3 Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống chi tiết, đầy đủ nhất được biên soạn bên dưới sẽ giúp các em hiểu được vai trò của niềm tin- sức mạnh tinh thần kì diệu trong cuộc sống của con người.
Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống – Mẫu 1
1. Mở bài
– Sống trên đời ngoài những tình cảm như tình yêu thương, lòng nhân hậu, lòng khoan dung,… con người còn phải cần có thêm niềm tin để làm động lực, tiền đề cho mọi mục tiêu của cuộc sống.
– Louisa May Alcott đã nói: “Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin”.
2. Thân bài
* Định nghĩa về niềm tin:
– Niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình, hình thành từ trong suy nghĩ của con người, được vun đắp từ sự giáo dục, tình yêu thương, các yếu tố xã hội, môi trường sống, khiến con người ta có suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực, từ đó, cũng hình thành nên những niềm tin có tính chất rất khác nhau.
– Niềm tin thường đến từ những cảm nhận chủ quan của con người, từ những nhận thức vốn có, do được giáo dục và nuôi dưỡng, niềm tin thường dễ dàng bỏ qua những nhận thức khách quan.
– Niềm tin nếu hiểu một cách đơn giản thì đó là sự tin tưởng một cách tích cực vào sự việc nào đó.
* Ý nghĩa của niềm tin trong cuộc sống:
– Niềm tin vào bản thân tạo động lực giúp con người hoàn thành những công việc dù khó khăn nhất, đôi khi là nằm ngoài khả năng của họ, nhưng nhờ có niềm tin tất thắng, sự nỗ lực và sáng tạo của con người được kích thích, khai mở một cách bất thường tạo nên những thành quả ngoài mong đợi.
– Là năng lượng tiếp sức cho chúng ta trên con đường chạm tới ước mơ, hoàn thành lý tưởng của cuộc đời.
– Là “hệ điều hành” cho những quyết định của não bộ, niềm tin sẽ quyết định rằng bạn có nên làm việc đó không, việc đó có đáng tin tưởng không.
– Niềm tin không chỉ là động lực bên trong tâm hồn mỗi cá nhân, mà niềm tin còn là cơ sở để gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, bởi chỉ có tin tưởng, mới có thể sẻ chia, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, con người trở nên gắn kết hơn dựa trên cơ sở tin tưởng vào đối phương.
* Hậu quả của việc không có niềm tin trong cuộc sống:
– Thiếu niềm tin vào bản thân thì khó có thể thành công, vì thiếu nguồn động lực, sự kiên trì.
– Trong các mối quan hệ xã hội, việc thiếu niềm tin lẫn nhau khiến các mối quan hệ trở nên nhạt nhẽo, tràn đầy sự nghi kỵ, khó gắn bó, đoàn kết và chia sẻ.
* Bài học:
– Đối với mỗi cá nhân, trước hết quan trọng nhất là phải tin tưởng vào chính bản thân mình, tạo cho mình những sự tự tin nhất định, đánh bay cái tâm lý e ngại, sợ hãi, tự ti trong tâm hồn.
– Đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặt niềm tin vào những người khác để thấy cuộc sống có ý nghĩa và giá trị hơn.
– Cuộc sống là vô vàn những lần mạo hiểm, nhưng thành công hay thất bại là do niềm tin mà bạn tạo dựng nên.
3. Kết bài
– Niềm tin là một giá trị tinh thần cốt lõi và cực kỳ cần thiết cho cuộc đời của mỗi con người.
– Hãy nhớ rằng niềm tin vừa là năng lượng vừa là ngọn đuốc soi đường, có một niềm tin to lớn thì con đường đến với thành công của bạn mới đỡ đi được phần nào khó khăn, vất vả trên tinh thần.
Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống – Mẫu 2
I. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Bàn về vai trò, sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống con người.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trong cuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định.
– Sức mạnh niềm tin từ đoạn trích là sức mạnh về hạnh phúc có thật ở trên đời, về quả ngọt sau bao nỗi đắng cay và niềm tin vào mơ ước ở tương lai.
2. Phân tích, bình luận
a) Vì sao cần có sức mạnh niềm tin trong cuộc đời?
– Cuộc sống bao gồm cả hai yếu tố vật chất lẫn tinh thần, tâm hồn và thể xác, tuy rằng vật chất quyết định ý thức nhưng ý thức, tinh thần phải thoải mái mới làm nên những điều tuyệt vời khác.
– Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.
– Niềm tin vào bản thân đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp. Niềm tin giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống.
– Niềm tin vào bản thân giúp con người vượt lên mọi thử thách và trưởng thành: Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng vững vàng. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả.
– Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, cuộc sống của chúng ta luôn trực chờ sự tổn thương nên cần có niềm tin để vượt qua.
– Người có niềm tin vào bản thân dám khẳng định năng lực và phẩm chất của mình, coi đó là nguồn sức mạnh chân chính, có ý nghĩa quyết định;
– Niềm tin là nền tảng của mọi thành công: Để có được thành công, có cuộc sống tốt đẹp, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công.
b) Biểu hiện của sức mạnh niềm tin trong cuộc đời
– Luôn lạc quan, yêu đời, không gục ngã trước bất kì khó khăn, thử thách nào.
– Có ý chí, nghị lực để đối mặt và vượt qua những khó khăn.
– Tỉnh táo để tìm những lời giải cho những bài toán mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Không rối răm, mất niềm tin.
– Biết truyền niềm tin, niềm lạc quan cho người khác và cho cộng đồng.
c) Mở rộng
– Niềm tin là sức mạnh để vượt qua những thử thách nhưng không phải chỉ cần niềm tin là đủ. Niềm tin ấy phải dưa trên những thực lực thực tế. Tin vào điều gì đó trống rỗng sẽ càng làm chúng ta ảo tưởng vào bản thân mà thôi.
– Tự tin, khiêm tốn, cẩn trọng là những đức tính đáng quý của con người. Nó dẫn con người ta đến bến bờ thành công và được mọi người quý trọng. Tuy nhiên, đừng quá tự tin vào bản thân mình mà dẫn đến chủ quan, đừng quá tự tin mà bước sang ranh giới của tự kiêu, tự phụ sẽ thất bại.
3. Bài học hành động và liên hệ bản thân
– Em có những niềm tin vào bản thân, gia đình và xã hội như thế nào.
– Em đã và đang làm gì để thực hiện hóa niềm tin ấy.
– Liên hệ bản thân
III. Kết bài
Khẳng định lại vai trò, tầm quan trọng của niềm tin đối với con người trong cuộc sống.
Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống – Mẫu 3
1. Mở bài
– Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của niềm tin vào chính bản thân mình trong cuộc sống của mỗi con người.
2. Thân bài
– Giải thích khái niệm niềm tin vào bản thân: Đó là ý thức về năng lực, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống, biết đánh giá được vị trí, vai trò cùa mình trong các mối quan hệ của cuộc sống…
– Vì sao đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ đánh mất nhiều thứ quý giá khác:
- Mình là người hiểu rõ mình nhất, đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ trở thành người không có ý chí, không có nghị lực, không có quyết tâm, không biết mình là ai, sống để làm gì, vì thế mọi điều khác như tiền bạc, công danh, sẽ trở thành vô nghĩa…
- Không có niềm tin vào bản thân sẽ không thể có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các cơ hội trong cuộc sống, dễ đổ vỡ, sa ngã, đánh mất chính mình…
– Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ:
- Nhiều bạn trẻ vì sống quá đầy đủ, được bao bọc từ nhỏ nên khi phải đối diện với thử thách cuộc sống thì không thể tự sống bằng chính khả năng của mình, không đủ bản lĩnh sống, dẫn đến phải gục ngã, đầu hàng trước cuộc sống.
- Trong thời đại hội nhập quốc tế một bộ phận giới trẻ khác không trau dồi, rèn luyện nên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội dẫn đến tâm lý thua kém, tự ti, không xác định được phương hướng của cuộc đời dễ bị người khác lừa gạt, lôi kéo, hình thành một bộ phận thanh niên có tính cách bạc nhược, ăn bám, ỷ lại thậm chí là hư hỏng.
– Phải phân biệt giữa tự tin với tự phụ. Tin vào bản thân, khẳng định giá trị của mình không có nghĩa là tự phụ, huyênh hoang, kiêu ngạo. Đánh giá được vị trí của mình trong cuộc sống không có nghĩa là coi thường người khác. Niềm tin vào bản thân càng không có nghĩa là bằng mọi cách để đạt được những điều mình muốn bất chấp cương thường đạo lý, bất chấp lẽ phải.
– Phải làm gì để xây dựng niềm tin vào bản thân:
- Đối với mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện về kiến thức và đạo đức, không ngừng giao lưu học hỏi. Sớm hình thành lý tưởng sống và dám đấu tranh để thực hiện lý tưởng đó.
- Đối với các cơ quan quản lý xã hội: Xây dựng và phát huy lối học sáng tạo, học đi đôi với hành, học kết hợp với ứng dụng; giáo dục ý thức cá nhân và hình thành tính tự tin, giàu tự trọng cho thế hệ học sinh, sinh viên; động viên, trân trọng, biểu dương những cá nhân dám nghĩ dám làm, có những đóng góp tích cực cho xã hội.
– Liên hệ bản thân.
3. Kết bài:
– Kết luận lại vấn đề.
Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống – Mẫu 4
I. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Niềm tin
- Nêu sơ lược ý nghĩa của niềm tin đối với chính bản thân trong cuộc sống mỗi người
II. Thân bài
Trình bày phần thân bài theo các luận điểm sau
Giải thích
- Khái niệm về niềm tin
- Giải thích thuật ngữ
- Giải thích ý nghĩa
Gợi ý: Niềm tin là ý thức về năng lực, phẩm chất và là giá trị của mình trong cuộc sống của mỗi con người.
Bình luận, chứng minh
Đánh mất niềm tin là đánh mất nhiều thứ quý giá khác
- Bản thân mình sẽ hiểu rõ mình nhất
- Không có niềm tin, không có cuộc sống độc lập và tự chủ. Các cơ hội trong cuộc sống từ đó cũng sẽ dễ dàng trôi qua.
Đánh mất niềm tin là một thực tế đang diễn ra
- Nhiều bạn trẻ được sống trong môi trường đầy đủ, được bao bọc từ nhỏ nên đối diện với nhiều thử thách.
- Tâm lí thua kém dễ ảnh hưởng đến niềm tin
- Mất niềm tin dễ gây ra hiện tượng bạc nhược, ăn bám, ý lại hay thậm chí là hư hỏng.
- Trong phần bình luận và chứng minh này bạn có thể phân biệt giữa tự tin với tự phụ để khẳng định giá trị của bản thân.
Liên hệ bản thân
- Phần liên hệ bản thân chú trọng vào việc làm thế nào để xây dựng niềm tin bản thân. Phân tích theo từng môi trường và từng đối tượng khác nhau. Chẳng hạn:
- Đối với cá nhân: Không ngừng học tập, trau dồi kiến thức. Sớm hình thành lý tưởng sống và đấu tranh để thực hiện những ý tưởng đó.
- Đối với cơ quan quản lý xã hội: Xây dựng và phát huy lối học sáng tạo. Học đi đôi với hành.
- Biểu dương những cá nhân dám nghĩ dám làm để noi gương cho mọi người khác.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của niềm tin
- Khẳng định lại niềm tin có vai trò rất quan trọng.
Dành cho các em: Nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống (25 Mẫu hay nhất)
Bài văn mẫu nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống
Con người ta không thể sống mà không có niềm tin vào bất cứ thứ gì. Niềm tin cũng có những sức mạnh rất diệu kì của riêng nó, nhất là niềm tin vào chính bản thân mình. Bởi thế, có ý kiến cho rằng: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (Theo sách “Dám thành công” – nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, trang 90).
Niềm tin là một danh từ có ý nghĩa trái ngược với sự nghi hoặc, nghi ngại, nghi ngờ, hoài nghi, thậm chí là thất vọng hoàn toàn, không tin tưởng vào bất cứ thứ gì, ngay cả bản thân mình.
Tự tin là tự mình không nghi ngờ bản thân. Người có lòng tự tin luôn khẳng định năng lực và phẩm chất của mình, coi đó là nguồn sức mạnh có ý nghĩa quyết định, giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra là, trong 30 năm gian khổ trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nếu dân tộc Việt Nam không có niềm tin thì liệu chúng ta có được độc lập như ngày hôm nay hay không? Cuộc sống này có muôn vàn màu vẻ, có vui, có buồn, có thành công, có thất bại, có hạnh phúc, có khổ đau, có thuận lợi và có cả những khó khăn,… Trong bài hát “Niềm tin chiến thắng” có câu: “Niềm tin chiến thắng, sẽ đưa ta đến bến bờ vui; Niềm tin chiến thắng nối con tim yêu thương mọi người”. Cha con John Roebling và Washinton quyết định xây dựng cây cầu Brooklyn nối giữa hai thành phố Manhattan và Brooklyn. Công việc vừa mới bắt đầu thì một tai nạn bất ngờ ập đến. John qua đời còn Washinton thì phải nằm liệt giường vĩnh viễn. Washinton chỉ có thể nói chuyện với mọi người bằng một ngón tay duy nhất còn cử động được. Song với một niềm tin mãnh liệt, suốt 13 năm trời, Washinton đã dùng ngón tay duy nhất còn cử động của mình để thiết kế, chỉ đạo và cuối cùng đã hoàn tất việc xây dựng cây cầu Brooklyn kỳ vĩ như ngày nay. “Người phụ nữ chạy nhanh nhất hành tinh”, ba lần giành huy chương vàng Olympic 1960, Marilyn King, đã từng bị chấn thương nặng trước khi tham dự Olympic. Nhưng nhờ tự tin và luôn tin rằng mình có thể hồi phục, có thể có đầy đủ khả năng tham dự Olympic nên chị đã thực sự trở lại đường đua và thành công ngoài sự tưởng tượng của tất cả mọi người.
Qua đây, ta thấy, niềm tin vào cuộc sống và niềm tự tin luôn là đức tính tối cần thiết trong cuộc đời mỗi con người. Đức tính ấy giúp ta mãi mãi yêu đời, yêu người, mãi mãi hy vọng vào những gì tất đẹp hơn. Niềm tin vào bản thân là niềm tin cần thiết nhất trong tất cả các niềm tin. Nền tảng của sự thành công thực sự và bền vững là chỉ có thể dựa vào chính mình chứ không thể dựa vào bất cứ cái gì ngoài mình. Khi ta có niềm tin, ta có thể dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với tất cả khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Nhờ đó, ta có thể thành công hoặc chí ít ta cũng có thể học hỏi được kinh nghiệm từ những thất bại. Mà người đời nói: “Thất bại là mẹ của thành công”. Mỗi thất bại được ươm mầm trên mảnh đất của niềm tin màu mỡ là một cơ hội tốt để suy nghĩ, hành động của ta có dịp được đơm hoa, kết trái. Dân gian nói: “Con không khóc, mẹ đâu cho bú”. Ngạn ngữ nói: “Bạn không gõ, làm sao cửa mở”; “Bạn không đi, biết đâu là đường”. Cũng như vậy, nếu bạn không tự tin suy nghĩ và hành động thì làm sao cơ hội cho cuộc đời của bạn được mở ra! Mà dù cho cơ hội ấy có đến nhưng vì bạn không tự tin nắm bắt lấy nó thì cơ hội hiếm hói ấy cũng sẽ nhanh chóng vuột khỏi tầm tay của bạn, bỏ lại bạn cô đơn suốt đời trên con đường không ánh sáng. Cho nên, xin khẳng định lại một lần nữa rằng: Niềm tin và nhất là tự tin là đức tính vô cùng quý báu đối với mỗi con người.
Trái ngược với niềm tin, với tự tin là tự ti, là mất tự tin. Khi ấy, con người không còn tin vào năng lực và phẩm chất của chính bản thân mình. Do đó, con người cũng sẽ đánh mất những điều kiện cơ bản và cần thiết giúp họ đạt đến những giá trị quý báu: nghị lực và ý chí, hy vọng và lạc quan,…
Mất niềm tin, nhất là mất tự tin, con người không còn khả năng đương đầu với những khó khăn thử thách nên dễ dàng buông xuôi, bỏ mất những cơ hội trong cuộc sống.
Một nghệ sĩ xiếc đi trên dây sẽ ngã “lộn cổ” nếu mất tự tin. Một đứa trẻ sẽ không bao giờ biết đi xe đạp nếu nó không bao giờ tin là nó có thể đi xe đạp. Một học sinh sẽ không bao giờ học giỏi nếu luôn nghĩ rằng mình không có khả năng bằng bạn bằng bè. Một Na- pô- lê- ông sẽ luôn chỉ là một người lính nếu ông ta không bao giờ tin rằng mình có tể làm tướng, rồi làm hoàng đế,…
Tất nhiên, niềm tin cũng cần có cơ sở của nó. Đó là cơ sở thực tế, bắt rễ từ thực tế. Nếu người ta chỉ tin vào một điều viển vông, không có thật, nếu người ta chỉ tin mà không chịu suy nghĩ, học hỏi và hành động để thực hiện niềm tin ấy thì đó chỉ là một niềm tin mù quáng. Và niềm tin ấy sẽ khiến người ta lầm đường, lạc lối trong suốt cuộc đời.
Vậy, làm thế nào để có niềm tin đích thực, để có sự tự tin đúng nghĩa? Thiết nghĩ, điều đầu tiên ta cần phải rèn luyện chính là không ngừng học hỏi, lắng nghe, hợp tác, tu dưỡng phẩm chất và trau dồi những năng lực của bản thân. Những thứ ấy sẽ giúp ta hiểu rõ đâu là niềm tin mù quáng, đâu là niềm tin đích thực. Như đã nói, cuộc sống này có muôn vàn thử thách, khó khăn. Những lúc ấy, ta cần phải luôn nêu cao bản lĩnh, không được đánh mất niềm tin. Đến đây, ta lại nhớ, có người nói: “Mất tiền mất của còn có thể lấy lại được nhưng mất niềm tin là mất tất cả”.
Thầy cô trường vừa gửi đến các em 3 Dàn ý nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống. Để làm tốt bài phân tích của mình, các em có thể truy cập tài liệu Văn mẫu lớp 10 để cập nhật nhiều hơn những bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp