>> Những bài văn Phân tích Chữ người tử tù hay, đạt điểm 10
Đề bài: Phân tích hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Bạn đang xem: Hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
4 bài văn mẫu Hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
I. Dàn ý Hình tượng nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù
1. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân:
+ Là tác giả tiêu biểu của nền văn học hiện đại.
+ Vốn tri thức vô cùng uyên bác cùng tài năng nghệ thuật bậc thầy đã giúp ông để lại rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị cho nền văn học Việt Nam.
– Giới thiệu tác phẩm: “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Nguyễn Tuân.
– Giới thiệu vấn đề bàn luận: Bên cạnh sự xuất hiện của Huấn Cao – một con người tài hoa, uyên bác thì viên quản ngục với những phẩm chất đáng quý cũng là một nhân vật rất đáng được quan tâm.
2. Thân bài
* Khái quát chung
– Chữ người tử tù” được trích từ tập “Vang bóng một thời”.
– Ban đầu, truyện có tên là “Dòng chữ cuối cùng” và đã được in trên tạp chí Tao Đàn vào năm 1938. Đến khi được in trong tập “Vang bóng một thời” tác phẩm đã được đổi tên thành “Chữ người tử tù”.
* Phân tích nhân vật viên quản ngục
– Ngoại hình:
+ Là một người trung niên “đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu”.
+ Khuôn mặt điềm đạm, bình tĩnh, phúc hậu với “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”.
– Tính cách:
+ Được Nguyễn Tuân miêu tả là một người có “tính cách dịu dàng”.
– Có tình yêu với cái đẹp:
+ Khao khát muốn “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối”.
+ Vì khao khát mà “biệt đãi” với Huấn Cao bất chấp sự nguy hại về tính mạng.
+ Bị Huấn Cao xua đuổi không hề trách mắng, gắt phạt mà thậm chí đồ ăn được đem vào còn hợm hĩnh hơn trước.
⇒ Vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tình yêu, sự say mê cái đẹp đã kết nối hai phía đối lập lại với nhau làm nên cảnh tượng xưa nay chưa từng có ⇒ chủ đề của truyện rằng cái đẹp, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, cái xấu dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
* Đánh giá
– Tâm hồn “suốt đời đi tìm cái đẹp” của Nguyễn Tuân.
– Xuyên suốt tác phẩm ta không chỉ bắt gặp thủ pháp tương phản đối lập mà còn thấy cả nghệ thuật hội họa, điêu khắc được Nguyễn Tuân sử dụng vô cùng khéo léo và chính điều này đã làm nên sức hút cho tác phẩm.
3. Kết bài
Khẳng định lại vẻ đẹp của viên quản ngục: Thể hiện chủ đề của truyện cũng như điều mà Nguyễn Tuân luôn muốn hướng đến đó là cái đẹp và cái đẹp luôn đủ sức đánh bại mọi sự xấu xa, bẩn thỉu trong cuộc sống này.
II. Bài văn mẫu Hình tượng nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù
1. Hình tượng nhân vật quản ngục trong Chữ người tử tù, mẫu số 1 (Chuẩn):
Với hành trình suốt đời đi tìm cái đẹp của mình, Nguyễn Tuân được người ta biết đến là một gương mặt tiêu biểu của nền văn học hiện đại. Vốn tri thức vô cùng uyên bác cùng tài năng nghệ thuật bậc thầy đã giúp ông để lại rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị cho nền văn học Việt Nam và “Chữ người tử tù” là một tác phẩm như thế. Trong tác phẩm, bên cạnh sự xuất hiện của Huấn Cao – một con người tài hoa, uyên bác thì viên quản ngục với những phẩm chất đáng quý cũng là một nhân vật rất đáng được quan tâm.
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được trích từ tập “Vang bóng một thời”. Ban đầu, truyện có tên là “Dòng chữ cuối cùng” và đã được in trên tạp chí Tao Đàn vào năm 1938. Đến khi được in trong tập “Vang bóng một thời” tác phẩm đã được đổi tên thành “Chữ người tử tù”.
Truyện kể về cuộc gặp gỡ éo le giữa hai con người với hai thân phận hoàn toàn đối lập nhau, một bên là người tử tù Huấn Cao còn một bên là viên quản ngục. Trước sự đối đãi tử tế cùng tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý trước lời xin chữ của quản ngục. Câu chuyện đã tái hiện lại một khung cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có trong buồng giam chật hẹp, bẩn thỉu để rồi kết lại với những dư vị thấm thía trong lòng độc giả.
Để nói về nhân vật quản ngục, trước hết đó là một người trung niên “đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu”. Khuôn mặt ông được Nguyễn Tuân miêu tả vô cùng điềm đạm, bình tĩnh, phúc hậu với “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Có thể thấy rõ ông đã được miêu tả với một ngoại hình vô cùng ưa nhìn. Cái vẻ nền nã của ông còn được thể hiện ở vẻ mặt đăm chiêu “nghĩ ngợi” sau khi biết tin về sáu tên tử tù trong đó “người đứng đầu bọn phản nghịch” là Huấn Cao lại “có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Với tất cả sự từng trải cùng “tính cách dịu dàng” quản ngục đã biến trở thành một nhân vật đặc biệt giữa trốn lao tù, khác hẳn với những bọn “sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc” nơi đây.
Bên cạnh là một người có “tính cách dịu dàng”, viên quản ngục còn có đời sống nội tâm vô cùng sâu sắc. Khi biết Huấn Cao không chỉ nổi tiếng với tài cho chữ mà còn là một bậc trượng phu đầy nghĩa khí nhưng lại là một trong những trọng phạm triều đình ông đã vô cùng đau khổ. Nguyễn Tuân đã có một so sánh hết sức thú vị rằng nếu xã hội lao tù là “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục được ví như một thanh âm trong trẻo “chen vào giữa bản đàn ấy”.
Và cái đáng quý nhất ở viên quản ngục là tình yêu dành cho cái đẹp và tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Sự xuất hiện của Huấn Cao dù là trong trại giam nhưng vẫn khơi lên khao khát muốn “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do ông Huấn viết. Yêu quý cái đẹp cũng là yêu quý, kính trọng người tạo ra cái đẹp bởi vậy “hằng ngày vẫn cho thầy thơ lại mang rượu thịt vào khoản đãi ông Huấn… càng ngày càng hậu hĩnh”. Vì yêu cái đẹp, kính trọng người tạo ra cái đẹp, ông đã “biệt đãi” đối với một tử tù – hành động có thể làm nguy hại đến địa vị, thậm chí là tính mạng của ông. Ông “biệt đãi” với Huấn Cao ngày cả khi bị người ta xua đuổi “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Bị xua đuổi ông không hề than trách, cũng không gắt phạt Huấn Cao, thậm chí đồ ăn được mang đến còn hậu hĩnh hơn trước. Viên quản ngục luôn mong muốn có được chữ ông Huấn, chỉ mong ông Huấn dịu bớt tính cách để ông có thể trình bày sở nguyện của mình. Mặc dù đã chọn sai nghề, nhưng trên đời này làm gì còn viên coi ngục nào lại có một tâm hồn trong sáng, có một tình yêu với cái đẹp đến thế? Tình yêu cái đẹp càng được thể hiện ở sự “khổ tâm” của ông trước khi Huấn Cao sắp bị đưa ra pháp trường mà ông không kịp xin chữ thì ông sẽ “ân hận suốt đời”. Nhưng thật may rằng, qua lời kể của thầy thơ lại, ông Huấn đã hiểu ra tấm lòng của viên quản ngục và đồng ý cho chữ. Chính nhân cách cao quý ấy đã làm cho Huấn Cao cảm động: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ tấm lòng của viên quản ngục, từ sự cảm động của ông Huấn mà cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có đã xuất hiện. Đó là nơi trại giam bẩn thỉu, tăm tối nhưng người ta đã ví nó như cuộc gặp gỡ giữa người khách anh hùng tài tử với một tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tình yêu, sự say mê cái đẹp đã kết nối hai phía đối lập lại với nhau. Cảnh tượng xưa nay chưa từng có này chính là chìa khóa làm nổi bật chủ đề của truyện rằng cái đẹp, cái thiện sẽ luôn luôn chiến thắng cái ác, cái xấu dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.
Việc khắc họa thành công vẻ đẹp khác thường, mới lạ của viên quản ngục giữa chốn ngục tù tăm tối đã cho thấy tâm hồn “suốt đời đi tìm cái đẹp” của Nguyễn Tuân. Xuyên suốt tác phẩm ta không chỉ bắt gặp thủ pháp tương phản đối lập mà còn thấy cả nghệ thuật hội họa, điêu khắc được Nguyễn Tuân sử dụng vô cùng khéo léo và chính điều này đã làm nên sức hút cho tác phẩm. Chỉ bằng một vài nét phác họa độc đáo, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc khắc họa một nhân vật với tấm lòng biệt nhỡn liên tài cùng sở nguyện cao quý trong mắt người đọc.
Có thể nói, cùng với nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục cũng góp phần thể hiện chủ đề của truyện cũng như điều mà Nguyễn Tuân luôn muốn hướng đến đó là cái đẹp và cái đẹp luôn đủ sức đánh bại mọi sự xấu xa, bẩn thỉu trong cuộc sống này.
2. Bài văn Phân tích hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, mẫu số 2:
“Chữ người tử tù” là một tác phẩm hay của tác giả Nguyễn tuân, đây là một tác phẩm yêu thích của tôi. Và tôi hoàn toàn phản đối bài viết của tác giả Trần Hà Nam khi nhận xét về tác phẩm này và nhân vật viên quan coi ngục. Có lẽ về tuổi đời và kiến thức của tôi chưa bằng tác giả trên, nhưng tôi cũng xin đưa ra một vài ý kiến của riêng mình.
Theo như tác giả đã giới thiệu, viên quản ngục vốn là người đã từng “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, là người có cái tâm, là “một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” – đó là điều tác giả đã khẳng định.
Viên quản ngục không phải là người đứng đầu bộ máy đàn áp, nếu nói ông đại diện cho chế độ phong kiến lúc bấy giờ còn chấp nhận được. Vì thế khi nghe thầy thơ lại buột miệng nói, ông đã vội lên tiếng: “Chuyện triều đình quốc gia… nhỡ lại vạ miệng thì khốn”, đó là vì ông sợ người ngoài biết sẽ mang tội chết, bởi ông chỉ là một viên quan coi ngục – phận hèn chức mọn. Ông đối xử với những người tù khác như thế nào ta chưa biết vì tác giả không nhắc đến chuyện đó. Nhưng có thể đoán ra phần nào qua chức vụ của ông, của một viên quản ngục, buộc ông phải làm thế. Tuy nhiên, tác giả cũng đã nói rằng viên quan này là “người có tính cách dịu dàng và biết giá người, biết trọng ngưòi ngay”. Đối xử với Huấn Cao, khi nghe bọn lính lệ nhắc đến hai từ “để tâm”, ông hiểu, nhưng ông không làm thế, không phải vì “ngưòi đó là Huấn Cao – người sở hữu báu vật”, mà Huấn Cao còn là người ông hằng kính trọng, ông làm sao dám giở những trò tiểu nhân bỉ ổi đó ra, chứ thực sự ông không có mưu mô thủ đoạn gì. hành động ngày ngày dâng rượu thịt của viên quản ngục cũng chỉ là xuất phát từ tấm lòng của ông, không muốn trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mà Huấn Cao lại phải chịu cực khổ. Hành động này cũng đã vượt qua phép tắc của triều đình phong kiến. Và có lẽ một phần ông cũng muốn tiếp cận Huấn Cao.
Cảm nhận về hình tượng viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Việc ông muốn có chữ của Huấn Cao, đó không phải là sự thèm khát, mà là ước nguyện của ông. Phải nói cho rõ, “ước nguyện” và “thèm khát”, hai từ này khác xa nhau về ngữ cảnh, ít nhất là đối với bài “Chữ người tử tù”. Tác giả đã xây dựng được một hình tượng người quản ngục giữa chốn ngục tối mà nung nấu được cái sở nguyện cao quý như vậy.
Ông là quản ngục, nhưng không có nghĩa là trong nhà tù ông có toàn quyền sinh sát. Cho nên khi trải lụa cho Huấn Cao viết chữ, ông đã không mở cùm gông, thêm nữa, nhà lao là nơi tai mắt rất nhiều, nếu sự việc có bị bại lộ thì sẽ mang thêm trọng tội cho cả ba người. Chi tiết mà tác giả nói đến: “Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ” là muốn khẳng định sự bất tử của cái tài cái đẹp dù ở bất cứ đâu. Nét chữ ra đời trong khi “cổ vướng gông, chân vướng xiềng” và nét chữ ra đời trong tư thế mà tác giả Trần Hà Nam gọi là “thể hiện trọn vẹn thần thái khí phách người viết chữ”, suy cho cùng, cũng giống nhau cả thôi, có khác chăng là tư thế viết chữ, bởi nét chữ đều đẹp, đều ý nghĩa. Nét chữ ra đời trong cảnh gông cùm kìm kẹp, thực tế mà nói thì tất nhiên là không thể “thỏa chí tung hoành”. Nhưng trong tư tưởng, đó vẫn là con người tự do với những hoài bão tung bay. Chả thế mà tác giả cũng đã nói rằng khi Huấn Cao ngồi từ, ông vẫn nghĩ đến cái “chí lớn không thành”. Huấn Cao đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời để sáng tạo cái đẹp, để cái đẹp bất tử, nói những lời khuyên cuối cùng dành cho người mà ông coi như người bạn tri kỉ.
3. Hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, mẫu số 3:
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn , là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những sánh tác tiêu biểu để lại tiếng vang trong sự nghiệp hành văn của Nguyễn Tuân là truyện ngắn” Chữ người tử tù”. Trong truyện ngắn ” Những người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật đặc sắc đi vào lòng độc giả. Ngoài Huấn Cao – con người tài hoa, khí phách hiên ngang, bất khuất và thiên lương trong sáng thì ta không thể không nhắc đến một nhân vật đặc biệt khác – viên quản ngục.
Quản ngục: không phải là một anh hùng cao đẹp như Huấn Cao, lại càng không mang dáng vóc, tính cách của một tên đao phủ khát máu, tham lam lợi lộc , vinh hoa , phú quý. Ngục quan có một ngoại hình ưa nhìn dễ nhìn. Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Bộ mặt tư lự, nhăn nheo, có một đời sống nội tâm sâu sắc, cả nghĩ. Sau khi nhân được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường về chuyện nhận sáu tên tử tù, trong đó có Huấn Cao “người đứng đầu bọn phản nghịch” lại “có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, ngục quan đăm chiêu “nghĩ ngợi”. Hình ảnh ngục quan thao thức giữa đêm khuya khi đĩa dầu sở đã “vợi lần mực dầu”, lúc đầu thì “tư hỉ” càng vể khuya thì trên mặt ông “chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Việc nhận tù sắp tới đã gây ra nhiêu xao động ghê gớm trong tâm tư vị ngục quan này. Ông là một người từng trải, có tính cách dịu dàng khác hẳn với những kẻ sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc trong chốn đề lao. Và điều ta thấy rõ ở con người này chính là tâm hồn trong sáng, yêu cái đẹp, trọng người tài.
Đối đãi với Huấn Cao, quản ngục hết sức tôn trọng kính cẩn, thể hiện rõ thái độ biệt nhỡn nhân tài. Ngày nhận tù nhân , viên quản ngục đã làm trái với phong tục nhận tù mọi ngày,” hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào bằng cặp mắt hiền lành”. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên mà viên quản ngục đã bày tỏ kín đáo tấm chân tình của mình đối với người sáng tạo ra cái đẹp – Huấn Cao. Mặc kệ cho những tên tay sai bên dưới nhắc khéo ngài có phải dùng đến những tiểu sảo trong nhà lao để ép cung , tra tấn thì viên quản ngục vẫn lặng thing làm lơ đi điều đó. Bởi lúc này đây, quản ngục biết mình đã gặp đúng người rồi, người mà từ thủa đọc vỡ nghĩa chữ sách thánh hiền hắn hằng đêm mong có được chữ của người. Suốt nửa tháng ở trong tù, ngày nào Huấn Cao cũng nhận được rượu thịt trước bữa cơm tù thành ra là chuyện lạ nhưng người vẫn cứ điềm nhiên nhận lấy hưởng thụ như thú vui lúc bình sinh chưa bị giam cầm. Và người đứng đằng sau những bữa rượu thịt ngon ấy, không ai khác chính là viên quản ngục sắp xếp đối đãi đặc biệt với Huấn Cao. Rồi đến một hôm quản ngục đích thân xuống hỏi thăm tên tù ngục ta lại càng thêm thấy rõ tấm chân tình của hắn dàng cho Huấn Cao. Thế nhưng trước những lời lẽ kính cẩn , tôn trọng của hắn, Huân Cao lại một mực phũ phàng , coi thường: ” Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây”. Trước tình huống ấy, người nắm quyền uy trong tay rất bình tĩnh. Không nổi trận lôi đình để trả thù. Không giở trò tiểu nhân thị oai. Ngục quan chỉ lui ra lễ phép với một câu: “Xin lĩnh ý”, Huấn Cao và năm đồng chí của người vẫn được “biệt đãi”, cơm rượu lại có phần “hậu hơn trước”. Tại sao ngục quan lại xử sự như thế? về vị thế, hắn chỉ tự coi mình là “là kẻ tiểu lại giữ tù”, còn Huấn Cao là một anh hùng tài tử “chọc trời quấy nước”, nổi danh trong thiên hạ về cái tài “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Vả lại, quản ngục còn hi vọng chờ cho Huấn Cao “dịu bớt tính nết” để xin chữ. Nếu được tử tù cho chữ thì hắn ta “mãn nguyện”. Qua đó, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật bao phẩm chất của ngục quan: bình tĩnh, lễ độ, nhẫn nhục.
Phân tích hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù lớp 11
Ngục quan có một tâm hồn trong sáng thanh cao, biết trọng người tài, rất yêu thích cái đẹp. Mặc dù đã “chọn nhầm nghề”, nhưng thiết nghĩ trên cõi đời này đã có chúa ngục nào có “cái sở nguyện” cao quý như hắn ? Cái ao ước của hắn thật là thanh cao, thật là một thú vui tao nhã nhân văn. Quản ngục ao ước là có một ngày nào đó “được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Hắn say mê, hắn khao khát vì “chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Với quản ngục thì có vinh hạnh nào hơn nếu “có được chữ ông Huấn Cao mà treo, là có một háu vật trên đời”. Vì thế, khi chưa xin được chữ Huấn Cao thì ngục quan sống trong tâm trạng đầy bi kịch. Nỗi “khổ tâm” của hắn là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không dám giáp lại mặt vì quản ngục cảm thấy nhân cách tử tù xa cách ông nhiều quá!. Hơn thế nữa, hắn càng “khổ tâm” lo lắng, mai mốt đây, Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ông “ân hận suốt đời”. Có thể nói, đó là một bi kịch cao quý được Nguyễn Tuân cảm nhận ở phương diện văn hoá nghệ thuật. Sự giày vò tâm trạng của quản ngục đem đến tình tiết cao trào cho tác phẩm khi Huân Cao đồng ý cho chữ ngay trước đêm người phải ra pháp trường lãnh án tử hình.
Điều gì đến rồi cũng phải đế , giấy báo tử được gửi đến nhà lao nơi giam giữ Huân Cao, quản ngục gọi thầy thơ lại đến tâm sự rõ sự tình của mình như một tiếng thở dài than vãn sao thời gian nhanh quá, còn chưa kịp xin chữ Huấn Cao mà đã nhận giấy án chém… Thầy thơ lại nghe xong thì vô cùng cảm động nên đã tìm đến người tù đang bị giam trong nhà lao kia kể lại sự tình và báo luôn tin tử hình cho Huấn Cao nghe. Nghe xong tên tử tù liền mỉm cười. Đó là một nụ cười chứ không phải sự sợ hãi trước cái chết đang cận kề. Phải là một kẻ đã đối mặt với bao hiểm nguy, thân quen với cái chết trong ngang tấc thì nụ cười đó mới nở trên môi như vậy, con người này đúng là anh hùng bất khuất , hiên ngang bảo sao mà quản ngục không khiêng nể , lại thêm mến phục , yêu con chữ thể hiện hoài bão cả một kiếp người tung hoàng bốn phương trời. Huấn Cao như thấu hiểu nỗi lòng của quản ngục, đã nói: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Nhân cách văn hoá cao quý của ngục quan đã làm Huấn Cao xúc động và quý trọng. Cảnh cho chữ diễn ra trong phòng giam tử tù là sự kì ngộ giữa khách anh hùng tài tử với kẻ biệt nhỡn liên tài, một cảnh đẹp hiếm có trong nhân gian. Kẻ có quyền lại khúm núm trước một kẻ tử tù, còn kẻ tử tù áy lại thong dong, viết nên bức thư pháp ngàn người nể phục, yêu quý, săn tìm , cầu mong có được nhưu bảo vật quý trên đời. Trước cái đẹp của thư pháp, ngục quan đã trở thành tri âm, tri kỉ của tử tù. Ngục quan “khúm núm” cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ… Ngục quan lắng nghe lời khuyên của tử tù “nên lui về quê nhà” để giữ lấy thiên lương rồi hãy “nghĩ đến chuyện chơi” chữ… Ngục quan vái tử tù một vái và nói qua dòng nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tất cả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của ngục quan dưới ánh sáng của thư pháp và thiên lương.
Hình ảnh quản ngục là một trong những thành công của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật miêu tả và xây dựng nhân vật ở phương diện tài hoa độc đáo của nghệ sĩ bậc thầy. Yêu cái đẹp với tấm lòng biệt nhỡn liên tài là tâm hồn tính cách của ngục quan. Từ ngoại hình, ngôn ngữ, tâm tư tình cảm đến cử chỉ, hành động của ngục quan đã được Nguyễn Tuân miêu tả với tất cả sự chắt lọc của một ngòi bút tài hoa, đã làm hiện lên một con người có cốt cách rất đẹp. Quản ngục với nghề nghiệp của mình trên phương diện xã hội là hoàn toàn trái ngược nhau, đối lập với Huấn Cao, nhưng trên phương diện nghệ thuật thì quản ngục là người biết yêu , biết say mê, tôn thờ cái đẹp và với nhân vật này chủ đề của tác phẩm càng thêm được thể hiện rõ nét: Cái duy nhất đang được tôn vinh và kính trọng là cái đẹp.
4. Hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, mẫu số 4:
Nhắc đến Nguyễn Tuân những năm 1930-1945, người đọc sẽ nhớ tới truyện ngắn lãng mạn nổi tiếng của ông: ” Chữ người tử tù”. Một cuộc kì ngộ diễn ra nơi chốn nhà tù chật chội với những điều trái ngang. Nổi bật ở đó là hình ảnh nhân vật Huấn Cao – một người anh hùng một người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng nhắc đến Huấn Cao thì không thể thiếu viên quản ngục : ” một thanh âm trong trẻo” giữa chốn lao tù.
Quản Ngục được giới thiệu ngay ở phần đầu tác phẩm trong cuộc trò chuyện với thầy thơ lại. Cái tên Huấn Cao xuất hiện trong phiến trát khiến Quản Ngục ngờ ngợ, ông hỏi thầy thơ lại về Huấn Cao với thái độ quan tâm, mến mộ một cách kín đáo. Nhân vật quản ngục với chức danh là quan coi ngục chức không cao, bổng không lộc nhưng cũng có thể coi là người có danh có phận, là người thay mặt cho luật lệ triều đình. Từ cách giới thiệu ban đầu, nhà văn đã giúp ta hiểu rõ hơn về nhân vật này. Trong đêm đầu tiên hình ảnh Quản Ngục được khắc hoạ với dáng ngồi tư lự “khuôn mặt băn khoăn ngồi bóp thái dương…”. Có lẽ trong lòng viên quản ngục có một tâm sự kín đáo. Quản Ngục băn khoăn bởi sự xuất hiện của Huấn Cao trong nhà ngục cũng có nghĩa là một kẻ tài hoa sắp phải chịu án tử hình. Một nỗi tiếc nuối mơ hồ trước một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ. Nhưng là người có danh có phận, quản ngục lại sống trong nghịch cảnh, cô đơn. Ông có ước nguyện muốn xin chữ mà lại không dám nói. Thân phận ” cá chậu chim lồng”.
Một viên quan coi ngục, một cái tên khi được nhắc đến ngay cả ngày nay huống chi thời kì phong kiến, luôn có những định kiến nhất định về họ: những kẻ xảo quyệt, ham tiền,…. Nhưng Nguyễn Tuân lại xây dựng một hình tượng mới về quan coi ngục: một quản ngục có lòng biệt nhỡn người người tài.
Viên Quản ngục có sở nguyện cao quý là xin được chữ Huấn Cao để treo ở nhà. “Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất”. Một sở nguyện tao nhã thật cùng. Ông quan tâm đến Huấn Cao. Nghe tin Huấn Cao đến trại giam, ông sai Thơ lại dọn dẹp lại chu đáo ” cần dùng đến”. Rồi khi Huấn Cao đến, viên quản ngục tiếp đón bằng biệt lệ. Lính áp giải hỏi viên quan ngục, ý nhắc những biện pháp tra tấn như mọi khi, nhưng viên quan coi ngục trả lời đầy ung dung, khác hẳn mọi ngày khiến chúng giật mình, ngơ ngác. Ông nhìn Huấn Cao bằng ánh mắt “hiền lành” và thái độ khiêng nể không thể có của một người coi ngục với người bị tù đày. Viên quản ngục còn biệt đãi Huấn Cao khi ngày ngào cũng cho Thơ lại bữa bữa dâng rượt thịt, không chỉ với Huấn Cao mà với cả bạn bè của Huấn Cao.
Rồi một hôm quản ngục khép nép đến thăm Huấn Cao, bị Huấn Cao xẵng giọng mắng và tỏ ra khinh bạc: “Ta chí muốn một điều là ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây.” Quản ngục lễ phép, nhã nhặn, một mực thành kính đáp: “Xin lĩnh ý.” Cách cư xử điềm đạm, thái độ nghiêm cung, mục đích bày tỏ tấm thị tình đúng mực này soi sáng một tâm hồn cao quý và sẵn lòng quỳ gối trước hoa mai.
Khi biết Huấn Cao đồng ý cho chữ, viên quản ngục chuẩn bị chu đáo lụa trằng, thoi mực, mực thơm. Sự chuẩn bị đó cho thấy viên quản ngục trân trọng cái đẹp vô cùng. Xin chữ Huấn Cao bằng thái độ ” khúm núm” để thấy viên quản ngục coi trọng Huấn Cao, coi trọng cái đẹp. Trước cái đẹp của thư pháp, ngục quan đã trở thành tri âm, tri kỉ của tử tù. Ngục quan “khúm núm” cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ… Ngục quan lắng nghe lời khuyên của tử tù “nên lui về quê nhà” để giữ lấy thiên lương rồi hãy “nghĩ đến chuyện chơi chữ… Ngục quan vái tử tù một vái và nói qua dòng nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Viên quản ngục coi Huấn Cao như đấng thiêng liêng, người đi truyền đạo. Tất cả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hổn của ngục quan dưới ánh sáng của thư pháp và thiên lương, ánh sáng của cái đẹp.
Nguyễn Tuân thành công sử dụng bút pháp lãng mạn xây dựng hình tượng nhân vật Quản ngục khác hoàn toàn với những định kiến trươc giờ. Đó là viên quản ngục yêu cái đẹp, trân trọng người tài, trân trọng ánh sáng thiên lương. Một con người “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
————————–HẾT————————–
Sau khi đã Hình tượng người quản ngục trong Chữ người tử tù các em có thể đi vào So sánh hình tượng người lái đò và nhân vật Huấn Cao hoặc tham khảo Có mấy lần viên quản ngục vái lạy Huấn Cao? Ý nghĩa của những lần đó? nhằm củng cố kiến thức của mình.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp