Kể lại truyện Bến quê

0
86
Rate this post

ke lai truyen ben que

Kể lại truyện Bến quê

Bài làm:

Bạn đang xem: Kể lại truyện Bến quê

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn đồng thời cũng là một người lính chiến, tuy nhiên sau khi đất nước độc lập, tư tưởng và nghệ thuật của ông có nhiều đổi mới. Các tác phẩm của ông chủ yếu gắn liền với cuộc sống của nhân dân lao động, những con người bình dị gần gũi, lấy cảm hứng từ những vấn đề mang tính triết lý, đạo đức nhân sinh, thể hiện cái nhìn đa diện, nhiều chiều của một nhà văn sâu sắc. Tiêu biểu có Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Cỏ lau (1989), Chiếc thuyền ngoài xa (1987), và tác phẩm Bến quê (1985) cũng là một trong số những tác phẩm có nhiều triết lý thú vị như vậy.

Truyện ngắn kể về một người đàn ông tên Nhĩ, anh có một cuộc đời rất hùng tráng, đã đặt chân đến không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, ấy vậy mà cho đến lúc cuối đời anh lại chợt bừng tỉnh nhận ra rằng, cái bờ bên kia sông Hồng anh lại chưa từng đến bao giờ, mặc dù nó ở ngay trước mắt anh, trước cửa sổ nhà anh. Để đến khi còn chút hơi tàn, nằm liệt giường phụ thuộc vợ con, anh dù có muốn cũng không thể đi được nữa rồi.

Trong những ngày tháng bệnh tật chỉ có vợ anh – chị Liên là người tận tình chăm sóc, mặc dù theo lời anh là suốt đời anh chỉ làm khổ chị mà chị vẫn im lặng chịu đựng. Nhĩ dường như nhẩm tính được thời gian còn sót lại của mình, anh thương vợ, lại thương các con, anh cố gắng trò chuyện với vợ những chuyện vụn vặt, về chuyện bệnh tật của mình, hy vọng sẽ tốt lên dù biết là không thể, chỉ để chị vui. Đến khi vợ đi chợ, anh lặng lẽ gọi cậu con trai thứ hai, vốn đang học tại thành phố phía nam xa xôi và mới trở về đêm hôm qua, đến lúc này anh mới có cơ hội ngắm nhìn kỹ Tuấn, đứa con của mình. Rồi Nhĩ bỗng bùng cháy một ước muốn, ước muốn được đặt chân đến bờ sông bên kia, chuyện mà cả đời anh chưa làm được. Nhĩ lúng túng, ngại ngùng trước ý định của mình, một lần nữa anh lại nhìn ra cửa sổ, nhìn sang bên kia sông, anh quyết định đặt hết niềm hy vọng lên Tuấn. Anh hỏi Tuấn đã qua bờ bên kia bao giờ chưa, đáp lại anh là câu trả lời hờ hững của Tuấn “Chưa ạ…”, cậu con trai có vẻ chẳng mấy để tâm đến cái bờ bến thân thuộc trước nhà. Nhĩ tiếp tục mở lời, muốn Tuấn qua bờ bên kia giúp anh, nhưng Tuấn lại thấy buồn cười bởi qua đấy để làm gì, làm gì có gì mà chơi, nhưng cuối cùng để chiều lòng người bố bệnh tật, cậu vẫn uể oải mang mũ nón lững thững qua bờ bên kia, mà không hề biết rằng bố cậu đang thấp thỏm, ao ước thấy cậu đặt chân đến bờ bên kia nhường nào.

Nhĩ thu hết chút sức lực tàn, lết ra được tấm đệm nằm, để đến bên bờ cửa sổ, nhưng khổ nỗi thân thể anh đã yếu ớt đến mức, mới nhấc mình ra khỏi tấm đệm nằm thì tưởng như “vừa bay được nửa vòng Trái đất”, anh cần người đỡ nằm xuống. Nhĩ gọi Huệ, một cô bé nhà bên, vốn đã quen với việc này, cô bé lại gọi thêm cả một đám trẻ con khác cùng đỡ anh dịch đến bên cửa sổ, giúp anh kê gối cùng chăn cho thoải mái. Lúc này đây Nhĩ bỗng thấy thật buồn cười, cả một đời khỏe mạnh, đi không biết bao nhiêu chốn, nay lại cảm tưởng bản thân như một đứa trẻ còn nằm ngửa tận hưởng sự chăm sóc của những đứa trẻ khác, anh lại càng thêm yêu lũ trẻ con trong nhà mình hơn.

Ngồi bên cửa sổ anh hướng mắt ra xa, trông thấy bên này một con đò đang giương buồm trắng, vừa mới chống sào ra khỏi bãi bồi bên kia, còn bên đây chỉ thấy một đám người đợi đò, trò chuyện rôm rả, nhưng mãi anh cũng không tìm ra cái mũ rộng vành của Tuấn. Hóa ra Tuấn mới chỉ đến gốc cây bằng lăng bên đường và đang say mê chơi phá cờ thế, anh chỉ sợ Tuấn sẽ lỡ mất chuyến đò duy nhất. Quả thật đứa con trai này có nhiều điểm giống anh, cậu còn trẻ có thấy được điều gì hấp dẫn ở bên kia đâu, chỉ có anh lúc sắp gần đất xa trời, đã đi gần hết vòm trời mới hiểu được vẻ đẹp của mảnh đất quê hương, nhưng đã quá khó để khám phá nữa rồi. Nhĩ rút ra một điều rằng: “con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái gì vòng vèo hoặc chùng chình”, anh và cậu con trai chính là hai minh chứng rõ rệt nhất. Nhĩ cảm thấy buồn bã và ân hận bởi vì bản thân mải mê đuổi theo những thứ xa xôi để rồi quên bẵng đi những thứ đẹp đẽ vốn gắn bó với mình cả cuộc đời thì lại không hiểu hết, không đủ yêu thương. Niềm ân hận ấy không đơn giản là việc chưa đến bờ bên kia con sông Hồng, mà còn là nỗi niềm thương xót vợ anh, người phụ nữ tần tảo, dịu dàng, theo anh cho anh một nơi nương tựa cuối cuộc đời, thế mà cả cuộc đời anh chẳng cho chị lấy trọn nghĩa phu thê, chỉ chăm bay nhảy khắp cùng trời cuối đất, đây là điều anh thấy nuối tiếc nhất.

Đang lúc buồn bã, thì có cụ Khuyến đến chơi, cụ vẫn thường thăm hỏi Nhĩ mỗi ngày. Chưa nói chuyện được hai câu thì bỗng Nhĩ mặt mũi đỏ bừng, tay bấu chặt bệ cửa sổ, vẻ mặt vừa say mê vừa đau khổ, những ngón tay run lẩy bẩy, rướn người nhìn ra cửa sổ một tay vẫy vẫy như đang ra hiệu cho ai đó. Nhìn ra chỉ thấy một con đò ngang vừa cập bến bên này, như mang về thứ gì đó tươi đẹp từ vùng đất màu mỡ, thơ mộng bờ bên kia, nơi anh chưa từng đặt chân tới bao giờ…

——————–HẾT——————–

Các bạn học sinh lớp 9 tham khảo thêm Bình giảng hai khổ thơ đầu bài Sang thu để có vốn kiến thức vững chắc về các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ke-lai-truyen-ben-que/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp