Đoạn văn 200 chữ nghị luận xã hội về đại dịch Covid19 giúp các em tham khảo, bàn luận về nhiều vấn đề khi đại dịch Covid-19 xảy ra như tinh thần dân tộc, thực trạng khẩu trang mùa dịch, tin giả, kỳ thị người vùng dịch, ý thức tự học…. trong đại dịch Covid 19.
I. Thực trạng khẩu trang mùa dịch Covid-19
Đề 1: Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nhiều người bán hàng lợi dụng việc người dân lo sợ để tăng giá hoặc bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…. Anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.
1. Thực trạng khẩu trang mùa dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 1
Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được Bộ Y Tế khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Được coi là nhu cầu thiết yếu, khẩu trang và nước sát khuẩn nhanh chóng trở nên khan hiếm, hết hàng. Lợi dụng việc này nhiều người đã trục lợi về cho bản thân, tổ chức bằng việc tăng giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn lên nhiều lần. Đó là hành động cần lên án, cần được chấm dứt, bởi nó đang làm cho hình ảnh con người, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta từ bao đời nay trở nên xấu đi. Hơn nữa nó ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe đến những người tiêu dùng bởi nếu họ sử dụng những loại khẩu trang, dung dịch sát khuẩn kém chất lượng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhiều hệ lụy kéo theo. Tất cả có lẽ chỉ vì “Lợi nhuận”, “Đồng tiền” mà ai đó đã bất chấp tất cả, bất chấp làm tổn hại đến sức khỏe của người khác. Để chấm dứt việc này, trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức đúng về việc sử dụng các nhu yếu phẩm cần thiết, tránh gây lãng phí và biết san sẻ với cộng đồng, để không xuất hiện việc xếp hàng, chen lấn làm giảm cơ hội trục lợi từ người khác. Đồng thời về phía cơ quan chức năng cần mạnh tay, xử lí dứt khoát các trường hợp để những người có ý định cần phải bỏ ngay. Vì một Việt Nam nói không với dịch bệnh, nói không với tăng giá, làm giả chúng ta cần chung tay đẩy lùi bằng sức mạnh của đoàn kết.
2. Thực trạng khẩu trang mùa dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 2
“Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán … Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó, đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức” – Phó thủ tướng cho biết. Hiện nay nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn tăng cao là thời điểm, hàng hóa bị thổi giá gấp cả chục lần. Như lời Phó thủ tướng đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức, nó còn liên quan đến sức khỏe của con người do đó cần ngăn chặn và có biện pháp phòng ngừa ngay. Những hành động ấy được bắt nguồn từ sự thiếu ý thức, thiếu đạo đức chỉ vì lợi ích cá nhân sẵn sàng trục lợi trên khó khăn của người khác, làm tha hóa đạo đức và ảnh hưởng đến xã hội. Với sự vào cuộc mạnh tay của nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng, theo thông tin có được từ Zing.vn, ngày 13/2 Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thùy Tiên bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xử phạt 50 triệu đồng vì tăng giá bán khẩu trang y tế gấp 3 lần trong mùa dịch hay theo báo Thanh Niên có tới 85 cửa hàng trong một ngày bị xử phạt do tăng giá và bán sản phẩm kém chất lượng. Để ngăn ngừa tình trạng này, người dân cần ý thức được việc sử dụng khẩu trang và nước sát khuẩn hợp lí, gặp các trường hợp nâng giá cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý. Vì một Việt Nam vững mạnh.
3. Thực trạng khẩu trang mùa dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 3
Trước tình hình lây lan của Covid-19, rất nhiều người dân mang tâm lý hoang mang, đổ xô đi mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn,… để phòng ngừa dịch bệnh. Lợi dụng tình trạng này, đã có không ít tiểu thương tự ý tăng giá lên gấp 4 – 5 lần so với ngày thường. Tình trạng lợi dụng bối cảnh xảy ra dịch bệnh nâng giá bán khẩu trang lên gấp nhiều lần nhằm trục lợi là một thứ virus gây nguy hại cho môi trường kinh doanh cần phải xử lý nghiêm. Hành vi như trên không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh. Nếu không xử lý nghiêm, kịp thời có thể sẽ lây lan từ đối tượng này sang đối tượng khác. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “Bất cứ hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh”. Sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo tới người dân, tự nâng cao cảnh giác, nên chọn mua, bán sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Là người dân chúng ta cần tin tưởng cơ quan nhà nước, luôn cập nhật thông tin chính thống để có cho mình những hiểu biết loại bỏ những hành vi xấu khỏi xã hội.
II. Thực trạng kỳ thị người vùng dịch
Đề 2: Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những người dân xa lánh, thậm chí là kỳ thị những người từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người bệnh. Anh chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.
1. Thực trạng kỳ thị người vùng dịch – Bài tham khảo số 1
Có những thứ giết chết con người nhanh hơn cả dịch bệnh đó là sự kỳ thị. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, khuyến cáo từ Bộ Y Tế đã đưa ra các giải pháp nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid nhưng vẫn còn một bộ phận người dân có thái độ kỳ thị những người trở về từ vùng dịch hoặc người nhiễm bệnh. Tại sao có sự xa lánh, kỳ thị này? Bản chất của kỳ thị thường gắn liền với những căn bệnh nguy hiểm, khó chữa do vậy người sợ tránh xa, hoặc do sự thiếu hiểu biết hoặc không đầy đủ về Covid-19. Để rồi họ sẵn sàng buông những lời lẽ thô tục, những hành động thiếu đạo đức làm tổn hại đến những người vô tội. Và rồi, người chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là những người cần tình yêu thương nhất. Thay vì kỳ thị chúng ta nên cần hiểu rõ vấn đề, luôn tin tưởng vào các cơ quan chức năng, đội ngũ bác sĩ của chúng ta. Đặc biệt, dành tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm đến những người nhiễm và tiếp xúc với người bệnh để họ có thể an tâm điều trị. Chỉ có vậy, nước ta mới có thể đẩy lùi và chữa trị dứt điểm những trường hợp còn lại. Là những người trẻ – chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vấn đề đồng thời tuyên truyền cho mọi người biết và hiểu về nó, đẩy lùi những hành động xấu, dịch bệnh xấu khỏi Việt Nam và Thế giới.
2. Thực trạng kỳ thị người vùng dịch – Bài tham khảo số 2
Kỳ thị là cụm từ chẳng xa lạ với chúng ta, qua đài báo ta được nghe về kỳ thị màu da, kỳ thị HIV… Giờ đây, trong tình hình bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ta nghe đâu đó những câu chuyện về kỳ thị những người trở về từ vùng dịch hay tiếp xúc với người bị bệnh. Một thực trạng đáng buồn và cần lên án xóa bỏ. Kỳ thị là xa lánh, là định kiến không tốt về cá nhân, tập thể hay hành vi nào đó. Có kỳ thị khi sự ích kỷ lên ngôi, sự thiếu hiểu biết của bản thân bộc lộ rõ nhất. Tổn thương nhiều nhất vẫn là những người bị kỳ thị. Họ không dám đối mặt với bệnh, không dám đối mặt với sự thật vậy sẽ là nguyên nhân virus bùng phát mạnh hơn. Họ chịu nhiều sức ép của định kiến tác động mạnh vào tâm lý dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh cần xử phạt nặng những hành vi kỳ thị người từ vùng dịch hay người tiếp xúc với người bệnh. Chúng ta cần nhận thức đúng, hiểu rõ vấn đề và chung tay đoàn kết chống dịch như chống giặc. Hơn thế nữa, chúng cần cần đặt niềm tin vào chính phủ, các cơ quan chức năng và Bộ y tế bởi chỉ như vậy nước ta mới nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, xóa bỏ định kiến và sự kỳ thị của xã hội.
III. Thực trạng tin giả trong thời điểm dịch Covid-19
Đề 3: Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn nạn tin giả liên tục hoành hành gây hoang mang người dân. Anh chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Dàn ý Nghị luận về thực trạng tin giả trong thời điểm dịch Covid-19
Mở bài
– Giới thiệu, dẫn dắt về vấn đề cần nghị luận: Tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tinh thần đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của người Việt Nam, trải qua bao thế hệ, lịch sử. Tinh thần ấy cho đến nay vẫn luôn được kế thừa và phát huy trong xã hội. Và, trong trận đại dịch COVID-19 vừa qua, tinh thần ấy lại được thắp sáng, trở thành phong trào vô cùng rộng lớn, mạnh mẽ.
Thân bài
– Giải thích về tinh thần đoàn kết dân tộc
Tinh thần đoàn kết chính là tình yêu thương giữa người với người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ, ra tay cứu người trong lúc hoạn nạn. Tinh thần ấy được mô tả qua nhiều câu ca dao, tục ngữ ngàn xưa của ông bà ta: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”…
– Vai trò, sức mạnh, ý nghĩa của tinh thần đoàn kết dân tộc.
+ Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn đối với thời cuộc đất nước, là việc nên làm, giúp gắn kết con người với con người trong một xã hội.
+ Tinh thần đoàn kết dân tộc khiến con người biết bao dung, biết cách cho, nhường nhịn và sẻ chia.
+ Tinh thần đoàn kết giúp đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp. Mỗi người biết cách nhìn cuộc sống một cách tích cực hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy truyền thống dân tộc ấy được phát huy trong tình hình chống “giặc” COVID-19.
– Dẫn chứng, chứng minh hành động cụ thể.
Dịch bệnh COVID-19 đã càn quét, gây ảnh hưởng về Sức Khỏe, kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Là một nước nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam đã có những cách xử lý tuyệt vời, làm thế giới thán phục. Có thể nói, chính nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã giúp đất nước ta bước đầu chiến thắng trên mặt trận chống virus SARS-CoV2.
+ Ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát, giữa bối cảnh nhiều quốc gia hoang mang lo lắng, chính phủ nước ta đã có động thái quyết tâm, thể hiện trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ công dân, tạo điều kiện đón họ trở về từ vùng dịch. Phương ngôn của Thủ tướng chính phủ lúc đó chính là “Việt Nam quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19”.
+ Các hoạt động thiện nguyện, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
+ Cây ATM phát gạo miễn phí. Các thành phố lớn, quy tụ đông đảo những người lao động nhập cư tổng đại dịch bị thất nghiệp đã được các bạn trẻ, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ. Trong thời gian cách lý, nhiều nhóm thiện nguyện đã tổ chức địa điểm phát đồ ăn, nước uống. Hay ở Sài Gòn, những tiệm kinh doanh ăn uống tự nguyện đóng cửa, tập trung phục vụ nấu cơm chay ngày 2 bữa, phát cho dân nghèo…
+ Sự hi sinh của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19.
+ Học sinh, sinh viên các trường đại học phát khẩu trang, nước rửa tay cho người dân.
+ Phong trào giải cứu dưa hấu, giải cứu tôm hùm,… khắp các tỉnh thành.
– Phê phán những hành động xấu
Bên cạnh những việc làm tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết đó, có không ít trường hợp ích kỉ, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân.
+ Nâng mức giá khẩu trang, dung dịch rửa tay lên cao để kiếm chác lợi nhuận.
+ Tệ hại hơn nữa là kinh doanh khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
+ Tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận…
– Phát huy tinh thần đoàn kết
Qua những hành động tốt đẹp, ý nghĩa đó giúp ta thêm yêu, tự hào về dân tộc hơn. Là người con của Việt Nam, chúng ta cần nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và nhân rộng tinh thần ấy.
Kết bài
– Khẳng định, đúc kết lại vấn đề.
1. Thực trạng tin giả trong thời điểm dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 1
Theo dõi Trung tâm tin tức VTV24 những ngày qua, ta không thể bỏ sót điểm tuần về nạn tin giả đang làm hoang mang dư luận bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Phòng chống dịch trên mặt trận tuyên truyền cũng là một cách. Tuy nhiên, khi đã thông tin về dịch bệnh virus Covid-19 trên các phương tiện truyền thông nói yếu tố tiên quyết là phải đúng sự thật. Song một số người muốn làm “người hùng” trong dư luận bằng sự nhanh nhảu đoảng, vội vã hấp tấp dễ gây ra hệ lụy cho mọi người. Trong khoảng 20 trường hợp đã bị xử phạt do vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2010/NĐ-CP đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Một số người đã lầm tưởng, ngộ nhận về mình, tự sướng với việc mình đã “đưa tin nhanh hơn các báo” về các trường hợp dịch bệnh COVID-19. Không ít trường hợp đưa những thông tin chính xác theo các nguồn từ phương tiện thông tin đại chúng đã đăng, nhưng kèm theo là những bình luận gây gợn nỗi lo lắng, phập phồng cho người xem, người nghe. Thay vì chỉ ra những biện pháp thì mỗi người cần tự nâng cao ý thức về phòng ngừa dịch bệnh, nắm bắt thông tin từ những nguồn đảm bảo, tin cậy. Với những thông tin về dịch bệnh COVID-19 hiện nay, sự tùy tiện và thiếu trách nhiệm đó có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Vì một mạng xã hội không tin giả, hãy là người dùng có trách nhiệm và có chọn lọc.
2. Thực trạng tin giả trong thời điểm dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 2
Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Hành vi trên góp phần làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus vùng dịch bệnh là một phương tiện để kiếm tiền, hoặc gây hoang mang dư luận. Trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona hay số người chết về dịch bệnh khiến cộng đồng thêm phần hoang mang, sợ hãi. Lại có người vì lo lắng quá đà mà nảy sinh tâm lý, lương thực, thực phẩm sẽ nhanh chóng cạn kiệt nên phải mua để tích trữ sẵn. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã đưa tin giả, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng để gây hoang mang trong xã hội. Vì thế các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
3. Thực trạng tin giả trong thời điểm dịch Covid-19 – Bài tham khảo số 3
Trong bối cảnh dịch bệnh Corona vẫn tiếp tục lan rộng, các tin giả mọc lên như nấm gây nhiều hoang mang trên các mạng xã hội. Liên tiếp nhiều ngày qua, lực lượng công an các tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu… đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về virus Corona. Cùng với đó rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch virus Corona tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động ngược tới đời sống thật. Thực tế cho thấy, mục đích của những người tung tin thất thiệt thường là để thỏa mãn tính háo danh. Những thông tin giả mạo được đăng tải khiến người đọc hoang mang nguy cơ gây bất ổn xã hội. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá. Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp