Cùng tìm hiểu một số đề đọc hiểu tương tư của Nguyễn Bính chọn lọc.
Các dạng đề đọc hiểu tương tư của Nguyễn Bính
1. Dạng đề đọc – hiểu (3-4 điểm)
Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư, Nguyễn Bính )
a.Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. Đoạn thơ thể hiện tâm tư,tình cảm gì của nhân vật trữ tình?
* Gợi ý trả lời
– Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên là: biểu cảm
– Đoạn thơ thể hiện: tâm trạng tương tư – nhớ nhung của nhân vật trữ tình.
b.Phân tích hiệu quả sử dụng biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ.
* Gợi ý trả lời
Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ là hoán dụ: Dùng địa danh để chỉ người sống trên địa danh đó: Thôn Đoài- Thôn Đông.
– Hiệu quả sử dụng của biện pháp tu từ đó là:
●Cách biểu đạt tình cảm kín đáo, ý nhị .
●Tạo ra 2 nỗi nhớ song hành, chuyển hóa: người nhớ người, thôn nhớ thôn ; biểu đạt được quy luật tâm lí: khi tương tư thì cả không gian sinh tồn xung quanh chủ thể cũng nhuốm nỗi tương tư.
c.Những yếu tố nào trong đoạn thơ thể hiện chất dân gian trong thơ Nguyễn Bính?
* Gợi ý trả lời
●Nội dung: Tâm trạng tương tư- đề tài quen thuộc xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca.
●Hình thức: Thể thơ lục bát; địa danh , nghệ thuật hoán dụ, thành ngữ, cách nói vòng, giọng điệu tâm tình ngọt ngào thường thấy trong ca dao …
Có thể bạn quan tâm
Câu 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang lại chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho ?
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
a. Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ nào? Giới thiệu đôi nét về tác giả bài thơ
* Gợi ý trả lời
-Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính.
– Đôi nét về tác giả:
●Nguyễn Bính (1918 – 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
●Thơ Nguyễn Bính với lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và tình người đằm thắm, thiết tha.
●Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 câu thơ tiếp theo từ “Bảo rằng cách trở đò giang…đến Biết cho ai, hỏi ai người biết cho? là gì? Từ “xa xôi” ở đây có ý nghĩa gì?
* Gợi ý trả lời
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong 6 câu thơ tiếp theo là: điệp từ. Biện pháp điệp làm cho tình cảm và cảnh quyện vào với nhau.
– Từ “xa xôi” ở đây có ý nghĩa là: hai tiếng “xa xôi” được sử dụng với ý nghĩa khác nhau. Nó có sự đối lập; khoảng cách gần nhau chỉ là bên này, bên ấy, nhưng tình cảm lại xa xôi. Trách móc đấy.
Câu 3: Đọc đoạn thơ sau và tìm những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn thơ? Nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó.
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”
(Tương tư – Nguyễn Bính)
* Gợi ý trả lời
– Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là: Điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ.
– Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó là:
●Cách biểu đạt tình cảm kín đáo, ý nhị .
●Tạo ra 2 nỗi nhớ song hành, chuyển hóa: người nhớ người, thôn nhớ thôn; biểu đạt được quy luật tâm lí: khi tương tư thì cả không gian sinh tồn xung quanh chủ thể cũng nhuốm nỗi tương tư.
Câu 4: Từ nội dung đoạn thơ trên anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về tình bạn, tình yêu tuổi học đường?
* Gợi ý trả lời
Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về tình bạn, tình yêu tuổi học đường.
Gợi ý làm bài: Học sinh có thể dựa vào những ý chính sau để viết bài:
– Tình bạn tuổi học trò
●Tình bạn tuổi học đường không thể thiếu
●Ý nghĩa và sức mạnh của tình bạn
●Vấn đề chọn bạn và phát triển tình bạn
●Bác bỏ việc chọn bạn tràn lan
– Tình yêu học đường
●Con đường từ tình bạn tới tình yêu không phải là tất yếu, cần phải nuôi dưỡng tình bạn trong sáng…
– Hệ quả của tình yêu
●Chưa phát triển về cả tinh thần lẫn thể chất, bi kịch nhẹ là sa sút học tập; nặng thì trả giá khôn lường. Vì thế phải vượt lên chính mình.
●Rút ra bài học cho chính bản thân mình.
2. Dạng viết bài văn (4-6 điểm).
Đề 1: Phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính
* Gợi ý trả lời
I. Mở bài: giới thiệu bài thơ Tương tư – Nguyễn bính
II. Thân bài: Phân tích bài thơ tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính
1. 4 câu thơ đầu:
+ Nỗi tương tư của nhà thơ
+ Hình ảnh đôi trai gái mang dáng vóc mộc mạc, giản dị
+ Sự nhớ thương da diết của chàng trai, nỗi nhớ thương của một người dành cho một người
2. Tâm trạng của người tương tư:
+ Có sự trách móc nhẹ nhàng của chàng trai
+ Nhận thấy được tình cảm nồng thắm của chàng trai dành cho cô gái
+ Nỗi buồn da diết của người tương tư được thể hiện rất rõ ràng
+ Sự thay đổi cách xưng hô
+ Thể hiện nên sự độc đáo, chân thật, mộc mạc trong thơ Nguyễn Bình
III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về bài thơ Tương tư của Nguyễn Bình
Đề 2: Phân tích 4 câu cuối bài thơ “Tương tư” của thi sĩ Nguyễn Bính:
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài, nhớ giầu không thôn nào?”
* Gợi ý trả lời
a) Mở bài
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính.
– Khái quát về nội dung chính của bốn câu thơ cuối: nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu.
b) Thân bài
– Bốn câu thơ cuối thể hiện nỗi nhớ và khát vọng lứa đôi thầm kín, e ấp của chàng trai
+ Bốn câu thơ cuối là sự nối tiếp mạch cảm xúc “tương tư” ở những câu thơ trước.
+ Tác giả đã trực tiếp giãi bày, bộc bạch tình cảm thông qua đại từ nhân xưng “anh” và “em”.
+ Khát vọng lứa đôi được thể hiện thông qua hình ảnh “giàn giầu” và “hàng cau”.
+ Nỗi nhớ e ấp, thầm kín nhưng khắc khoải khôn nguôi được thể hiện qua hai miền không gian “thôn Đoài”, “thôn Đông”.
+ Câu hỏi tu từ vang lên như một lời bỏ lửng vấn vương về mơ ước và hi vọng vào một tình yêu không được hồi đáp, qua đó thể hiện tình yêu giản dị, chân thành của tác giả.
– Bốn câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp dân gian, dân dã trong hồn thơ Nguyễn Bính
+ Lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc.
+ Giọng thơ mang âm hưởng của sự ngọt ngào, ngân vang êm dịu như những khúc hát dân ca sâu lắng tâm tình.
+ Vận dụng thành công những thi liệu về địa danh, cỏ cây thấm đẫm hương vị của làng quê Việt Nam: “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “giàn giầu”, “hàng cau”,…
c) Kết bài
– Khái quát lại giá trị của 4 câu thơ cuối Tương tư :
Ví dụ: Phân tích 4 câu thơ cuối bài Tương tư đã cho thấy vẻ đẹp riêng trong thơ tình của Nguyễn Bính, sự vận dụng sáng tạo các chất liệu văn học dân gian, câu thơ lục bát giàu vần điệu nhạc điệu đã nói lên nỗi khát khao tình yêu hạnh phúc của lứa đôi.
Đề 3: Cảm nhận bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Bính
– Giới thiệu chung về tác phẩm Tương tư
2. Thân bài
a. Phần 1: Chàng trai bày tỏ nỗi tương tư của mình
* Tác giả bày tỏ nỗi tương tư:
– “Tương tư” là cảm giác nhớ thương của một kẻ đang yêu, nói đúng hơn là của người yêu đơn phương. Mối tình ấy được ấp ủ, được dồn nén thành lời qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhất.
– Bốn câu thơ đầu bày tỏ nỗi nhớ mong khắc khoải của kẻ đang yêu. Chàng trai bày tỏ nỗi tương tư của mình:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
– Nghệ thuật: nhân hóa
=> Mượn hình ảnh “Thôn Đoài”, “thôn Đông” để nói lên nỗi nhớ của mình.
– Mượn chuyện nắng mưa của giời để trải lòng mình. Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh tiềm ẩn trong chính con người mình, tự nhiên như quy luật đất trời vậy.
* Sự hờn trách của chàng trai:
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
– Những câu hỏi dồn dập, nối tiếp nhau tạo nên sự bối rối, lo lắng và chồng chất nỗi niềm trong lòng chàng trai đang yêu. Tác giả đã mượn lối nói dân gian của ca dao, dân ca để hỏi dò cớ sao cô gái lại hững hờ như vậy.
– Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tha thiết như truyền tải thông điệp đến cho cô gái.
– “Cớ sao”: lời trách nhưng lại rất tế nhị, đáng yêu.
=> Mối tương tư của chàng trai trằn trọc suốt bao đêm, nhưng chẳng biết ngỏ cùng ai, rồi cũng chẳng ai thấu cho. Nỗi băn khoăn cứ chồng chất, cứ dai dẳng và đợi chờ.
b. Phần 2: Khao khát hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài ngồi nhớ trầu không thôn nào?
– Tác giả mượn hình ảnh quen thuộc, mộc mạc “cau”, “giầu” để diễn tả tình yêu. Trầu cau để bắt đầu tình yêu đã đẹp, trầu cau để bắt đầu một cuộc sống gia đình, một đám cưới còn đẹp hơn. Có trầu thì phải có cau, màu trầu cau thì hai ta đã sẵn.
– Thay đổi cách xưng hô “tôi – em” thành “anh – em”
=> Sự mạnh dạn chuyển đổi cách xưng hô, cách gọi thân mật. Dấu hiệu này chứng tỏ mối tình đã quá lớn, đã quá sâu và chàng trai muốn giãi bày trực tiếp với cô gái.
3. Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Đề 4: Chất dân gian được thể hiện trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính
* Gợi ý trả lời
A. Mở bài:
Giới thiệu về nhà thơ Nguyễn bính và bài thơ Tương Tư
Dẫn dắt vào vấn đề: Chất liệu dân gian được sử dụng trong bài thơ
B. Thân bài:
Khái quát chung:
– Xuất xứ: Trích từ tác phẩm Lỡ bước sang ngang
– Thể thơ: thơ lục bát truyền thống
Bố cục:
– 4 câu đầu: Khái quát nỗi lòng tương tư
– 12 câu tiếp: Những trạng thái của tương tư
– 4 câu cuối: Ước vọng tình yêu xa xôi
Nội dung:
– Thể thơ lục bát truyền thống
– Đề tài quen thuộc: Tương tư và nỗi nhớ, ước nguyện chân thành trong tình yêu
– Dùng chất liệu ngôn từ:
+ Địa danh: Thôn Đoài, Thôn Đông
+ Thành ngữ: chín nhớ mười
+ Số từ: một, mười, chín
+ Cách tổ chức lời thơ độc đáo: đẩy đối tượng về hai đầu câu thơ tạo khoảng cách xa giữa họ là nhịp cầu chín nhớ mười thương
+ Đại từ phiếm chỉ ai ý nhị, duyên dáng, kín đáo. Tất cả các cách diễn dạt từ ca dao dân ca ấy hòa quyện vào từng câu thơ, ý thơ hết sức nhuần nhị.
+ Cấu trúc câu trùng điệp, cách ngắt nhịp truyền thống: gió mưa là, tương tư là
+ Phép điệp và phép đối quen thuộc của ca dao Ngày qua ngày lại qua ngày
+ Hình ảnh quen thuộc: trầu cau
+ Giọng điệu: Là giọng kể lể, giọng của điệu nói Bảo rằng…, đã đành…
C. Kết bài:
Cảm nhận, nhận xét chung về vấn đề
Mở rộng vấn đề bằng liên tưởng và suy nghĩ của cá nhân.
………………………………
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp