Đề bài: Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu
Bạn đang xem: Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu
Bài mẫu Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu
Bài làm
“Sáng tháng năm” là bài thơ thứ hai của Tố Hữu viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài thơ được viết tại chiến khu Việt Bắc, vào tháng 5 năm 1951, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt. Tố Hữu là nhà thơ viết sớm nhất, nhiều nhất và hay nhất về Bác Hồ. Tháng 8 năm 1945 ông đã viết bài thơ “Hồ Chí Minh” với cảm hứng sử thi hào hùng:
… “Hồ Chí Minh,
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!”.
Bài “Sáng tháng Năm” là sự tiếp nối của những vần thơ trữ tình đẹp nhất nói về lãnh tụ. Hình ảnh Bác Hồ vừa cao cả vĩ đại, vừa gần gũi thân thương với mọi con người Việt Nam.
Mở đầu bài thơ, tác giả nhắc lại một kỉ niệm đẹp:
“Vui sao một sáng tháng năm,
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”.
Và kết thúc bài thơ là cái “bắt tay” của lãnh tụ đưa tiễn:
“Bắt tay Bác tiễn ra về,
Nhớ hoài buổi sáng mùa hè chiến khu.”
Đến thì “vui sao”, về thì “nhớ hoài”, biết bao bồi hồi xúc động. Nhà thơ vui sướng tự hào có bao giờ có thể quên cuộc viếng thăm kì diệu ấy.
Như một vầng sáng lung linh bao trùm bài thơ là hình ảnh lãnh tụ kì vĩ tuyệt đẹp:
“Bác ngồi đó lớn mênh mông,
Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non”.
Bốn hình ảnh ẩn dụ liên kết trong một vần thơ. Bác là hồn nước thiêng liêng, là biển trời, sông núi, quê hương yêu dấu. Hình ảnh Bác được thể hiện vừa cao cả vừa thân thương đối với triệu triệu con người Việt Nam.
Hình ảnh Bác được nhận diện về ngoại hình và chiều sâu tâm hồn, với mái tóc và chòm râu bạc phơ, hiền hậu như mọi cụ già làng quê. Cái hay của bài thơ là Tố Hữu đã biểu lộ cảm xúc trực tiếp đối với Bác bằng một tình yêu rộng lớn, sâu sắc:
“Cho con được ôm hôn má Bác
Cho con hôn mái đầu tóc bạc.
Hôn chòm râu mát rượi hòa bình”.
“Ôm hôn má Bác”, “Hôn mái đầu tóc bạc”, “Hôn chòm râu mát rượi hòa bình” là ba hình ảnh gợi cảm. Chữ “hôn” được lấy lại ba lần biểu lộ một tấm lòng yêu kính, tự hào đối với lãnh tụ. “Chòm râu mát rượi hòa bình” là một nét chạm khắc thần tình: vẻ đẹp phúc hậu của một cụ già gắn liền với vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại suốt đời hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cơm áo, hạnh phúc và hòa bình cho nhân dân.
Bác là niềm tin yêu ngời sáng cho quân và dân ta trong kháng chiến. Người chiến sĩ xung kích “nửa đêm bôn tập diệt đồn”, anh thợ “má anh vàng thuốc pháo”, chị dân công “mòn đêm vận tải”, bác nông dân “bắt sỏi đá phải thành sắn gạo”, các em học sinh “đốt đuốc đến trường làng”,… tất cả đều hướng về Bác với tấm lòng biết ơn và tin tưởng mãnh liệt. Ba tiếng “Hồ Chí Minh” mỗi lần vang lên đều đem đến cho nhân dân ta sức mạnh động viên kì diệu để tiến lên giành thắng lợi mới. Giọng thơ trở nên tâm tình thiết tha:
“Các anh chị, các em ơi có phải
Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh
Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh!”.
Tiếng nói của Bác, tư tưởng tình cảm của Bác thể hiện sâu sắc cho ý chí, cho nguyện vọng của đất nước và dân tộc. “Tuyên ngôn Độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”,… là “lời non nước” thiêng liêng:
“Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước,
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”.
Bác Hồ là lãnh tụ của nhân dân, hội tụ bao phẩm chất cao quý của dân tộc. Bác sống giản dị như mọi cụ già quê ta:
“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà”.
Bác là hiện thân cho sự thông minh, tài trí xuất chúng, là phong thái ung dung, hồn nhiên, tự tại:
“Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều chính khách, nghệ sĩ nước ngoài đã nói và viết về cặp mắt tinh anh, sáng ngời đặc biệt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong bài thơ này, ba lần Tố Hữu nói đến đôi mắt Bác. Đôi mắt của niềm vui, đôi mắt của tình thương, đôi mắt lạc quan yêu đời. Hình ảnh “đôi mắt Bác” được miêu tả rất đẹp, đầy ấn tượng:
– “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi…,
– Ôi người Cha, đôi mắt mẹ hiền sao…,
– Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười…”.
Chòm râu, mái tóc bạc, chiếc áo nâu, vầng trán, đôi mắt, cây chì đỏ…, là những hình ảnh hoán dụ được nhà thơ sử dụng rất sáng tạo, đem đến vẻ đẹp văn chương cho bài thơ, tô đậm hình ảnh Bác Hồ trong những năm kháng chiến ở Việt Bắc.
Tố Hữu đã có nhiều bài thơ viết về Bác Hồ. Mỗi bài thơ là một sự phát hiện, một sáng tạo mới về người anh hùng giải phóng dân tộc tượng trưng cho tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam.
Sự tài trí và hiền hậu là hai nét vẽ sâu sắc nhất của Tố Hữu khi phác họa chân dung Hồ Chí Minh trong bài thơ “Sáng tháng năm”. Với tài trí lỗi lạc, Bác nhất định sẽ đưa con thuyền kháng chiến vượt qua phong ba bão táp để đi tới bến bờ vinh quang thắng lợi. Với đức tính hiền hậu, Bác đem đến cho mỗi con người Việt Nam một tình thương bao la:
“Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.
Bác vĩ đại mà gần gũi thân thiết với nhân dân: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”. Đọc bài thơ “Sáng tháng năm, chúng ta càng nhớ Bác và yêu kính Bác: Ai cũng cảm thấy mình trưởng thành thêm một chút” bên hình ảnh vĩ đại của lãnh tụ: .
“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Ngoài nội dung Hình ảnh Bác Hồ trong bài thơ Sáng tháng năm của Tố Hữu, các em có thể tìm hiểu thêm Phát biểu cảm nghĩ về tinh thần chiến đấu quả cảm của chú đội viên liên lạc trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu. Tại sao cuối bài thơ, tác giả lại nhắc lại hình ảnh của Lượm? và nội dung phần Việt Bắc tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu mà các em cần phải quan tâm.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp