởi ấm lòng người giữa đêm đông lạnh giá. Câu nói đùa ấy, không chỉ giúp Tràng có một người vợ, mà còn cứu vớt cuộc đời long đong như rơm rác của thị, quan trọng hơn thế nữa là nó đã làm thay đổi cả một gia đình. Nó mang lại một không khí mới, đầy ắp niềm tin và hy vọng, Tràng từ một người vô tư, chẳng biết lo nghĩ thế mà sau đêm tân hôn lại thấy mình có trách nhiệm, thấy mình cần phải cố gắng chăm lo cho tổ ấm hơn nữa. Cuộc hôn nhân chóng vánh đã thổi vào tâm hồn Tràng một luồng gió mới có thể nói rằng đó là cơn gió xuân ấm áp khiến “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Còn với thị, sau đêm tân hôn có lẽ thị muốn trở thành một người vợ hiền dâu đảm, thế nên ta chẳng còn thấy ở thị bóng dáng của người đàn bà chỏng lỏn, đanh đá, vì miếng ăn mà sưng xỉa nữa, thay vào đó là bộ dạng của một thiếu phụ ngoan hiền biết chăm nom nhà cửa. Còn cụ Tứ, trước thì thương các con, sau thì lại trở nên vui vẻ, tích cực, trong những câu chuyện của mà luôn đầy ắp dáng hình của một tương lai tốt đẹp. Có thể nói rằng căn nhà của Tràng, bởi một câu cầu hôn bông đùa mà bỗng trở nên có sinh khí, có hy vọng giữa cái nạn đói khắc nghiệt lúc bấy giờ. Cũng từ cuộc hôn nhân lạ lùng này mà cả gia đình Tràng dường như đã bắt được cái gì đó trong hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, đó là một lối thoát, một giải pháp, một niềm tin vào cuộc sống đáng mong chờ trong tương lai. Câu nói của Tràng chính là mấu chốt tạo nên tình huống truyện độc đáo, để từ đó làm nổi bật chủ đề và tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.

So sánh giữa hai câu nói trong hai tác phẩm, thì ta nhận thấy được rằng chúng đều phản ánh rất rõ ràng những khao khát mạnh mẽ về một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc đời tươi đẹp của các nhân vật. Là bước ngoặt lớn làm thay đổi tâm lý, cũng như diễn biến của câu chuyện để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Chỉ khác là, nếu như lời cầu hôn của Chí Phèo đánh dấu sự thức tỉnh nhân tính sau hai mươi năm giời bị chôn vùi, nhưng rồi lại đưa hắn đến một bi kịch khác còn tàn nhẫn hơn. Thì ở Vợ nhặt, lời cầu hôn của Tràng, dẫu có kém nghiêm túc hơn của Chí Phèo, thế nhưng nó lại thực sự đưa anh đến bến bờ hạnh phúc, đưa anh đến một tương lai có vẻ sẽ tươi sáng hơn. Sự khác biệt này trước hết là do tư tưởng của từng tác giả, đồng thời cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh sáng tác mà có những giá trị khác nhau, một bên thuần hiện thực tàn khốc, một bên đậm tính nhân văn nhân đạo, hướng tới một lối thoát cho con người.

Hai chi tiết độc đáo trong mạch truyện đã thể hiện rất sâu sắc sự tinh tế của Nam Cao và Kim Lân trong nghệ thuật khắc họa bức tranh tâm hồn nhân vật và xây dựng cốt truyện độc đáo. Từng câu từng chữ, từng chi tiết đều khiến người đọc phải suy ngẫm về những vẻ đẹp đáng trân trọng luôn tiềm ẩn trong tâm hồn người nông dân những năm tháng trước cách mạng. Với những phương diện khác nhau, dù là hiện thực tàn khốc hay là nhân văn thấm đẫm tình người thì những vẻ đẹp ấy vẫn được các tác giả thể hiện một cách trọn vẹn và vô cùng ấn tượng.

———————-HẾT————————

Bên cạnh bài Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt, các em học sinh có thể tìm hiểu thêm về hai truyện ngắn này thông qua việc tham kahor một số Bài văn hay lớp 12 như: So sánh đoạn kết của hai tác phẩm Chí Phèo và Vợ nhặt, Bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành trong truyện Chí Phèo và hình ảnh bát cháo cám trong Vợ nhặt, Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ nhặt.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-y-nghia-cua-nhung-cau-noi-trong-chi-pheo-va-vo-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp