Đề bài: Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
Bạn đang xem: Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
I. Dàn ý Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
1. Mở bài
– Bà Huyện Thanh Quan là nữ sĩ tài năng của nền văn học trung đại Việt Nam, bà gây ấn tượng với người đọc bằng một phong cách thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, chất chứa nhiều những cảm xúc suy tư.
– Đặc biệt là với thủ pháp tả cảnh ngụ tình trong bài Qua Đèo Ngang thì phong cách thơ của bà lại càng được bộc lộ rõ hơn cả.
2. Thân bài
* Hai câu đề:
– Gợi ra một khung cảnh lưng đèo rộng lớn, khoáng đạt và bao la thế nhưng lại có chút buồn bã bao quanh.
– Thời gian “bóng xế tà”, là buổi chiều tàn hoàng hôn đã tắt, trời đất bao phủ bằng màu xam xám, nhạt nhòa, gợi cảm giác buồn man mác, cảm xúc tràn về trong lòng người.
– Cảnh “Cỏ cây chen đá lá chen hoa” gợi cảm giác rậm rạp um tùm, mang đến sự hoang lạnh, ghê rợn của núi rừng âm u buổi chiều tối…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang đầy đủ tại đây.
II. Bài văn mẫu Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang
Đèo Ngang là địa danh thuộc ngọn Hoành Sơn, một nhánh nhỏ của dãy núi Trường Sơn, cắt ngang, phân định ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, đây cũng là nơi khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nhân thi sĩ. Trong đó phải kể đến Cao Bá Quát với Đăng Hoành Sơn, Nguyễn Khuyến với Quá Hoành Sơn, và nổi tiếng hơn cả phải kể đến Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, một trong hai nữ thi sĩ tài năng nhất của văn học học trung đại Việt Nam cùng với Hồ Xuân Hương. Khác với giọng thơ cá tính, sắc nhọn, thâm sâu của bà chúa thơ Nôm thì Bà Huyện Thanh Quan lại gây ấn tượng với người đọc bằng một phong cách thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, chất chứa nhiều những cảm xúc suy tư. Đặc biệt là với thủ pháp tả cảnh ngụ tình trong bài Qua Đèo Ngang thì phong cách thơ của bà lại càng được bộc lộ rõ hơn cả.
Nếu đọc Qua Đèo Ngang một lần, ta sẽ nhận thấy rằng cả bài thơ hầu như chỉ tả cảnh, nếu như không nắm được hoàn cảnh sáng tác và tâm trạng của tác giả người xem có lẽ dễ dàng nhầm tưởng đây là một bài thơ với bức tranh phong cảnh thiên nhiên nhuốm màu trầm. Thế nhưng nếu đọc và phân tích từng ý người ta mới thấy thấm cái tình ưu tư của thi nhân trong từng câu chữ, trong từng cảnh vật, dừng như một câu tả vật cũng chính là một câu tả tình, vô cùng sâu sắc.
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa”
Mở đầu bài thơ hai câu đề gợi ra một khung cảnh lưng đèo rộng lớn, khoáng đạt và bao la thế nhưng lại có chút buồn bã vây quanh. Cái buồn ấy xuất phát từ khoảng thời gian mà tác giả đã gợi ra trong bài bằng cụm từ “bóng xế tà”, có thể thấy bóng xế tà không phải là một mốc thời gian nào đó cụ thể, mà nó là sự miêu tả có chút mơ hồ về cảnh hoàng hôn sắp tắt, khi mặt trời đã khuất dạng. Cái còn lại chính là những tia sáng cuối cùng trong ngày, xen lẫn với màu đen của đêm tối tạo thành một màu xam xám bao phủ núi rừng, phủ lên cả người lữ khách đang dừng chân bên đèo tạo nên cảm giác nhạt nhòa, lặng lẽ và buồn man mác. Về âm điệu cụm từ “bóng xế tà” khi đó có cảm giác buông xuống nhẹ nhàng, và hơi day dứt, dường như là sự nuối tiếc về một cái gì đó sắp kết thúc. Và trong thực tế cuộc sống cũng như trong thi ca thì khoảnh khắc hoàng hôn buông, chiều tàn, ngày tàn thì luôn gợi ra con người những nỗi buồn không tên, đặc biệt đối với những con người hữu tình như tác giả thì nỗi buồn ấy lại càng trở nên thấm thía, sâu sắc thậm chí lan tỏa sang cả khoảng không gian mênh mông, rộng lớn xung quanh mình. “Cỏ cây chen đá lá chen hoa” gây ấn tượng với thủ pháp điệp từ “chen” và biện pháp nhân hóa thế nhưng nó lại không đem đến những hiệu quả như làm cho khung cảnh thiên nhiên thêm sinh động hấp dẫn mà trái lại nó lại mang đến cảm giác rậm rạp, um tùm, cây cối chen chúc nhau giành giật sự sống. Khiến con người đứng giữa khung cảnh ấy có chút ghê sợ, cô đơn và lạnh lẽo, điều này kết hợp với cái cảnh nhá nhem tối lại đem đến trong lòng tác giả thêm nhiều suy tư.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Đến hai câu thực khung cảnh thiên nhiên hoang vắng đã bắt đầu có sự sống của con người, thế nhưng việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đưa hai từ láy “lom khom” và “lác đác” lên đầu câu đã khiến cho ý của câu thơ có phần khác lạ. Thứ nhất xét từ “lom khom”, đó là dáng đứng cúi thấp mình, gánh củi của các tiều phu, sự xuất hiện của con người vốn đã ít ỏi chỉ có “tiều vài chú” mà dường như lại còn bị thiên nhiên lấn át. Ở đây con người đã hoàn toàn trở nên nhỏ bé và phụ thuộc vào thiên nhiên, sự xuất hiện của những con người thưa thớt lại càng tô đậm thêm cái quang cảnh thiên nhiên quá đỗi hùng vĩ, quá đỗi lạnh lẽo, hoang vắng buổi chiều tàn. Khi tác giả phóng tầm mắt ra xa thì thấy xuất hiện những ngôi nhà, vốn dĩ luôn là cái mà người lữ khách thường hướng đến mỗi khi đi xa, để tìm cảm giác ấm áp, cảm giác thân thuộc, để xóa nhòa đi nỗi cô đơn vắng vẻ. Thế nhưng trong câu thơ này cái sự ấm áp đã hoàn toàn bị hai từ “lác đác” lấy đi, mà thay vào đó cả câu thơ lại gợi sự chán nản, heo hút, mệt mỏi, thiếu sức sống trong khung cảnh dẫu rằng đã có sự xuất hiện của con người. Nhìn vào cách miêu tả, có thể nhìn ra tâm trạng của tác giả đó là nỗi cô đơn, trống vắng, sự lạc lõng giữa không gian rộng lớn, là sự chơi vơi bất định giữa thời cuộc. Nếu xét kỹ hơn người ta có thể liên hệ với tình cảnh của tác giả để hình dung ra nỗi buồn đang chất chứa trong lòng nữ sĩ, ấy là nỗi lòng nhớ nhà tha thiết của một người con xa xứ, rời xa chốn phồn hoa đô hội, nay nhìn cảnh thưa thớt, lạnh lẽo lại càng thêm thương nhớ quê hương.
“Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”
Ở hai câu luận, sự sống xuất hiện nổi bật hơn với tiếng chim rừng kêu vang, thế nhưng cũng tương tự với mạch cảm xúc ở những câu thơ đầu, sự sống xuất hiện không hề mang đến sự vui vẻ, sinh động, ấm áp mà trái lại mang đến những cảm xúc buồn bã, day dứt. Chim quốc và chim đa đa nổi tiếng là những loài chim có tiếng kêu thảm thiết, não nề vô cùng, nghe tiếng chim mà lòng người chùng xuống hẳn, cảm xúc buồn thương lập tức tràn về trong tâm can. Đặc biệt giữa một không gian rộng lớn hoang vu như thế, tiếng chim nghẹn ngào, day dứt vang lên càng làm tăng sự hoang vắng tĩnh lặng của thiên nhiên rộng lớn, cô lập con người trong mối sầu tư. Mà với Bà Huyện Thanh Quan đó là nỗi nhớ thương quê nhà da diết, là buồn khổ xa xứ, lòng đau xót, bất lực trước thời cuộc rối ren, từ đó cũng nhận thấy được lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, sâu nặng và thầm kín của tác giả được thể hiện thật tinh tế qua cảnh sắc thiên nhiên.
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu kết đã khép lại bài thơ với những cảm xúc buồn thương sâu lắng, đồng thời cũng mở một chân trời cảm xúc mới bằng một giọng thơ chậm rãi, như tâm sự. Cái “dừng chân” của lữ khách không chỉ đơn thuần là sự nghỉ ngơi sau những ngày đường mệt mỏi, mà còn là sự lắng đọng cảm xúc trong tâm hồn của thi sĩ. Trước khung cảnh rộng lớn, bao la “trời non nước”, tác giả dần mở lòng bộc lộ cái tôi cá nhân của mình, trước hết đó là cảm xúc cô đơn lẻ loi, lạc lõng trước thiên nhiên. Sau là ý thức về cái tôi cá nhân, về việc giữ riêng cho mình tâm hồn hồn thanh cao, lòng yêu nước sâu sắc, từ chối những sự nhiễu nhương của thời cuộc, bà đã dần buông bỏ những vướng bận cuộc đời, quyết để tâm hồn thanh tịnh với chỉ “một mảnh tình riêng ta với ta”.
Qua Đèo Ngang là một bài thơ thất ngôn bát cú xuất sắc, với bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế và tài hoa, thông qua cảnh sắc thiên nhiên Bà Huyện Thanh Quan đã gửi gắm vào đó những nỗi niềm cảm xúc cá nhân, đó là nỗi nhớ nhà, tình yêu quê hương đất nước và sự đau xót, bất lực trước thời cuộc biến đổi. Để lại trong lòng độc giả những cảm xúc khó quên, thấm thía nỗi buồn man mác, sự cô đơn, lẻ loi của của tác giả giữa cuộc đời, giữa thiên nhiên rộng lớn.
—————-HẾT—————–
Bằng tài năng và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Bà Huyện Thanh Quan đã dựng lên bức tranh cảnh-tình vô cùng đặc sắc trong bài thơ Qua đèo Ngang. Bên cạnh bài Chứng minh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong bài Qua đèo Ngang, các bạn học sinh có thể tìm hiểu chi tiết thông qua các bài: Phân tích nhận xét: Trong bài Qua đèo Ngang, hai câu thơ xuất sắc nhất là hai câu thơ sau cùng…, Cảnh sắc thiên nhiên đèo Ngang và tâm trạng của người lữ khách xa quê qua bài thơ Qua đèo Ngang, Phân tích nỗi nhớ nước thương nhà của tác giả trong bài thơ Qua Đèo Ngang, Phân tích giá trị biểu cảm của 2 câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang:
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp