Cùng tìm hiểu đơn vị hành chính là gì? Phân loại đơn vị hành chính tại Việt Nam.
Đơn vị hành chính là gì?
Hiện nay, chưa có điều luật cụ thể nào đưa ra khái niệm đơn vị hành chính là gì.
Tuy nhiên có thể hiểu đơn vị hành chính được hiểu là đơn vị được phân chia trên lãnh thổ của một quốc gia để tổ chức quản lý nhà nước về hành chính theo từ điển Tiếng Việt, mỗi đơn vị hành chính trên lãnh thổ quốc gia được phân định phải đảm bảo sự phối hợp, sự quản lý tập trung thống nhất của nhà nước trung ương và quyền tự chủ của địa phương theo quy định của pháp luật.
Quy định về đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Điều 118 Hiến pháp 1992 quy định:
- Các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
- Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
- Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
- Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời, bổ sung quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Điều 110 của hiến pháp năm 2013, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
– Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
– Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
– Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Từ các quy định trên, có thể nhận thấy một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, Hiến pháp đã sử dụng thuật ngữ “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã trong thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là ý tưởng mới trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đông đảo đại biểu Quốc hội và nhân dân, mở ra khả năng cho việc thành lập các đơn vị hành chính mới nhằm tăng khả năng dự báo và tính ổn định của Hiến pháp trong việc đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Đơn vị hành chính tương đương được hiểu là các đơn vị hành chính tương đương cấp quận, huyện, thị xã. Đây là tên gọi mới cho đơn vị hành chính trong thành phố trực thuộc trung ương, chẳng hạn, “thành phố” trong “thành phố trực thuộc trung ương”.
Thứ hai, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một mô hình chính quyền mới được quy định trong Hiến pháp 2013 nhằm để chỉ những đơn vị hành chính – kinh tế có nhiều đặc thù như huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang… Theo đó, các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này sẽ được xây dựng theo mô hình khác với các đơn vị hành chính thông thường với những đặc thù về thể chế, chính sách và mô hình tổ chức chính quyền…
Thứ ba, khoản 2, Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
Quy định này được ghi nhận nhằm bảo đảm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, bảo đảm việc nhập, tách, điều chỉnh địa giới hành chính được tiến hành thận trọng, có căn cứ, tiêu chí minh bạch, công khai. Với quy định trên, Nhân dân có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận hoặc quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo trình tự, thủ tục của luật.
Đơn vị hành chính của nước ta được phân loại như thế nào?
Việc phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính. Theo đó, đơn vị hành chính phải được phân loại dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Mục đích phân loại đơn vị hành chính
- Bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.
- Làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
- Làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
Nguyên tắc phân loại đơn vị hành chính
- Phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện dựa trên các tiêu chí dân số, diện tích, tính chất đặc thù về địa lý, số đơn vị hành chính, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội phản ánh khối lượng công việc và mức độ khó khăn, phức tạp của hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
- Phương pháp tính điểm để phân loại theo các tiêu chí phải bảo đảm tính khách quan và khoa học.
Cùng với đó, đơn vị hành chính của nước ta được phân loại theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
– Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Công nhận đơn vị hành chính loại đặc biệt và loại I không tính điểm theo tiêu chí
Công nhận Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và đối ngoại với quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng; dân số và mật độ dân số cao, tính chất quản lý nhà nước về đô thị phức tạp và khó khăn, đạt tỷ lệ thu chi cân đối ngân sách hàng năm cao, là đô thị loại đặc biệt;
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước, có vị trí quan trọng về chiến lược an ninh, quốc phòng của khu vực; có dân số, mật độ dân số cao nhất nước, tính chất quản lý nhà nước về đô thị phức tạp và khó khăn, đạt tỷ lệ thu chi cân đối ngân sách hàng năm cao, là đô thị loại đặc biệt.
Công nhận thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I
Thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc khu vực.
Công nhận thành phố trực thuộc tỉnh và quận thuộc Thủ đô Hà Nội, quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp huyện loại I
Thành phố thuộc tỉnh có vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội hoặc là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông của tỉnh và giao lưu trong nước, quốc tế; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội liên huyện, liên tỉnh và vùng lãnh thổ.
Bạn đang xem: Đơn vị hành chính là gì? Phân loại đơn vị hành chính tại Việt Nam?
Quận thuộc Thủ đô Hà Nội và quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh có dân số và mật độ dân số cao, tính chất quản lý nhà nước về đô thị phức tạp và khó khăn, đạt tỷ lệ thu chi cân đối ngân sách hàng năm cao, là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đô thị loại đặc biệt.
Tiêu chí tính điểm phân loại đơn vị hành chính
Phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo các tiêu chí sau:
- Dân số;
- Diện tích tự nhiên;
- Các yếu tố đặc thù.
Cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính tỉnh theo các tiêu chí
- Về dân số theo vùng, miền
- Đối với tỉnh miền núi, vùng cao: tỉnh có dưới 400.000 nhân khẩu được tính 50 điểm, có từ 400.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 6.000 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm;
- Đối với tỉnh đồng bằng:tỉnh có dưới 700.000 nhân khẩu được tính 50 điểm; có từ 700.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 9.000 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm.
- Về diện tích tự nhiên theo vùng, miền
- Đối với tỉnh miền núi, vùng cao: tỉnh có dưới 400.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 400.000 ha trở lên thì cứ thêm 8.000 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm;
- Đối với tỉnh đồng bằng: tỉnh có dưới 90.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 90.000 ha trở lên thì cứ thêm 6.000 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm.
- Các yếu tố đặc thù
- Tỉnh đồng bằng có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực miền núi, vùng cao thì mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đó được tính 01 điểm, tối đa không quá 10 điểm;
- Tỉnh thuộc khu vực miền núi được tính 15 điểm; tỉnh thuộc khu vực miền núi có đơn vị hành chính cấp huyện là vùng cao thì mỗi đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao được tính 01 điểm;
- Tỉnh thuộc khu vực vùng cao được tính 25 điểm;
- Tỉnh thuộc khu vực biên giới quốc gia được tính 20 điểm;
Tỉnh có trên 11 đơn vị hành chính cấp huyện thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính cấp huyện được tính 01 điểm, tối đa không quá 15 điểm;
- Tỉnh có tỷ lệ người dân tộc ít người chiếm từ 30 đến 50% dân số được tính 05 điểm, có trên 50% dân số được tính 10 điểm;
- Tỉnh có tỷ lệ thu, chi ngân sách hàng năm trên địa bàn (tính bình quân trong 3 năm đến năm ngân sách gần nhất với thời điểm phân loại) đạt tỷ lệ cân đối 100 % (thu đủ chi) thì được tính 05 điểm, đạt trên 100% (thu nhiều hơn chi) thì cứ thêm 10% được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 40 điểm.
Cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính cấp huyện theo các tiêu chí
Về dân số theo vùng, miền
- Đối với huyện miền núi, vùng cao, hải đảo: huyện có dưới 40.000 nhân khẩu được tính 50 điểm, có từ 40.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 600 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm;
- Đối với huyện đồng bằng: huyện có dưới 50.000 nhân khẩu được tính 50 điểm, có từ 50.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 700 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm.
- Đối với quận (trừ quận quy định tại khoản 3 Điều 5) và thị xã:
– Quận và thị xã đồng bằng có dưới 80.000 nhân khẩu được tính 50 điểm, có từ 80.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 800 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm;
– Thị xã miền núi, vùng cao, biên giới có dưới 60.000 nhân khẩu được tính 50 điểm, có từ 60.000 nhân khẩu trở lên thì cứ thêm 700 nhân khẩu được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 250 điểm.
Về diện tích theo vùng, miền
1. Đối với huyện miền núi, vùng cao, hải đảo: huyện có dưới 20.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 20.000 ha trở lên thì cứ thêm 1.000 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm;
- Đối với huyện đồng bằng: huyện có dưới 10.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 10.000 ha trở lên thì cứ thêm 600 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm.
- Đối với quận (trừ quận quy định tại khoản 3 Điều 5) và thị xã
– Quận có dưới 1.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm; có từ 1.000 ha trở lên thì cứ thêm 100 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm;
– Thị xã đồng bằng có dưới 3.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 3.000 ha trở lên thì cứ thêm 150 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm;
– Thị xã miền núi, vùng cao, biên giới có dưới 4.000 ha diện tích đất tự nhiên được tính 40 điểm, có từ 4.000 ha trở lên thì cứ thêm 200 ha được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 150 điểm.
Về các yếu tố đặc thù
1. Đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực đồng bằng có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) là miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã đó được tính 01 điểm, tối đa không quá 10 điểm;
2. Đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực miền núi được tính 15 điểm; đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực miền núi có đơn vị hành chính cấp xã là vùng cao thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã vùng cao được tính 01 điểm;
3. Đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực vùng cao được tính 25 điểm;
4. Đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực biên giới quốc gia, hải đảo được tính 20 điểm;
5. Đơn vị hành chính cấp huyện có trên 17 đơn vị hành chính cấp xã thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính cấp xã được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 20 điểm.
6. Quận, thị xã có mật độ dân số 120 người/ha thì được tính là 05 điểm, có mật độ dân số trên 120 người/ha thì cứ tăng thêm 10 người được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 20 điểm;
7. Thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được tính 15 điểm;
8. Đơn vị hành chính cấp huyện có cửa khẩu quốc tế thì mỗi cửa khẩu quốc tế được tính 10 điểm, có cửa khẩu quốc gia thì mỗi cửa khẩu quốc gia được tính 05 điểm;
9. Đơn vị hành chính cấp huyện có tỷ lệ thu ngân sách bình quân hàng năm trên địa bàn (tính bình quân trong 03 năm đến năm ngân sách gần nhất) đạt 100% kế hoạch được tính 05 điểm, thu đạt thêm 05% được tính thêm 01 điểm, tối đa không quá 20 điểm;
10. Đơn vị hành chính cấp huyện có tỷ lệ người dân tộc ít người chiếm từ 30 đến 50% dân số được tính 05 điểm, có trên 50% dân số được tính 10 điểm.
Khung điểm phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện
- Số điểm cho mỗi tiêu chí quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định này.
- Căn cứ vào tổng số điểm cộng dồn của các tiêu chí cho mỗi đơn vị hành chính.
- Việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện căn cứ vào khung điểm sau:
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện loại I có từ 341 điểm trở lên;
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện loại II có từ 201 đến 340 điểm;
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện loại III có từ 200 điểm trở xuống.
Trình tự, thủ tục, thời gian và thẩm quyền quyết định phân loại
- Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ, gồm: sao lục bản đồ địa giới hành chính; bản thống kê dân số, diện tích tự nhiên, các văn bản về các yếu tố đặc thù, thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định;
- Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ dự kiến phân loại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo kết quả thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Căn cứ vào hồ sơ, tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và báo cáo kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Đối với đơn vị hành chính cấp huyện
- Ủy ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ, gồm: sao lục bản đồ địa giới hành chính; bản thống kê dân số, diện tích tự nhiên, các văn bản về các yếu tố đặc thù, thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ dự kiến phân loại của Ủy ban nhân dân cấp huyện, báo cáo kết quả thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, quyết định;
- Căn cứ vào hồ sơ, tờ trình và báo cáo kết quả thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định việc phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.
- Về thời gian lập, thẩm định hồ sơ và trình, ký quyết định phân loại
- Thời gian lập hồ sơ chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày tiến hành lập thủ tục hồ sơ phân loại. Sau khi lập hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua tại kỳ họp gần nhất;
- Thời gian thẩm định hồ sơ phân loại không quá 30 ngày đối với hồ sơ cấp huyện và không quá 40 ngày đối với hồ sơ cấp tỉnh, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận được hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh gửi đến;
- Thời gian trình và quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện không quá 20 ngày kể từ ngày Bộ Nội vụ báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phân loại cấp tỉnh và kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.
Điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện
- Sau 05 năm kể từ ngày quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính.
- Trường hợp đơn vị hành chính có biến động về dân số, diện tích, yếu tố đặc thù đủ điều kiện để phân loại thì Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính cấp huyện.
- Các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính, được sáp nhập hoặc thành lập mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính đó.
- Việc tiến hành điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên được thực hiện theo quy định của Nghị định này.
Qua bài viết trên, đã giúp các bạn hiểu rõ hơn đơn vị hành chính là gì, quy định phân loại và quản lý các đơn vị hành chính của nước ta. Các bạn có thể truy cập website để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp