Chủ hộ khẩu là gì? Quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu là gì?

0
126
Rate this post

 

Chủ hộ khẩu (Household registration) là gì? Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh? Quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu là gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú? Các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú?

Hiện nay khi Luật cư trú 2020 sắp có hiệu lực đã quy định một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được các quyền và nghĩa vụ của các thành viên hộ gia đình và chủ hộ gia đình. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về chủ hộ khẩu là gì và quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật cư trú 2020 có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2021;

– Luật cứ trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013;

1. Chủ hộ khẩu là gì?

Để hiểu được khái niệm của chủ hộ khẩu tác giả sẽ giới thiệu cho các bạn đọc hiểu trước tiên về sổ hộ khẩu là gì? Sổ hộ khẩu là một loại giấy tờ vô cùng quan trọng và thiết yếu trong việc thực hiện các thủ tục cũng như các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày. Theo đó, sẽ có một người được đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu, có trách nhiệm thực hiện các quyền đại diện hộ gia đình đó thực hiện các quyền của hộ dân cư.

Hiện nay,  Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 còn hiệu lực và chưa bị thay thế bởi Luật cư trú 2020 thì quy định về khái niệm sổ hộ khẩu như sau:

“Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có ng­ười từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì đ­ược cử một ng­ười trong hộ làm chủ hộ.”

Như vậy, theo khái niệm trên thì ta có hiểu chủ hộ khẩu là người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người do hộ gia đình thỏa thuận và cử ra đại diện cho hộ gia đình đó.

Chủ hộ khẩu phải là người đáp ứng được điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vậy hiểu thế nào là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự? Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015 thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ về dân sự. Người có đủ năng lực hành vi dân sự là người thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên trừ các trường hợp bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ được hành vi.

Như vậy, người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Chủ hộ khẩu được đại diện hộ gia đình tham gia ký kết các giấy tờ, giao dịch liên quan tới hộ gia đình phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong sổ hộ khẩu đó.

2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh

Chủ hộ khẩu được dịch sang tiếng Anh như sau: “Household registration”.

Quyền lợi: “Right”.

Nghĩa vụ: “duty”.

Thành viên: “Member”.

3. Quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu là gì?

Hiện nay, Luật cư trú 2020 đã không còn quy định về sổ hộ khẩu tuy nhiên để hiểu được quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu thì Luật cư trú 2006 có quy định. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, quyền đại diện quản lý nhân khẩu trong cùng hộ khẩu

Theo quy định tại Điều 25 Luật Cư trú 2006, những người không có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột, nếu đủ điều kiện, thì vẫn được nhập vào hộ khẩu của hộ gia đình. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của chủ hộ khẩu. Tương tự, một thành viên đã được nhập hộ khẩu nhưng có nhu cầu muốn tách Sổ hộ khẩu thì cũng phải được sự đồng ý của chủ hộ khẩu (Điều 27).

Trong cả hai trường hợp nêu trên, sự đồng ý của chủ hộ khẩu phải được thể hiện bằng văn bản và đây được coi là một loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc tách hộ khẩu.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 29 của Luật Cư trú, nếu có thay đổi về họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong Sổ hộ khẩu thì chủ hộ cũng là một trong những người có quyền làm thủ tục điều chỉnh.

Thứ hai, quyền đại diện quản lý, sử dụng tài sản chung của hộ gia đình

Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình như sau:

“1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”

Như vậy, chủ hộ gia đình có thể là người đại diện gia đình quản lý, sử dụng tài sản của hộ gia đình, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung theo thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình đó.

Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của gia đình có ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên. Do đó, đối với các giao dịch cụ thể, thường liên quan tới tài sản có giá trị lớn như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì cần có sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình đó.

4. Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú

Hiện nay, khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 2021 quy định về quyền và nghĩa vụ của  chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú như sau:

– Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

– Người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật cư trú 2020 nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật này thì được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình.

– Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.

– Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định.

– Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.

– Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của Luật này; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú về việc trong hộ gia đình có thành viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 29 của Luật cư trú 2020.

– Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú

Hiện nay, khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 07 năm 2021 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú như sau:

– Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

– Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

– Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

– Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật.

– Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

– Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư tú.

– Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.

– Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.

– Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

– Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

– Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

– Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Trên đây là nội dung tư vấn của về chủ hộ khẩu là gì và quyền của người đứng tên chủ hộ khẩu là gì? Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/chu-ho-khau-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp