Đề cương học kì 1 Ngữ văn 9 bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

0
58
Rate this post

Những kiến thức trọng tâm cần ôn luyện cho tác phẩm Đấu tranh cho một thế giới hòa bình sẽ được tổng hợp trong bộ đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 9 2019 dưới đây!

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 9 bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

I. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

a. Tác giả

Bạn đang xem: Đề cương học kì 1 Ngữ văn 9 bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

– Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két là nhà văn Cô-lôm-bi-a, sinh năm 1928.

– Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

– “Trăm năm cô đơn” (1967) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được giới phê bình văn học đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất thế giới trong những năm 60 của thế kỷ XX.

– Năm 1982, Mác-két được tặng giải thưởng Nô- ben về văn học.

b. Tác phẩm

1. Xuất xứ

Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” trích từ bài tham luận nổi tiếng của G.Mác-két tại hội nghị của các nguyên thủ của các nước thuộc châu Á, Âu, Phi, Mĩ-La-tinh vào tháng 8 năm 1986, tại Mê-hi-cô.

2. Nội dung

– Văn bản chỉ rõ nguy cơ khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa toàn thể loài người cũng như mọi sự sống trên trái đất. Vì thế nhiệm vụ của tất cả mọi người là ngăn chặn nguy cơ đó, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

– Nội dung của văn bản được triển khai bằng một hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ:

  • Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ, có khả năng hủy diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
  • Cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện nhiều lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục… Những chi phí khổng lồ cho chạy đua vũ trang đã cho thấy tính chất phi lý của việc đó.
  • Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lý trí của loài người mà còn ngược lại lý trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hóa.
  • Vì vậy, tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

3. Nghệ thuật

– Hệ thống luận điểm, luận cứ toàn diện chặt chẽ.

– Chứng cứ phong phú, cụ thể từ nhiều lĩnh vực tri thức khoa học và thực tiễn.

– Sử dụng phép so sánh thích hợp, có hiệu quả.

– Kết hợp lý lẽ sắc bén với tri thức phong phú và đặc biệt là lòng nhiệt tình mạnh mẽ của tác giả.

c. Chủ đề

Văn bản kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

Xem thêm: Soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

II. Bài luyện tập

a. Bài tập 1

Viết đoạn văn ngắn (khoảng từ 15 đến 20 dòng) đánh giá cách vào đề của nhà văn G. Mác-két qua đoạn đầu của văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”

Gợi ý

1. Mở đoạn

Giới thiệu khái quát về cách lập luận vào đề của nhà văn Mác – két trong đoạn đầu của văn bản.

2. Thân đoạn

– Nêu thời gian địa điểm: Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8/8/1986.

– Nêu thẳng nguy cơ chiến tranh hạt nhân như một sự thật hiển nhiên bằng những con số cụ thể về đầu đạn hạt nhân.

– Tác giả làm phép tính đơn giản nhưng thật rõ ràng để mọi người có thể hình dung được sức mạnh tàn phá khủng khiếp của lượng vũ khí hạt nhân

– Sử dụng điển tích trong thần thoại Hy Lạp so sánh sự lan truyền và chết người hàng loạt.

3. Kết đoạn

Cách vào đề trực tiếp, chứng cứ cụ thể rõ ràng, trí tưởng tượng khoa học mạnh mẽ thu hút người đọc, người nghe thấy rõ sự tàn phá khủng khiếp của kho vũ khí hạt nhân.

b. Bài tập 2

Nêu hệ thống dẫn chứng mà tác giả dùng làm sáng tỏ luận cứ “Cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn”.

Gợi ý

– Tác giả đưa ra hàng loạt các dẫn chứng với những so sánh đầy thuyết phục trong các lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục…

– UNICEF cần 100 tỉ USD để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới gần bằng những chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược Mĩ và dưới 7000 tên lửa vượt đại châu.

– Kinh phí của chương trình phòng bệnh 14 năm bảo vệ hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét, cứu hơn 14 triệu trẻ em châu phi bằng giá 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu Ni-mít dự định đóng từ 1986 – 2000.

– Số tiền cứu 575 triệu người thiếu dinh dưỡng không bằng 149 tên lửa MX.

– Tiền trả nông cụ cho các nước nghèo để họ có thực phẩm trong 4 năm bằng tiền sản xuất 27 tên lửa MX.

– Tiền đủ xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới bằng tiền đóng 2 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

Văn mẫu 9: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

c. Bài tập 3

Vấn đề G.Mác – két đưa ra trong “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay.

Gợi ý

Học sinh viết thành đoạn văn hoàn chỉnh thể hiện vấn đề nêu trong bài viết có tính cấp thiết đối với đời sống xã hội và con người hiện nay nó cũng là vấn đề đã có ý nghĩa lâu dài chứ không phải chỉ là nhất thời, đó là nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu và mọi người cần đấu tranh cho một thế giới hòa bình. Cụ thể đảm bảo một số ý chính sau:

– Trong những năm qua thế giới có những đáng kể để làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chẳng hạn:

  • Các hiệp ước cấm thử, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã được nhiều nước kí kết, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mĩ và Liên Xô (nay là nước Nga). Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã không còn hoặc lùi xa.
  • Kho vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại và ngày càng được cải tiến.

– Chiến tranh và xung đột vẫn liên tục nổ ra nhiều nơi trên thế giới.Vì vậy thông điệp của G.Mác -két vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục thức tỉnh và kêu gọi mọi người đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

d. Bài tập 4

Phát biểu cảm nghĩ của em về bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của nhà văn G.Mác -két.

Gợi ý

1. Mở bài:

– Trong thời đại ngày nay, điều đáng lo ngại nhất của thế giới chính là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các cường quốc.

– G. Mác-két là nhà văn nổi tiếng của Cô-lôm-bi-a. Ông đã viết bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” để kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2. Thân bài:

a. Cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân:

Tác giả đưa ra một con số khủng khiếp để cụ thể hóa nguy cơ đó :

  • Tính đến ngày 8/8/1986, 50.000 đầu đạn hạt nhân được bố trí khắp hành tinh.
  • Bình quân, mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ.
  • Nếu tất cả nổ tung thì sẽ tan biến mọi dấu vết của sự sống trên trái đất.

b. Chi phí đến mức vô nhân đạo của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân:

Chứng minh bằng hệ thống dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện, có tính chất tương phản rất rõ:

– Dự định của UNICEF về chương trình giải quyết các vấn đề cấp bách cho hơn 500 triệu trẻ em nghèo khổ trên khắp thế giới không thể thực hiện được vì không có đủ số tiền 100 tỉ đô la.

– Số tiền này chỉ gần bằng chi phí bỏ ra cho 500 máy bay ném bom chiến lược của Mĩ và 7000 tên lửa vượt đại châu.

– Giá 100 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong 14 năm…

– Chỉ cần số tiền chế tạo 27 tên lửa MX là đủ cho các nước nghèo có thực phẩm dùng trong 4 năm…

– Hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân có giá trị tương đương với số tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới…

c. Lên án cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là đi ngược lại lý trí của con người và quá trình tiến hóa của tự nhiên:

– Sự bức xúc cao độ của nhà văn thể hiện qua lập luận sắc bén, đầy sức thuyết phục.

– Từ lúc nhen nhóm sự sống trên trái đất cho đến nay, đã trải qua mấy trăm triệu năm.

– Chỉ cần nhấn một nút hạt nhân là cả quá trình tiến hóa vĩ đại ấy trở về điểm xuất phát đầu tiên, có nghĩa là sự sống hoàn toàn bị tiêu diệt.

d. Lời kêu gọi toàn nhân loại hãy đoàn kết chống chiến tranh hạt nhân:

Mọi người hãy đoàn kết, đồng thanh phản đối chiến tranh hạt nhân, đòi hỏi một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.

3. Kết bài

– Bài viết chứa đựng ý nghĩa thời sự và nhân đạo to lớn, sâu sắc.

– Mác – két xứng đáng là người chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình của nhân loại.

Trên đây là phần đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019/2020 gửi đến các em tham khảo. Hy vọng sẽ là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các em trong kì thi học kì 1 này đạt được điểm số cao.

Tổng hợp đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn lớp 9 bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình với những phần kiến thức cần lưu ý và một số bài tập cần ôn luyện

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-cuong-hoc-ki-1-ngu-van-9-bai-dau-tranh-cho-mot-the-gioi-hoa-binh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp