>> Những bài văn Phân tích Tuyên ngôn độc lập hay, đạt điểm 10
Đề bài: Giá trị lịch sử và nhân văn của Tuyên ngôn Độc lập
Bạn đang xem: Giá trị lịch sử và nhân văn của Tuyên ngôn Độc lập
Bài làm:
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, người cha già của cả dân tộc, một vĩ nhân đã khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại sự tự do cho đất nước. Không chỉ vậy, Bác còn là một nhà thơ nhà văn lớn với sự nghiệp văn học phong phú. Các tác phẩm của Bác đều để lại những ấn tượng sâu sắc, và trong đó phải kể đến bản “Tuyên ngôn độc lập”. Tác phẩm mang trong mình những giá trị lịch sử và nhân văn sống mãi với thời gian.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phe phát xít thất bại, lúc này bọn đế quốc đang có âm mưu xâm lược Việt Nam, ngay lúc đó, đất nước ta cần thiết phải đưa ra một lời tuyên bố khẳng định về chủ quyền của dân tộc, công bố nền độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn thể hiện nguyện vọng hòa bình tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Bản tuyên ngôn hướng tới toàn thể nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới và cũng như một lời cảnh báo đối với bọn đế quốc đang có âm mưu xâm lược nước ta.
Xét về mặt giá trị lịch sử, bản tuyên ngôn là một văn kiện lịch sử to lớn của dân tộc ta, khẳng định một sự kiện lịch sử: mở ra một kỉ nguyên mới cho toàn dân tộc, độc lập, tự do, hạnh phúc. Nó cũng là một lời tuyên bố đanh thép tuyên bố chấm dứt chế độ phong kiến, chế độ thực dân đánh đổ bọn giặc Pháp, đưa chính quyền về tay của nhân dân. Cùng với đó, Hồ Chí Minh còn khẳng định vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể thấy rằng, bản tuyên ngôn của Bác đã vươn lên được một tầm cao mới, mang nhiều giá trị hơn so với bản tuyên ngôn trước đây của Lí Thường Kiệt và Nguyễn Trãi bởi nó có sự kết hợp với tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo của cả dân tộc.
Không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong lịch sử, bản tuyên ngôn còn mang một giá trị nhân văn vô cùng lớn lao. Đó là một áng văn yêu nước, một áng văn chính luận mẫu mực. Từ đầu đến cuối của bản tuyên ngôn đều có bố cục rõ ràng với những mục đích nhất định. Bác đã lập luận rất chặt chẽ, các lí lẽ đưa ra đều đanh thép, các bằng chứng giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ điêu luyện, chính xác, nghệ thuật lập luận khéo léo mà kiên quyết cùng với những câu văn uyển chuyển linh hoạt. Lời lẽ cũng như nhịp điệu của bản tuyên ngôn thật hùng hồn, câu văn dồn dập, sắc cạnh. Bác đã rất thành công trong sử dụng các biện pháp nghệ thuật như điệp từ để nhấn mạnh hay liệt kê để chỉ ra rõ tội ác của bọn xâm lược, và đặc sắc hơn là nghệ thuật gậy ông đập lưng ông, từ đó ta càng thấy rõ được tư duy sắc sảo của một tâm hồn lớn, trí tuệ lớn của Bác.
Tóm lại, “Tuyên ngôn độc lập” vừa mang giá trị nội dung cũng như nghệ thuật hay các khía cạnh về lịch sử và văn chương. Bản tuyên ngôn như một bản hùng ca của dân tộc, mở ra kỉ nguyên mới cho đất nước, ủng hộ khuyến khích, tiếp động lực lớn cho toàn dân tộc để đạt đến độc lập, tự do.
Tuyên ngôn độc lập quả xứng đáng là một áng thiên cổ hùng văn, đó là sự kế thừa và phát huy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nó đánh dấu một điểm mốc quan trọng lịch sử, thêm vào đó nó lại mang giá trị sâu sắc về văn chương. Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là một áng văn khiến chúng ta tự hào về mình, về đất nước Việt Nam.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp