Diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về – Văn mẫu 10 hay nhất

0
57
Rate this post

Hứng trở về là bài thơ nói lên nỗi niềm khao khát, mong ước được trở về quê hương của người con phải xa quê. Qua lời của tác giả, kể lại diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương sau một thời gian dài xa cách để thấy được hình ảnh về tình yêu quê hương của những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng quê mới hiểu. Cùng tham khảo những bài văn mẫu để hiểu hơn tâm trạng của tác giả nhé

Đề bài: Qua bài thơ Quy hứng (Hứng trở về) của Nguyễn Trung Ngạn, em hãy đóng vai tác giả kể lại diễn biến tâm trạng của mình khi trở về quê hương sau một thời gian dài xa cách

——–

Bạn đang xem: Diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về – Văn mẫu 10 hay nhất

Những bài văn mẫu hay kể lại diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về

Bài văn mẫu 1

Đóng vai tác giả kể lại diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về

Tôi – Nguyễn Trung Ngạn, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Tôi có tài học hành nên được phân công làm quan cho triều đình. Đó cũng là những ngày tháng tôi xa quê hương của mình. Quê hương, đối với tôi, đó là một người mẹ có tấm lòng bao la, rộng lớn, chở che và nuôi nấng con người từng ngày. Vậy mà tôi đã xa quê hương của mình bao lần vì công việc. Tôi luôn mang trong mình nỗi nhớ quê hương sâu đậm, cho nên khi đang đi xứ ở Giang Nam tôi đã để lại nỗi niềm của mình qua những vần thơ “Quy hứng”. Khi trở về quê, bao cảm xúc lại ùa về trong tôi về mảnh đất ấy.

Bước từng bước trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, trong tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Tôi nhớ từng cảnh vật nơi đây tôi nhớ từng thời khắc giao mùa, từng thời điểm quê hương mình thay áo.

“Dâu già lá rụng tằm vừa chín

Lúa sớm đơm bông, cua béo ghê”

Là người gắn bó máu thịt với quê hương, nên hình ảnh “dâu già, lá rụng, tằm chín” đã in sâu vào trong tâm trí tôi. Quê tôi đặc trưng là làm nghề nông, đến mùa là cấy lúa, rồi chờ đợi nó đơm bông, rồi gặt hái. Những cánh đồng xanh rì rào thẳng cánh cò bay. Tôi nhớ da diết cái mùi hương lúa ấy, mùi hương của lúa đơm bông. Mùi hương là một thứ gì đó đầy uy lực, mà mùi hương chẳng phải là cội nguồn của nỗi nhớ sao, là thứ được lưu giữ lâu bền và mạnh mẽ nhất trong kí ức của con người. Chính những thứ đơn giản mộc mạc đơn sơ ấy đã tiếp sức cho tôi trên con đường sự nghiệp, những ngày xa quê.

Quê hương tôi nghèo, nghèo lắm. Nhưng chính bản thân tôi lại thấy rằng: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt”. Công việc, quốc sách của đất nước tôi luôn đặt lên hàng đầu, dẫu sao, với tôi sống ở quê mình vẫn tốt hơn dù nó có nghèo đói. Cuộc sống bôn ba, đất khách nơi Giang Nam, được thưởng ngoạn khung cảnh đó đây, tuy nhiên sâu trong lòng tôi ” Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”. Rồi đây, khi trở về quê hương sau chuyến đi ấy, cảm nhận được sự thân thuộc, thân quen xung quanh mình, nơi có người hàng xóm láng giềng, có anh chị em họ hàng thân thiết, lòng tôi không khỏi xốn xang, vui mừng khôn tả.

Hãy đi thật xa để trở về, đi xa quê hương để bạn nhận ra rõ hơn những thứ mình trân trọng yêu thương là gì. Một điều kì diệu nữa, khi tôi trở về tôi thấy mình trưởng thành hơn, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng, mọi khó khăn của cuộc đời, tôi luôn có thể vượt qua, bởi đã có quê hương của tôi, luôn dang tay đón chào tôi trở về. Trong chuyến trở về lần này, tôi sẽ tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa trong công việc của mình, mang tri thức tài năng của mình cống hiến cho quê hương và đất nước.

Tham khảo thêm nội dung soạn bài Hứng trở về để hiểu hơn tấm lòng của người con xa quê, lòng tự hào về chính quê hương của mình, thứ mà chỉ những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn mới thấu hiểu, qua đó có thể viết bài được hay hơn.

Bài văn mẫu 2

Diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về bằng lời kể của tác giả

Quê hương hai tiếng vô vàn thân thương, quê hương như dòng sữa mẹ không bao giờ vơi cạn, như tấm lòng mẹ giản dị và bao la, hình ảnh quê hương với chiếc cầu tre, con đò nhỏ, với những rặng tre xanh tắm mình trong những luồn gió thơm ngọt ngào… đã đi vào tiềm thức. Vậy mà một lúc nào đó bạn phải xa quê hương thì quả là một thách thức rất lớn. Tôi là như vậy đó, khi tôi viết bài thơ Hứng trở về khi tôi đang phải biền biệt nơi đất khách quê người.

Đúng như lời của một bài ca dao:

“Anh đi, anh nhớ quê nhà

    Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương,

    Nhớ ai dãi nắng dầm sương

    Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

(Ca dao)

Một lần tôi về quê, sau bao nhiêu năm xa cách. Bồi hồi, nhớ nhung, biết bao kỉ niệm hiện về. Nhưng quê hương đây rồi, tất cả vẫn còn nguyên như cũ, nhưng con người cũ đâu rồi? Những đứa trẻ lớn lên xa lạ, hỏi tôi: “Bác ở mù nào lại chơi?”. Thật ngậm ngùi: thời gian!

Khi xa quê hương, những điều bình dị đều trở thành những điều thật thiêng liêng, mỗi người đều nhớ về quê với những gì thật gần gũi gắn bó với tuổi thơ và đến lúc trưởng thành, còn bạn thì sao? Khi viết bài Quy hứng, tôi đang trên đường trở về quê hương trong tâm trạng khắc khoải và chờ đợi.

“Dâu già lá rụng tằm vừa chín”

Hình ảnh lá “dâu già, lá rụng, tằm vừa chín” đã ám ảnh trong tâm trí của tôi vì là người gắn bó máu thịt với quê hương, hiểu được đặc trưng của quê hương nên tôi luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn với những hình ảnh quen thuộc, phải là người gắn bó sâu nặng và ân tình nên tôi mới có thể hiểu được quê mình trong những giờ phút chuyển mùa, khi sống nơi đất khách, quê hương luôn là điểm tựa tinh thần của tôi, nâng đỡ và tiếp bước cho tôi trong những chặng đường đời.

Nếu như bạn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nông thôn xa rời với những bon chen và vật lộn với cuộc đời, một lúc nào đó khi phải xa nơi mình đã từng gắn bó, ký ức trong bạn là nhữug cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tỏi cũng vậy, nhớ về quê hương là tôi lại nhớ đến những cánh đồng lúa đang mùa trĩu hạt, tôi nhớ cả những buổi đi bắt cua được tắm mình trong những dòng sông.

Lúa sớm đơm bông, cua béo ghê.

Phải là những con người gắn bó bằng da, bằng thịt không những chỉ cảm nhận bằng hình ảnh mà còn cảm nhận bằng mùi vị nữa. Tôi yêu quê hương của mình, chỉ có tình yêu tha thiết và sâu nặng mới có thể biến những điều bình dị thành những gì sâu nặng đến như thế, bởi vì tôi sinh ra không phải chốn phồn hoa đô hội, tôi sinh ra ở vùng quê ròn rã nắng cháy mùa, nơi ấy có những cánh đồng thơm mát hương đồng nội, nơi ấy xa rời với những bon chen vật lộn với đời, nơi ấy có những con người hồn hậu và chất phác, bình dị và trong lành, tôi tự hào vì điều đó.

Còn bạn thì sao? Bạn sẽ tự hào vì mình sinh và lớn lên ở chốn thị thành? Đương nhiên là vậy rồi, vì mỗi người đều có một quê hương để mà tự hào (“Quê hương mỗi người chỉ một”). Nhưng quê hương của tôi là vậy đây.

Quê hương tôi nghèo lắm, con người ở đây cũng hồn hậu và chất phác như thế. Nhưng khi xa quê hương, trải qua bao thăng trầm, tôi mới tự hỏi lòng mình vì sao quê hương lại có sức nặng ghê gớm đến như vậy?

“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt”

Mặc dù xa quê hương nhưng hình bóng của quê nhà vẫn luôn ám ảnh trong những giấc mơ của tôi, tôi vẫn trông chờ và hy vọng, vẫn luôn khắc khoải, chờ mong và trông đợi tin tức của quê hương, tôi tự lắng lòng mình xuống để nghe những âm thanh cuộc sống của quê nhà, nhưng quê hương vẫn nghèo như thế nhưng cái giàu có về tâm hồn mới là sự giàu có quan trọng nhất, có lẽ đúng với ý thơ của Nguyễn Trung Ngạn: “Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt”.

Trong cuộc đời bôn ba đầy dâu bể, trải qua bao biến thiên thăng trầm, dẫu rằng nơi đất khách được ăn những món ngon, được thưởng thức những cảnh đẹp, được thả mình trong những cuộc chơi nhưng cuộc vui thì lại thoáng qua còn những gì sâu đậm nhất thì neo lại giữa lòng người. Đó là tâm hồn mình luôn hướng về quê hương trong tâm trạng khắc khoải với khát vọng cháy lòng, nơi ấy có người mẹ già, có những người anh và những người chị, nơi ấy có những đứa em đang còn thơ dại, thử hỏi làm sao không mong muốn trở về quê được?

“Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”

Đôi lúc tôi cứ thử tập quen đi một môi trường sống mới nhưng dù có đi đâu, đến nơi chân trời góc bể tôi vẫn luôn nhớ về những gì gần gũi và thân quen. Đó phải chăng là sức nặng của quê hương bởi quê hương bao giờ cũng như người Mẹ luôn ôm ấp những đứa con và tiếp sức cho chúng trên những bước đường đời.

Đó là một chân lí bất di bất dịch, cho dù cuộc sống luôn vận động và biến đổi, nhưng dòng sông vẫn luôn miệt mài chảy, cánh cò vẫn thả mình trong những rặng gió chiều, cánh đồng vẫn thơm ngào ngạt trong những mùa trổ bông. Sống nơi đất khách quê người tôi chỉ còn biết mình cần phải cố gắng phấn đấu rất nhiều, học hỏi rất nhiều để rồi một ngày không xa nữa tôi mang theo những tri thức ấy để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

——–

Trên đây là bài văn mẫu 10 kể lại diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về bằng lời kể của tác giả. Hy vọng qua những tài liệu này sẽ phần nào giúp các em cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, để các em viết bài được hay hơn.

Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 10 hay

Diễn biến tâm trạng khi trở về quê hương qua bài thơ Hứng trở về, tuyển tập những bài văn mẫu chỉ ra diễn biến tâm trạng qua lời của tác giả khi trở về quê hương

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/dien-bien-tam-trang-khi-tro-ve-que-huong-qua-bai-tho-hung-tro-ve-van-mau-10-hay-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp