Già làng là gì?
Già làng được định nghĩa là:
– Một chức sắc trong buôn, làng, thôn, bản của người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi, vùng cao ở Việt Nam;
– Một chức vụ tồn tại song song với Trưởng thôn, Trưởng bản;
– Người già trong thôn (bản) được dân làng bầu vào chức vụ này do có uy tín với cộng đồng ;
– Người chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết theo luật tục các vấn đề, các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống nhờ vào tiếng nói có trọng lượng nhiều khi còn hơn cả pháp luật;
– Vị thủ lĩnh của một tộc người hoặc là người đại diện cho một dòng họ của một tộc người nào đó được người trong dòng tộc hoặc người dân thuộc dòng tộc khác ở nơi cư trú tự nguyện tin, theo.
Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta, Già làng là người dân tộc thiểu số có tuổi đời từ 60 trở lên, có sức khỏe, có uy tín trong làng bản, am hiểu về phong tục tập quán các dân tộc thiểu số, tích cực vận động người thân và nhân dân thôn bản gương mẫu thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm, bầu chọn và được tỉnh quyết định công nhận là già làng.
Theo một số nghiên cứu về già làng:
– Già làng không chỉ có nam mà còn có cả nữ;
– Mỗi làng thường chỉ có một già làng, nhưng cũng có nơi lại có một Hội đồng già làng gồm 3-4 người, nhưng vẫn có một già làng đứng đầu điều hành công việc chung do các già làng khác tiến cử;
– Có già làng được dòng họ cử làm trưởng họ; có già làng được cộng đồng tộc người của làng, bản cử làm trưởng tộc; có người được dân làng, bản bầu làm Trưởng thôn. Có người cùng một lúc giữ nhiều cương vị: Trưởng họ + Trưởng tộc + Trưởng thôn bản.
– Trưởng thôn bản tuổi còn trẻ thì không thể được gọi là già làng.
Theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là người cao tuổi hoặc trẻ tuổi; là trí thức hoặc là người thành đạt trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xã hội; người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là những người:
– Được đồng bào trong buôn (làng, bản…) tin tưởng, tín nhiệm một cách tự nguyện hoặc bằng sự ràng buộc của phong tục tập quán, do có địa vị hoặc có trình độ nhận thức, có điều kiện kinh tế, có cách giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội;
– Có mối quan hệ, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng của mình, được đồng bào đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề liên quan;
– Có khả năng tác động chi phối, tập hợp được đồng bào dân tộc thiểu số ở những phạm vi nhất định bằng lời nói, qua hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục tập quán.
– Là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi cư trú trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Người có uy tín là những người hội đủ những điều kiện sau:
– Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở vùng dân tộc thiểu số;
– Được nhân dân nơi cư trú bầu chọn là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú;
– Được chính quyền xã xác nhận là ngưới có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, xãc, địa phương nơi cư trú;
– Được Hội nghị dân cư và liên ngành thôn (Chi ủy, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn) bầu chọn, Ủy ban nhân dân xã duyệt công nhận.
Ở tỉnh Quảng Ninh, đối tượng để lựa chọn bình xét là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao có thể tập trung vào:
– Già làng; trưởng thôn (bản); trưởng dòng họ, dòng tộc trong các dân tộc thiểu số; trưởng khu phố (thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống) do đồng bào bầu theo nhiệm kỳ;
– Cán bộ, trí thức có quá trình lâu năm, có cống hiến cho dân tộc và cho đất nước đã nghỉ công tác;
– Những người có ảnh hưởng lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong đời sống kinh tế (doanh nhân…), giáo dục (giáo viên…), y tế (thầy thuốc…), văn hoá (nghệ nhân…), an ninh, quốc phòng (cựu chiến binh, công an thôn…), tâm linh (thầy cúng, thầy mo, bà then…) và lĩnh vực khác của đời sống xã hội, được đồng bào tín nhiệm, tin yêu./.
Vai trò của già làng trong công tác truyền thông
Già làng – vững như mái nhà rông, trung tâm của buôn làng, cao như cây kơ nia, qua bao nắng mưa, giông tố lại càng mạnh mẽ. Già làng không chỉ là kho tri thức vô cùng uyên thâm, là chỗ dựa tinh thần cho cả dân làng mà còn là kênh truyền thông hữu ích, trở thành cầu nối giữa nhà nước và dân làng.
Những năm gần đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đã có những bước phát triển đáng kể, kinh tế thị trường bắt đầu len lỏi vào từng buôn làng và đẩy xa dần nền kinh tế tự cung tự cấp. Do đó, những chủ trương cũng dần đi vào đời sống của dân làng, phát huy mạnh mẽ, thế nhưng với sự tồn tại của thiết chế làng xã, ứng xử của con người chủ yếu dựa vào kho tàng kinh nghiệm của cộng đồng thì già làng vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Già làng thường là người lớn tuổi trong làng song tuổi tác không phải là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng nhất là uy tín và tầm hiểu biết. Họ có uy tín bởi vì họ có tài đức, là kho kinh nghiệm vô cùng quý báu trong việc ứng xử với thiên nhiên và con người. Về mặt tâm linh, già làng chính là sứ giả của Giàng (trời), để chuyển tải những ý đồ của bậc thần linh xuống dân làng. Không chỉ về mặt đối nội, mà già làng còn là nhân vật quyền lực, đại diện cho quyền lợi và danh dự của toàn thể buôn làng trong giao lưu, đối ngoại với địa phương khác. Ở mỗi ngôi làng người dân tộc thiểu số đều có trưởng làng, do dân bầu ra hoặc do cha truyền con nối, chịu trách nhiệm điều hành mọi công việc chung của làng. Thế nhưng, trưởng làng vẫn phải tôn trọng già làng, lĩnh hội ý kiến của già làng trong điều hành sản xuất, chiến đấu, tôn giáo dựa trên sự nhất trí của toàn thể dân làng. Người Pháp dịch “Hội đồng già làng” là “Conseil des sages”, Hội đồng của các bậc đức cao vọng trọng, cả về tài năng, đạo đức, uy tín.
Trong bối cảnh hiện nay, thông tin là sức mạnh của xã hội, nắm được thông tin là nắm được tầm ảnh hưởng đến tư duy, lối sống, cách hành xử của mọi cá nhân. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kênh truyền thông cả bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số (báo in, phát thanh, truyền hình) đội tuyên truyền thông tin lưu động, truyền thông qua “kênh” của trưởng bản, già làng,… Hình thức thông tin trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết thông qua vai trò của già làng trong những cuộc họp dân, lễ hội. Với tài năng và uy tín của mình già làng sẽ truyền đạt thông tin về mọi mặt đời sống xã hội, đến từng người dân trong bản. Già làng ủng hộ thì mọi việc đều diễn ra trôi chảy, tuyên truyền mọi mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin đối ngoại sẽ dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tỷ lệ mù chữ còn cao, cuộc sống thường kém ổn định với tập quán du canh du cư, lương thực chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Sản xuất chậm phát triển, mang nặng tính tự cung, tự cấp, độc canh là phổ biến, do đó sản phẩm làm ra không nhiều, sức tiêu thụ thấp. Tập quán này không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải có thời gian và sự kết hợp giữa dân làng với chính quyền.
Ưu thế của kênh truyền thông qua già làng rất rõ ràng: thông tin đa dạng, trực quan, sinh động, thu hút sự chú ý từ dân làng, tác động nhanh chóng đến nhận thức và suy nghĩ của họ. Thông tin liên quan đến kinh tế, đến cái ăn, cái mặc, về tác hại của việc du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy,…được cụ thể hoá qua những hoạt động thiết thực, các buổi nói chuyện thân mật, gần gũi sẽ dần đi vào lòng người dân. Thông tin từ phía già làng vừa có tính loan báo, vừa có tính định hướng để bà con nhận ra lợi ích, học tập làm theo, tiếp nhận được mọi chính sách liên quan đến mình.Thông qua các cuộc nói chuyện thường xuyên ở nhà rông, già làng sẽ nói rõ cho dân làng biết bọn phản động dùng các chiêu thức gì để lừa bịp bà con vượt biên, và đời sống của những người vượt biên khổ sở ra sao…Từ đó, bà con dân bản tự ý thức được những việc làm đúng sai, hoạt động trái pháp luật nguy hiểm như thế nào, ảnh hưởng đến đời sống của chính mình ra sao. Nhưng dư luận xã hội, định hướng hành động muốn hình thành nhanh, có áp lực mạnh đòi hỏi phải được sự ủng hộ của các gia làng. Già làng ủng hộ việc tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì sẽ tạo dư luận quan trọng, có lúc mang tính quyết định đối với việc tiếp nhận và làm theo các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Dư luận của làng bản được tạo dựng sẽ cổ vũ khích lệ những ai chấp hành pháp luật, đồng thời cũng gây áp lực ngăn ngừa, răn đe với những ai vi phạm. Kênh truyền thông qua già làng được phát triển ở hầu hết mọi buôn làng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là loại hình thức thông tin đơn giản, ít tốn kém, dễ thực hiện.
Truyền thông phải là một quá trình, có điểm bắt đầu, có điểm kết thúc, có những phương pháp trung gian, và cần thời gian để tiến hành và kiểm định nội dung thông tin. Do vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng truyền thông qua các vị già làng, điều đó khiến chúng ta phải quan tâm, hết sức lưu ý. Vấn đề này trước hết cần tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn minh, để các già làng vận động dân làng mình thực hiện có hiệu quả. Các cấp chính quyền ghi nhận và tuyên dương công lao của già làng trong công tác phát triển cộng đồng, tạo động lực để các giàng làng hoạt động mạnh mẽ, thể hiện hơn nữa vai trò của mình đối với dân làng.
Với uy tín và kiến thức uyên thâm của mình, những vị già làng thực sự là kênh truyền thông thiết thực, hiệu quả, củng cố niềm tin của người dân, là tấm gương để các con cháu noi theo, góp sức xây dựng kinh tế đi lên, cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên chính mảnh đất cha ông mình./.
Phát huy vai trò của già làng trong xu thế hiện đại hóa
Giải quyết mối quan hệ giữa sự tự quản của cộng đồng và sự quản lý của Nhà nước là việc làm cần thiết trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên.
Dưới sự tác động của những biến chuyển xã hội, các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đang biến đổi theo xu hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong buôn làng vẫn còn có già làng – người hiểu biết luật tục, có khả năng vận dụng linh hoạt luật tục với từng vụ việc cụ thể.
Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số được xác định là người có đủ các điều kiện như: thực sự được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm do có vị trí xã hội hoặc kiến thức nhất định về một hay nhiều lĩnh vực, có điều kiện kinh tế ổn định, có cách ứng xử, giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội; có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng với cộng đồng, thường được bà con tìm đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến giải quyết các vấn đề; và có khả năng tác động, chi phối, tập hợp được bà con ở những phạm vi nhất định bằng lời nói, qua hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục, tập quán dân tộc.
Như vậy, già làng, trưởng bản và người có uy tín là 3 “thiết chế” khác nhau. Già làng hiện nay được xác định là người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm, được trọng vọng ở vùng dân tộc thiểu số. Trưởng bản là người đứng đầu đơn vị dân cư (buôn, làng, bản, phum, sóc), được cộng đồng dân cư bầu ra, được bổ nhiệm bởi chính quyền. Người có uy tín có thể là già làng, trưởng bản, cũng có thể không nằm trong số đó, mà đặc trưng của nó là có quyền uy nhất định đối với nhân dân, có tiếng nói trọng lượng đối với nhân dân.
Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên có 8.113 người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là ở tỉnh Đắk Lắk (2.750 người). Những người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự nói riêng. Trong những năm qua, người có uy tín ở tỉnh Đắk Lắk đã tích cực vận động nhân dân giao nộp hơn 4.000 vũ khí quân dụng, súng tự chế, tham gia giúp đỡ, quản lý và giáo dục cho hơn 2.000 đối tượng theo Fulrô đã bị xử lý, trên 3.000 thanh niên chậm tiến và nhiều đối tượng đã trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Người có uy tín ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng đã tích cực tham gia nắm tình hình phát hiện và tố giác tội phạm, vận động số đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân; tham gia giải quyết hàng nghìn vụ việc gây rối trật tự công cộng, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân; cảm hóa giáo dục hàng trăm đối tượng lầm lỗi trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội… Trong đó, vai trò của các già làng luôn được nhấn mạnh: tham gia các tổ chức tự quản về an ninh trật tự ở cơ sở và trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của đồng bào, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa phương, đầu tư, sản xuất, canh tác trên diện tích đất đai của các hộ gia đình có đất sát biên giới.
Nhìn từ phía chính quyền, phần lớn cán bộ chính quyền địa phương tôn trọng vai trò của già làng tham gia vào hòa giải các vụ việc có liên quan tại cộng đồng cũng như nhhận thức rõ uy tín của già làng ở Tây Nguyên có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng buôn, thôn. Già làng không chỉ được xem như là một trong những nhân tố tích cực tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, điều tiết cộng đồng mà còn là những người có uy tín trong công tác vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thì vai trò của già làng, người uy tín trong cộng đồng dân cư thể hiện rất rõ trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, một biểu hiện rất rõ tại các cộng đồng là tiếng nói của già làng ngày càng ít có hiệu lực, đặc biệt đối với người trẻ. Và già làng thường không thực hiện việc vận động, thuyết phục một mình mà phối hợp với các tổ chức chính trị đoàn thể cấp thôn buôn trong việc giải quyết các công việc có liên quan. Đồng thời, khi các tín ngưỡng bản địa có xu hướng thay đổi cả về tính chất lẫn quy mô, vai trò tâm linh của già làng cũng dần mờ nhạt. Có thể, đây là chỉ báo cho thấy, nội lực của cộng đồng không còn đủ để hình thành nên các nhân tố đóng vai trò hướng đạo cộng đồng.
Thế thì, điều gì là điều quan trọng nhất cần xác lập trong điều kiện buôn làng đang trong quá trình hiện đại hóa? Có lẽ, một già làng – người đại diện cho sự khôn ngoan của buôn làng ngày nay không chỉ là người am hiểu luật tục và có khả năng “thương lượng” với các lực lượng siêu nhiên như trong xã hội cổ truyền mà cần có “năng lực thị trường”, biết tiếng Việt, hiểu về luật pháp để có thể cho dân làng những lời khuyên lúc khó khăn về kinh tế, khi cần tư vấn trong mâu thuẫn, tranh chấp, hay khuyên bảo người trẻ chăm chỉ học hành, làm việc.
********************
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp