Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5

0
129
Rate this post

KỂ LẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN LỚP 5

Kể lại truyện cổ tích mà em yêu thích

Kể lại truyện cổ tích Cây Khế lớp 5

Các em có thể kể lại cốt truyện dựa theo các ý sau:

Bạn đang xem: Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5

– Cha mẹ mất sớm, người anh chia gia tài, người em chỉ được túp lều cùng cây khế

– Cây khế có quả, chim đại bàng đến ăn, người em được chim hẹn trả ơn bằng vàng

– Chim chở người em bay ra đảo lấy vàng, nhờ thế người em trở nên giàu có

– Người anh biết chuyện, đổi gia tài của mình lấy cây khế, người em bằng lòng

– Chim lại đến ăn, mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may túi quá to, tham lam lấy quá nhiều vàng

– Người anh bị rơi xuống biển và chết

Bài làm

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em cha mẹ mất sớm. Đến lúc chia gia tài, người anh cậy thế mình là anh cả chiếm hết mọi tài sản cha mẹ để lại, chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ có cây khế ở cuối vườn.

Người em cặm cụi làm thuê cuốc mướn kiếm sống và chăm sóc cây khế. Đến mùa, khế ra hoa kết trái nhiều vô kể. Bỗng một hôm có một con chim đại bàng bay đến đậu lại trên cây khế. Nó ăn hết trái này đến trái khác. Người em buồn rầu nói với chim: “Cuộc sống ta chỉ trông nhờ vào cây khế. Chim ăn hết ta lấy gì sinh sống!” Nghe vậy đại bàng liền nói: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, đem đi mà đựng!”.

Nghe lời chim dặn, người em may một cái túi ba gang. Hôm sau, đại bàng đến chở người em ra một cái đảo xa tít ở ngoài khơi. Đây là một hòn đảo có đầy vàng bạc châu báu. Người em nhặt đầy một túi ba gang rồi leo lên lưng chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có nhất vùng.

Thấy em mình bỗng nhiên trở nên giàu có, người anh lân la, tò mò hỏi chuyện. Thương anh, người em kể hết sự tình cho người anh hay. Máu tham nổi lên, hắn gạ người em đổi cây khế lấy toàn bộ gia tài của hắn. Người em đồng ý.

Ngày ngày, cả hai vợ chồng người anh canh chừng dưới cây khế. Rồi đại bàng lại đến ăn khế. Người anh giả vờ kêu nghèo kể khổ với đại bàng và cũng được đại bàng nóì những lời như đã nói với người em trước đây. Hắn về nhà bảo vợ may một cái túi mười hai gang.

Sáng hôm sau, đại bàng lại đến và chở hắn ra đảo vàng. Hắn hoa mắt trước vàng bạc, châu báu, ngọc ngà ở đảo nên cố nhét thật đầy cái túi mười hai gang. Chưa thỏa mãn, hắn còn cố nhét vàng vào trong người rồi kéo lê túi vàng leo lên lưng chim. Đại bàng phải vỗ cánh đến ba lần mới cất mình lên được. Khi bay qua giữa đại dương mênh mông, bất thần có một cơn gió mạnh thổi đến vì chở quá nặng nên đại bàng không chịu được sức gió, liền nghiêng cánh hất túi vàng và người anh xuống biển, kết thúc cuộc đời của một kẻ tham lam.

Nhập vai Đại Bàng kể lại truyện cổ tích “Cây khế”. 

Bài làm 

Giữa thế giới chim muông, Đại Bàng chúng tôi được muôn loài tôn vinh là Chúa tể của rừng xanh. Vốn hiền hoà, nên chúng tôi được quý trọng, coi như anh, như chị, như bạn… của mọi loài chim, vui buồn đều san sẻ.

Như thường lệ, sau một chuyến đi xa, tôi lại phải kể một vài kỉ niệm đáng nhớ còn mang theo trên đôi cánh. Quạ Khoang, Chèo Bẻo, Sáo Sậu, Công, Họa Mi, Cò Hương, Chích Bông,… đều thi nhau nói inh ỏi.

– Bác Đại Bàng! Xin bác kể cho chúng em chuyến đi đến đảo Vàng vừa qua – Sáo Sậu đã nói thế.

Cả bọn nhao nhao:

– Đúng rồi, bác kể đi.

Tôi “chéc” lên ba tiếng để lấy giọng, rồi bắt đầu kể. Gió rừng thì thào lao xao. Suối rì rầm từ khe núi xa vọng lại.

… “Lần ấy, giữa mùa nắng mới, tôi từ phương Nam xa xôi bay về. Khát nước quá! Thèm của chua kỳ lạ! Từ chín tầng mây xanh, tôi nhác thấy những trái khế vàng ươm, ánh lên. Tôi lượn mấy vòng, rồi đáp xuống ngọn cây khế um tùm, cạnh một túp lều gianh. Khế mọng nước, vừa ngon ngọt vừa chua chua, ăn đến đâu tỉnh người đến đó. Tôi vừa ăn đến quả thứ ba thì từ trong túp lều, có hai vợ chồng trẻ chạy ra. Họ ngước mắt lên cây khế nhìn tôi, rồi cùng nói: “Gia tài chúng tôi chỉ có cây khế này thôi. Chim ăn hết thì vợ chồng chúng tôi lấy gì để nuôi thân…”. Đại Bàng chúng tôi vốn biết Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, bèn từ tốn thưa:

– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Ăn hết mười trái khế chín, đỡ khát và đỡ thèm, tôi cất lời cảm ơn, dặn đi dặn lại: “Nhớ làm đúng, sáng mai tôi quay lại”, rồi vỗ cánh bay đi.

Sáng hôm sau, y hẹn, tôi bay đến cây khế, lượn ba vòng, đáp xuống mảnh sân trước túp lều. Người vợ trẻ chắp tay lạy tối năm lạy. Người chồng thắt cái túi

ba gang vào bụng rồi ngồi lên lưng tôi, ôm lấy cổ tôi. Vỗ cánh, tôi bay vút lên tầng mây cao, vượt qua bao cánh đồng, bao dòng sông, bao dãy núi, rồi băng qua biển xanh mênh mông. Mặt trời đứng bóng, tôi đã chở ân nhân mình đến đảo Vàng. Tôi lại nhắc:

– Tha hồ lấy. Lấy bỏ đầy túi ba gang, vàng và ngọc đấy, rồi ta về.

Xế bóng, chúng tôi đã về đến chỗ cây khế. Khi tôi vỗ cánh bay đi còn nghe hai vợ chồng nói: “Xin đa tạ Chim Thần!”.

Chim Ri, Sáo và Hoạ Mi cùng hỏi:

– Sau đó, như thế nào nữa bác? Vàng có làm đen lòng vợ chồng anh ta không?

– Vợ chồng họ hiền lành, thật thà lắm. Tôi hỏi về túp lều, về gia cảnh, anh ta cho tôi hay: Bố mẹ anh ta chết sớm, để lại một gia tài kha khá. Người anh chỉ cho họ một túp lều, một mảnh vườn. Cây khế do vợ chồng anh ta trồng mà có.

Mùa khế năm sau, tôi lại bay đến túp lều vừa để thăm ân nhân, vừa để xin vài quả khế ăn chơi. Nhưng thật bất ngờ, cây khế trĩu quả đã rơi vào tay người khác. Nhìn thấy kẻ cầm sào xua đuổi, tôi lại cất tiếng: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”.

– Sáng hôm sau, tôi đến như đã hẹn: Một người đàn ông to béo mắt híp, Cần một cái tủi rõ to rõ dài, nhảy lên lưng tôi, ôm chặt lấy cổ tôi. Trên đường bay tới đảo Vàng, thở hổn hển, anh ta nói như khoe, như phân trần:

– Vợ chồng chú em nghèo. Còn vợ chồng tôi có chục mẫu ruộng, vài ba con trâu và nhiều thóc lúa. Gia tài đó là của cha mẹ tôi để lại cho. Chuyến đi này.. đúng là Trời có mắt…

Đến đảo Vàng, tôi liếc thấy đôi mắt anh ta hoa lên, ánh lên. Dạo một vòng, anh ta nhặt vàng ngọc lèn đầy cái túi to, có lẽ phải đến sáu, bảy gang. Anh ta còn giắt nhiều thỏi vàng quanh cạp quần nữa.

Nặng quá, tôi phải vỗ cánh mãi mới bay lên được. Đến giữa biển, mấy lần tôi chúi xuống vì mỏi quá, nặng quá. Tôi lảo đảo nghiêng cánh. Rồi tôi bỗng thấy

mình nhẹ tênh! Anh ta và cả túi vàng to nặng đã rơi xuống biển mất rồi!

Về đến tổ chuyến ấy, đôi cánh tôi đau ê ẩm hàng tháng trời. Hôm nay vẫn còn đau. Cu Xanh, Chào Mào, Chiến Chiện rúc rích cười mãi.

Nguyễn Tùng Quang, 5B, Trường Tiểu học Đô Lương – Nghệ An

Khác với yêu cầu kể lại truyện cổ dân gian lớp 5 thì đề tài kể lại một câu chuyện đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình cũng vô cùng quen thuộc mà các thầy cô hay ra.

Kể lại truyện cổ tích Thần Sắt 

Bài làm

Ngày xửa ngày xưa, có một anh chàng nông dân hiền lành sống một mình ở ven rừng. Anh chặt củi, đẽo cây, vót nhọn bằng dao đá; đào hố tra bắp bằng đầu gậy. Anh làm lụng trong mưa nắng, sống chật vật, người gầy đen, khô đét lại.

Một đêm, anh nằm mơ thấy Bụt hiện lên, bảo:

– Ngày mai, sẽ có ba người khách lạ cưỡi ngựa đi qua, xin nghỉ trọ. Con hãy chọn lấy một người và mời ông ta vào nhà, đừng quản ngại nhà cửa chật chội, con nhé.

Quả nhiên, sáng hôm sau, có một người khách cưỡi ngựa bạch, mặc quần áo trắng tinh, mang theo một cái túi to và trắng, hơi bạc toả ra cực lạnh. Người khách quát, bắt mở cửa, nhưng anh từ chối.

Gần trưa lại có một người rất sang trọng cưỡi con ngựa vàng, yên cương, áo quần, mũ nón và giày dép đều toát lên một màu vàng lấp lánh. Anh vin vào túp lều nhỏ bé để khước từ khi vị khách lạ xin vào nhà nằm nghỉ trưa.

Về chiều, lại có một người đen sì cưỡi con ngựa ô đi tới. Ông khách xin nghỉ lại một đêm vì đi đường xa mệt mỏi. Anh vui vẻ mở rộng cửa đón người khách có gương mặt phúc hậu vào nhà.

Sáng sớm hôm sau, nghe tiếng gà gáy, anh ta tỉnh giấc thức dậy. Nhưng ông khách lạ đã cưỡi ngựa ô đi từ lúc nào.

– Ông khách quý để lại một cục đen sì và rất cứng. Anh liền đem cục ấy ra rèn dao, rèn cày, rèn cuốc,… Từ đó, anh có công cụ làm ăn, đời sống ngày một trở nên ấm no, giàu có.

Về sau, anh mới biết người khách ấy là Thần Sắt.

Lê Thị Thu Ngà, 5A, Trường Tiểu học Yên Hoà – Hà Nội

Kể lại một truyện cổ có nội dung phê phán, răn đe thói xấu

Kể lại truyện Lộ mặt kẻ gian trá

Ngày xưa có một ông vua rất yêu chuộng nhân tài nên ra sức chiêu hiền đãi sĩ. Đối với những nghệ nhân có bàn tay vàng, có kĩ xảo đặc biệt lại càng được quý trọng, vua thường ban thưởng mỹ nhân, vàng ngọc rất hậu.

Một hôm có người tới ra mắt nhà vua, tự xưng có tài nghệ điêu khắc vô song, có thể khắc trên mũi kim vàng một con khỉ Cái vừa đẻ con vừa múa lượn. Nhà vua bèn lưu ông ta ở lại trong cung để biệt đãi.

Mấy tuần trăng đã trôi qua, chờ đợi mãi cái cống trình mĩ xảo về con khỉ Cái khắc trên mũi kim vàng, nhà vua sốt ruột cho mời vị nghệ nhân tài ba đến phán hỏi:

– Bao giờ khanh cho trẫm được xem bức chạm khắc tuyệt xảo đó?

– Bẩm Đại Vương! Thần chỉ chờ Đại Vương nhịn ăn thịt và nhịn uống rượu trong nửa năm thì mới có thể nhìn thấy bức chạm linh thiêng đó ạ!

Nhà vua cảm thấy điều kiện đấy là quá khó đối với mình, nhưng vẫn lưu giữ và biệt đãi nhà nghệ nhân thiên tài đó ở trong cung. Biết chuyện, một viên hoạn quan đã hiến kế với vua:

– Đại vương có thể hỏi xem anh ta cho xem con dao khắc nhỏ hơn đầu mũi kim hay không?

– Nhà vua cảm thấy có lí, bèn cho mời con người kì tài đó tới, dò xem con dao khắc của anh ta.

Người đó tâu :

– Bẩm Đại Vương! Kẻ hạ thần xin được đi lấy dao ngọc để dâng ngài ngự lãm.

Anh ta rời cung điện rồi đi biệt. Nhà vua mỏi mắt đợi chờ.

Hoàng Thị Yến, 5A, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng – Hà Tĩnh

Kể lại một truyện cổ nước ngoài có nội dung châm biếm mà em đã được nghe kể hoặc đã đọc

Kể lại truyện Diệp Công thích Rồng

Chuyện này xảy ra ở bên Tàu, đã lâu lắm rồi, đã mấy nghìn năm. Thuở ấy có một người tên là Diệp Công, nổi tiếng về chuyện thích Rồng.

Mũ, áo, quần, thắt lưng của ông ta đều thêu Rồng. Trong nhà, mọi thứ đều chạm Rồng, khắc Rồng. Cột nhà, tường nhà, trần nhà đều đắp Rồng, chạm Rồng. Ấm chén uống rượu, uống trà của ông đều khắc Rồng. Cái gối của ông ta, thứ thì thêu Rồng, thứ thì chạm Rồng. Có đủ thứ Rồng: Rồng bay, Rồng lượn, Rồng phun mây, Rồng lấy nước, Rồng đẻ, Rồng ấp, Rồng nhả ngọc, Rồng phun châu, V.V….

Tiếng tăm Diệp Công thích Rồng không chỉ lan truyền khắp kinh kỳ, kẻ chợ mà còn rung động tới chín tầng mây, thấu tới cõi Trời. Rồng thật ở trên trời nghe tiếng rất lấy làm cảm động. Thế là Rồng đã cưỡi gió mây, bay xuống cõi trần, tìm đến nhà Diệp Công, gây ra cảnh mưa to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, chớp loé trời đất. Rồng thò đầu qua cửa sổ, còn cái đuôi dài vắt trên mái nhà, nóc nhà. Miệng Rồng thở phù phù làm cho ngôi nhà Diệp Công rung chuyển. Cặp mắt Rồng đỏ rực như hai hòn than khổng lồ.

Diệp Công nép vào cánh cửa nhìn Rồng. Mặt ông ta trắng nhợt ra, toàn thân run lên cầm cập, co dúm lại, vô cùng hãi hùng khiếp sợ. Rồi ông tung cửa bỏ chạy trong cảnh mưa gió ào ào, sấm sét ầm ầm.

Rồng co vòi lên cười, cười ngặt nghẽo. Cái đuôi Rồng cứ đập lên đập xuống. Lúc bấy giờ Rồng thật mới rõ là Diệp Công thích Rồng không phải là Rồng thật mà thứ có dáng như Rồng, có màu sắc như Rồng!

Rồng vừa bay về trời vừa trầm ngâm suy nghĩ, thương hại cho tay Diệp Công nọ.

Nguyễn Thị Hà, 5A, Trường Tiểu học Lê Lợi – Thanh Hoá

Kể lại một truyện cổ mà em nhớ mãi

Kể lại một truyện cổ mà em nhớ mãi: Thù lao 

Sóc làm kẻ hầu hạ thân cận của Sư Tử. Sư Tử rất hài lòng, hết lời khen ngợi.

Sư Tử hứa trả công cho Sóc thật hậu hĩnh một xe hạt dẻ ngon ngọt bùi thơm. Sóc mừng lắm, càng ra sức hầu hạ. Nhưng rồi nhiều ngày tháng trôi qua, Sư Tử chưa đưa cho Sóc một hạt dẻ nào. Chờ mong mãi, một hôm Sóc mạnh dạn gặp Sư Tử, lễ phép thưa:

– Bẩm Đức Ông! Con đói khát lắm rồi. Con mong Đức Ông ban cho con một ít hạt dẻ.

Sư Tử an ủi:

– Hãy ráng sức chịu đựng. Chưa ăn thì hạt dẻ vẫn còn. Một xe hạt dẻ đầy ta đã hứa. Cứ cố gắng làm việc cho thật tốt đi!

Sóc vẫn hì hục làm việc. Vẫn thức khuya dậy sớm. Bao mùa thu đã trôi qua. Sóc ngày một già yếu, không còn đủ sức để hầu hạ Sư Tử được nữa. Lúc bấy giờ, Sư Tử bèn cho Sóc thôi việc và giữ đúng lời hứa trả công cho nó một xe hạt dẻ ngon ngọt bùi thơm.

Tiếc thay, răng Sóc đã rụng gần hết. Sóc đưa hạt dẻ vào miệng nhưng chẳng làm thế nào ăn được. Thật trớ trêu!

Nguyễn Đức Tú, 5B, Trường Tiểu học Trung Văn – Hà Nội

Kể lại một truyện cổ mà em nhớ mãi: Sư tử và Trâu 

Sư Tử và Trâu kết bạn với nhau. Cả hai đều thề nguyền: vinh nhục có nhau, sống chết có nhau.

Một hôm Sư Tử đi săn về. Nó thân mật nói với Trâu:

– Trưa nay, mời bạn đến chơi và ăn tiệc.

Trâu đến, nhìn thấy mâm cỗ đầy ăm ắp thịt tươi: gan hươu, tim nai, thịt thỏ… Trâu không dám nói là mình không thích. Nán lại một lát, cố giữ lễ, rồi Trâu cám ơn Sư Tử, ra về.

Mấy hôm sau, Trâu làm cỗ mời Sư Tử đến đáp lễ. cỏ non, cỏ tươi, cỏ mật ê hề bày ra. Trâu nói với Sư Tử là không kiếm ra đâu được thịt tươi để đãi bạn. Sư Tử bất ngờ quắc mắt, rồi gầm lên:

– Không có thịt tươi à? Ta sẽ dùng mi làm bữa. Ta đang đói lòng đây!

Sư Tử chồm tới cắn chết Trâu. Nó xé thịt Trâu nhai một cách ngon lành. Lúc ấy, có một con Cáo ranh ma đi qua, nó len lén lấy mất quả tim Trâu, rồi nấp ra sau gốc cây, mỉm cười.

Sư Tử đang nhồm nhoàm nhai, gật gù đắc ý. Chợt nó lẩm bẩm, nói:

– Thịt con Trâu này vừa béo vừa ngon… Có điều là tại sao nó không có tim nhỉ?

Cáo từ sau gốc cây bước ra nói:

– Trâu có tim đấy! Nó không có đầu mà thôi! Nếu không phải thế thì nó làm sao lại đi kết bạn với ngài được!

Trần Văn Được, 5C, Trường Tiểu học Lang Tài – Bắc Ninh

Kể lại một truyện cổ mà em nhớ mãi: Con Khỉ khoe tài

Ngày xưa, có một ông vua thích du sơn, du thủy ngắm cảnh đẹp bốn phương. Một lần, đoàn tùy tùng chở thuyền ngược dòng sông, luồn trong rừng xanh, đi qua núi Khỉ. Lũ Khỉ trên núi có hàng trăm con. Chợt thấy thuyền rồng đi tới, chúng vô cùng sợ hãi trốn vào hang đá. Song có một con Khỉ đực rất to cứ ngồi chạng háng, mở mắt thao láo nhìn con người mặc áo hoàng bào. Có lúc con Khỉ vừa chổng mông vừa gãi!

Nhà vua nhíu lông mày, giương cung lắp tên nhắm bắn con Khỉ. Cả ba lần bắn, con Khỉ đều bắt được mũi tên. Thật ghê gớm, con Khỉ cầm mũi tên quẹt đít, rồi bẻ đôi, vứt xuống sông!

Nhà vua rất bực mình bèn ra lệnh cho bọn quân quan hộ giá giương cung bắn Khỉ. Tên vun vút bay tới, con Khỉ đều bắt được hết. Con Khỉ đang đắc ý trêu ngươi thì bị một mũi tên trúng bụng, máu phun ra, lăn từ mỏm đá xuống sông mà chết!

Nhà vua quay lại, nói với bọn quân quan đi cùng:

– Con Khỉ tự khoe khoang tài giỏi, nhanh nhẹn mà chết. Thật thảm hại!

Lê Nghĩa Bằng, 5C, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu – Hà Nội

Ngoài những câu duyện dân gian mà các em từng nghe, từng học thì đề tài kể một câu chuyện về một anh hùng, danh nhân nước ta mà em đã nghe hay đã đọc cũng vô cùng quen thuộc em nhé!

Kể lại một truyện cổ nói về sự mưu trí

Kể lại một truyện Con lừa thông minh

Một buổi sớm mai nắng đẹp, có con lừa đang thoả thích gặm cỏ non. Chợt nghe tiếng động, nó ngước mắt nhìn lên thì thấy một con Sói to đang xông tới!

Lừa vô cùng khiếp sợ. Trên bãi trống, có chạy đằng trời cũng không thể thoát thân. Nó bình tĩnh, giả bộ què, lê chân về phía Sói. Sói thấy lạ, bèn hỏi:

Mi không biết là ta muốn ăn thịt mi à? Tại sao mi không chạy trốn?

Ngài Sói cao quý! Sống, chết là có số, ai có thể chống được mệnh trời! Cho nên, tôi tự mình đến nộp mạng cho ngài. Có điều là tôi xin thưa để ngài rõ. Tôi vừa mới giẫm phải cái gai to và nhọn. Ngài nên nhổ cái gai ấy ra rồi hãy ăn thịt tôi, kẻo ăn vào, cái gai ấy sẽ đâm toạc cổ ngài, làm thủng dạ dày của ngài, thì nguy hiểm lắm!

Sói ngẫm nghĩ trong giây lát. Nó cảm thấy lời nói của lừa là có lý. Lên giọng ta đây, nó bảo lừa co chân để nó rút cái gai nhọn ra. Sói vừa cúi xuống. lừa cười thầm rồi nhanh như chớp, dồn hết sức bình sinh, đá hậu về phía sau.

Ôi! Trời ơi! – Sói kêu lên.

Sói ngã, chổng bốn vó lên trời. Mặt mũi đầy máu. Những chiếc răng nanh nhọn hoắt bị gãy hết. Máu xối xả phun ra. Sói kinh hoàng, lóp ngóp bò dậy. Nó đau đớn, hối hận:

Ngốc quá! Mình vốn là kẻ chuyên ăn thịt Lừa, làm sao lại muốn học làm thầy thuốc cơ chứ! Còn đâu răng nanh nữa!

Chú lừa thông minh phóng như bay về cuối bãi cỏ. Từ hôm đó về sau, nó luôn luôn tự nhắc mình phải nghe, phải nhìn, phải cảnh giác. Khắp nơi có biết bao là Sói!

Nguyễn Đức Quỳnh, 5A, Trường Tiểu học cẩm Xuyên – Hà Tỉnh

Kể lại một truyện cổ nói về lòng tham lam, độc ác

Kể lại truyện Phân chia quả thực

Sư Tử, Sói và Cáo cùng đi săn. Sau một ngày cùng băng suối, vượt đèo, leo dốc, luồn rừng vô cùng vất vả, chúng đã bắt được nhiều con mồi. Chúng tha về để chồng đống trên bờ suối. Nào là nai, hươu, thỏ, gà gô, ếch nhái,…

Sư Tử nằm kềnh ra, gối đầu lên hòn đá to. Nó vừa thở vừa sai phái:

– Sói, mi hãy đem quả thực mà chia đi!

Sói “dạ” một tiếng, lầm lũi đếm đếm, cân nhắc, chia các con vật săn được thành ba phần đều nhau. Nó nghiêng đầu ngắm nghía, rồi tự nghĩ “thật là công bằng”.

Sói bước tới gặp Sư Tử, cung kính thưa:

– Bẩm Đại Vương! Vật săn được đã chia xong. Kính mời Ngài nhận phần trước.

Sư Tử liếc mắt nhìn, rồi rống lên, quát:

– Đồ Sói tham lam! Mi cũng muốn được hưởng một phần bằng ta à? Quân hỗn láo quá Trời! Chẳng còn thể thống chi nữa!

Nói xong, Sư Tử chồm lên, vồ lấy Sói, cắn chết tươi!

Sư Tử lại gối đầu lên hòn đá, phán:

– Cáo, mi hãy đem đống quả thực kia chia lại đi! Tao đang đói, đang thèm đây! Cáo dồn các vật săn lại. Tất cả các con hươu, nai, thỏ, gà gô… xếp thành một đống lớn. Tay cầm con ếch, Cáo giơ lên, nói với Sư Tử.

– Bẩm, con ếch này là phần của tiểu thần. Còn đống quả thực kia là của Ngài!

Nhìn Cáo giây lát, Sư Tử mỉm cười, khen:

– Nhà ngươi vừa thông minh vừa biết sống theo đạo lí. Ai dạy cho họ Cáo nhà ngươi cách ứng xử ấy?

– Bẩm Đại Vương! Cái chết của Sói đã dạy tôi, đấy ạ!

Nguyễn Tân Bách, 5A, Trường Tiểu học Lệ Thuỷ – Quảng Bình

Kể lại một truyện cổ có nội dung châm biếm, phê phán mà em thấy thú vị

Kể lại truyện Nên nghe theo ai bây giờ?

Ngày xưa, có hai cha con dắt lừa ra chợ bán. Con đi trước dắt lừa, cha đi sau đuôi lừa. Lúc đi qua giếng nước, một cô gái nhìn thấy, nói:

– Có lừa mà không biết cưỡi! Người ở đâu mà ngốc thế?

Nghe cô gái nói thế, người cha liền bảo đứa con cưỡi lên lưng lừa, dẫn đi.

Đi vừa được một quãng ngắn, hai cha con lại gặp mấy ông già. Họ ngước nhìn hai cha con, rồi nhỏ to bàn tán. Có một ông lão nói:

– Đạo lí thời này đảo điên hết chỗ nói. Cha già thì lẽo đẽo đi bộ, bám đít lừa. Còn thằng con trai thì nghễu nghện cưỡi lưng lừa!

Chợt nghe, đứa con đỏ mặt, vội nhảy xuống nài nỉ. Thế là, người cha cưỡi lên lưng lừa.

Chỉ mới được một đoạn ngắn, hai cha con lại gặp mấy phụ nữ vừa bế con thơ, vừa mang xách đang đi trên đường. Họ chỉ trỏ, bĩu môi chê bai:

– Thật không biết xấu hổ? Cha thì ung dung vắt vẻo, con thì cặm cụi lê bước đi! Sao lại nỡ như thế nhỉ?

Ông già vội kéo thằng con lên. Hai cha con cùng cưỡi lên lưng lừa. Còn lừa oằn lưng xuống, thở hổn hển.

Gần tới chợ, hai cha con gặp nhiều người gồng gánh hàng hoá. Họ ngạc nhiên nhìn hai cha con ông lão, rồi bảo:

– Các người có điên không đấy? Con lừa sắp kiệt sức rồi! Phải có tình thương đối với loài vật chứ!

Hai cha con vội nhảy xuống. Họ thì thầm bàn bạc. Lát sau, hai cha con lấy dây thừng buộc qua bụng lừa, rồi dùng đòn càn khiêng lừa đi. Họ thở hổn hển. Lúc qua cầu, con lừa oằn mình lại, tức thì dây thừng đứt. Con lừa tội nghiệp lăn xuống sông chết đuối!

Cả hai cha con mắt tròn xoe, đứng chết lặng. Người đi chợ rúc rích cười, đổ dồn nhìn về phía hai cha con.

Nguyễn Thế Quý, 5A, Trường Tiểu học Kim Bôi – Hoà Bình

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Kẻ đạo đức giả 

Ngày xưa, có người bắt được một con Rùa rất to, rất đẹp. Anh ta muốn giết Rùa để ăn thịt, nhưng lại sợ mang tiếng sát sinh.

Anh ta bèn nghĩ ra một kế: nấu một nồi nước sôi, gác lên miệng nồi một đoạn tre để làm cầu.

Khi nước trong nồi sôi lên sùng sục, anh ta nói với con Rùa:

– Sống, chết là có số. Mi hãy bò qua cái cầu tre này thì ta cho mi sống được trở về với bầy đàn.

Biết được thâm ý của anh ta, Rùa gắng hết sức bò qua cái “cầu tre” bắc ngang nồi nước sôi một cách an toàn.

Anh ta lại nói với Rùa:

– Mi hãy bò lại một lần nữa. Sau đó, ta sẽ cho mi được hoàn toàn tự do!

Rùa đành phải bò qua “chiếc cầu” ấy một lần nữa.

Người đó rắp tâm đẩy Rùa vào nồi nước sôi. Hai tay anh ta múa lên, hoa lên. Không biết lóng ngóng thế nào mà tay anh ta lại nhúng vào nồi nước sôi, bị bỏng rất nặng. Rùa bò qua cái “cầu tre”, nghiêng đầu nhìn anh ta khi nghe tiếng kêu “Ôi trời ơi! Chết tôi rồi!”.

Thật đáng đời cho kẻ đạo đức giả!

Lê Quỳnh Chi, 5B, Trường Tiểu học Trung Văn – Hà Nội

Kể lại một truyện cười dân gian mà em thấy thú vị

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Mua giày

Ngày xưa, có một phú ông muốn ra chợ mua một đôi giày để trưng diện cho oai trong mùa lễ hội.

Trước khi đi chợ phiên, ông ta tự đo kích cỡ đôi chân mình, ghi vào một tờ giấy, rồi đặt lên bàn.

Sáng hôm ấy, lão phú ông vác ô đi thẳng ra chợ. Ông ta cứ lượn qua lượn lại, quan sát các hàng bán giày. Bước vào một cửa hàng giày vừa ý, lão phú ông vội móc túi tìm tờ giấy ghi rõ số đo chân mình. Lục tìm túi trên, túi dưới mãi chẳng thấy, lão ta chợt nhớ ra bỏ quên tờ giấy ấy ở nhà mất rồi!

Rất lịch sự, phú ông nói với người bán giày:

– Bác hãy chờ tôi một lát nhé! Tôi chạy về nhà lấy số đo đôi chân, rồi mới mua giày được!

Phú ông ba chân bốn cẳng hộc tốc chạy về nhà. Nhìn thấy tờ giấy ghi rõ số đo đôi chân, lão ta bóp trán mình, tự trách: “Mọi sự sang trọng ở đời đều có giá cả!” Đút tờ giấy vào túi, một tay giữ chặt lấy túi, lão ta lại đi vội ra chợ.

Đường tới chợ đâu có gần. Lão phú ông ra đến chợ thì chợ đã tan từ lâu rồi. Lão ta đứng tưng hửng một lúc rồi lẩn thẩn ra về.

Có người hàng xóm biết chuyện, nói với phú ông:

– Vì sao lúc ở chợ, bác không lấy đôi chân mình mà thử giày? Đi đi về về làm gì cho vất vả!

Phú ông trả lời rất nghiêm túc:

– Tôi chỉ tin tưởng ở cái số đo. Còn chân mình thì sao mà tin được!

Người hàng xóm mỉm cười, rồi nói:

– Bác nói chí phải!

Nguyễn Đức Lợi, 5A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản – Hà Nội

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Báu vật 

Ngày xưa, có một người nhặt được hòn đá bằng nắm tay, có màu sắc đẹp. Ông ta mừng lắm, đinh ninh là mình gặp hên. Trở về nhà, ông ta dùng lừa đỏ bọc ba bốn lần hòn đá lạ, rồi cất vào rương, khóa chặt lại.

Gần đây có một người buôn ngọc biết tin, vội đến xin được xem báu vật của ông ta. Rước khách vào nhà, rồi ông ta tắm gội, mặc trang phục vào, thắp hương lên bàn thờ, cung kính mở rương lấy báu vật ra.

Cầm lên tay ngắm nghía một lúc, vị khách tủm tỉm cười, nói với chủ nhân:

– Đây chỉ là hòn đá, chứ không phải ngọc đâu!

Nghe nói thế, người nhặt được hòn đá vẫn đinh ninh mình đã nhặt được ngọc quý; và nghĩ ông khách này đang rắp tâm lừa mình.

Thế mới hay, trên đời xưa nay, kẻ ngu dốt thường huyễn hoặc mình và làm trò cười cho thiên hạ!

Lê Hồng Hà, 5A, Trường Tiểu học Kim Liên – Hà Nội

Kể lại một truyện cổ dân gian mà em đã được nghe kể hoặc đã đọc:

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Con lừa và bóng của nó

Ngày xửa ngày xưa, có một người thích đi du ngoạn. Để bảo vệ sức khỏe của mình, anh ta tìm đến nơi cho thuê lừa để cưỡi. Ông chủ của con lừa đang rảnh rỗi nên yêu cầu cho ông ta đi cùng cho vui.

Mặt trời lên cao, chiếu ánh nắng gay gắt xuống khắp mọi nơi, hai người cảm thấy rất nóng bức khó chịu, mồ hôi nhễ nhại. Thế là họ dừng lại nghỉ, cả hai đều chọn cái bóng của con lừa để ngồi nghỉ cho mát. Nhưng rất tiếc, con lừa không lớn, bóng của nó chỉ che được cho một người.

Lúc ấy, người khách du lịch và ông chủ của con lừa bắt đầu lớn tiếng cãi nhau.

Người có con lừa cương quyết nói: ‘Tôi cho thuê con Lừa, chứ không cho thuê cái bóng của nó. Do vậy cái bóng thuộc về tôi”. Còn người khách du lịch thì nói, anh ta thuê Lừa, trong đó bao gồm bản thân và cả cái bóng của nó, cho nên anh ta hoàn toàn có lý do được hưởng quyền lợi đó. Hai người mỗi lúc một to tiếng rồi dẫn tới đánh nhau. Khi họ ngừng đánh nhau thì con lừa cũng vừa chạy mất.

Lê Thu Ngân, 5A,Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương – Huế

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Chồn và Chuột 

Có một con chồn vì tuổi già sức yếu, nên không còn linh hoạt tự mình kiếm ăn được nữa. Nó liền nghĩ ra một cách, hóa thân thành một con vật khác, rồi nấp vào trong một gốc cây ngồi đợi những con mồi tự động dẫn thân tới.

Một hôm, có một con chuột ngớ ngẩn vô ý đi ngang qua trước mặt chồn mà không hề phát hiện ra nó, thế là chuột con tội nghiệp đã bị con chồn bắt được và nuốt chửng vào bụng.

Cứ như vậy, một con, hai con, rồi ba con,… Ngày nào con chồn cũng được những bữa ăn no căng bụng.

Sau đó xuất hiện một con chuột giàu kinh nghiệm, nó đã nhiều lần thoát khỏi những cái bẫy đầy nguy hiểm của con người, mỗi lần ra ngoài kiếm ăn, nó đều quan sát rất kỹ xung quanh. Vì luôn cảnh giác và cẩn thận như vậy, nên nó rất nhanh phát hiện ra mưu kế của con chồn. Nó nhìn con chồn rồi cười mỉa mai, nói: “Hư! Này con cáo già đang nấp trong gốc cây kia, cái thân hình to lớn của ngươi nếu có thể làm cho nhỏ lại thì ngươi còn có nhiều cơ hội thành công hơn đấy!”.

Trương Hồng Bích, 5A, Trường Tiểu học Đông Ba – Huế

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5Kẻ ăn trộm lừa

Một người nông dân nuôi được một con lừa nhưng rồi một hôm anh ta phát hiện ra con lừa đã bị kẻ khác ăn trộm mất, tìm khắp nơi đều không thấy, cuối cùng anh ta quyết định mua một con lừa khác. Khi đi đến chợ anh ta phát hiện ra con lừa của mình đang bị rao bán. Người nông dân tiến lại gần và nắm lấy con lừa rồi kêu lên sung sướng: “Con lừa này của tôi, cuối cùng thì tôi cũng tìm được nó!”. Tên ăn trộm vội nói: “Này anh kia, lừa nào là của anh, con lừa này tôi mua năm ngoái, lừa thì con nào chẳng giống con nào?”.

Người nông dân vội che mắt con lừa và nói: “Được! Anh nối con lừa này là của anh, anh hãy chỉ cho tôi biết mắt nào của nó bị lòa”. Vì kẻ trộm lừa mới bắt được con lừa có mấy hôm nên không để ý liền đoán mò. “Mắt trái”. Người nông dân nói: “Sai rồi!”. Biết mình đã nói sai, không đợi người nông dân nói tiếp tên trộm vội cướp lời: “Vừa rồi ta nói nhầm, là mắt phải”.

Người nông dân kêu to: “Hắn chính là tên ăn trộm Lừa. Thực ra mắt con lừa không làm sao cả. Tôi chỉ dùng mưu kế để lòi cái đuôi Cáo của hắn ra mà thôi!”.

Lúc này mọi người đều vây quanh và giải tên trộm về thôn xét xử.

Triệu Văn Quang, 5C, Trường Tiểu học Đại Lộc – Quảng Nam

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Con khỉ thích bắt chước 

Một con khỉ ngồi trên một cây lớn ở ven hồ, nó thấy mấy người đánh cá đang kéo lưới bên cạnh hồ, nó hứng thú chăm chú quan sát để học từng động tác tung lưới của họ. Khỉ con vui mừng kêu chí chóe. Khi những người ngư dân cởi áo rải xuống đất làm đệm ngồi chờ cho cá vào lưới, Khỉ con ở trên cây cũng làm động tác cởi áo ở trên cành cây và vỗ bạch bạch rồi ngồi xuống.

Mặt trời càng lúc càng lên cao, ngư dân bỏ mũ trên đầu xuống làm quạt. Khỉ con lại học động tác quạt của ngư dân. Một lúc sau họ thu lưới đi ăn cơm. Khỉ con thấy mọi người bỏ lưới ở trên bờ thầm nghĩ rằng: “Vừa rồi mình đã học được các động tác của họ, bây giờ là lúc mình được thực hành rồi!”. Nó đắc chí rời cành cây và chạy tới bên hồ cầm lưới tung xuống nước để bắt cá.

Không ngờ những móc câu của lưới đã móc lấy đuôi của Khỉ. Khỉ con sợ hãi kêu chí chóe, nó xoay xoay người muốn gỡ lưới ra khỏi mình, nó quay người lung tung mong thoát ra khỏi cái lưới rối ren kia, nhưng lại mắc vào chân của nó. Khỉ con vội nhảy lên nhưng hai chân càng mắc chặt trong lưới, lúc này đã quá hốt hoảng, nó kêu thất thanh. Ngư dân nghe thấy vội chạy lại gỡ lưới ra cho Khỉ và mắng: “Cái con khỉ ngu dốt, ngươi tưởng rằng chỉ học qua một vài động tác là có thể bắt được cá sao?”.

Trần Đức Diệu, 5A, Trường Tiểu học Phan Bội Châu – Nghệ An

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Rùa con muốn về nhà

Trên đỉnh tầng lầu cao có một Thùng Nước béo và một chiếc Dây Điện gầy, một hôm chúng phát hiện thấy một Rùa đen nhỏ.

“Rùa đen nhỏ ơi, cậu làm thế nào mà bò được lên nóc nhà vậy!” Rùa con trả lời; ‘Tôi tìm đường để trở về nhà nhưng không biết nên trở về bằng lối nào. Các bạn chỉ giúp tôi hồ ao ở đâu vậy!” Thùng Nước béo và Dây Điện gầy nhìn bốn phía đâu đâu cũng là lầu cao chẳng thấy hồ ao ở nơi nào.

Nước ở trong Thùng Nước nói rằng: “Hồ ao ở phía chính Nam ấy, tớ từ bên đó tới đâỵ mà”. Rùa đen nhỏ vui mừng quá, nói: “Cảm ơn cậu, tôi phải về nhà đây!”. Dây Điện gầy vội ngăn lại nói: “Đợi một chút, cậu muốn đến bên cạnh hồ ao cần phải đi qua hùng trăm con đường lớn có rất nhiều xe qua lại nguy hiểm lắm”. Thùng Nước béo cũng nói: “Phải xuyên qua hàng trăm con đường mất rất nhiều thời gian. Nếu về được tới nhà cậu cũng trở thành Rùa đen già rồi!”.

Rùa con buồn bã đầu cúi gằm, nước mắt rơi lã chã. Dây Điện gầy chợt nghĩ ra một cách để giúp Rùa đen con, nó vội nói: “Tớ có cách rồi. Thế này nhé, tớ sẽ truyền ra một tin. Là Rùa con muốn trở về nhà, đến lúc đó sẽ có người đến giúp đỡ cậu”. Đúng vậy không lâu sau có chiếc xe của rạp xiếc phóng tới đỉnh của một nhà cao tầng. “Rùa con ơi! Cậu hãy cưỡi lên người tôi, tôi sẽ đưa cậu trở về nhà!”.

Những người qua lại trên đường phố rất ngạc nhiên khi trông thấy một chiếc xe đạp một bánh bên trên chở một con Rùa đen, họ vội tránh sang một bên nhường đường. Cuối cùng thì Rùa con đen cũng đã về tới nhà của mình là hồ ao xanh mát.

Lương Ngọc Phan, 5C, Trường Tiểu học Tây Sơn – Bình Định

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Ngựa con thông minh

Có một nông dân sống trong một ngôi làng nhỏ. Một hôm anh ta có việc phải vào thành phố, nhưng trong nhà chỉ có mỗi một con Ngựa cái sắp đẻ, vậy là chỉ có cách đem con Ngựa cùng đi. Đi đến nửa đường, Ngựa mẹ trở dạ và sinh ra một chú Ngựa con. Ngựa con lảo đảo cố dùng bốn chân yếu ớt của mình gượng đứng lên.

Một lúc sau, anh nông dân lại vội vã cưỡi lên Ngựa mẹ và tiếp tục lên đường. Ngựa mẹ phi rất nhanh, Ngựa con rất vất vả gắng hết sức mới theo kịp. Không lao lâu Ngựa con đau đầu, hoa mắt choáng váng và ngã quỵ xuống đất rồi không đứng dậy được nữa. Anh nông dân khó chịu nhìn Ngựa con rồi lại nhìn chặng đường phía trước vẫn còn rất xa. Anh ta nghĩ: “Hay ta giết quách con Ngựa con này đi cho rồi, nhưng ta lại không nhẫn tủm, nhưng nếu không giết nó thì thật là phiền phức, chỉ còn một cách duy nhất để tránh phiền phức là bắt Ngựa mẹ chạy nhanh để nó rớt lại phía sau”.

Ngựa con như đoán được ý nghĩ trong đầu của anh nông dân, nó liền nói: “Cậu chủ ơi, xin cậu hãy tìm một chỗ an toàn cho tôi nghỉ ngơi, nếu không tôi sẽ chết mất”.

Anh nông dân trả lời: “Nhưng ta không còn nhiều thời gian nữa mù đường đến thành phố thì lại còn rất xa, ta phải đi cho kịp”.

Ngựa con nói tiếp: “Nhưng cậu chỉ phải bỏ ra mấy phút thôi mà, sau này khi mẹ tôi già rồi, tôi sẽ thay mẹ tôi đưa cậu đi bất kỳ nơi đâu, nếu tôi chết đi thì đối với cậu chẳng có một chút lợi gì!”.

Anh nông dân nghĩ: “Ngựa con nói đúng”.

Thế là anh ta vội vàng từ trên lưng Ngựa mẹ nhảy xuống và làm đúng như lời yêu cầu của Ngựa con. Quả nhiên sau này Ngựa con đã thay mẹ giúp anh nông dân rất nhiều việc.

Lê Khánh An, 5D, Trường Tiểu học Yên Lập – Yên Bái

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Hoà thượng bủn xỉn 

Có một hòa thượng đến chợ mua một con lừa, ông ta nghĩ: “Nếu như mua một con lừa trưởng thành thì giá sẽ rất đắt, còn nếu như ta mua một con lừa con thì giá sẽ rất rẻ”. Nghĩ vậy, ông ta liền ‘mua một con lừa mới sinh đem về.

Ông ta không những không chăm sóc lừa con mà còn bắt nó phải làm những công việc rất nặng nhọc. Khi lừa con một tuổi nó đã phải cõng chủ nhân đi khắp mọi nẻo đường núi gập ghềnh. Khi lừa lớn hơn một chút chủ nhân bắt nó phải đeo trên lưng những đồ vật mà một con bò cũng không mang vác nổi.

Khi nó hai tuổi, chủ nhân bắt nó phải kéo đá từ sáng sớm tới tối mịt, hầu như không được nghỉ ngơi. Ngoài việc kéo cối xay ra còn phải kéo xe và làm những công việc nặng nhọc khác. Khi lừa hai tuổi rưỡi chủ nhân bắt nó đi cày, mọi người đều nói: “Những công việc nặng nhọc như vậy chỉ có hò và ngựa mới đủ sức làm thôi! Ông ta chỉ nuôi một con lừa con mù bát nó phải kiêm nhiều việc nặng nhọc như vậy sẽ có ngày bừa con chết mất!”.

Rồi một ngày kia quả nhiên lừa con kiệt sức mà chết. Hòa thượng lột da lừa làm mặt trống. Ông ta đi đâu cũng mang trống đi theo, cứ đi một bước lại gõ một tiếng. Lúc rảnh rỗi vừa gõ vừa hát. Những người hàng xóm hỏi ông ta: “Con lừa đáng thương của ông đâu rồi?” Ông ta liền trả lời: “Chết rồi! Coi như nó tốt số mà chết sớm, chứ còn sống chịu sao nổi những cái gõ này”.

Nguyễn Quý Dương, 5A, Trường Tiểu học Đằng lâm – Sơn Tây – Hà Nội

Kể lại một truyện cổ dân gian nước ngoài mà em đã được đọc

Kể lại truyện cổ Điều ước của vua Mi-đát

Biết vua Mi-đát tuy đã sống trong cảnh sung sướng giàu sang cực độ nhưng vẫn chưa thỏa mãn, một hôm thần Đi-ô-ni-dốt hiện ra phán bảo:

– Ta cho nhà ngươi được ước một điều, và sẽ linh nghiệm ngay”.

Vốn tham lam, vua Mi-đát vô cùng mừng rỡ, nói ngay:

– Xin Thần cho tất cả mọi vật, hễ tôi chạm đến đều hóa thành vàng !

– Ta sẽ làm cho nhà ngươi toại nguyện.

Vua Mi-đát thử bẻ một cành sồi, cành sồi liền biến ngay thành cành vàng. Vua nheo mắt cười. Vua cầm một quả táo, tức thì quả táo cũng hóa thành vàng. Vua tít mắt cười nghĩ trên thế gian này chẳng còn ai giàu sang, sung sướng hơn mình nữa !

Vua sung sướng ngồi vào bàn tiệc. Tất cả mọi thứ cao lương mĩ vị, đĩa bát, cốc chén… hễ vua vừa chạm tới đều biến thành vàng. Trước mặt vua là một mâm vàng, chất ngổn ngang vàng. Lúc bấy giờ con người hám vàng này mới kinh hãi biết mình đã xin Thần ban cho một điều ước khủng khiếp.

Bụng đói, miệng khát, mắt hoa lên. Vua Mi-đát quỳ xuống, chắp tay run run cầu khẩn:

– Xin Thần tha tội cho tôi. Xin Thần hãy cứu tôi và thu lại điều ước, để cho tôi được sống !…

Thần Đi-ô-ni-dốt liền hiện ra và phán:

– Hãy chạy ngay đến sông Pác-tôn, nhúng mình vào dòng nước. Phép màu sẽ hết linh nghiệm, và nhà ngươi sẽ rửa sạch được hết lòng tham !

Vua Mi-đát với đôi chân trần chạy bán sống bán chết đến sông Pác-tôn nhảy ùm xuống nước. Quả nhiên điều ước hết linh nghiệm. Lần ấy, nhà vua từng ngự trên ngai vàng mới thấm hiểu rằng hạnh phúc không thể xây dựng bằng mọi ước muốn tham lam !

Nguyễn Quỳ Châu, 5A, Trường Tiểu học Đại Lộc – Quảng Nam

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Công chúa tóc vàng

Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc nọ có một chàng trai tên là A-rô-ka thông minh, dũng cảm và giàu tình thương.

Một hôm, A-rô-ka câu được một con cá có hình thù kỳ lạ. Anh liền thả cá xuống nước. Lạ thay, con cá cất tiếng nói:

– Xin cảm ơn anh. Chẳng biết lấy gì đền ơn, tôi xin biếu anh viên ngọc này. Anh hãy nuốt viên ngọc vào bụng, anh sẽ nghe được tiếng nói của muôn loài…

Anh làm theo lời cá. về đến nhà, buổi trưa hôm ấy, có hai con chim đậu trên cửa sổ, mỏ ngậm một sợi tóc vàng óng ánh đang líu lo bàn tán về chuyện nàng công chúa tóc vàng đang bị giam hãm trong tòa lâu đài bằng pha lê ở cạnh khu rừng bên. Nghe chuyện, A-rô-ka xúc động lắm, anh vội ra đi, tìm đường đến cứu nàng công chúa tội nghiệp.

Anh đi qua một khu rừng có suối uốn quanh. Anh thấy hai con chim bay lượn nháo nhác vì chim non bị gió hắt rơi khỏi tổ chim. A-rô-ka nhẹ nhàng nhặt chim non đặt vào tổ. Đi được một quãng, anh lại cứu được bầy kiến đang bị lừa vây, cứu được con ong vàng vướng vào mạng nhện, cứu con cá chép mắc cạn kêu van. Tất cả các vật được cứu đều cất tiếng cảm ơn và nhận đưa đường cho A-rô-ka đến tận nơi nàng công chúa tóc vàng đang bị giam giữ.

Yêu tinh đón đường bất ngờ xuất hiện. Nó nhãn răng bạc, liếc mắt xanh nói với A-rô-ka:

– Chàng trai định đến cướp nàng công chúa xinh đẹp của ta ư? Hãy làm được ba điều sau thì chàng sẽ toại nguyện, bằng không thì chớ nghĩ đến chuyện trở về.

Yêu tinh bắt chàng trai nhặt hết, nhặt đủ những hạt ngọc trai li ti lấp lánh bị rơi vãi trên đám cỏ rậm. A-rô-ka đang lo lắng tìm kiếm, thì một bầy kiến hàng nghìn con từ đâu kéo đến, nhặt giúp chàng không thiếu một hạt nào!

Yêu tinh ném chiếc nhẫn ngọc lưu li xuống đáy hồ, rồi bảo A-rô-ka lặn xuống mò cho nó. Loáng một cái cá chép đã ngậm chiếc nhẫn ngọc lưu li trao cho anh.

Yêu tinh trố mắt nhìn anh, rồi nói:

Chàng trai hãy bước vào lâu đài nơi hiện có 50 giai nhân, tất cả đều bịt khăn phủ mạng. Hãy tìm đúng nàng công chúa đang đứng lẫn trong đó. Ong vàng bay tới lượn vòng, rồi bay đến một cô gái đang trùm khăn và cất tiếng hát:

Công chúa tóc vùng đây,

Chàng hãy đến ngay

Đưa nàng ra khỏi nơi này!…

A-rô-ka vội chạy đến đón công chúa, đặt nàng lên mình ngựa, phóng như bay về cung vua.

Từ đó, A-rô-ka trở thành phò mã. Chàng và nàng công chúa tóc vàng kiều diễm được sống hạnh phúc trọn đời.

Nguyễn Đức Nguyên, 5A, Trường Tiểu học Hoàng Diệu – Hải Phòng

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Nhà tiên tri 

Nhà vua được tâu trình là trong vương quốc của ông có một nhà tiên tri rất tài giỏi. Ngài bèn triệu nhà tiên tri tới và phán:

– Ngươi hãy nói cho ta rõ điều gì sẽ xảy ra với ngai vàng của ta sau vài phút nữa, nếu đoán sai ta sẽ chém đầu ngay!

Nhà tiên tri ung dung đáp:

– Tâu bệ hạ, thần chỉ có thể nói chắc chắn là theo tử vi, thần sẽ chết trước bệ hạ đúng một giờ đồng hồ, không sai một giây, một phút.

– Thật đúng như thế à?

– Tâu bệ hạ, quả đó là thiên định!

Nghe xong, nhà vua vội vã truyền lệnh, cấp cho nhà tiên tri một khoản trợ cấp lớn hàng tháng và ân cần dặn dò nhà tiên tri phải hết sức giữ gìn sức khoẻ.

Hoàng Xuân Sinh, 5B, Trường Tiểu học Yên Mô – Ninh Bình

Kể lại một truyện cổ nói về tài trí dân gian

Kể lại truyện cổ dân gian lớp 5: Thỏ thầy kiện

Rốc Say và Thi Say hai láng giềng cùng làm nghề bẫy thú. Thi Say thì tham lam, quỷ quyệt. Rốc Say thì siêng năng, hiền lành. Một lần cả hai cùng vào rừng gài bẫy thú. Thi Say gài bẫy trên ngọn cây. Rốc Say gài bẫy dưới đất. Sáng hôm sau, Thi Say dậy sớm, vào rừng. Hắn đã bắt con hươu bị sập bẫy của Rốc Say mắc vào bẫy của mình trên cây rồi lẳng lặng ra về. Rốc Say vào rừng thấy bẫy mình đã sập, có dấu máu mà con thú lại đang nằm trong bẫy Thi Say treo trên cây. Rốc Say kiện lên quan nhưng đã thua kiện vì “vật nào đã nằm ở đất của nhà ai thì thuộc về nhà ấy…”.

Thua kiện, Rốc Say ức lắm. tình cờ anh gặp Thỏ. Thỏ hứa sẽ giúp anh thắng kiện và chỉ xin trả công một nải chuối chín. Rốc Say xin quan hãy hoãn thi hành án và xử lại vào sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, trong lúc Rốc Say vô cùng nóng ruột thì Thỏ cứ khoan thai dềnh dàng. Sắp tan buổi chầu, Thỏ và Rốc Say mới đến hầu kiện. Quan đập bàn, quát, tuyên bố: “Y án hôm qua, không xử lại nữa”. Thỏ lễ phép nhận lỗi về chuyện đến hầu kiện muộn là tại mình, vì giữa đường đứng xem một bầy cá “nối đuôi nhau leo thẳng lên cây hái quả ăn!”. Quan đập bàn quát cho là chuyện vô lý. Thỏ ôn tồn thưa: “Có chuyện hươu trèo lên cây mắc bẫy sao lại không có chuyện cá leo cây hái quả ăn?”.

Quan tỉnh ngộ, xử cho Rốc Say thắng kiện. Lấy lại được hươu, anh biếu Thỏ một nải chuối chín.

Tạ Thanh Sơn, 5A, Trường Tiểu học Quang Trung – Hải Phòng

Trên đây là một số nội dung kể lại truyện cổ dân gian mà em đã nghe, đã đọc lớp 5, những câu truyện cổ dân gian trong nước và nước ngoài hay nhất dành cho các em lớp 5 tham khảo, còn rất nhiều những tài liệu tập làm văn lớp 5 hữu ích khác đang đợi các em khám phá đó nhé!

Cùng thcs-thptlongphu tham khảo tài liệu kể lại truyện cổ dân gian lớp 5, những câu truyện cổ mà em yêu thích đã được nghe, đã đọc.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ke-lai-truyen-co-dan-gian-lop-5/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp