Dàn ý cảm nhận bài Ánh trăng – Tham khảo hướng dẫn lập dàn ý cảm nhận bài thơ Ánh trăng để nắm được bố cục của bài qua đó hiểu được tâm tư tình cảm của tác giả qua hình ảnh Ánh trăng và triển khai ý viết bài được tốt.
Dàn ýcảm nhận bài Ánh trăng – Nguyễn Duy
1. Mở bài: giới thiệu chung tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy: Ông có rất nhiều những sáng tác nghệ thuật, trong đó tiêu biểu có bài thơ “Ánh Trăng” được ông sáng tác vài năm 1978 sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thắng lợi được ba năm
2. Thân bài
- Sự hồi tưởng về ánh trăng: Điệp từ “hồi” gợi nhắc sự hồi tưởng và gắn bó sâu sắc của trăng với con người. Từ thời thơ ấu, ánh trăng luôn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, dù đi đâu trăng cũng bên cạnh
- Vẻ đẹp của ánh trăng: Vầng trăng hiện lên với vẻ đẹp thiên nhiên và hòa hợp với tự nhiên “trần trụi” là sự phô diễn tất cả vẻ đẹp của trăng với thiên nhiên, “hồn nhiên” với cây cỏ, trăng và thiên nhiên là một và vô cùng đẹp
- Sự quên lãng của nhà thơ với ánh trăng: Giữa nơi thành phố ấy khi ánh trăng đi qua ngõ nhưng tác giả đã không còn nhớ đến trăng
- Sự tròn đầy, thủy chung và vẹn nguyên của vầng trăng: Ấy vậy mà vầng trăng thì dẫu bao nhiêu năm vẫn thủy chung, tròn đầy tình nghĩa
- Cảm xúc của nhà thơ khi nhận ra sự lãng quên của mình: Trong hoàn cảnh đối mặt với vầng trăng, tác giả đã xúc động không nói nên lời, tình cảm bỗng trào ra thổn thức, ùa về “có cái gì rưng rưng…”
3. Kết bài: Ý nghĩa của bài thơ
- Với những lời thơ như lời tâm sự, nhắc nhở đầy chân thành, bài thơ “Ánh trăng” đã mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải giật mình suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân để sống một cách tình nghĩa hơn.
Xem thêm: Soạn bài Ánh trăng của Nguyễn Duy
———
Bài văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Ánh trăng hay nhất
Trong cuộc sống của con người, trăng luôn gắn bó trong văn chương nghệ thuật, trăng là đề tài muôn thuở. Trăng là bạn thân, là tri âm tri kỉ, trăng là chứng nhân cho lời thề nguyền của bao đôi lứa yêu đương, trăng chia ngọt sẻ bùi, gắn bó với niềm vui nỗi buồn của bao người, trăng gợi nhớ quê hương yêu dấu trong chủ đề “Nguyệt vọng hoài hương” của văn thơ cổ… có thể nói trăng là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Mỗi nhà thơ có ánh trăng riêng cho mình. Với Nguyễn Duy, có lúc anh coi trăng là biểu tượng của nghĩa tình. Điều đó thể hiện trong bài thơ “Ánh trăng”, sáng tác năm 1978 khi anh đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Bài thơ được cấu tứ bằng hình tượng trăng: trăng đánh thức kỉ niệm, gợi quá khứ và hiện tại: qua trăng mà nói chuyện đời, chuyện tình nghĩa.
Bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978 và được đưa vào tập thơ “Ánh trăng. Tập này đã được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Cuộc đời của mỗi con người dù đi đâu về đâu cũng không bao rời xa vầng trăng tình nghĩa. Chỉ có con người có lúc lãng quên trăng, chứ trăng bao giờ cũng ở bên người, sẵn sàng cùng người sẻ chia tâm sự. Chính vì thế, đối với ai trăng cũng sẵn sàng làm tri kỉ. Đối với Nguyễn Duy cũng vậy:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
Bạn đang xem: Dàn ý cảm nhận bài Ánh trăng
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”
Thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt thể hiện sự vận động của không gian – thời gian. Cái hay là bằng hình ảnh không gian (đồng-sông-bể-rừng) diễn tả sự vận động của thời gian: quá trình trưởng thành của tác giả (nhỏ-trưởng thành-đi chiến đấu)… Trong quá trình ấy, kỉ niệm đẹp biết bao con người sống với thiên nhiên, với trăng chan hòa, gắn bó không gì ngăn cách được. Từ “với” được điệp lại ba lần nhằm diễn tả một thời niên thiếu đi nhiều, được cảm nhận những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên: ngắm trăng trên đồng quê, trên dòng sông. Trên bãi bề. Vì vậy những kỉ niệm thời niên thiếu vui cùng trăng, sống với trăng đã trở thành những ấn tượng khắc sâu trong tâm trí không thể phai mờ. Trưởng thành rồi đi chiến đấu trên những nẻo đường hành quân, phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, trăng là bạn đồng hành đã chia sẻ ngọt bùi, cùng hân hoan trong niềm vui chiến thắng hoặc cùng ngậm ngùi, bồn chồn với nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nên trăng là tri kỉ, là nghĩa tình.
Khổ thơ thứ hai là tiếng lòng hoài niệm về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu:
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
Vì tâm hồn người chiến sĩ vô tư hồn nhiên trải lòng ra với thiên nhiên nên không gì ngăn cách được. Con người lúc bấy giờ, cuộc sống lúc bấy giờ chân thật, vô tư, không lọc lừa, không có những toan tính mà sống tự nhiên “hồn nhiên như cây cỏ”, coi thiên nhiên là nhân vật, là con người. Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ấy, đã trở thành “vầng trăng tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” ngỡ không bao giờ có thể quên. Một ý thơ lay động tâm hồn, như một sự thức tỉnh lương tâm đối với những kẻ vô tình: “ngỡ không bao giờ quên”. Từ “ngỡ” như một điểm nhấn, mang tính dự báo là sẽ quên, trong đó như có lời tác giả tự trách mình…
“Từ hồi về thành phố
quen với ánh điện của gương
vầng trăng đi qua ngõ
như vầng trăng qua đường”
Ở thành phố đầy đủ tiện nghi vật chất, ở buyn đinh cao ốc, quen với ánh điện cửa gương, hoàn cảnh sống đã thay đổi con người cũng dễ đổi thay, có lúc trở nên vô tình, có kẻ trở thành “ăn ở bạc”. Cuộc sống hiện tại chói lòa ánh điện đã làm lu mờ ánh sáng hiền dịu của vầng trăng. Trăng đươc nhân hóa đi qua ngõ mà như người dưng qua đường. Tác giả xây dựng hai hình ảnh đối lập giữa vầng trăng tri kỉ của quá khứ với vầng trăng với vầng trăng “như người dưng qua đường” trong hiện tại. Sự đối lập này diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người. Trước bao vinh hoa phú quý, người ta có thể phản bội lại chính mình, thay đổi tình cảm với nghĩa tình đã qua. Và đó cũng là một quy luật của cuộc sống tình cảm của con người. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã có lần viết:
“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao nào thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”
Trăng đâu cao xa, trăng gần gũi, thân thương, trăng là nghĩa tình, là tri kỉ, không bao giờ phản bội. chỉ có con người hờ hững với trăng. Nguyễn Duy tự vấn, tự trách mình vô tình, coi trăng như “người dưng qua đường”.
Kết cấu của bài thơ có chút kịch tính khi chuyển qua khổ thứ tư gây bất ngờ, đột ngột:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
Tình huống mất điện đột ngột trong đêm là chuyện hiếm gặp ở thành phố ta trong những năm tháng ấy (1978) khiến tác giả vốn đã quen với ánh sáng, không thể chịu nổi cảnh tối om nơi phòng buyn-đinh “vội bật tung cửa sổ” rồi “đột ngột vầng trăng tròn”. Các từ “vội”, “bật tung”, “đột ngột” diễn tả trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, bất ngờ. Ánh trăng tròn hiện lên giữa bầu trời sừng sững, giữa bầu trời ấy đâu phải khi “đèn điện tắt” mới có? Cũng như những tháng năm quá khứ, vẻ đẹp của đồng, sông, bể, rừng không bao giờ mất đi. Chỉ có điều con người có nhận ra hay không mà thôi.
Và trong cái khoảnh khắc “đột ngột” đối diện với trăng ấy, ân tình xưa “rung rung” sống dậy, thổn thức lòng người:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rung rung
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
Một cái nhìn đầy áy náy, xót xa “ngửa mặt lên nhìn mặt”. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ, mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Trăng chẳng nói, chẳng trách thế mà người cảm thấy “có cái gì rung rung”. “Rưng rưng” là xúc động, nước mắt sắp ứa ra, sắp khóc vì nhớ vì thương, vì ân hận… và trong phút giây xúc động ấy, kỉ niệm ấu thơ và trưởng thành, chiến tranh và cuộc sống ào ạt hiện về theo nhịp điệu dồn dập, với phép so sánh, điệp ngữ và liệt kê… Đó là những kỉ niệm gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng với bể,…
Khổ thơ cuối cùng mang nhiều ý nghĩa đưa tới chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh ngoài nghĩa đen, còn có nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp của nghĩa tình quá khứ trọn vẹn, đầy đặn, thủy chung, nhân hậu của thiên nhiên, con người, cuộc đời, đất nước. Trăng không trách móc, hờn giận “người vô tình”vì đó là vầng trăng độ lượng, khoan dung, là truyền thống nhân hậu của dân tộc. Hình ảnh “Ánh trăng im phăng phắc” cũng là hình ảnh của lương tâm nghiêm khắc nhắc nhở từ chính sự im lặng của mình về sự thủy chung, gắn bó với quê hương, với thiên nhiên và con người. Mạch cảm xúc của bài thơ lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ. Đây là sự ăn năn tự trách để nhắc nhở mình phải sống có nghĩa tình đừng quên ân tình của quá khứ dù bất kì hoàn cảnh nào.
Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, “Ánh trăng” nhắc nhở con người về lẽ sống ân tình thủy chung với thiên nhiên đất nước. từ đó, ta thêm trân trọng quá khứ, có thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”
Tóm lại, với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Vì vậy, bài thơ dung những lời lẽ, tình đời, tình người vẫn vấn vương cùng người đọc.
Có thể bạn quan tâm: Văn mẫu 9 cảm nhận bài thơ Ánh trăng – Nguyễn Duy
——–
Trên đây là dàn ý cảm nhận bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy cùng bài văn mẫu để các em tham khảo. Hy vọng sẽ giúp các em có thể tự viết cho mình một bài văn cảm nhận hay và xúc tích. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 9.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp