Đề bài: Giải thích câu: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người
I. Dàn ý Giải thích câu: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người
1. Mở bài
– Dẫn vào ý kiến: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”
Bạn đang xem: Giải thích câu: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người
2. Thân bài:
a. Lịch sử ra đời của sách:
– Có từ rất lâu đời với các hình thức khác nhau: Là các mạng ký hiệu được khắc trên đá, gỗ, vỏ cây, da thú, sau có loại sách được làm bằng các thẻ tre,…
– Năm 105, một người Trung Quốc tên Thái Luân đã chế tạo ra giấy viết, mở ra một kỷ nguyên mới của sách, sách trở nên phổ biến hơn.
– Sách đã trở thành kho tàng tri thức vô cùng tận, lưu giữ những tinh hoa văn hóa của nhân loại biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thế hệ một cách hiệu quả và vẹn nguyên.
b. Giải thích câu nói:
– Ngụ ý rằng sách là nơi chứa đựng một kho tàng tri thức vô cùng rộng lớn, bao la đã tồn tại trong quá khứ, hiện tại và đến tương lai chúng vẫn tồn tại một cách trường tồn, vĩnh cửu.
– Người đọc sách chính là người đang dần tiếp thu nguồn tri thức quý giá ấy và những cuốn sách sẽ đóng vai trò là ngọn đèn hải đăng soi sáng bước đường trí tuệ cho mỗi con người.
b. Bàn luận:
– Sách được dành tặng lời ca ngợi như vậy bởi vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống con người.
– Sách cung cấp cho ta đủ loại tri thức có trên đời từ các kiến thức, lịch sử địa lý, đến các kiến thức văn hóa, ngoại ngữ,…
→ Sách cung cấp cho chúng ta công cụ tự học một cách hiệu quả, không chỉ vậy sách là một thể loại giải trí vô cùng bổ ích được nhiều người ưa thích.
– Đọc sách không chỉ giúp ta mở mang kiến thức, nâng cao trí tuệ và tầm hiểu biết mà nó còn khiến cho tâm hồn ta trở nên tươi sáng và tích cực hơn.
– Thế nhưng không phải quyển sách nào cũng đáng đọc, quyển sách nào cũng hay, mỗi một tác giả viết sách cần phải có thái độ nghiêm túc chuyên nghiệp với tác phẩm của mình, đồng thời người đọc cần phải chọn lựa sách cho thật kỹ càng. Chỉ nên đọc các cuốn sách có giá trị, không nên đọc thứ văn học tầm thường, giả dối.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận cá nhân.
II. Bài văn mẫu Giải thích câu: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người
Trong cuộc sống bộn bề lo toan vất vả, vào những lúc thư giãn nghỉ ngơi mỗi một người lại chọn cho mình những thú vui, những cách giải trí hiệu quả, người ưa sôi động, ưa phiêu bồng theo những giai điệu ngọt ngào, sống động thì chọn cách thả hồn theo âm nhạc. Cũng có người chọn cách bước ra khỏi nhà, cùng dạo phố, cà phê tán gẫu với bạn bè, một số người khác thì chọn cách ở nhà chăm sóc cây cỏ, hoa lá, thưởng bánh uống trà để tận hưởng cảm giác thanh tịnh trong tâm hồn,… Và trong muôn ngàn sở thích như vậy, thì việc đọc những cuốn sách hay cũng trở thành một lựa chọn khá thú vị, cho những người nào ham học hỏi và muốn mở mang kiến thức trong những ngày lười biếng. Bản thân tôi cũng là một người thích đọc sách, và tôi rất ấn tượng về câu nói của một nhà văn khi viết về sách rằng: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”.
Có thể nói là sách là một sản phẩm chứa đựng vô vàn tinh hoa văn hóa nhân loại, sự ra đời của sách đã đem đến cho trí tuệ của con người một phương tiện mới và những bước tiến tuyệt vời. Thuở xa xưa, khi sách giấy ngày nay còn chưa xuất hiện, thì sách cũng xuất hiện rất sớm trong văn hóa của nhiều quốc gia với những dáng hình khác nhau, có lẽ thô sơ nguyên thủy nhất là những mảng ký hiệu tượng hình được khắc trên vách đá từ thuở sơ khai. Sau đó là trên các mảnh gỗ, mảnh da thú, mảnh vỏ cây, mãi về sau tiến bộ hơn và chúng ta đã thường quen thuộc trong các bộ phim Trung Quốc ấy là loại sách đặc biệt được chế tạo từ các thẻ tre ghép lại với nhau, và các loại sách được viết trên vải, trên lụa,… Mãi về sau này, khoảng những năm 105 sau công nguyên, một người Trung Quốc có tên là Thái Luân đã phát minh ra loại giấy viết được làm từ sợi cây dâu tằm, đây là một bước tiến lớn trong nền văn hóa nhân loại, bởi thứ giấy được làm từ cây gỗ này có nhiều đặc tính quý như mỏng, nhẹ, vết mực mau khô và đặc biệt là có thể tàng trữ được một thời gian khá lâu mà không bị hỏng hóc. Thế nhưng sách giấy có lẽ chỉ thực sự phát triển một cách bùng nổ khi mà cách làm giấy được lưu truyền sang các nước phương Tây thông qua các tù binh Trung Quốc. Chính vì sự tiện lợi của sách giấy, thế nên nền văn hóa tri thức của nhân loại ngày càng một phát triển, bởi phương thức ghi chép, lưu trữ dữ liệu đã không còn quá khó khăn, người ta cũng bắt đầu tìm đọc các thể loại văn thư nhiều hơn. Sách đã trở thành kho tàng tri thức vô cùng tận, lưu giữ những tinh hoa văn hóa của nhân loại biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thế hệ một cách hiệu quả và vẹn nguyên.
Nói sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người, ngụ ý rằng sách là nơi chứa đựng một kho tàng tri thức vô cùng rộng lớn, bao la đã tồn tại trong quá khứ, hiện tại và đến tương lai chúng vẫn tồn tại một cách trường tồn, vĩnh cửu. Người đọc sách chính là người đang dần tiếp thu nguồn tri thức quý giá ấy và những cuốn sách sẽ đóng vai trò là ngọn đèn hải đăng soi sáng bước đường trí tuệ cho mỗi con người. Bởi lẽ ta càng đọc thì ngọn đèn ấy càng sáng, trí tuệ của ta ngày càng được khai mở, và dù đi đến hết cả cuộc đời ta cũng chẳng thể nào độc hết sách trên thế gian. Còn ngọn đèn mang tên sách, mang tên tri thức ấy vẫn tiếp tục soi sáng bước đường cho các thế hệ tiếp sau ta mà vẫn vĩnh viễn không đổi màu ánh sáng bất diệt.
Như vậy sách đã chứa đựng và cung cấp cho con người những loại tri thức gì mà lại được hết lời ca ngợi như vậy? Tôi xin được trả lời rằng sách cung cấp cho con người mọi thể loại nhu cầu giải trí và tri thức mà con người kiếm tìm. Với những người ưa thích tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử xã xưa thì những cuốn sách sẽ đưa chúng ta về đến tận thời tiền sử, khi con người còn ăn lông ở lỗ, về những năm tháng dựng nước và giữ nước hùng tráng của các vua Hùng, hoặc về trận những trận chiến chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta. Không chỉ vậy sách về đề tài lịch sử còn mở mang tầm hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc sự hình thành của nền văn hóa dân tộc, về những phong tục tập quán tốt đẹp đã có từ ngàn đời nay,… Với những bạn trẻ có sở thích đi du lịch nhưng chưa có điều kiện hoặc muốn tìm hiểu trước một địa danh nào đó thì những cuốn sách giới thiệu cảnh điểm, những cuốn sách địa lý sẽ trở thành một hành trang vô cùng cần thiết và bổ ích. Với những người có hứng thú tìm hiểu về thế giới tự nhiên, khám phá thế giới động vật thì có lẽ những cuốn sách chuyên về hệ động thực vật trên trái đất sẽ thỏa mãn được bạn. Không chỉ vậy sách còn là một công cụ vô cùng hữu ích phục vụ cho việc tự học của những người không có thời gian đến trường lớp học thêm, chỉ cần bỏ ra một món tiền nho nhỏ là bạn có thể mang về một vài cuốn sách tham khảo hữu ích, từ ngoại ngữ đến các loại sách khoa học tự nhiên. Việc học tập đã trở nên dễ dàng, linh động và đỡ tốn kém hơn rất nhiều, phù hợp với những bạn trẻ không muốn phải di chuyển quá thường xuyên đến các trung tâm giáo dục. Dĩ nhiên nếu sách chỉ phục vụ cho mục đích học tập thì quả thực đã làm giảm đi giá trị của chúng rất nhiều, bởi những cuốn sách ngoài việc cung cấp tri thức thì có còn cung cấp cho con người một hệ thống giải trí vô cùng phong phú. Đó có thể là những cuốn sách văn học kinh điển của thế giới, những cuốn truyện, những cuốn tiểu thuyết có nội dung thú vị, không chỉ giúp con người giải trí mà còn cung cấp cho con người những bài học nhân văn, nhân đạo quý giá, những lẽ sống cao cả mà không ở đâu ta có được. Đọc sách không chỉ giúp ta mở mang kiến thức, nâng cao trí tuệ và tầm hiểu biết mà nó còn khiến cho tâm hồn ta trở nên tươi sáng và tích cực hơn rất nhiều, nó giống như một nguồn nuôi dưỡng bất tận khiến đôi mắt nhìn cuộc sống của chúng ta trở nên thấu hiểu, thông cảm và lạc quan hơn.
Một điều nữa mà tôi muốn nói là không phải thứ gì trông giống sách cũng được gọi là sách, bởi những thứ rác phẩm, những thể loại sách viết qua loa, người viết không đặt nhiều tâm huyết, dẫu câu từ có trau chuốt nhưng nội dung lại rỗng tuếch thì cũng không xứng đáng để được đặt lên kệ sách của một ai đó. Sách phải là nơi hội tụ những kinh nghiệm, những hiểu biết, những sáng tạo có giá trị xây dựng của con người, có khả năng truyền cảm hứng hoặc khiến cho con người thấy tâm đắc. Và người viết sách phải là người viết vì muốn viết một tác phẩm hoàn hảo, có ý nghĩa, chứ không phải vì một thứ gì khác như lợi ích, tiền tài thì cuốn sách ấy mới thật sự có giá trị và đáng được công nhận. N.Ôxtơrốpxki đã nói rằng: “Sách có thể ít đi một chút, nhưng phải tốt đẹp hơn. Không nên đặt một cuốn sách tầm thường lên giá sách”, tức là nhấn mạnh vào cách đọc và thái độ chọn sách, chọn ngọn đèn trí tuệ của mỗi cá nhân. Chọn lầm sách chính là sai lầm vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng xấu đến cả tư duy và nhận thức của một con người, mà mỗi cá nhân cần ý thức được rõ điều này để không mắc phải.
Tổng kết lại câu nói “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người” chính là lời ca ngợi và nhấn mạnh tầm quan trọng của sách vở trong việc hình thành phát triển và duy trì ngọn đèn trí tuệ của nhân loại. Mỗi chúng ta hãy chọn cho mình một cuốn sách thú vị, hãy tập cho bản thân thói quen đọc sách khi còn trẻ, để nâng cao tầm tri thức và khai mở các mảng sáng, thức tỉnh các giá trị tốt đẹp nhất trong tâm hồn mình, và để thấy cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh bài Giải thích câu: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên, Giải thích câu nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”, Giải thích câu nói “Học đi đôi với hành”, Giải thích câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp