Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

0
77
Rate this post

Mời các em tham khảo dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão) của dưới đây để nắm được các ý chính cần triển khai cho bài văn cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng và củng cố thêm kiến thức về tác phẩm.

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

Bạn đang xem: Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

  • Tham khảo hướng dẫn soạn bài Tỏ lòng (soạn chi tiết và soạn ngắn nhất)

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả và bài thơ: Phạm Ngũ Lão là người văn võ toàn tài, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên. Ông để lại cho đời hai bài thơ trong đó nổi tiếng hơn cả là bài Tỏ lòng.

– Khái quát những suy nghĩ, cảm nhận về tác phẩm này: Bài thơ với âm điệu tự hào về hào khí Đông A và sự tự ý thức về chí làm trai đời Trần làm dấy lên lòng yêu nước và tự hào về dân tộc.

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ ra đời trong không khí quân và dân nhà Trần đang hừng hực, sục sôi khí thế chiến đấu và chiến thắng quân Mông – Nguyên xâm lược lần thứ hai. Bài thơ mang âm hưởng tự hào, ngợi ca, cổ vũ, khích lệ.

2. Vẻ đẹp hào hùng của con người thời Trần

a. Vẻ đẹp người anh hùng vệ quốc

– Tư thế: “hoành sóc” – cầm ngang ngọn giáo

+ Ngọn giáo: Là vũ khí chiến đấu của quân đội thời trước

+ Tay cầm ngang ngọn giáo: thể hiện sự chủ động, tự tin

+ Bản dịch thơ là “múa giáo”: cách dịch mang tính hình ảnh, hoa mĩ, phù hợp với vần nhịp nhưng chỉ thể hiện được hành động phô trương, biểu diễn bên ngoài, không nói lên được được sức mạnh nội lực bên trong. Cách dịch không thoát ý.

→ Tư thế chủ động, tự tin, vững trãi đầy kiên cường, hiên ngang, hào hùng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng

– Tầm vóc

+ Không gian: “Giang sơn” – sông nước, non sông, tổ quốc

-> Không gian vũ trụ rộng lớn, kì vĩ, rợn ngợp. Nam nhi thuở trước thường nói chí tỏ lòng qua không gian vũ trụ rộng lớn.

+ Thời gian: “kháp kỉ thu”: Con số ước lệ tượng trưng cho thời gian dài, vô tận

→ Khẳng định tầm vóc lớn lao, kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, lấn át cả không gian và thời gian của người anh hùng nhà Trần. Họ như những dũng tướng uy phong, lẫm liệt.

b. Vẻ đẹp sức mạnh của quân đội nhà Trần.

– Tiềm lực quân đội: “Tam quân” – ba quân tiền quân, trung quân, hậu quân: Ý chỉ quân đội nhà Trần, tiềm lực quân sự của cả dân tộc.

→ Tiềm lực quân đội mạnh mẽ, vững vàng

– Khí thế đội quân: Hình ảnh so sánh tăng tiến với hai cấp độ

+ Cấp độ một: “Tam quân” được so sánh với “tì hổ”: Cụ thể hóa sức mạnh của đội quân. Hổ báo là loài mãnh thú, chúa rừng là nỗi khiếp đảm của loài vật khác thì tiềm lực sức mạnh dũng mãnh của quân đội nhà Trần là nỗi khiếp đảm của quân thù

+ Cấp độ hai: Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu” có hai cách hiểu, cả hai cách đều đúng:

(1) Khí thế ba quân hùng mạnh nuốt trôi trâu

(2) Khí thế hào hùng ngút trời làm mờ sao Ngưu

→ Khí thế dũng mãnh, hào hùng ngút trời, tinh thần “sát thát” của quân đội nhà Trần được cụ thể hóa bằng những hình ảnh ước lệ.

⇒ Hai câu thơ đầu mang âm hưởng của niềm tự hào mạnh mẽ, đó là biểu hiện của lòng yêu nước.

⇒ Qua hai câu thơ khiến ta thêm yêu và hiểu hơn về sức mạnh và tinh thần chiến đấu, ý chí chiến bại và phẩm chất anh hùng của quân đội nhà Trần. Từ đó có những suy nghĩ và hành động đúng đắn xứng đáng với cha ông.

3. Vẻ đẹp chí làm trai qua tâm tình tác giả

a. Món nợ công danh

– Chí nam nhi: Làm trai phải có ý chí nam nhi, xông pha, gánh vác.

– Nợ công danh: Theo quan niệm Nho gia, đây là món nợ mà một kẻ làm trai sinh ra đã phải có trách nhiệm trả. Nó bao gồm hai phương diện lập công và lập danh. Khi hoàn thành hai nhiệm vụ này mới được xem là trả xong món nợ.

→ Trân trọng sự ý thức, trách nhiệm về việc hoàn trả món nợ công danh của tác giả.

b. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão.

– “Thẹn” là trạng thái xấu hổ, ngại ngùng khi thấy chưa bằng người khác

– “Thuyết Vũ Hầu”: Điển tích Trung Quốc nói về một con người tài năng, mưu chước, hết lòng báo đáp công ơn của chủ tướng, lập được công danh sự nghiệp lớn.

– Phạm Ngũ Lão cũng là một trang nam nhi hết lòng vì nước, cả công lao và danh tiếng đều vang xa. Vậy mà ông vẫn thẹn vì chưa báo đáp được hết ơn chiêu mộ của Trần Quốc Tuấn, chưa tận tâm tận lực trả hết món nợ công danh.

→ Đây là nỗi thẹn của một nhân cách lớn. Thẹn không làm hạ thấp nhân cách mà trái lại làm cho nhân cách cao thượng hơn

→ Thể hiện ý thức muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho dân tộc. Đồng thời đánh thức ý thức làm người và chí làm trai cho nam nhi đời Trần.

⇒ Trân trọng ngợi ca nhân cách cao đẹp của người anh hùng Phạm Ngũ Lão

⇒ Rút ra bài học: Sống phải có ước mơ, hoài bão. Phải quyết tâm và cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ ấy dù phải trải qua những khó khăn, thử thách.

III. Kết bài

– Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Trình bày những cảm nhận chung về bài thơ: Cảm thức chủ đạo là lòng tự hào và niềm kính yêu với cha ông. Nhận thức và hành động của bản thân trong hiện tại và tương lai.

Tham khảoDàn ý phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Bài văn mẫu cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, ngoài nội dung lớn là nhân đạo còn có một nội dung luôn đồng hành suốt các chặng đường của văn học dân tộc chính là nội dung yêu nước. Lòng yêu nước được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau: ý chí đánh giặc xâm lược, tình yêu thiên nhiên,… Góp một phần vào chủ đề này là bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp hào hùng của con người, quân đội nhà Trần và thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, lòng yêu nước của tác giả.

Trước hết, bài thơ làm người đọc biết bao xúc động, tự hào về vẻ đẹp hào hùng của con người và quân đội nhà Trần. Con người xuất hiện trong tư thế thật kì vĩ lớn lao. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của con người tác giả đã dựng lên bối cảnh không gian hùng vĩ, to lớn. Không gian: giang sơn, đó là không gian bao la, lớn rộng, không gian của quốc gia, dân tộc. Thời gian: kháp kỉ thu (đã mấy thu) cho thấy khoảng thời gian dài lâu, bền bững. Trên bức phông nền đó hình ảnh con người hiện lên thật nổi bật với tư thế hoành sóc (cầm ngang ngọn giáo). Dường như ở đây chiều dài ngọn giáo sánh ngang với tầm vóc non sông, đất nước. Con người không bé nhỏ trước không gian thiên nhiên rộng lớn mà tầm vóc con người sánh ngang với vũ trụ. Con người hiên ngang, kiên cường, bền bỉ trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước, trấn giữ biên cương.

Bên cạnh vẻ đẹp của nhân vật trữ tình, ở câu thơ thứ hai tác giả khẳng định vẻ đẹp anh hùng, dũng mãnh của quân đội nhà Trần.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Tam quân để nói về cách thức tổ chức quân đội thời xưa: toàn quân (tiền quân, trung quân, hậu quân). Đồng thời thể hiện sức mạnh, sự đồng lòng của cả dân tộc, cả thời đại trước kẻ thù. Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc, mang đến hai cách hiểu: có thể hiểu ba quân mạnh như hổ báo, nuốt trôi trâu; nhưng cũng có thể hiểu ba quân mạnh như hổ báo, khí thế át cả sao Ngưu trên trời. Câu thơ vừa có chất hiện thực vừa có chất lãng mạn và dù hiểu theo cách nào, cũng có thể thấy được sức mạnh vô địch, lớn lao của hào khí Đông A đời Trần.

Không chỉ dừng lại ở hào khí hào hùng của dân tộc, bài thơ còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách và lí tưởng của tác giả. Nhân vật trữ tình thể hiện chí lớn lập công danh thể hiện qua nợ công danh: Nam nhi vị liễu công danh trái. Quan niệm nợ công danh xuất phát từ quan niệm nhập thế tích cực của Nho giáo: phải ở giữa cuộc đời này, dốc hết tâm sức để giúp dân, giúp đời. Xuất phát từ tinh thần thời đại, hình thành lí tưởng sống của những trang nam nhi trong xã hội đương thời: phải lập công danh (công: sự nghiệp lớn lao, danh: để tiếng thơm của mình lưu truyền muôn đời). Quan niệm này được nhắc đến nhiều lần trong thơ ca xưa nay:

“Làm trai cho đáng nên trai

Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên”

“Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng”

Không chỉ có trong văn học dân gian, mà văn học trung đại cũng nói đến chí làm trai:

“Chí làm trai Nam Bắc Tây Đông

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

Nợ công danh đặt trong hoàn cảnh đương thời, khi Phạm Ngũ Lão viết bài thơ này: Đất nước đối mặt với giặc ngoại xâm hùng mạnh, đây là lúc những kẻ làm trai thể hiện chí lớn, để trả món nợ công danh. Món nợ công danh càng bị hối thúc hơn bao giờ hết. Nhân vật trữ tình tự nhắc nhở mình trả món nợ công danh, từ bỏ lối sống ích kỉ, xông pha trận mạc để cứu nước, cứu dân. Món nợ công danh trong nhận thức của Phạm Ngũ Lão vừa mang tư tưởng tích cực của thời đại, vừa mang tinh thần dân tộc. Chính vì thế nó luôn luôn canh cánh trong lòng Phạm Ngũ Lão.

Ông còn là người có nhân cách vô cùng lớn lao, điều đó được thể hiện qua nỗi thẹn với Vũ Hầu: Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu. Vũ Hầu tức là Gia Cát Lượng – vị quân sư nổi tiếng, nhân vật lịch sử lỗi lạc, một bề tôi trung thành giúp Lưu Bị làm nên những chiến công oanh liệt để xây dựng và giữ vững nước Thục. Khi nhắc đến Vũ Hầu đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của Phạm Ngũ Lão. Đó là một con người có ý chí, nỗ lực muốn theo gương người xưa để lập công danh cho xứng tầm. Chí lớn đó còn mong muốn mình có những chiến công sánh ngang những nhân vật lịch sử lỗi lạc. Qua đó còn cho thấy nhân cách lớn của một con người yêu nước, thương dân, luôn mang trong mình nỗi cánh cánh cứu nước, giúp đời.

Bài thơ vô cùng hàm súc, cô đọng đã khắc họa một cách chân thực và đầy đủ nhất về hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lỗi lạc. Qua đó, tác phẩm còn ca ngợi vẻ đẹp thời đại với sức mạnh và khí thế hào hùng của dân tộc.

Xem thêmPhân tích bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão

—————————-

     Trên đây là nội dung dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão bao gồm mẫu dàn ý chi tiết và bài văn tham khảo chọn lọc hay nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích phục vụ việc học tập của các em. Ngoài ra, các em hãy truy cập để tham khảo những bài văn mẫu 10 phong phú khác mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp nhé. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Dàn ý cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão kèm theo bài văn mẫu chọn lọc sẽ là tài liệu hữu ích để các em học và chuẩn bị cho tiết học trên lớp.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/dan-y-cam-nhan-ve-bai-tho-to-long-cua-pham-ngu-lao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp