Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

0
170
Rate this post

Đề bài: Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

Viếng lăng Bác không chỉ tái hiện niềm hạnh phúc, xúc động khôn xiết của người con miền Nam khi lần đầu được ra thăm lăng Bác mà còn dựng lên bức chân dung đầy đẹp đẽ về sự nghiệp vĩ đại, công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, dân tộc Việt Nam.  Bài văn mẫu Phân tích Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác dưới đây sẽ giúp các em có những cảm nhận chân thực nhất về Bác cũng như tình cảm của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại.

hinh tuong bac ho trong bai tho vieng lang bac

Bạn đang xem: Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác
 

I. Dàn ý Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Viếng lăng Bác

2. Thân bài

* Bác Hồ – vầng thái dương rực sáng, xua đi bóng tối nô lệ mang đến ánh sáng hòa bình cho con người, dân tộc Việt Nam.
– Hình ảnh “mặt trời” được ẩn dụ cho công lao to lớn của Bác đối với dân tộc:
+ Mặt trời của tự nhiên mang đến cho con người nguồn ánh sáng diệu kỳ, ánh sáng ấy khiến cây cối sinh trưởng, vạn vật sinh sôi, mang đến nguồn sống cho con người.
+ Bác cũng là mặt trời của dân tộc, là nguồn sáng của cách mạng, người đưa nước nhà ra khỏi kiếp nô lệ để làm chủ cuộc sống của mình.

* Bác Hồ là ánh trăng dịu hiền và cao khiết:
– Vầng trăng vốn là người bạn tri âm, tri kỉ của Người
– Ánh sáng của vầng trăng dịu hiền, trong khiết và tinh khôi ấy tựa như tâm hồn và trái tim Bác vậy, luôn luôn dịu dàng, thanh cao mà cũng đầy bình dị, bao dung

* Hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong trái tim mỗi con người Việt Nam.
– Bác tựa như trời xanh kia vậy, luôn trường tồn, bất tử với thời gian
– Tình cảm của dân tộc dành cho Bác:
+ Hình ảnh hàng người nối tiếp vào lăng viếng Bác thể hiện sự trân trọng, yêu thương bất diệt của người Việt Nam bao thế hệ đối với vị cha già dân tộc.
+ Ước nguyện làm con chim nhỏ, làm bông hoa dại, làm cây tre trung hiếu bên Người mãi mãi chẳng rời xa

3. Kết bài

Cảm nghĩ về bài thơ
 

II. Bài văn mẫu Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

Bác Hồ là vị cha già của dân tộc Việt Nam, sinh thời, trái tim người luôn hướng về dân tộc, hướng về những người con đất Việt yêu quý. Chiến tranh khiến Nam Bắc chia cắt, khổ đau, Bác luôn mong ngóng một ngày hai miền được hoà bình, đất nước thống nhất, nhưng khi nước nhà chưa hoàn toàn giải phóng thì Bác lại đi xa. Với Bác, ai cũng dành cho Người niềm kính trọng, mến yêu vô bờ bến, bởi thế mà có những câu hát, trang văn viết về Người đầy cảm xúc yêu thương. Một trong số đó phải kể đến bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, bài thơ không chỉ khiến người đọc cảm động bởi những dòng xúc cảm đầy chân thành của nhà thơ mà còn bởi hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng của Bác được nhà thơ khắc họa bằng tấm lòng trân trọng, thương yêu nhất.

Trong sự xúc động khôn xiết, nhà thơ Viễn Phương không chỉ bộc lộ sự nghẹn ngào, tình cảm yêu thương, kính trọng của mình khi được đến thăm lăng Bác mà còn khái quát cảm nhận về Bác qua hình ảnh ẩn dụ thật đẹp:

” Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Mặt trời là vật thể thuộc về tự nhiên, mang đến cho con người nguồn ánh sáng diệu kỳ, ánh sáng ấy khiến cây cối sinh trưởng, vạn vật sinh sôi. Ánh sáng mặt trời cũng là nguồn sống của con người, nếu không có mặt trời thì thế giới sẽ chìm sâu vào bóng tối, không thể tồn tại sự sống. Từ ánh mặt trời thiên nhiên ngày ngày đi qua trên lăng ấy, tác giả liên tưởng đến Bác – vầng dương rực sáng của dân tộc Việt Nam. Bác là mặt trời của dân tộc, là nguồn sáng của cách mạng, của công cuộc giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ. Điều đó được chứng minh trên con đường cách mạng của Bác, luôn luôn đau đáu nỗi nước nhà, luôn tìm cách đưa ra những chiến lược để chiến đấu, cách mạng là cuộc đời của Bác và Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng. Nhiều thi nhân thường ví mặt trời như lý tưởng sống, mặt trời như giấc mơ, khát khao đẹp hay những điều trừu tượng khác thì ở đây Viễn Phương lại chọn một cách so sánh đầy độc đáo, cụ thể mà cũng đầy hình tượng, mặt trời là Bác Hồ vĩ đại. Ánh sáng Bác Hồ luôn cháy mãi, toả sáng chói lọi trong tâm hồn bao thế hệ dân tộc.

Bước vào trong lăng Bác, nhìn thấy Người ngủ giấc ngủ bình yên, lòng tác giả càng lắng lại.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền,
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi ,
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Vừa buồn thương, vừa xót xa và đớn đau trước Người. Vầng trăng dịu hiền đến bên Người, bầu bạn, là tri kỉ của Người. Lúc còn sống, Bác luôn dành cho trăng một niềm yêu vô bờ bến, bao bài thơ của Người đều viết về trăng, và bây giờ đây, vầng trăng và người vẫn vẫn chung thủy cùng nhau. Ánh sáng của vầng trăng dịu hiền, trong khiết và tinh khôi ấy tựa như tâm hồn và trái tim Bác vậy, luôn luôn dịu dàng, thanh cao mà cũng đầy bình dị, bao dung. Bác luôn lắng lo cho mọi người, cho chiến sĩ, cho mẹ già, các cháu thiếu nhi và lắng lo cho toàn dân tộc. Trái tim Bác luôn rộng lớn với hết thảy mọi người, hết thảy mọi điều trong cuộc đời.

Bác tựa như trời xanh kia vậy, luôn trường tồn, bất tử với thời gian. Dù có bao lâu đi nữa, Bác vẫn là lẽ sống, là niềm tự hào của dân tộc. Càng nghĩ về Bác, càng đau đớn trước sự thật nghiệt ngã là phải chấp nhận Bác đi xa, nỗi thiếu vắng Bác không gì có thể bù đắp được:

” Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Bác Hồ là điều tuyệt vời nhất mà ông trời đã ban tặng cho Tổ quốc Việt Nam. Với Người, dù ở lại, dù đã đi xa, vốn dân nước nhà vẫn luôn kính trọng, nhớ ơn và lấy gương Người làm lẽ sống. Bởi thế mà mỗi ngày, con cháu đều tụ họp về lăng, đến bên người thắp nén hương bày tỏ sự thành kính và cảm tạ:

” Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Những bông hoa xinh đẹp và rực rỡ nhất được con cháu của Người mang về đây kết lại thành tràng hoa yêu thương dâng đến cuộc đời Người bảy mươi chín mùa xuân. Từng dòng người đến nôn nao rồi khi đi lại ngậm ngùi tiếc nuối, chẳng nỡ rời xa Người, muốn được ở mãi bên Người mà thôi:

“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Thương Bác nghẹn ngào, trào dâng nước mắt. Làm sao có thể ngừng khóc, ngừng thương một vĩ nhân của thế giới, một con người cốt cách thanh cao, một anh hùng cách mạng cống hiến suốt đời cho dân tộc. Không đành chia xa đành gửi lời ước nguyện làm con chim nhỏ, làm bông hoa dại, làm cây tre trung hiếu bên Người mãi mãi chẳng rời xa.

Tác phẩm tuy không quá dài nhưng bằng hồn thơ đầy da diết, những hình ảnh vừa bình dị lại vừa lớn lao đã khắc hoạ nên hình ảnh Bác Hồ đầy đẹp đẽ, vừa cao quý, vừa bất tử với non sông, gấm vóc.

—————-HẾT——————-

Sau khi tìm hiểu xong bài Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác, các em có thể tự củng cố kiến thức và vốn hiểu biết về bài thơ qua việc tham khảo: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam qua bài Viếng lăng Bác.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/hinh-tuong-bac-ho-trong-bai-tho-vieng-lang-bac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp