Giải thích nhan đề và ý nghĩa của nhan đề Tức nước vỡ bờ là bước đầu tiên giúp bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm, về dụng ý của tác giả muốn thể hiện. Cùng đi vào chi tiết em nhé:
Giải thích ý nghĩanhan đề Tức nước vỡ bờ chi tiết
Giải thích
– “Tức nước” có nghĩa là nước rất đầy, như muốn trào ra. “Bờ” là nơi giới hạn của các con sông hay kênh đào. Hiện tượng “tức nước vỡ bờ” chỉ xảy ra khi nước quá lớn và sức nước quá mạnh và bờ không thể giữ được nên vỡ, nước tuôn trào ra.
– Tức nước vỡ bờ:
+ là một thành ngữ dân gian đầy ý nghĩa mà súc tích, dựa trên kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc kết.
+ là nội dung bao quát của toàn bộ đoạn trích.
Ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ
– Xét về nghĩa đen, thì đây cũng là một hiện tượng hiển nhiên khách quan trong cuộc sống, nó có nghĩa là hiện tượng nước tràn bờ và chắc chắn sẽ dẫn đến vỡ bờ.
– Theo nghĩa bóng là: con người đều có giới hạn chịu đựng, vì vậy việc gì trong mức giới hạn thì người ta sẽ nhịn cho qua. Nhưng nếu chuyện xảy ra quá mức giới hạn cho phép của sức chịu đựng thì người ta sẽ phản kháng lại như chính sức mạnh dữ dội của nước làm cho vỡ bờ.
=> Ý nghĩa về tác phẩm: Sự tài tình khi chỉ với một câu thành ngữ tưởng chừng đơn giản nhưng thôi thúc người đọc quan tâm tới nội dung câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Qua đó thể hiện cái nhìn và tâm trạng của tác giả. Ông muốn bày tỏ sự cảm động trước số phận của người nông dân xã hội phong kiến cũ và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội phong kiến đương thời, đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khốn khổ, khiến họ phải liều mạng chống cự lại.
Đoạn văn giải thích và ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ
Đoạn số 1
Khi tìm hiểu về ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố, ta thấy Tức nước vỡ bờ một nhan đề có sức gợi hình cao, nhan đề do chính tác giả đặt tên đã bao quát toàn bộ nội dung của đoạn trích. Để giải thích nhan đề này ta thấy, đây là nhan đề được tác giả dùng chính thành ngữ của người Việt để thể hiện sự đấu tranh, chống cự của người nông dân dưới áp bức, bất công của xã hội phong kiến. Nhân vật chị Dậu chính là đại diện cho những con người hiền lành chất phác, lương thiện chăm chỉ nhưng khi bị áp bức quá đến mức đường cùng giữa sự sống và cái chết thì họ sẵn sàng vùng dậy, đánh bại mọi thế lực áp bức. “Tức nước vỡ bờ” phản ánh rõ một quy luật trong cuộc sống “có áp bức thì có đấu tranh”.
Đoạn văn 2
“Tức nước vỡ bờ” [Tên do người biên soạn đặt] là nhan đề của đoạn trích được trích trong tác phẩm ”Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. ”Tức nước vỡ bờ” có 2 cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là trong những ngày mưa to, bão lớn, nước quá nhiều, dâng cao vỗ vào bờ, bờ không chịu được sức ép của nước sẽ bị vỡ. Nhưng ”Tức nước vỡ bờ” được đặt tên cho đoạn trích này thì lại được hiểu theo một nghĩa khác: vì muốn khuất sưu, vì thương chồng là chị Dậu – một người phụ nữ dịu dàng phải nhẫn nhịn chịu đựng, van xin tha thiết trước những lời chửi mắng của cai lệ và người nhà lí trưởng. Nhưng khi chúng cố tình đòi chói anh Dậu và hành hạ chị, chị đã liều mạng cự lại đánh ngã 2 tên tay sai đó. Bằng ngòi bút hiện thực sinh động, nhà văn đã nêu bật một quy luật trong xã hội: có áp bức thì sẽ có đấu tranh.
Đoạn văn 3
Nhan đề “Tức nước vỡ bờ” là do người biên soạn sách đặt. Nhan đề này đã thể hiện bao quát được nội dung của đoạn trích. Tức nước vỡ bờ là một thành ngữ trong dân gian có ý nghĩa có áp bức thì có đấu tranh. Trong tác phẩm, chị Dậu – là đại diện cho những người nông dân lao động trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8, họ vốn hiền lành, chất phác, nhẫn nhục chịu thương, chịu khó. Nhưng khi họ bị đẩy đến đường cùng họ sẽ vùng lên kháng cự, đánh quật lại bè lũ áp bức không chút lo sợ. Hành động vùng lên đánh lại cai lệ và người nhà lí trưởng của chị Dậu trong đoạn trích đã phản ánh quy luật xã hội tất yếu ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Đó là một chân lý tồn tại khách quan.
>>Đừng bỏ lỡ các bài văn phân tích nhân vật chị Dậu đặc sắc nhất nhé!
Văn mẫu giải thích nhan đề Tức nước vỡ bờ lớp 8
Một tác phẩm văn học hay như người con gái đẹp. Cái để sống lâu dài là đức hạnh, nhưng cái để làm quen là nhan sắc. Một vẻ ngoài hấp dẫn và thu hút mới có thể dẫn độc giả khám phá vào sâu thể giới bên trong của tác phẩm. Một trong những yếu tố hình thức ảnh hưởng đến nội dung, giá trị của tác phẩm có thể kể đến nhan đề. “Tức nước vỡ bờ” là một trong những nhan đề đã làm tròn nhiệm vụ của nó.
Nhan đề trong tác phẩm văn học là phần đầu tiên trước khi tiếp xúc với văn bản. Nhan đề thường ngắn gọn, là một vế hay một câu để khái quát nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của toàn bộ văn bản. Đồng thời, qua đó thể hiện tài năng của người cầm bút. Một nhan đề hay là một nhan đề ấn tượng, gây được sự chú ý và hấp dẫn của người đọc.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” nằm ở chương XVIII của tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Đây là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn tòng lai chưa từng có. Tác phẩm là bản cáo trạng đanh thép về những thứ thuế bất nhân của bọn thực dân, là tiếng hát ngợi ca vẻ đẹp và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ nói riêng và người nông dân xưa nói chung. Qua đó, còn là những tư tưởng và triết lí của tác giả.
Nhan đề “Tức nước vỡ bờ” đã thể hiện được phần nào tư tưởng đấy. “Tức nước vỡ bờ” là một thành ngữ dân gian. “Tức” chỉ trạng thái bên trong đầy và chặt quá đến mức muốn bung ra, phá vỡ cái thành hoặc cái vỏ bọc bao bọc chính nó. Câu thành ngữ có ý nghĩa chỉ sự đè nén, áp bức quá sẽ khiến người ta phải vùng lên phản kháng, chống đối. Nó như một quy luật của tự nhiên mà lại có tính xã hội sâu sắc. Người biên soạn đã chọn hình ảnh rất gần gũi, có liên quan đến đời sống nhân dân. Đó chính là kinh nghiệm canh tác trong việc giữ và chặn nước. Ngay những chữ đầu đã tạo nên sự tò mò, hứng thú và những dự đoán ban đầu của người đọc về nội dung của đoạn trích. Đây có phải chỉ đơn thuần là một quy luật trong canh tác. Hay đó còn mang theo tính chất xã hội gì? Câu chuyện nào ở phía dưới?
Nhan đề đoạn trích rất phù hợp với nội dung và ý nghĩa của đoạn trích: sự áp bức trắng trợn của bọn tay sai thực dân đã buộc người nông dân đầy nhẫn nhục như chị Dậu phải vùng dậy, xô vỡ bờ để đấu tranh. Từ đó mà toát lên một chân lí tất yếu: con đường duy nhất của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường tự đấu tranh để giải phóng mình. Với tư tưởng ấy, sau này, Nguyễn Trung Thành khi viết “Rừng xà nu” đã đúc kết thành câu nói: “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”.
Qua nhan đề ấy cũng thể hiện tính chiến đấu trong ngòi bút hiện thực Ngô Tất Tố. Mặc dù kết thúc tác phẩm rất bế tắc, nhà văn chưa được tiếp cận với ánh sáng của Đảng, chưa tìm ra được con đường đấu tranh cho quần chúng bị áp bức. Nhưng với cảm quan hiện thực mạnh mẽ, Ngô Tất Tố đã thấy được xu thế tất yếu: tức nước thì phải vỡ bờ, và sức mạnh to lớn, khôn lường của sự vỡ bờ đó. Nhà văn tài năng là người nhìn ra những điều người khác không thấy. Tác phẩm chân chính luôn có khả năng dự báo và nhận thức tương lai. Cảnh “tức nước vỡ bờ” đã dự báo cơn bão táp quần chúng nhân dân, là lực lượng nòng cốt của cách mạng sau này.
Ý nghĩa sâu xa của quá trình tức nước vỡ bờ là gì? Mầm mống của mọi nỗi đau chính là từ chính sách thuế thân vô lý, bất công đến tàn bạo của bọn quan Tây. Cái thứ thuế quái đản ấy đã đánh vào đầu người sống; dựng cả người chết dậy; giành một đứa trẻ mới 7 tuổi ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ và ném nó vào hang hùm miệng sói của bọn địa chủ; bắt một người phụ nữ ra khỏi gia đình vừa mới chia lìa tan tác để rồi lại bị đẩy vào chốn địa quan đê tiện, nhơ nhuốc, xấu xa. Hùa vào với chính sách của quan Tây là những mánh khóe của bọn vua quan ta, tha hồ đục nước béo cò, tha hồ bóc lột người nông dân đến tận xương tủy. Tác giả đã khéo léo bê cất đi suất sưu của người chết, đợi đến khi chị Dậu đã bán hết đi cả tài sản, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tình huống truyện ngày càng căng thẳng. Ngô Tất Tố đã chỉ ra con đường đi duy nhất cho nhân vật của mình, đó là phản kháng.
Ngay những từ ngữ đầu tiên, nhan đề chính là nhãn tử gợi mở ra thế giới tư tưởng và bài học sâu sắc cho tác phẩm. Cái tài của người cầm bút chính là thu hút người đọc ở ngay những con chữ đầu tiên như thế.
Nguồn văn mẫu: Sưu tầm.
Trên đây là hướng dẫn giải thích ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ bao gồm một số đoạn văn và văn mẫu dành cho các em học sinh lớp 8 tham khảo. Chúc các em học tốt!
Bạn đang xem: Giải thích ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp