Đề bài: Em hãy kể lại 1 kỷ niệm sâu sắc nhất về người thân trong gia đình
Văn mẫu 8: Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân
Bài số 1
Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân – Ông của tôi
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.
Bạn đang xem: Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân lớp 8
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.
Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm”
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.
Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.
Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!
Xem thêm: Văn mẫu Kể về người thân trong gia đình của em
Bài số 2
Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân – Người cha đáng kính
Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn,.., Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…
Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!
Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện đế kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề!
Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.
Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ.
Càng khó càng phải làm bằng được. Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.
Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!
Tham khảo thêm: Cảm nghĩ về người thân trong gia đình
Bài số 3
Kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân – Cô em gái lắm chuyện
Tuổi thơ ai cũng sẽ có những kỉ niệm buồn vui chẳng thể nào quên. Cho tới bây giờ, tôi vẫn giữ gìn chiếc máy ảnh mini màu hồng của mình bởi nó lưu giữ một kỉ niệm khó phai của giữa anh em tôi.
Ba năm trước, khi em tôi mới lên ba. Em đi đứng cứng cáp và nói năng cũng rò ràng hết rồi nên tôi rất thích chơi với em. Bố tôi mua cho tôi một chiếc máy ảnh đồ chơi, nó to bằng bàn tay với những nét lượn sóng xinh xắn. Chị em tôi thay nhau chụp. Tôi bảo em đứng tạo dáng để tôi tập làm nhiếp ảnh. Nhưng em cứ ngả nghiêng, hết cười rồi nói. Không đúng ý tôi nên tôi quát lớn. Đôi mắt em đỏ hoe chớp chớp, đôi môi cong cớn giận dỗi. Tôi vẫn quát lớn để em tạo dáng theo ý mình. Em vẫn đứng yên đó, mếu máo nhưng không phát ra tiếng. Bực quá, tôi ném thẳng chiếc máy ảnh vào người em.
– A…! – Em chỉ kịp cất tiếng đó rồi ôm mặt khóc hu hu.
Tôi sợ quá nhưng còn đang bực tức nên bỏ chạy lên giường trùm kín chăn. Mẹ nghe thấy nên chạy lên hỏi chuyện. Em tôi bắt đầu kể tội tôi. Trong chăn, tôi nghe thấy mẹ bảo bắp tay em tôi đã đỏ tấy lên vì góc chiếc máy ảnh đâm phải. Tôi lì lợm không nói lời nào. Tối đến, bố tôi cho tôi ăn một trận no đòn. Tôi càng ghét cô em gái lắm chuyện của mình. Mấy tối liền, tôi chẳng nói chuyện với em. Em tôi đem mấy mảnh lego sang hỏi tôi cách xếp, tôi đoán là em đang muốn làm lành với tôi nên hỏi chứ bình thường em không bao giờ chơi. Tôi quay mặt vào bàn giả vờ học hành chăm chỉ. Em lại đem hộp kem lên, vừa ăn vừa kể chuyện: “Anh Cún ơi, hôm nay ở lớp em, các bạn tập giới thiệu về bản thân và gia đình. Bạn Tít, bạn gần nhà mình đã kể về anh trai bạn ấy. Anh biết bạn ấy kể thế nào không?”.
– Kể gì? – Tôi lạnh lùng hỏi.
– Anh bạn ấy đẹp trai nhé, học giỏi nhé và khi giận dỗi thì mặt trông giống khuôn mặt của bạn ủn ỉn đang mếu. – Nàng nói với khuôn mặt xinh xắn, hồn nhiên rồi cất tiếng cười lớn.
Tôi phì cười rồi lao vào cù em vì biết chắc em đang trêu mình. Thế là nhà tôi lại đầy ắp tiếng cười, nói, tranh luận của anh em tôi. Tôi xin lỗi em rồi hỏi tay đã đỡ đau chưa, cô công chúa nhỏ nhà tôi lại chớp mắt, bĩu môi làm nũng.
Mấy năm qua, anh em tôi giận dỗi nhau không biết bao nhiêu lần. Giờ đây, tôi lớn rồi, chẳng giận lại em khi chính mình sai nữa. Em tôi cũng lớn hơn, cô mẫu nhí đã tạo dáng chuyên nghiệp chứ chẳng còn bị tôi quát như hồi xưa. Tôi rất yêu thương người em gái bé nhỏ của mình.
Trên đây là 3 bài văn mẫu kể lại kỉ niệm đáng nhớ với người thân lớp 8 hay mà tổng hợp được, mòng rằng với các nội dung tham khảo này các em sẽ có cho mình một bài văn thật hoàn chỉnh nhé!
Cùng tham khảo một bài văn mẫu hay khác: Cảm nghĩ của em về người thân yêu nhất trong gia đình
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp