Hà đê sứ là gì? Nhà Trần đã lập ra chức Hà đê sứ để làm gì?

0
162
Rate this post

Hà đê sứ là gì?

Hà đê sứ là chức quan của nhà Trần đặt ra để?

A. Quan sát nhân dân đắp đê

B. Trông coi việc sửa chữa, đắp đê

C. Hằng năm báo cáo tình hình lũ lụt, thiên tai

D. Mở kho phát lương thực cho nhân dân khi gặp lũ lụt, thiên tai

Đáp án: B. Hà đê sứ là chức quan của nhà Trần đặt ra để trông coi việc sửa chữa, đắp đê.

Nhà Trần đã lập ra chức Hà đê sứ để làm gì?
Nhà Trần đã lập ra chức Hà đê sứ để làm gì?

Nhà Trần đã lập ra chức Hà đê sứ để làm gì?

Đê được nhà Lý quan tâm đắp nhưng chưa có quy hoạch quy mô, nhiều lần nước vẫn tràn vào kinh thành. Năm 1238 và 1243, nước lại tràn vào cung điện. Năm 1248, Trần Thái Tông lập ra cơ quan Hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách để trông coi việc đắp đê và bảo vệ đê điều ; Khuyến nông sứ chăm lo, khuyến khích nông dân sản xuất ; Đồn điền sứ tuyển mộ người đi khẩn hoang. Việc đắp đê thực hiện suốt từ đầu nguồn cho tới bờ biển để ngăn nước lũ tràn ngập, gọi là đắp đê quai vạc.

Đắp đê quai vạc được xem là bước ngoặt to lớn trong lịch sử thủy lợi Việt Nam. Triều đình trực tiếp tổ chức đắp đê trên các triền sông và có cơ quan chuyên trách chỉ đạo quản lý đê điều. Triều đình đã bỏ ra nhiều tiền của cho công trình này, đoạn đê nào lấn vào ruộng đất tư nhân thì được đền bù. Hiện nay nhiều địa phương ven sông Hồng vẫn còn đê quai vạc.

Việc đắp đê quai vạc không chỉ thực hiện ở đồng bằng sông Hồng mà còn thực hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An.

Đê đỉnh nhĩ không phải là công trình mới và không chỉ đắp một lần có thể xong. Trên cơ sở những đê vùng cũ, nhà Trần cho đắp nối lại, hợp nhất thành tuyến từ đầu nguồn tới biển cho đê to hơn và vững hơn.

Việc hộ đê mùa lũ lụt được triều đình rất quan tâm. Triều đình quy định khi có lụt thì mọi người cùng phải có trách nhiệm. Vua đi thân chinh và huy động cả học sinh trường Quốc Tử Giám

Ngoài đắp đê ngăn nước sông, nhà Trần còn tổ chức đắp đê biển ngăn nước mặn. Đê biển là những công trình mới có từ thời Trần. Các quý tộc nhà Trần thường cho nô tì đắp đê tại ven biển các điền trang.

Hà đê sứ là chức quan của nhà Trần đặt ra để trông coi việc sửa chữa, đắp đê
Hà đê sứ là chức quan của nhà Trần đặt ra để trông coi việc sửa chữa, đắp đê

Quyết sách sáng suốt của vương triều nhà Trần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước

Nước Đại Việt thời nhà Trần là quốc gia độc lập, tự chủ và phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được thành quả đó là do vương triều nhà Trần đã thực hiện nhiều quyết sách sáng suốt, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Trên cơ sở được vương triều nhà Lý chuyển giao quyền lãnh đạo một cách hòa bình và căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, vương triều nhà Trần đã tập trung củng cố triều chính, đề ra nhiều chính sách sáng suốt, hợp lòng dân, cùng quân và dân Đại Việt tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước hưng thịnh. Đây là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử nước nhà, với hào khí Đông A huy hoàng, viết nên trang sử chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, được thể hiện trên một số nét chính sau:

Trước hết, khôi phục và củng cố bộ máy chính quyền theo chế độ trung ương tập quyền và xây dựng quân đội hùng mạnh. Sau khi tiếp quản triều chính, vương triều nhà Trần bắt tay vào khôi phục, củng cố bộ máy chính quyền nhằm tiếp tục quản lý, điều hành, xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ máy chính quyền của vương triều nhà Trần được củng cố, kiện toàn thống nhất từ trung ương tới địa phương theo bốn cấp: triều đình trung ương; lộ, trấn; phủ, huyện, châu; hương, giáp hoặc xã.

Trong đó, triều đình trung ương là cơ quan tập trung quyền lực cao nhất, điều hành mọi hoạt động của đất nước, kiểm soát các địa phương thông qua hệ thống chính quyền cấp dưới và pháp luật của nhà nước phong kiến. Trong bộ máy chính quyền đó, nhà Vua là người đứng đầu có quyền lực cao nhất; dưới Vua là Tể tướng với chức Thống quốc Thái sư hay Thống chính Thái sư; tiếp theo là hàng ngũ quan văn, quan võ, đứng đầu là một số trọng chức, như: Tam Thái, Tam Công, Tam Thiếu. Các cơ quan chuyên trách ở triều đình có: Sảnh, Cục, Viện, Quán, Các, Đài, Ty,… là những cơ quan giúp Vua xử lý việc triều chính và điều hành đất nước; cơ quan tư pháp ở kinh thành là Bình Bạc Ty, sau được đổi thành Đại An Phủ Sứ, rồi lại đổi thành Kinh Sư Đại Doãn.

Cùng với đó, bộ máy chính quyền địa phương cũng được nhà Trần sắp xếp thống nhất và quy củ hơn. Năm 1242, nhà Trần cho gộp 24 lộ của thời nhà Lý thành 12 lộ (riêng vùng Kinh thành Thăng Long được coi như một phủ đặc biệt), đứng đầu mỗi lộ là một An Phủ Sứ. Dưới lộ là cấp phủ, châu, huyện, ở phủ có Trấn Phủ Sứ, châu có Thông Phán, Thiêm Phán, huyện có Lệnh Úy, Chủ Bạ, ngoài ra còn có Hà Đê Sứ, Đồn Điền Sứ đảm nhiệm trông coi việc đê điều và đồn điền ở các lộ. Cuối cùng là chính quyền cấp xã (hương, giáp, xã) được nhà Trần quản lý chặt chẽ với các chức Đại Tư Xã và Tiểu Tư Xã, tương đương với hàm Ngũ phẩm và Lục phẩm. Bên cạnh hệ thống chính quyền cấp xã làm nhiệm vụ đốc thúc các nghĩa vụ đối với bình dân, làng xã, hệ thống tự quản cổ truyền, như: bô lão, tộc trưởng,… vẫn được duy trì và phát huy tác dụng.

Việc tổ chức được hệ thống chính quyền chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, chứng tỏ bộ máy nhà nước thời nhà Trần được khôi phục, phát triển mạnh mẽ và hoàn chỉnh hơn so với thời nhà Lý. “Các chức trong ngoài lớn nhỏ đều có thống thuộc. Về danh hiệu các quan có phần hay hơn đời Lý nhưng về chức sự diên cách thì đại lược cũng có tham chước theo trước. Trong khoảng 160 năm, duy trì được chính sự giáo hóa, kể cũng là chế độ hay của một đời”.

Ngoài việc tổ chức, củng cố bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền chặt chẽ, thống nhất, vương triều nhà Trần cũng ra sức xây dựng quân đội hùng mạnh để bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Năm 1239, vua Trần Thái Tông đã ban chiếu tuyển những người có sức khỏe, am hiểu võ nghệ, sung làm Thượng Đô Túc Vệ. Năm 1246, quân đội nhà Trần còn được tổ chức xây dựng chặt chẽ và chu đáo hơn thông qua việc tuyển chọn trai tráng sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần, mỗi quân hiệu túc vệ được tuyển trong dân đinh một số lộ nhất định. Theo đó, đinh tráng ở lộ Thiên Trường (Nam Định) và lộ Long Hưng (Thái Bình) sung quân hiệu Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần; đinh tráng lộ Hồng (vùng Tây Hải Dương) và lộ Khoái (vùng Nam Hưng Yên) sung quân hiệu Tả Thánh Dực và Hữu Thánh Dực; đinh tráng lộ Trường Yên (Ninh Bình) và lộ Kiến Xương (Nam Thái Bình) sung vào quân Thánh Dực và Thần Sách. Còn một số lộ khác sung vào các vệ cấm quân hoặc làm trạo nhi (lính chèo thuyền, khiêng kiệu) và các phong đội (quân địa phương).

Hai là, xây dựng xã hội ổn định, bền vững. Cấu trúc xã hội thời nhà Trần được phân chia thành các tầng lớp: Vua và Thái Thượng hoàng; quan lại, quý tộc, tôn thất; bình dân (nho sĩ, nông nô, thợ thủ công, thương nhân,…) và gia nô, nô tì. Thời nhà Trần cũng như thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Vua là sự kết hợp chặt chẽ hình ảnh một vị tối cao, người đứng ở vị trí trung tâm cộng đồng, lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của đất nước. Các vua Trần thời kỳ đầu khởi nghiệp đều là những người gần dân, thương dân và thực lòng chăm lo đời sống của nhân dân. Chính sách thân dân của nhà Trần là vấn đề cốt yếu, nhằm “khoan thư sức dân”, cố kết cộng đồng, tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù, chống chọi với thiên tai, giữ yên triều chính để xây dựng và phát triển đất nước.

Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông – những vị vua anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, có trình độ học vấn uyên bác, thâm sâu, luôn quan tâm xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong cả nước, là những người thể hiện rõ nhất chính sách thân dân của vương triều nhà Trần. Sở dĩ được như vậy, bởi những vị vua này từng đồng cam, cộng khổ với tướng sĩ và nhân dân, cùng xông pha trận mạc và kiến thiết đất nước, nên thấu hiểu mỗi chiến thắng có được trong chống giặc ngoại xâm hay mỗi thành tựu đạt được trong xây dựng đất nước đều phụ thuộc vào lòng dân có theo hay không theo.

Tầng lớp quan lại, quý tộc, tôn thất thời Trần đều là bề tôi của nhà Vua, có vị trí quan trọng thứ hai trong bộ máy chính quyền phong kiến. Đây là chỗ dựa căn bản để nhà Vua trị vì đất nước: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, người giỏi thì nước trị, người xấu thì nước loạn. Các bậc đế vương đời trước sở dĩ hưng được nghiệp là nhờ dùng quân tử, bị mất nước là vì dùng tiểu nhân”. Thời kỳ đầu khởi nghiệp, những chức vụ quan trọng trong triều đều do tôn thất nhà Trần nắm giữ, hàng ngũ quan lại xuất thân theo con đường khoa cử còn ít.

Tuy nhiên, từ khoảng nửa sau thế kỷ XIII, nhà Trần mở rộng khoa cử, những người có trình độ, học vấn, đỗ đạt làm quan ngày càng nhiều và các vị trí quan trọng trong chính quyền nhà Trần lúc này không chỉ có vương tôn, quý tộc, mà còn có quan lại, nho sĩ thông qua thi cử đảm nhiệm. Mặc dù đội ngũ quan lại, quý tộc, tôn thất nhà Trần là bộ phận chủ yếu của hệ thống chính quyền lúc bấy giờ, nhưng đây lại là tầng lớp trẻ, nhiều sức sống, đang đà phát triển, có điều kiện phát huy được thế mạnh và chưa bộc lộ yếu điểm.

Chính điều này đã tạo nên một xã hội ổn định và trong chừng mực nhất định có thể gọi là “lành mạnh” của giới cầm quyền, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, chế độ và giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong nước, bang giao với nước ngoài, hạn chế các cuộc chiến tranh. “Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất”.

Tầng lớp bình dân thời nhà Trần là lực lượng sản xuất chính của xã hội và cũng là lực lượng vũ trang tồn tại dưới hình thức: “tĩnh vi nông, động vi binh”. Họ gánh vác hầu hết các nghĩa vụ, từ việc đóng tô thuế, làm lao dịch, đắp đê, lấn biển,… cho đến tham gia xây dựng quân đội và chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Còn lực lượng gia nô, nô tì thời Trần là tầng lớp lao động có địa vị thấp kém, bị phụ thuộc hoàn toàn về thân phận với chủ của mình, là lực lượng sản xuất và phục dịch trong các trang trại, phủ đệ của các quan lại, quý tộc, tôn thất. Dưới thời nhà Trần, mặc dù giữa các tầng lớp có sự phân biệt về địa vị chính trị, quyền lợi kinh tế, trách nhiệm xã hội,… thế nhưng nó lại không tạo hố sâu ngăn cách quá rạch ròi, xơ cứng.

Nhờ chính sách thân dân sáng suốt của các vua Trần, các tầng lớp nhân dân không phân biệt sang hèn, khi đất nước thanh bình thì nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; khi đất nước lâm nguy, thì mọi tầng lớp trong xã hội đoàn kết cùng nhau, dưới sự lãnh đạo của triều đình tạo nên sức mạnh tổng hợp, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Ba là, phát triển thái ấp, điền trang. Các tôn thất nhà Trần, ngoài việc nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong triều, còn được nhà Vua giao trọng trách đi trấn trị các nơi hiểm yếu và có quyền lực lớn ở những vùng mình trấn trị. Những vương hầu, tôn thất khi thực hiện nhiệm vụ thì được ban thái ấp, điền trang và có phủ đệ riêng. Quy mô thái ấp, điền trang của các vương hầu, tôn thất tỷ lệ với cấp hàm và phẩm tước được phong. Vậy nên, nhiều thái ấp, điền trang có đến hàng nghìn mảnh ruộng, hàng vạn gia nô, nô tì.

Đặc biệt, lực lượng gia nô, nô tì trong thái ấp, điền trang, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, nô dịch cho những người chủ của mình, còn được huấn luyện, biên chế thành đội ngũ, trở thành quân của từng vương hầu, quý tộc, sẵn sàng tham gia bảo vệ trị an và đánh giặc giữ nước. Thực tiễn, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, lực lượng này đã có những đóng góp đáng kể, được sử sách ghi nhận, nổi bật là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, đã “huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: Phá cường địch, báo hoàng ân” cùng với triều đình chống giặc.

Ngoài địa vị là chủ thái ấp, điền trang, các vương hầu, tôn thất nhà Trần còn được quyền cai quản cả một vùng rộng lớn xung quanh thái ấp, điền trang, được quyền chiêu mộ quân lính theo lệnh nhà Vua và trực tiếp chỉ huy đạo quân đó. Nếu khéo tổ chức, chỉ huy, các vương hầu, tôn thất còn có thể sử dụng đội quân này bảo vệ điền trang, thái ấp và địa phương hoặc phối hợp chiến đấu với quân chủ lực triều đình. Có thể thấy, sự phát triển thái ấp, điền trang của vương triều nhà Trần là nét nổi bật của việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bố phòng đất nước lúc bấy giờ và sự kết hợp đó có vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như phát triển đất nước.

Những quyết sách sáng suốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vương triều nhà Trần đã đưa Đại Việt trở thành một quốc gia văn minh, thịnh vượng, nổi tiếng trong khu vực. Những quyết sách đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

********************

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ha-de-su-la-gi-nha-tran-da-lap-ra-chuc-ha-de-su-de-lam-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp