Đề bài: Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ
2 bài văn mẫu Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ
Bạn đang xem: Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ
1. Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ, mẫu 1:
Căn cứ vào bản thân văn bản thơ, ta thấy nổi lên hàng đầu là hình ảnh Huế đẹp và thơ. Bài thơ gồm 3 khổ, 12 câu thất ngôn. Mỗi khổ thơ dường như được dành để nói về một phương diện của Huế.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu hỏi làm sống dậy kỉ niệm về thôn Vĩ, nói rộng hơn về xứ Huế, trong tâm thồn đằm thắm và thơ mộng của Hàn Mạc Tử. Cảnh buổi sớm nơi thôn Vĩ: Nắng mới lên, chiếu sáng, lấp loáng những hàng cau. Vĩ Dạ có những hàng cau thẳng tắp thân cao vượt lên trên các mái nhà và những tán cây. Những tàu cau còn bóng loáng sương đêm như hút lấy ánh sáng lúc ban mai.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc là câu thơ không có gì đặc sắc tân kì lắm về mặt sáng tạo hình ảnh và từ ngữ, nhưng càng nghĩ càng thấy tả những vườn cây tươi tốt, xum xuê của Vĩ Dạ cũng chỉ có thể nói như thế mà thôi. Mỗi ngôi nhà ở Vĩ Dạ, nói chung ở Huế, được gọi là những nhà vườn. Vườn bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà xinh xinh thường là nhà trệt, thành một cấu trúc thẩm mĩ chặt chẽ. Xuân Diệu gọi mỗi câu trúc ấy là một bài thơ tứ tuyệt. Vì thế vườn được chăm sóc chu đáo: những cây cảnh và cây ăn quả đều xanh tốt mơn mởn và sạch sẽ. dường như được cắt tỉa, lau chùi, mài giũa thành những cành vàng lá ngọc. Sự ví von ở đây được nâng lên theo hướng cách điệu hóa. Khuynh hướng cách điệu hóa được đẩy lên cao hơn nữa ở câu thứ tư: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Đã gọi là cách điệu hóa thì không nên hiểu theo nghĩa tả thực, tuy rằng cách điệu hóa cùng xuất phát từ sự thực: thấp thoáng đằng sau những hàng rào xinh xắn, những khóm trúc, có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu.
Bài văn Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Trong khổ thơ thứ hai, dòng kỉ niệm vẫn tiếp tục. Nhớ Huế không thể không nhớ dòng sông Hương. Dòng sông Hương, gió và mây. Con thuyền ai đó đậu dưới ánh trăng nơi bến vắng… Bốn câu thơ như diễn tả cái nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi của Huế.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Cái tinh tế ở đây tả làn gió thổi rất nhẹ, không đủ cho mây bay, không đù cho nước gợn, nhưng gió vẫn run lên nhè nhẹ cho hoa bắp lay. Tất nhiên đây phải là cảnh sông Hương chảy qua Vĩ Dạ lững lờ trôi về phía cửa Thuận. Đúng là nhịp điệu của Huế rồi.
Hai câu tiếp theo đầy trăng. Cảnh trong kỉ niệm nên cảnh cũng chuyến theo logic của kỉ niệm. Cảnh sông Hương không gì thơ mộng hơn là dưới ánh trăng. Hàn Mạc Tử cũng không mê gì hơn là mê trăng. Trăng trở thành nhân vật có tính huyền thoại trong nhiều bài thơ của ông. Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ, tạo nên một không khí hư ảo, như là trong mộng.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Phải ở trong mộng thì sông mới có thể là sông trăng và thuyền mới có thể chở trăng về như một du khách trên sông Hương… Hình ảnh thuyền chở trăng không gì mới, nhưng sông trăng thì có lẽ là của Hàn Mạc Tử. Khổ thơ thứ ba nói về người xưa nơi thôn Vĩ. Nhớ cảnh không thể không nhớ người. Người phù hợp với cảnh Huế không có gì hơn là những cô gái Huế. Ai làm thơ về Huế mà chẳng nhớ đến những cô gái này (Huế đẹp và thơ của Nam Trân, Dửng dưng của Tố Hữu…).
Những khổ thơ dường như mở đầu bằng một lời thốt ra trước một hình ảnh ai đó tuy mờ ảo nhưng có thực:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Mờ ảo vì khách đường xa và nhìn không ra nhưng có thực vì áo em trắng quá. Hình ảnh biết bao thân thiết nhưng cũng rất đỗi xa vời. Xa không chỉ là khoảng cách không gian mà còn là khoảng cách của thời gian, và mối tình cũng xa vời vì vốn xưa đã gắn bó, đã hứa hẹn gì đâu. Vì thế mà ai biết tình ai có đậm dà. Ai là anh hay là em? Có lẽ là cả hai. Giữa hai người (Hàn Mạc Tử và cô gái mà nhà thơ đã từng thầm yêu trộm nhớ) là sương khói của không gian, của thời gian, của mối tình chưa có lời ước hẹn, làm sao biết được có đậm đà hay không? Lời thơ cứ bâng khuâng hư thực và gợi một nỗi buồn xót xa.
Nhưng khổ thơ không chỉ minh họa cho mối tình cụ thể giữa nhà thơ và người bạn gái. Đặt trong dòng kỉ niệm về Huế, ta thấy hiện lên trong sương khói của đất kinh đô hình ảnh rất đặc trưng của các cô gái Huế. Những cô gái Huế thường e lệ quá, kín đáo quá nên xa vời, hư ảo quá. Những cô gái ấy khi yêu, liêu tình yêu có đậm đà chăng? Đây không phải la sự đánh giá hay trách móc ai. Tình yêu càng tha thiết, càng hay đặt ra những nghi vấn như vậy.
Tình trong thơ bao giờ cũng là tình riêng. Nhưng tình riêng chỉ có ý nghĩa khi nói được tình của mọi người. Phép biện chứng của tình cảm nghệ sĩ là như vậy. Đối với sự tiếp nhận của người đọc, nổi lên trước hết trong khổ thơ này, và người xứ Huế.
——————-HẾT BÀI 1——————-
Sau khi đã Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích bức tranh quê và tấm lòng yêu đời của Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ, Bình giảng khổ thơ đầu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ nhằm củng cố kiến thức của mình.
2. Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ, mẫu 2:
Đây thôn Vĩ Dạ bề ngoài mang dáng vẻ rất cổ điển. Thể thơ, chất thơ và cấu tứ thoạt nhìn chẳng có gì mới. Hình thức thơ thất ngôn cùng với những chất liệu khá quen thuộc: nắng – hàng cau, lá trúc – mặt chữ điền, gió – mây, nước – hoa, thuyền – bến, sông – trăng… Ngay cả cách cấu tứ đi từ cảnh sang tình cũng dễ làm cho người đọc có cảm giác bài thơ chẳng qua là sự nới giãn của thể thơ Đường. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu mạch ngầm bên trong bài thơ, những khuôn khổ mực thước ấy hoàn toàn bị phá vỡ.
Cái gọi là tình quê hay tình yêu thủy chung ta thường thấy trong các lời bình xưa nay đều chỉ là sự ngộ nhận biến hồn thơ độc đáo của Hàn Mặc Tử thành thứ khuôn sáo của thi ca một thời. Sự nổi loạn trong thi pháp thơ Hàn Mặc Tử trước tiên thể hiện ỡ phương thức cấu trúc đặc biệt. Mạch thơ không phát triển theo cái logic nhất quán, tự nhiên của cảm xúc, mà có sự biến đổi bất ngờ giữa ba cảnh thơ trong ba khổ thơ tưởng chừng chẳng liên lạc gì với nhau chứng tỏ những đột biến của cõi vô thức, bất chợt và mông lung. Cảnh và người trong bài thơ chỉ mang một phần hoài niệm về một thời quá vãng, còn lại chỉ là những ảo giác siêu hình, bảng lảng đâu đó trong sương khói của tâm linh.
Cảnh thơ thứ nhất hiện ra khá rõ nét, đẹp với vẻ đẹp cổ điển. Ánh nắng mặt trời và hàng cau hóa thân làm một bởi phép tỉnh lược động từ: nắng hàng cau. Trời đất giao hòa, vườn thôn Vĩ như cô gái dậy thì, mướt, xanh như ngọc hứng lấy từng giọt ánh sáng long lanh. Giữa lá trúc và mặt chữ điền là một sự phối hợp mang tính chất biểu trưng: vừa quý phái sang trọng, vừa dân dã bình dị tạo nên cốt cách văn hóa của con người xứ Huế. Sự tinh khôi của đất trời và trong trẻo của lòng người trong cảnh thơ ấy có lẽ là dư âm kỷ niệm của một thời Gái quê với mối tình đầu hồn nhiên trong trắng.
Hướng dẫn làm bài phân tích, cảm nhận về hình ảnh thiên nhiên con người xứ Huế qua Đây thôn Vĩ Dạ
Cảnh thơ thứ hai nhòe dần, chìm dần trong ảo giác, các chất liệu thi ca bứt phá ra ngoài khuôn khổ cấu trúc của thi ca cổ. Tứ thơ mở ra toàn những nghịch lý trái lẽ tự nhiên. Quan hệ giữa gió và mây, giữa thuyền và bến, giữa sông và trăng không còn là quan hệ gặp gỡ, gắn bó nữa mà chỉ thấy sự đối lập, phân ly. Không phải gió thổi mây bay mà gió theo lối gió, mây đường mây, cắt không gian làm hai mảnh. Nước chảy hoa trôi hóa thành dòng nước buồn thiu hoa bắp lay: nước vẫn chảy xuôi, còn hoa hững hờ như mảnh hồn cô độc không biết trôi dạt về đâu. Câu ca dao: thuyền về có nhớ bến chăng… chỉ còn là tiếng vọng mơ hồ, xa xăm: con thuyền đang chở trăng về bến nhưng còn lạc lõng tận phương trời nào. Cuộc hạnh ngộ của mối tình đầu đang biến thành xa xôi cách trở. Kỷ niệm của một thời chỉ còn là trầm tích của tương tư, nó đang bị phá vỡ ra từng mảng bởi thực tại bẽ bàng, ngang trái của duyên phận. Cảnh thơ thứ ba toàn màu trắng, cái trắng của một giấc mơ sau hàng loạt những xung động bất thường. Ai đó vừa là khách vừa là em xuất hiện trên con đường đầy sương khói. Điệp ngữ khách đường xa làm cho con đường như dài thêm ra và mở toang thành không gian vô bờ bến. Người chỉ còn là cái bóng. Sương trắng, áo trắng, hai thứ màu trắng hòa vào nhau. Cái nhân ảnh của kỷ niệm đang vỡ tan ra cùng sương khói. Cái màu trắng của ảo giác rất hư vô này đã đẩy thơ Hàn Mặc Tử đến bến bờ siêu thực: trắng như tinh, trắng rợn mình… Với Hàn Mặc Tử, đấy phải chăng là cái Thượng thanh khí của một tình yêu đang sắp được thăng hoa vào một cõi xa xôi nào đó.
———————–HẾT———————-
Bên cạnh bài Đây thôn Vĩ Dạ, Chí Phèo cũng là tác phẩm quan trọng mà các em cần chú ý trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Các em hãy cùng tham khảo Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên để thấy được bi kịch của người nông dân trong xã hội phong kiến xưa.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp