Ngày 04/09/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học thay thế Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Theo đó, có rất nhiều thay đổi mà thầy cô cần lưu ý.
Năm học 2020 – 2021, thầy cô đánh giá học sinh và ghi học bạ theo Thông tư 27. Còn các lớp từ 2 – 5 vẫn theo Thông tư 22. Thông tư 27 mới ban hành có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020 hướng dẫn ghi học bạ theo phương pháp mới nên rất nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ.
Vì vậy, trong bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn thầy cô thật chi tiết, cách viết học bạ để giáo viên biết cách nhận xét về tình hình học tập, phẩm chất đưa ra đánh giá học sinh đã hoàn thành các môn học hay chưa theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT. Qua tài liệu này giúp các thầy cô chủ động hoàn thành việc đánh giá kết quả học sinh vào sổ học bạ chính xác và chủ động nhất.
Bạn đang xem: Hướng dẫn ghi học bạ theo Thông tư 27 Mẫu học bạ mới theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT
Hướng dẫn ghi học bạ theo Thông tư 27
Học bạ dùng để ghi kết quả tổng hợp đánh giá cuối năm học của học sinh. Khi ghi Học bạ, giáo viên cần nghiên cứu kĩ Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 09 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.
1. Trang 3, thông tin ghi theo giấy khai sinh của học sinh.
2. Mục “1. Các môn học và hoạt động giáo dục”
– Trong cột “Mức đạt được”: Ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức “Hoàn thành tốt”; H nếu học sinh đạt mức “Hoàn thành” hoặc C nếu học sinh ở mức “Chưa hoàn thành”.
– Trong cột “Điểm KTĐK” đối với các môn học có Bài kiểm tra định kì: ghi điểm số của bài kiểm tra cuối năm học; đối với học sinh được kiểm tra lại, ghi điểm số của bài kiểm tra lần cuối.
– Trong cột “Nhận xét“: Ghi những điểm nổi bật về sự tiến bộ, năng khiếu, hứng thú học tập đối với các môn học, hoạt động giáo dục của học sinh; nội dung, kĩ năng chưa hoàn thành trong từng môn học, hoạt động giáo dục cần được khắc phục, giúp đỡ (nếu có).
3. Mục “2. Những phẩm chất chủ yếu” và mục “3. Những năng lực cốt lõi”
– Trong cột “Mức đạt được” tương ứng với từng nội dung đánh giá về phẩm chất, năng lực: ghi kí hiệu T nếu học sinh đạt mức “Tốt”, Đ nếu học sinh đạt mức “Đạt” hoặc C nếu học sinh ở mức “Cần cố gắng”.
– Trong cột “Nhận xét” tương ứng với nội dung đánh giá về phẩm chất: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số phẩm chất chủ yếu của học sinh.
Ví dụ: Đi học đầy đủ, đúng giờ, mạnh dạn trình bày ý kiến cá nhân; biết giữ lời hứa; tôn trọng và biết giúp đỡ mọi người;..
– Trong cột “Nhận xét” tương ứng với nội dung đánh giá về năng lực: ghi các biểu hiện, sự tiến bộ, ưu điểm, hạn chế hoặc khuyến nghị (nếu có) về sự hình thành và phát triển một số năng lực chung, năng lực đặc thù của học sinh.
Ví dụ: Biết vệ sinh thân thể, ăn mặc gọn gàng; chủ động, phối hợp trong học tập; có khả năng tự học; ...; sử dụng ngôn ngữ lưu loát trong cuộc sống và học tập, biết tư duy, lập luận và giải quyết được một số vấn đề toán học quen thuộc;...
4. Mục “4. Đánh giá kết quả giáo dục”
Ghi một trong bốn mức: “Hoàn thành xuất sắc”, “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành hoặc “Chưa hoàn thành”.
5. Mục “5. Khen thưởng”
Ghi những thành tích mà học sinh được khen thưởng trong năm học.
Ví dụ: Đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc; Đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện; Đạt giải Nhì hội giao lưu An toàn giao thông cấp huyện;…
6. Mục “6. Hoàn thành chương trình lớp học/chương trình tiểu học”.
Ghi Hoàn thành chương trình lớp……/chương trình tiểu học hoặc Chưa hoàn thành chương trình lớp….../chương trình tiểu học; Được lên lớp hoặc Chưa được lên lớp.
Ví dụ: – Hoàn thành chương trình lớp 2; Được lên lớp 3.
– Hoàn thành chương trình tiểu học.
Học bạ được nhà trường bảo quản và trả lại cho học sinh khi học sinh chuyển trường, học xong chương trình tiểu học.
Lời nhận xét học bạ cho học sinh Tiểu học theo Thông tư 27
- Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 27
- Mẫu nhận xét năng lực, phẩm chất theo Thông tư 27
Phương pháp đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 27
Một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:
a) Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
b) Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.
c) Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi-đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.
d) Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.
Một số lưu ý khi đánh giá học sinh Tiểu học
a) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:
– Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
– Những năng lực cốt lõi:
- Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;
- Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mĩ, thể chất.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp