Đề bài: Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em
Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em
Bạn đang xem: Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em
I. Dàn ý Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về truyện cổ tích Cây tre trăm đốt
2. Thân bài:
* Bối cảnh truyện
– Lão nhà giàu nhiều thóc nhiều tiền nhưng keo kiệt không muốn trả tiền công sức cho người làm.
– Anh nông dân nghèo nhưng thật thà, chăm chỉ và khỏe mạnh.
– Lão nhà giàu hứa với anh nông dân sau ba năm làm lụng cho hắn sẽ được gả con gái cho.
– Hết thời gian ba năm lão nhà giàu tính kế lừa anh nông dân.
* Diễn biến truyện
– Lão nhà giàu sai anh vào rừng chặt cây tre trăm đốt để làm đũa ăn cỗ
– Sau khi lừa anh nông dân đi chặt tre, ở nhà lão giàu liền tổ chức đám cưới linh đình, gả con gái cho tên nhà giàu khác.
– Anh nông dân tìm mãi không được cây tre trăm đốt, may nhờ có ông lão mách bảo và câu thần chú “Khắc nhập, khắc xuất” anh mới có được cây tre trăm đốt
– Trở về nhà anh biết mình bị lừa nên liền trả thù ông lão và những tên nhà giàu
* Kết thúc truyện
– Anh nông dân cưới con gái lão nhà giàu làm vợ, hai người sống rất hạnh phúc
3. Kết bài:
Cảm nhận của em sau đối với truyện cổ tích Cây tre trăm đốt
II. Bài văn mẫu Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em
1. Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em, mẫu số 1 (Chuẩn)
Nhắc đến những câu chuyện cổ tích em liên tưởng ngay đến những ông bụt, bà tiên, những vị thần giúp đỡ người tốt trong lúc nguy nan cấp bách hay đau khổ. Một trong những truyện cổ tích em được đọc nhiều lần và nhớ rõ từng chi tiết chính là truyện Cây tre trăm đốt.
Câu chuyện Cây tre trăm đốt kể về một lão nhà giàu và một anh nông dân nghèo. Lão nhà giàu tuy có tiền nhưng lại rất keo kiệt, chỉ biết ăn của người, anh nông dân nghèo phải đi cày thuê ruộng cho lão nhưng lão lại không muốn trả tiền liền nghĩ ra cách dỗ dành anh chịu khó cày bừa đủ ba năm sẽ gả con gái cho. Anh nông dân tính thật thà liền tin ngay, chăm chỉ làm lụng cả vụ lúa mùa đến vụ lúa chiêm, kiếm cho lão nhà giàu không biết bao nhiêu là thóc lúa.
Đến hạn ba năm trôi qua, lão nhà giàu không muốn gả con gái cho anh nông dân nên lừa anh đi chặt cây tre đủ 100 đốt về làm đũa cho cả làng ăn cỗ. Anh nông dân khờ tưởng cây tre trăm đốt có thật nên vào rừng chặt nhưng làm gì có cây tre nào đủ 100 đốt, may thay anh là người thật thà lại ăn ở tốt nên được trời thương, có một ông lão dạy anh đọc câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất”. Từ 100 đốt tre có thể liền thành một cây tre cao vút thẳng tắp, anh nông dân đã thành công có được cây tre đủ 100 đốt.
Thế nhưng khi mang tre về anh nông dân biết mình đã bị lừa, lão nhà giàu đang mở tiệc linh đình gả con gái cho tên nhà giàu khác. Thấy vậy anh ta liền đọc câu thần chú “khắc nhập” nhốt cả lão nhà giàu và những tên nhà giàu khác vào trong cây tre, lúc sau khi lão đã hứa gả con gái thì anh nông dân mới đọc “khắc xuất” để họ được ra ngoài.
Quả thực những người tốt sẽ luôn gặp điều lành, may mắn giống như câu “Ở hiền gặp lành” còn những người xấu ác trước sau gì cũng phải chịu quả báo cho những việc mình đã gây ra.
2. Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em, mẫu số 2 (Chuẩn)
Khi còn nhỏ, em thường được nghe ông và bà kể cho nghe những câu chuyện cổ tích rất ý nghĩa. Một trong số truyện cổ tích ông kể mà em ấn tượng nhất là truyện Cây tre trăm đốt, ông kể trong lúc em và ông cùng đi chặt tre làm diều.
Ngày xưa có một phú ông nhà giàu nhưng lại bủn xỉn keo kiệt, ông ta thuê anh nông dân nghèo có tính cần cù chịu thương chịu khó cày ruộng. Ông ta chỉ muốn anh nông dân làm cho mình mà lại không mất tiền thuê nên đã hứa hẹn rằng “Anh hãy chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm, hết thời gian đó ta sẽ gả con gái cho anh”. Anh chàng này tưởng thật, làm ngày làm đêm không quản mệt nhọc, mang về cho phú ông lúa thóc chất đầy kho.
Cuối cùng cũng đến hạn ba năm, đang háo hức được lấy con gái phú ông thì anh nông dân lại bị lão ta lừa. Một mặt phú ông bảo anh vào rừng chặt cây tre trăm đốt về làm đũa mời cỗ cả làng, mặt khác sau khi anh đi lão ta bèn mở tiệc gả con gái cho tên nhà giàu khác. Ở bên này anh nông dân sau khi vào rừng chặt hết cả rặng tre, quần áo rách tơi tả, chân tay bị cứa chảy máu vẫn không tìm được cây tre đủ 100 đốt. Nghe tiếng khóc của anh đã có một ông bụt hiện lên và trao cho anh câu thần chú “Khắc nhập, khắc xuất”, anh chặt đủ 100 đốt tre, đọc câu “khắc nhập” là từng đốt tre nhập thành cây tre đủ 100 đốt. Anh vui mừng đem tre về thì phát hiện ra phú ông lừa mình, anh liền đọc câu thần chú “khắc nhập” nhốt ông vào cây tre, sau khi nghe ông ta van xin và hứa không bày mưu lừa hại anh nữa anh mới đọc “khắc xuất” để thả ông ta ra. Từ đó anh nông dân lấy con gái phú ông và sống hạnh phúc đến cuối đời.
Tuy chỉ là truyện cổ tích nhưng thực sự rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phú ông và cây tre trăm đốt giống như những khó khăn, thử thách và chướng ngại mà ta phải vượt qua trong cuộc sống. Hãy luôn cố gắng và sống thật tốt, mọi chuyện sẽ luôn có cách giải quyết.
3. Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em, mẫu số 3 (Chuẩn)
Ngày nay khi tìm đọc những câu truyện cổ tích trên mạng hay tái bản ở những quyển truyện khác nhau em không có được cảm giác thích thú như câu chuyện mà bà vẫn kể. Có lẽ em đã bị giọng kể truyện của bà làm cho say mê nên khi đọc truyện, điều đó thôi thúc em muốn kể lại cho mọi người cùng nghe về truyện Cây tre trăm đốt em được nghe bà kể.
Hồi xưa ở làng nọ có một anh chàng chất phác, thật thà, chăm chỉ làm ăn nhưng lại rất nghèo, lại có một lão nhà giàu nứt đố đổ vách lắm tiền nhiều của nhưng lại keo kiệt, không muốn tự làm mà thuê người làm. Trò đời luôn như vậy, người ăn không hết kẻ lần chẳng ra, chuyện sẽ chẳng có gì nếu như lão nhà giàu trả tiền công cho anh nông dân, đằng này lão lừa anh làm vất vả làm lụng cho lão đủ ba năm rồi sẽ gả con gái cho. Anh chàng kia vì nghĩ mình nghèo lại lấy được con gái nhà giàu sẽ đỡ vất vả nên đồng ý ngay, hàng ngày đều chăm chỉ làm lụng bất kể mưa nắng. Nhà của lão đã giàu nay càng thêm giàu, tưởng rằng lão sẽ vì thế mà giữ lời gả con gái cho anh nhưng ai ngờ lão lại lừa anh.
Đến hạn ba năm, lão sai anh nông dân vào rừng chặt cây tre đủ 100 đốt rồi mới về làm đám cưới. Trên đời làm gì có cây tre nào lại cao và đủ trăm đốt cơ chứ, chính vì thế mà anh chàng tìm mãi không ra, chặt cây nào cũng chỉ 40-50 đốt. Lão nhà giàu thì đinh ninh đã lừa được anh nên đã tìm tên nhà giàu khác để tổ chức gả con gái đi trước khi anh nông dân về. Thế nhưng điều không ngờ rằng anh nông dân đã được bụt hiện lên giúp đỡ, không có cây tre trăm đốt thì đã có câu thần chú “Khắc nhập, khắc xuất” biến 100 đốt tre rời rạc thành một cây tre trăm đốt thẳng tắp.
Ban đầu anh nông dân mang bó đốt tre về lão nhà giàu lại càng thêm đắc chí, cười nhạo anh, khi ấy anh liền đọc “khắc nhập” đốt tre nhập thành cây tre và nhập cả lão nhà giàu vào thân cây. Thấy vậy lão nhà giàu rất sợ hãi, phải đồng ý gả con gái cho anh nông dân đồng thời hứa sẽ không lừa gạt người nữa.
Thật may mắn khi anh nông dân đã đòi lại được công bằng cho mình, truyện cũng nhắc nhở chúng ta về cách sống, cách làm người. Ở đời ai cũng phải sống sao cho tử tế và thành thật, không nên lừa gạt và dối trá.
———————HẾT———————–
Còn có rất nhiều câu truyện cổ tích với nội dung và ý nghĩa giáo dục tương tự như truyện này, các em có thể đọc và tham khảo qua các giọng văn kể khác nhau ở dưới đây Kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em, Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em, Hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ, Kể lại truyện cổ tích Sọ dừa bằng lời văn của em.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp