Đại biểu Hội đồng nhân dân (People’s Council deputies) là gì? Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng anh? Tiêu chuẩn, cơ cấu Đại biểu Hội đồng nhân dân?
Mọi tổ chức đều có các thành viên của mình, theo quy định của pháp luật Việt Nam, với Quốc Hội là cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương, thì Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Vậy thành phần của Hội đồng nhân dân gồm những ai, quyền và nghĩa vụ của các thành viên Hội đồng nhân dân, tiêu chuẩn và cơ cấu của từng loại được quy định ra sao? Sau dây xin được phân tích một số nội dung, vấn đề liên quan giúp các bạn có thể tham khảo.
Căn cứ pháp lý:
– Hiến pháp do Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013;
– Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:
– Luật số 47/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2020.
1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là gì
Trước hết, xin được làm rõ định nghĩa về Hội đồng nhân dân, cụ thể: “Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.” (Khoản 1, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Sau đây xin phân tích định nghĩa về Đại biểu Hội đồng nhân dân và một số quy định có liên quan, cụ thể:
- Định nghĩa về Đại biểu Hội đồng nhân dân
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Đại biểu Hội đồng nhân dân được định nghĩa như sau: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân nại, tố cáo. (Khoản 2, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Vậy, có 02 điểm đặc trưng cơ bản của một người là Đại biểu Hội đồng nhân dân là:
– Là người được cử tri địa phương ở đơn vị bầu cử của mình bầu ra;
– Người đại diện chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
- Về nhiệm kỳ của Đại biểu Hội đồng nhân dân
Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.
- Về các quyền cơ bản, gồm:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân không được biểu quyết thay cho đại biểu Hội đồng nhân dân khác.
- Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.
- Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, tổ chức phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, phiên họp gửi của Hội đồng nhân dân và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.
- Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng anh
Đại biểu hội đồng nhân dân dịch sang tiếng anh như sau: People’s Council deputies
Khái niệm về đại biểu hội đồng nhân dân được dịch sang tiếng anh như sau:
Delegates of the People’s Council are representatives of the will and aspirations of the local people, are responsible to the local electorate and to the People’s Council for the performance of their delegated duties and powers.
3. Tiêu chuẩn, cơ cấu Đại biểu Hội đồng nhân dân
3.1. Tiêu chuẩn Đại biểu Hội đồng nhân dân
Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
3.2. Cơ cấu Đại biểu Hội đồng nhân dân
Từ những quy định tại phần 1 nêu trên, chúng ta đã nắm được quy định về Đại biểu Hội đồng nhân dân, vậy Đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức, cơ cấu như thế nào. xin phân tích một số nội dung coư bản như sau:
- Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Hội đồng nhân dân tỉnh gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở tỉnh bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu;
+ Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện
Hội đồng nhân dân huyện gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở huyện bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ bốn mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm bảy nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;
+ Huyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;
+ Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.
- Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã
Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;
+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;
+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu;
+ Xã không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp