Với dải động cao (HDR) hiện đã trở thành một trong những tính năng tiêu chuẩn cần phải có trên hầu hết các mẫu TV, màn hình hiện đại, có thể bạn cũng đã từng nghe thấy thuật ngữ “độ sáng cực đại” (peak brightness) được sử dụng trong mô tả hiệu suất hiển thị hoặc chất lượng hình ảnh. Vậy độ sáng cực đại thực chất là gì, nó được đo như thế nào và có thể cho bạn biết điều gì?
Đo đạc độ sáng cực đại của màn hình
Độ sáng cực đại là một thông số kỹ thuật đề cập đến độ sáng ở mức tối đa mà màn hình có thể hiển thị. Do một số mẫu màn hình thường được giới hạn độ sáng toàn trường nên có một số cách giải thích khác nhau đối với giá trị này. Tuy nhiên về cơ bản, độ sáng cực đại của màn hình sẽ được đo bằng chỉ số nits hoặc candela trên mét vuông (cd/m²). Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn có một cây nến bên trong một khối lập phương với tổng diện tích bề mặt là 1m x 1m. Tổng lượng ánh sáng phát ra từ cây nến đó tại nguồn gọi là 1 candela hay 1 nit.
Bạn đang xem: Độ sáng cực đại là gì? Có ý nghĩa thế nào khi chọn mua màn hình?
Độ sáng cực đại của màn hình có thể được đo bằng các giá trị “cảnh thực” và “cửa sổ”. Giá trị cảnh thực là độ sáng tối đa mà màn hình có thể đạt được khi xem nội dung video. Người đánh giá thường sẽ sử dụng cùng một cảnh quay tham chiếu để so sánh màn hình này với màn hình khác, từ đó rút ra đánh giá thực tế về độ sáng màn hình tổng thể.
Ngoài ra còn có độ sáng cực đại trong một cửa sổ, chỉ bao phủ một phần trăm màn hình. Ví dụ: độ sáng cửa sổ tối đa 2% cho thấy độ sáng tối đa có thể có trong khoảng thời gian ngắn trên 2% tổng bề mặt màn hình.
Giá trị “cửa sổ” đặc biệt cần thiết nếu muốn kiểm tra xem màn hình sẽ xử lý tốt như thế nào với các điểm sáng HDR, chẳng hạn như hình ảnh chớp nháy trên màn hình. Bạn cũng có thể thấy các bài kiểm tra “thời lượng duy trì”, nhằm đánh giá giá trị cửa sổ trong một khoảng thời gian dài. Điều này rất hữu ích vì nhiều màn hình có hiện tượng mờ dần khi phải hiển thị vùng sáng trên màn hình lâu hơn.
Độ sáng cực đại áp dụng cho cả nội dung HDR và SDR, nhưng hữu ích nhất khi so sánh các điểm sáng hơn nhiều, thường thấy trong nội dung HDR. Bạn có thể truy cập trang web TV RTINGS để tham khảo danh sách đầy đủ các giá trị độ sáng cực đại cho tất cả các mẫu màn hình đã được thử nghiệm.
Công nghệ hiển thị tạo nên sự khác biệt lớn
Một số màn hình có thể sáng hơn nhiều so với những màn hình khác do công nghệ cơ bản. Tuy nhiên, không thể chỉ thông qua điều này để đánh giá chất lượng hiển thị giữa các loại tấm nền. Ví dụ, màn hình LCD chiếu sáng bằng đèn LED sáng hơn rất nhiều so với màn hình OLED. Điều này làm cho chúng đặc biệt phù hợp với môi trường ánh sáng mạnh như ngoài trời nắng, nhưng chất lượng hiển thị lại kém hơn OLED. Nhiều mẫu màn hình LCD tuy có độ sáng cực đại lớn nhưng lại sở hữu tỷ lệ tương phản kém, khả năng tái tạo màu đen đáng thất vọng và bóng mờ do các thuật toán làm mờ.
Do bản chất hữu cơ của màn hình OLED, các nhà sản xuất sẽ sử dụng bộ giới hạn đèn nền tự động tích cực (ABL) để ngăn ngừa hư hỏng màn hình do tích tụ nhiệt. Điều này dễ nhận thấy nhất ở các cảnh toàn trường, sáng như nền trắng đồng nhất. Trên màn hình OLED, các vùng sáng nhỏ hơn vẫn có thể đạt đến mức cần thiết để có thể hiển thị nội dung HDR một cách ấn tượng.
Như vậy, nếu bạn đang tìm kiếm màn hình có chất lượng hiển thị tốt, đừng quá quan tâm đến thông số độ sáng cực đại. Tuy nhiên, nếu bạn định để màn hình ở những khu vực có ánh sáng môi trường lớn, chẳng hạn như gần cửa sổ, nên chọn tấm nền có độ sáng cao.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp