Em hiểu gì về nhân vật Từ Hải?

0
67
Rate this post

Đề bài: Em hiểu gì về nhân vật Từ Hải?

em hieu gi ve nhan vat tu hai

Bài làm:

Bạn đang xem: Em hiểu gì về nhân vật Từ Hải?

Bài mẫu số 1:

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Nó thể hiện rõ tấm lòng của Nguyễn Du với số phận con người trong xã hội phong kiến. Đồng thời, nó cũng thể hiện ước vọng của Nguyễn Du về một xã hội công bằng với người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu. Và ước vọng ấy được ông đã thể hiện qua hình tượng nhân vật Từ Hải – một người anh hùng “đội trời đạp đất”

Khi lần đầu xuất hiện trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã để cho Từ Hải sánh vai cùng Kiều. Người anh hùng Từ Hải đã giải thoát Kiều khi nàng đang rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, khi mà:

“Thoắt mua về, thoắt bán đi
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi”

Và chính lúc đau khổ ấy của Kiều, Từ Hải đã xuất hiện như vị cứu tinh của đời Kiều. Kiều đã được Từ cứu vớt khỏi chốn ô nhục và mang cho nàng một cuộc sống mới.

Hình ảnh Từ Hải hiện lên thật bất ngờ, thật đột ngột, bất ngờ với chúng ta và cả chính Kiều nữa:

” Lầu thâu gió mát, trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đinh sang chơi”

Không chỉ hiện lên như bậc cứu nhân, Từ Hải còn hiện lên là một người anh hùng mang cốt cách phi thường, sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên và vũ trụ. Nguyễn Du đã dựng lên hình ảnh về một người anh hùng vĩ đại, với ngoại hình tướng mạo phi phàm:

“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”

Ở đây ta thấy, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng của thi pháp cổ, ông đã vẽ lên người anh hùng lý tưởng của mình với tướng mạo không thể phi thường hơn. Toàn là những hình ảnh so sánh với thiên nhiên, với những gì mạnh mẽ, đẹp đẽ nhất! Nào là râu như “hùm”, hàm như “én”, đôi lông mày như “ngài”. Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn sử dụng nhịp ngắt câu 2/2/2 và 4/4, nhịp ngắt nhanh, mạnh này càng gây cho người đọc ấn tượng hơn về người anh hùng họ Từ.

Chẳng những có tướng mạo phi phàm hơn người, Từ Hải còn hiện lên với tài năng và chí khí của bậc trượng phu chí lớn.

“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”

Nguyễn Du đã tả Từ không chỉ với tướng mạo xuất chúng, mà còn là tài năng hơn người “lược thao gồm tài”. Người anh hùng ấy quả đã khiến người khác phải ngưỡng mộ, trầm trồ về dung mạo và cả tài năng, nhân phẩm của mình nữa. Quả là một người anh hùng trong mơ ước của bao người, xứng với lòng mong mỏi của tác giả!

Không như Thúc Sinh chỉ là một kẻ nhu nhược, hèn kém, chịu khuất phục trước quyền cao chức trọng, Từ Hải lại mang một phong thái khác vô cùng. Chàng là người trọng nghĩa khí, trọng sự công bằng, luôn luôn giúp đỡ, bênh vực những kẻ yếu thế và không bao giờ e sợ trước cường quyền. Nguyễn Du đã vô cùng trân trọng Từ Hải khi miêu tả về chàng toàn là những lời khen rằng: ” đấng anh hào”, “côn quyền”, “lược thao”, “đội trời đạp đất” … Những từ ngữ Hán Việt ấy đã khắc họa, tô đậm rõ nét tài năng anh hùng của chàng. Tài năng, nhân phẩm của chàng tới tận sau khi chàng chết, Thúc Sinh vẫn nhắc lại với lòng kính trọng, muôn phần bội phục:

“Đại vương tên Hải họ Từ,
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng,
Đại quân dồn đóng cõi đông…”

Thật là một người anh hùng tướng mạo và tài năng đều vô cùng xứng đôi với nàng Kiều xinh đẹp vẹn toàn “trai anh hùng, gái thuyền quyên”.

Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, với tài năng của chàng, với nhân phẩm của chàng và cả với lý tưởng cao đẹp của chàng nữa. Lý tưởng ấy đồng thời cũng là khát vọng to lớn của Nguyễn Du về một xã hội công bằng, ác giả ác báo thiện giả thiện lai. Lý tưởng ấy của Từ Hải đã hiện lên thật rõ ràng trong lần trò chuyện của Kiều trước khi ra đi.

Sau khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cho Kiều một thân phận, nửa năm sau, Từ Hải quyết định từ biệt Kiều để ra đi thực hiện chí lớn của mình.

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông về trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Từ Hải và Kiều đã dựng xây lên một hạnh phúc viên mãn, mặn nồng. Hạnh phúc ấy đang vô cùng êm đềm, tốt đẹp. Thế nhưng thân là nam nhi, trong xã hội phong kiến đương thời, Từ Hải phải ra biển lớn vẫy vùng cho thỏa chí lớn. Vậy nên, dù viên mãn trong hạnh phúc với Kiều, nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi một cách đầy mạnh mẽ và dứt khoát.

“Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Một gươm một ngựa nhưng chàng vẫn quyết chí ra đi để thực hiện chí lớn của mình. Thế nhưng, dứt áo ra đi là vậy, chàng cũng không quên gửi tới Kiều lời an ủi, lời hứa hẹn, mong Kiều có thể hiểu và vượt qua những suy nghĩ “nữ nhi thường tình”.

Nguyễn Du đã để Từ Hải bộc bạch chí lớn, khát vọng của mình thế này:

“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đó là lời bộc bạch rất chân thật, rất mạnh mẽ. Chàng Từ đã xác định cho mình một mục tiêu thật rõ ràng để quyết tâm ra đi mà thực hiện điều đó.

Lời chia tay của chàng Từ chẳng bịn rịn như Thúc Sinh mà là một lời dứt khoát đầy mạnh mẽ, bởi chàng ra đi là vì việc lớn, vì xây dựng sự nghiệp cao cả của mình. Thật đúng là ý chí của bậc trượng phu! Không chỉ quyết chí ra đi vì chí lớn, chàng còn rất tự tin vào cuộc sống, tự tin vào chính bản thân, ý chí và lý tưởng của mình, bởi chàng biết, chàng nhất định sẽ mang vinh quang trở về:

“Đành rằng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Lời nói ấy như một lời hứa, một lời quyết tâm, quyết chí thực hiện lý tưởng để trở về. Và hình ảnh cuối của Từ Hải khi ra đi, được Nguyễn Du so sánh với cánh chim bằng tung mình trong biển gió cát mịt mù càng tôn vinh tầm vóc của chàng. Nguyễn Du đã ví chàng sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ, sánh ngang cùng vạn vật.

Từ Hải là một nhân vật xuất hiện ngang cuộc đời của Kiều, thế nhưng chàng lại hiện lên với tầm vóc không thể đẹp đẽ và tài năng hơn. Với tấm lòng của mình, Nguyễn Du đã đặt người anh hùng của mình sánh ngang tầm với trời đất vũ trụ. Người anh hùng ấy không chỉ có tướng mạo phi phàm “râu hùm, hàm én, mày ngài” mà còn là một người có tài năng xuất chúng, chí lớn hơn người. Bằng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, ước lệ, Nguyễn Du đã vẽ lên người anh hùng đẹp tuyệt vòi trong lòng mỗi người đọc chúng ta.

Qua hình ảnh Từ Hải, qua lý tưởng của chàng, ta thấy ẩn chứa trong đó là niềm tin của Nguyễn Du, cũng như niềm khát vọng của ông về một xã hội công bằng, được lãnh đạo bởi người anh hùng xứng đáng như Từ Hải.

Bài mẫu số 2:

Tác giả Nguyễn Du với ước mơ về công lí và người anh hùng lí tưởng phi thường đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Từ Hải, có thể nói nhân vật này chính là một phương diện tuyệt đẹp và hoàn hảo về cảm hứng nhân văn của “Truyện Kiều”. Tuy Từ Hải chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng lại giống như ánh sáng hào quang chiếu qua quãng đời của Thúy Kiều, để rồi đọng lại trong lòng người đọc biết bao ấn tượng tốt đẹp. Hai đoạn trích “Kiều gặp Từ Hải” và “Chí khí anh hùng” là những trích đoạn tiêu biểu cho ta hiểu rõ nhất về nhân vật này.

Trong đoạn trích “Kiều gặp Từ Hải”, ta cảm nhận nhận được vẻ đẹp và tính cách phi thường, khát vọng tự do và sự đa tình lãng mạn của nhân vật Từ Hải. Hình ảnh Từ Hải hiện lên với vẻ đẹp của “một đấng anh hùng” mang cốt cách phi thường:

“Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”

Người đọc ấn tượng mạnh mẽ trước một tướng mạo uy nghi, hùng dũng và phi phàm: râu hùm, hàm én, mày ngài, vai rộng năm tấc, thân cao mười thước, bên cạnh đó vừa có võ nghệ cao cường lại vừa có trí dũng lược thao toàn tài. Những số đo tuy chỉ mang tính ước lệ nhưng quả thực cho thấy Từ Hải quả là người anh hùng xuất chúng có cuộc đời tự do, tung hoàng giang hồ, đầu đội trời chân đạp đất. Để thể hiện và làm nổi bật về cốt cách phi thường và khí phách hiên ngang của Từ Hải, tác giả Nguyễn Du đã không tiếc dùng những mĩ từ, hình ảnh hoa lệ tạo nên một bài tráng ca ca ngợi người anh hùng Từ Hải. Là con người ai chẳng có tình cảm và khó tránh khỏi những mối động lòng, người anh hùng của Nguyễn Du cũng vậy, là một chàng trai đa tình, cuộc gặp gỡ với Thúy Kiều đã làm cho Từ Hải động lòng, không chỉ động lòng về vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân của Kiểu mà còn vì phẩm chất cao đẹp trong tâm hồn của nàng, những nét đẹp trong tâm hồn Từ Hải bộc lộ rất rõ trong cuộc đối thoại tại “lầu hồng”. Sự động lòng của chàng là thật lòng, không phải tơ tưởng thoáng qua, chàng dường như nhận thấy mình đã tìm được tri âm tri kỉ của cuộc đời, vì thế mà chỉ cần Thúy Kiều có lời gửi gắm sự che chở, Từ Hải với tấm lòng trượng nghĩa đã không ngại nhận lời luôn, có biết đâu một con người quen thói vùng vẫy giang hồ như Từ Hải đã hành xử rất đàng hoàng và có một tình yêu lãng mạn. Đối với đoạn trích “Chí khí anh hùng”, Từ Hải hiện lên là một người anh hùng với tầm vóc và chí lớn phi thường, đặt tình cảm vợ chồng sang một bên để mưu cầu công danh sự nghiệp lớn. Nguyễn Du đã tô đậm hình tượng Từ Hải là một người anh hùng có chí lớn và nghị lực phi thường, khát khao tung hoành vẫy vùng giữa trời đất.

 “Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mông,
Thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong.”

Là một người mang tầm vóc phi thường, cuộc hôn nhân hạnh phúc hay tình yêu tri kỉ cũng như không gian chật hẹp của một gia đình sẽ không thể giữ chân Từ Hải được lâu. Chàng đã nhanh chóng trở lại con đường sự nghiệp công danh của mình, mang trong mình chí khí phi thường nên khi chia tay Kiều người anh hùng không hề bịn rịn, quyến luyến mà thực sự quyết tâm, dứt khoát.

“Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Hẳn phải là một người anh hùng rất có bản lĩnh và tự tin thì Từ Hải mới khẳng định “Chầy chăng là một năm sau vội gì” có ý rằng, lần này chàng ra đi mưu cầu công danh sẽ không mất bao lâu, chỉ khoảng một năm chàng nhất định sẽ lập công danh lớn. Nếu không phải là người anh hùng có chí lớn và bản lĩnh phi thường thì trong lúc vợ chồng nồng ấm, khó có thể dứt áo ra đi làm việc khác. Tuy nhiên, có người chồng nào khi xa vợ mà không buồn, Từ Hải cũng buồn nhưng nếu là một anh hùng mà không có công danh sự nghiệp còn buồn hơn, có thực hiện được chí lớn mới xứng đáng với tình yêu, niềm tin và sự kính trọng của Thúy Kiều. Nguyễn Du đã kết hợp từ Hán Việt với ngôn ngữ bình dân và dùng nhiều hình ảnh ước lệ, sử dụng điển cố để tái tạo một Từ Hải theo lí tưởng người anh hùng cái thế, xuất chúng phi thường trong xã hội phong kiến xưa.

Có thể nhận định rằng, nhân vật Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một nhân vật hoàn toàn sáng tạo, khác hẳn so với Từ Hải trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Không còn là những chi tiết miêu tả người thường nữa mà là những từ ngữ đặc tả đầy phi thường dành cho một người anh hùng xuất chúng. Từ lời nói, hành động, suy nghĩ và lời tỏ tình đều toát lên phẩm chất của bậc trượng phu chí lớn, tầm vóc phi thường và có khát vọng tự do mãnh liệt.

 

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/em-hieu-gi-ve-nhan-vat-tu-hai/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp