Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

0
129
Rate this post

Đề bài: Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

gia tri van chuong cua binh ngo dai cao

Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

Bạn đang xem: Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

Bài làm:

Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi viết vào mùa xuân năm 1428, thay lời của vua Lê Lợi tuyên cáo về chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khẳng định chủ quyền độc lập của nước Đại Việt. Bài cáo của Nguyễn Trãi mang đậm giá trị văn chương, không chỉ là tác phẩm văn học có hình tượng sinh động mà còn là văn kiện chính trị quan trọng, chính vì thế, bài cáo được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam (sau bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt).

Giá trị văn chương của “Bình Ngô đại cáo” trước hết là một văn kiện lịch sử, một văn bản chính trị. Nguyễn Trãi đã theo lệnh của vua Lê Lợi soạn thảo và công bố vào mùa xuân năm 1428, bài cáo đã tuyên bố cho toàn thể nhân dân biết về sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn đã đại thắng, đất nước đã sạch bóng quân thù, một kỉ nguyên mới độc lập và tự do đang mở ra cho giang sơn, xã tắc. “Bình Ngô đại cáo” là văn bản được đánh giá cao về hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng xác thực, thể hiện sâu sắc và sinh động vấn đề có ý nghĩa trọng đại của quốc gia, dân tộc. Bài cáo có một trình tự logic lớn trong toàn bài và sự thứ lớp trong lập luận của từng phần, tiêu biểu cho tầm khái quát của văn bản này chính là đoạn văn đầu, khi tác giả Nguyễn Trãi đưa ra định nghĩa về một quốc gia phong kiến, những yếu tố xác định chủ quyền độc lập của một quốc gia phong kiến mà Nguyễn Trãi nêu ra được coi như một bước tiến dài của lịch sử, một cống hiến to lớn và có ý nghĩa đối với thế giới, xứng đáng để thế hệ sau thán phục và tự hào:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Bên cạnh đó, giá trị văn chương của bài cáo còn được thấm nhuần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, chính nhờ Nguyễn Trãi luôn có cách nhìn nhận sự việc, hiện tượng bằng trí tuệ, tài năng sắc sảo và tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc của mình. Tuy được thể hiện rất kín đáo nhưng lại rất mạnh mẽ, khi khái quát về lịch sử lâu đời và vinh quang của dân tộc tác giả bộc lộ niềm tự hào và kiêu hãnh khi được làm con dân của một dòng giống anh hùng. Khi lên án tội ác của kẻ thù, kể lại những khó khăn gian khổ của nghĩa quân và hành trình thắng lợi của quân và dân ta, cảm xúc của tác giả càng được biểu hiện rõ nét, đa dạng và phong phú.

“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi còn ghi đậm giá trị văn chương ở sự sáng tạo hình tượng và hình ảnh trong tác phẩm, chính nhờ yếu tố này mà chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân văn sâu sắc trong văn bản có sức lay động mạnh mẽ, sự trường tồn bất diệt theo thời gian và trong lòng người. Phải thừa nhận rằng, Nguyễn Trãi đã diễn tả tư tưởng bài cáo bằng những hình tượng rất sinh động, khó có thể phân định đâu là từ sách vở và đâu là sáng tạo riêng. Nói về sức mạnh của nghĩa quân, tác giả không dùng số lượng để đong đếm mà dựng lên hình ảnh:

“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.”

Tuy văn bản này là do Nguyễn Trãi thừa lệnh của vua Lê Lợi nhưng có thể thấy trong tâm thế của ông mang theo những mục đích lớn, thứ nhất là soạn thảo ra một văn bản hành chính và thứ hai là sáng tạo nên một công trình văn chương. Điều này được bộc lộ rõ ở chỗ Nguyễn Trãi sử dụng rất nhiều thủ pháp nghệ thuật, tu từ, chất liệu văn chương khác nhau và tạo nên tính nhạc điệu cho ngôn từ. Thể loại văn biền ngẫu có những điểm thuận lợi lại có những điểm khó khăn đối với các tác giả xưa, trong một khuôn khổ chung nhưng từng đoạn trong bài văn lại mang thần thái, cá tính riêng. Khi tuyên ngôn thì lời lẽ súc tích, cô đọng, giọng văn đanh thép, chắc nịch, khi diễn tả tội ác của kẻ thù thì sử dụng thủ pháp trùng điệp như muốn lột tả hết sự độc ác, man rợ, trời không dung đất không tha:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!”

“Bình Ngô đại cáo” với những giá trị văn chương tiêu biểu như trên đã khẳng định đây không chỉ là tác phẩm văn học hành chính quan trọng đối với lịch sử nước nhà mà còn có ý nghĩa to lớn đối với tiến trình phát triển nền văn học Việt Nam. Giá trị của bài cáo cũng đã khẳng định Nguyễn Trãi xứng đáng là một nhà văn chính luận kiệt xuất của dân tộc, đặc biệt trong văn bản này có sự tương xứng giữa văn chính luận và văn chương thẩm mỹ mà hiếm có tác giả nào ở thời đại Nguyễn Trãi làm được.

———————–HẾT—————————-

Bình Ngô Đại Cáo là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 10, ngoài bài làm văn Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo, học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài làm văn khác như Phân tích đoạn 1, 2 Bình Ngô Đại Cáo, Phân tích tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo, Đọc hiểu Bình Ngô đại cáo hay các phần Giáo án Đại cáo bình Ngô và Soạn Văn lớp 10 – Đại cáo bình Ngô, phần Tác phẩm.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/gia-tri-van-chuong-cua-binh-ngo-dai-cao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp