Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển

0
183
Rate this post

Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển

Cuộc thi tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển huyện Nghi Lộc là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 550 năm thành lập huyện (1469 -2019) và 125 năm Danh xưng Nghi Lộc (1894 -2019). Dưới đây là Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển được sưu tầm dành cho các bạn cùng tham khảo.

TÌM HIỂU LỊCH SỬ

KỶ NIỆM 550 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN (1469 – 2021)

VÀ 125 NĂM DANH XƯNG NGHI LỘC (1894 – 2021)

Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển

I. Mốc 550 năm ra đời đơn vị hành chính huyện Nghi Lộc:

Bạn đang xem: Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển

Cũng như nhiều vùng đất khác của Việt Nam, cho đến nay, địa giới hành chính, tên gọi của huyện Nghi Lộc đã nhiều lần thay đổi qua các thời kì lịch sử.

Khi Bình Định vương Lê Lợi tiến quân ra Đông Đô, đã chia đất nước ta làm 4 đạo. Khi đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, tháng 3 năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ chia cả nước thành 5 đạo (Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo) và cho các phủ, huyện, lộ, trấn thuộc vào các đạo ấy. Khi đó, phủ Nghệ An cùng với Thanh Hóa, Tân Bình và Thuận Hóa thuộc Hải Tây đạo.

Tháng 6 năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước thành 12 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô. Đến tháng 3 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông tiếp tục định số phủ, huyện, châu cho 12 đạo thừa tuyên. Thừa tuyên Nghệ An có 9 phủ, 27 huyện, 3 châu. Huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, Thừa tuyên Nghệ An (tức huyện Nghi Lộc ngày nay).

Trong Bản đồ Hồng Đức (được vẽ năm 1490) cũng ghi rõ huyện Chân Phúc thuộc phủ Đức Quang, Thừa tuyên Nghệ An. Huyện Chân Phúc có 37 xã, 8 thôn, 1 sở.

Trải qua các thời kỳ nhà Mạc (1527 – 1597), Lê Trung hưng (1533 – 1788), danh xưng huyện Chân Phúc vẫn được giữ nguyên. Trong các tư liệu về khoa bảng khi chép về Nguyễn Khuê (1738 – ?) – người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1787), đời vua Lê Mẫn Đế – là người xã Đặng Xã, huyện Chân Phúc.

Dưới thời Lê Trung hưng, có một sự kiện liên quan đến địa danh huyện Chân Phúc, đó là vào tháng 9 năm Đinh Hợi (1767), khi chúa Trịnh Sâm cho hợp lại hoặc bỏ bớt một số phủ, huyện: “Trịnh Sâm lấy cớ rằng, nhân dân trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, nghĩ thay đổi tệ tập ấy, bèn bàn định thi hành việc hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận tùy tiện kiêm lý”. Theo đó, Nghệ An có 1 phủ và 1 huyện: Phủ Anh Đô (nay đổi Anh Sơn) kiêm lý phủ Diễn Châu; huyện Nghi Xuân kiêm lý huyện Chân Phúc (nay đổi Chân Lộc). Điều đó, có nghĩa là huyện Chân Lộc sẽ do huyện Nghi Xuân kiêm lý và đều trực thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An.

Có thể nói, trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông là người đầu tiên tiến hành sắp xếp và san định các đơn vị hành chính từ cấp thừa tuyên đến các phủ, huyện, châu và xuống tận cấp hành chính cơ sở (xã, thôn, trang, sách, sở, động). Và, cũng lần đầu tiên, ông cho “định bản đồ trong cả nước” thành một bản đồ chung, thống nhất trong một thời gian dài, đó là bản đồ Hồng Đức. Chính vì lẽ đó, địa danh và địa giới huyện Chân Phúc xuất hiện trên bản đồ Hồng Đức là một sự kiện lịch sử quan trọng.

Dưới thời Tây Sơn (1789 – 1802), vì vua Quang Trung cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở xã Dũng Quyết, huyện Chân Lộc, nên trấn Nghệ An được đổi thành Trung Đô. Cũng có một thời gian, Nghệ An được gọi là trấn Nghĩa An, vì trong sách Tây Sơn bang giao lục có nhắc tới danh xưng này.

Trong bức thư gửi cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vào tháng 3 năm 1788, vua Quang Trung có viết: “Nhớ buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả cung đã từng mở xem bản đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thật là chỗ đẹp để đóng đô vậy”. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có bổ sung: “Vua Quang Trung cho rằng, Nghệ An ở vào chính giữa nước, đường sá từ Nam ra từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình cũng ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ, đá, gạch, ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng toà lầu Rồng ba tầng cùng điện Thái hòa hai dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng trung đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng”. Ngày nay, căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, Phượng Hoàng Trung Đô nằm ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết (núi Phượng Hoàng).

Điều đó có nghĩa là, huyện Chân Phúc có một vị trí địa – chính trị rất quan trọng – nơi đặt Phượng Hoàng Trung Đô của nhà Tây Sơn. Huyện Chân Phúc được đổi tên thành huyện Chân Lộc, bởi 2 lẽ:

Thứ nhất, do kiêng húy thân phụ của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Phi Phúc. Trong phần “Trung chi II họ Hồ” của Hồ tông thế phả cho biết: Hồ Sĩ Anh (Hồ Thế Anh) sinh Hồ Thế Viêm; Hồ Thế Viêm sinh Hồ Phi Khang; Hồ Phi Khang sinh 5 con trai là Hồ Phi Phú, Hồ Phi Thọ, Hồ Phi Trù, Hồ Phi Huống và Hồ Phi Phúc; Hồ Phi Phúc sinh 3 con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng chép: “Đời Tây Sơn kiêng chữ Phúc (chữ họ của các chúa Nguyễn), đổi là Chân Lộc”.

Thứ hai, do kiêng tránh với Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc. Trong phần viết về nhân vật Bùi Dương Lịch, sách Nghệ An ký cho biết: “[Nguyễn] Huệ vào điện yết kiến [vua Lê], trình bày ý tôn phù chính thống của mình, xin triệu tất thảy văn võ bá quan về kinh chầu hầu. Lấy thóc ở kho Hữu Viên đem phát chẩn cho những quân dân trong kinh kỳ vừa mắc nạn binh lửa. Các giấy tờ báo cáo với người trong nước đều dùng dấu “Ngự tiền chi bảo”. Duy quân lệnh của Tây Sơn thì dùng riêng dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc””. Từ sự kiện này, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ đã khẳng định: “Như vậy, chữ Phúc trong tộc danh Nguyễn Phúc trở thành một từ nói về kẻ thù địch của triều Tây Sơn. Các địa danh có chữ Phúc vì vậy đều phải đổi để kiêng tránh”.

Việc nhà Tây Sơn đổi tên huyện Chân Phúc thành Chân Lộc cũng được các bộ địa lý học khẳng định. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chua rằng: “Chân Lộc (Chân Phúc cũ) là tên đặt từ đời Tây Sơn (1778 – 1801)”. Như vậy, cả chính sử lẫn các tài liệu địa chí đều không cho biết thời gian cụ thể của việc đổi tên đó.

Ngay sau khi vương triều Nguyễn được thiết lập, ngày Canh Tuất tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã cho thống kê toàn bộ các trấn, phủ, huyện trong cả nước nhằm kiểm soát và kiện toàn các đơn vị hành chính, “tất cả có 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu. Trấn Nghệ An có 9 phủ (Đức Quang, Diễn Châu, Hà Hoa, Anh Đô, Trà Lân, Quỳ Châu, Trấn Ninh, Lâm An, Ngọc Ma) và 18 huyện (Hương Sơn, Nghi Xuân, Thanh Chương, La Sơn, Chân Lộc, Thiên Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Hoa, Thạch Hà, Nam Đường, Hưng Nguyên, Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn, Thúy Vân, Trung Sơn”. Đến tháng 5 năm Giáp Tý (1804), trấn thành Nghệ An được chuyển từ xã Dũng Quyết sang xã An Trường.

Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, vào đầu thế kỷ XIX, huyện Chân Lộc là 1 trong 6 huyện của phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Trong đó, huyện Chân Lộc có 4 tổng, 66 xã, thôn, phường, sở, trang, vạn:

1. Tổng Thượng Xá có 21 xã, thôn, phường: Hạ Xá, Điền Xá, Hương Quan, Phú Ích, Thịnh Trường (thôn Đông Chử, thôn Xuân Tịnh, thôn Kỳ Mạnh), Thiêm Lộc, thôn Bào Ổ, thôn Võng Nhi thuộc xã Áng Độ, trang Mai phụ, Vạn Lộc, Áng Độ, Thượng Xá, Hảo Hợp (thôn Thu Lũng, thôn Thận Trung, thôn Hương Đinh, thôn Bào Thủy, thôn Hoa Duệ, thôn Làng Ngoại, giáp Lập Thạch).

2. Tổng Ngô Trường có 17 xã thôn, phường, sở: Phan Xá (thôn Phan, thôn Xuân Liễu, thôn Bảo Đài), Xuân An (thôn An Toàn, thôn Thượng Xá, thôn Trung Ngũ, thôn Mỹ Hậu), sở Đức Quang, thôn Tứ thuộc xã Ngô Xá, Chân An, Dũng Quyết (thôn Thượng, thôn Hạ), An Trường, Giáp Am, An Lưu, phường Thủy Cư.

3. Tổng Kim Nguyên có 11 xã, thôn, phường, vạn: Kim Nguyên, Cẩm Trường, Kỳ Phúc, thôn Kim Khê thuộc xã Cao Xá, Thịnh Hoa, Trí Trai, Thược Dược, phường Võng Nhi, Kim Khê (thôn Thượng, thôn Trung), vạn Trại Trai.

4. Tổng Đặng Xá có 17 xã, thôn, trang: Đặng Xá (thôn Bào Chiêm, thôn Hoàng Cam), Đặng Điền (thôn Hoàng Cam, thôn Bào Chiêm, thôn Thủy Đạc), Hải Côn, Lộc Hải, Đông Hải (thôn Cổ Đan, thôn Bảo Lân, thôn Cổ Bái, thôn Chính Vĩ, thôn Bảo An), Lộc Thọ, Kinh Dương, trang Liễu Cù, Lộc Châu, Nam Sơn.

Tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1822), cho đổi “phủ Đức Quang ở Nghệ An làm phủ Đức Thọ, phủ Anh Đô làm phủ Anh Sơn” và đến tháng 12 năm Bính Tuất (1826), huyện Chân Lộc và Thanh Chương được lệ vào phủ Anh Sơn vì “trước phủ Đức Thọ thống hạt 6 huyện (La Sơn, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thanh Chương, Chân Lộc) mà Anh Sơn chỉ có 2 huyện (Nam Đường, Hưng Nguyên), nhiều ít không đều nhau. Vua sai trấn thần hiệp đồng với quan kinh phái là Đỗ Phúc Thịnh xem kỹ địa thế mà chia lại, lại chọn chỗ nào đường sá đi lại vừa đều thì dời xây phủ lỵ hai phủ”.

Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, tỉnh Nghệ An vẫn thống trị 9 phủ (Anh Sơn, Diễn Châu, Tương Dương, Quỳ Châu, Lạc Biên, Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Định, Trấn Biên) và 29 huyện là Nam Đường, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Chân Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Vĩnh Hoà, Trung Sơn, Thuý Vân, Liên Huyện, Khâm Huyện, Tương Dương, Hội Nguyên, Quảng Huyện, Xôi Huyện, Mộc Huyện, Xa Hổ, Sầm Tộ, Khang Huyện, Cát Huyện, Cam Linh, Thâm Nguyên, Yến Sơn, Mộng Sơn, Man Soạn, Mang Lạn, Cam Môn, Cam Cát. Và, đến năm Mậu Tuất (1838), huyện Chân Lộc trở thành thủ phủ của phủ Anh Sơn.

Dưới đời vua Đồng Khánh (1885 – 1888), Chân Lộc là huyện thống hạt thuộc phủ Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, với 4 tổng, 81 xã, thôn, phường:

1. Tổng Yên Trường, 26 xã, thôn: Xã Vĩnh Yên, xã Yên Trường (gồm các thôn sau: Trung Mỹ, Đông Yên, Yên Thịnh, Nam Khang, Yên Vinh), xã Xuân Yên (gồm các thôn sau: Yên Duệ, Yên Xá, Trung Mỹ, Mỹ Hậu), xã Phan Xá (gồm các thôn sau: thôn Phan, Bảo Đài, Xuân liễu), xã Đức Lân (gồm các thôn sau: Ngô Trường, Ngô Xá, Giáp văn Chấn, Yên Đại), thôn Ân Hậu, xã Lộc Đa, xã Yên Dũng (gồm các thôn: thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Đức Mỹ), xã Đức Thịnh, xã Đức Quang, xã Yên Lưu, phường Thuỷ Cư.

2. Tổng Đặng Xá,18 xã, thôn: Xã Lộc Châu, xã Lộc Hải, xã Lộc Thọ, xã Chân Dương, xã Hải Côn, xã Đặng Điền (gồm các thôn: Phú Vinh, Văn Trạch, Phượng Cương), xã Đặng Xá (gồm các thôn: Hương Cam, Mỹ Chiêm), xã Đông Hải (gồm các thôn: Cổ Đan, Cổ Bái, Bảo Lộc, Bảo Lân, Chính Vĩ), xã Nam Sơn, xã Đặng Yên, xã Hải Yến.

3. Tổng Thượng Xá,24 xã, thôn, phường: Xã Thượng Xá, xã Mỹ Xá, xã Văn Xá, xã Thiêm Lộc, thôn Xuân Tình, thôn Đông Chử, thôn Kỳ Trân, xã Phú Ích, thôn Hương Đình, thôn Hương Qua, thôn Thu Lũng, thôn Thận Trung, thôn Yên Trạch, thôn Yên Lương, thôn Yên Duệ, giáp Lập Thạch, thôn Hương Quan, xã Kim Ổ, xã Vạn Lộc, thôn Tân Lộc, xã Mai Hương, xã Mai Bảng, xã Xuân Áng, phường Đức Võng.

4. Tổng Kim Nguyên,13 xã, thôn, phường: Xã Kim Nguyên, xã Cẩm Trường, xã Kỳ Phúc, xã Chân Lạc, xã Cao Xá, Ngọc Lân, xã Trí Thuỷ, thôn Lộc Mỹ, thôn Kim Thượng, thôn Kim Trung, xã Thịnh Mỹ, xã Trung Hậu, phường Võng Nhi.

Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về huyện Chân Lộc thời kỳ này: “Huyện lỵ đặt ở địa phận 2 xã Kim Nguyên, Cẩm Trường, xung quanh là ruộng mạ, mỗi chiều dài 30 trượng, chu vi 120 trượng. Có một cửa ở mặt tiền. Huyện hạt phía đông giáp biển, phía tây giáp huyện Hưng Nguyên, phía nam giáp giang phận huyện Nghi Xuân, phía bắc giáp huyện Hưng Nguyên. Đông tây cách nhau 25 dặm. Nam bắc cách nhau 42 dặm. Nhân số các hạng: 7.158 người (trong đó binh đinh: 666 người). Ruộng đất công tư và ruộng muối các hạng hiện nộp thuế: 12.330 mẫu 9 sào 7 thước 6 tấc 3 phân 1 ly. Trong đó: Ruộng và ruộng muối các hạng: 8.868 mẫu 5 sào 8 thước 7 tấc 5 phân 6 ly. Đất: 3.462 mẫu 3 sào 13 thước 8 tấc 7 phân 5 ly.

Xem chi tiết Đề cương cuộc thi tìm hiểu Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển tại đây.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-cuong-cuoc-thi-tim-hieu-nghi-loc-550-nam-hinh-thanh-va-phat-trien/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp