Đề bài: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
Bạn đang xem: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
3 bài văn mẫu Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
Bài mẫu số 1: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
Nếu có ai hỏi: “Người thầy, cô giáo em quý mến nhất trong suốt năm năm học tiểu học của em là ai?” Thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay: “Đó là thầy Nha”. Người thầy giáo đã tận tình dạy dỗ em năm lớp một. Và với em đó cũng là người cha thứ hai của mình.
Mặc dù bấy giờ thầy trò đã xa nhau. Nhưng những kỉ niệm sâu sắc năm em còn học lớp 1C của thầy thì không thể nào quên được. Ở lớp, em là đứa duy nhất viết tay trái nên thầy vẫn phải thường cầm bàn tay em nắn nót từng nét chữ. Và mặc dù thầy hết lòng dạy dỗ mà các ngón tay của em cứ nhất quyết không chịu nghe lời. Các chữ cái a, ă, â,… chẳng bao giờ ngay hàng thẳng lối và lúc nào cũng méo mó như bị ai nện một cây gậy vào. Ấy vậy mà bàn tay trái tuy không có ai dạy dỗ cả mà lại viết đẹp hơn nhiều. Khiến cho thầy phải thốt lên: “Thật là ngược đời”. Một hôm, khi tới giờ tập viết – tiết học căng thẳng nhất của em lúc ấy khi thấy thầy ra ngoài lớp nghe điện thoại. Thầy vừa bước ra khỏi cửa là em vội vàng đổi sang viết tay trái. Đến cuối giờ, thầy bảo em đưa vở lên chấm. Em hồi hộp đưa mắt nhìn thầy, bỗng thầy ngồi dậy, xoa đầu em:
– Hôm nay Thăng giỏi quá! Viết đẹp ghê ta! Có sự tiến bộ vượt bậc đấy.
Rồi thầy quay xuống lớp kêu to:
– Để mừng sự tiến bộ của bạn, các em cho một tràng pháo tay nào!
Nhìn sự mừng rỡ không một chút nghi ngờ trong đôi mắt thầy mà trong lòng em thấy hổ thẹn vô cùng. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ. Đến sáng hôm sau, em quyết định sẽ nói hết sự thật với thầy. Nhưng ngồi trong lớp, em không đủ can đảm để nói ra sự thật với tất cả các bạn và thầy. Mãi đến lúc tan trường, khi các bạn đã về hết và thầy cũng định đi về thì em mới nói với thầy:
– Thầy ơi, em có chuyện muốn nói.
Thầy đưa mắt nhìn em, hỏi:
– Thăng em, em có chuyện gì thế?
Nghe thầy hỏi, mặc dù đã chuẩn bị kĩ cho giờ phút này nhưng em vẫn thấy chột dạ. Ấp a, ấp úng mãi, em mới nói được một câu:
– Thưa th…â…ầy, chuyện ngày hôm qua em…
– Chuyện ngày hôm qua nó làm sao?
Em bật khóc:
– Thưa thầy, hôm qua em đã nói dối thầy. Bài tập viết đó không phải do em nắn nót bàn tay phải như thầy đã dạy mà đó là thành quả của … bàn tay trái ạ.
Nghe em nói, khuôn mặt thầy lộ vẻ buồn phiền và hơi giận dữ, nhưng chỉ một lát sau, khuôn mặt ấy là trở về vẻ hiền từ. Thầy lấy tay gạt nước mắt của em bảo:
– Nín đi, con trai mà khóc nhè thì xấu lắm đấy. Chuyện lầm lỗi ai chẳng có một lần mắc phải. Nhưng quan trọng là người đó có biết nhận lỗi như em hay không? Thôi, em về đi, chuyện lần này thầy có thể bỏ qua, nhưng lần sau không được phạm phải nữa đâu nhé! Về đi.
Em mừng rỡ cảm ơn thầy rồi ôm cặp, nhanh chân bước về nhà và thầm hứa với lòng mình từ nay sẽ chuyên tâm học hành nghiêm chỉnh để không phụ lòng thầy.
Bấy giờ, khi đã rời xa mái trường tiểu học mến yêu, thời gian có thể trôi qua, mọi thứ có thể phai nhoà theo năm tháng. Nhưng hình ảnh người thầy đáng kính sẽ mãi mãi theo em đến suốt cuộc đời.
Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Tuần 6 nhằm chuẩn bị trước nội dung bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Tuần 6 SGK Tiếng Việt lớp 5.
Bài mẫu số 2: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.
Em còn nhớ rõ, năm em học lớp hai, ngày đầu tiên cô Thanh bước vào lớp với dáng vẻ rất hiền hậu. Cô còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy. Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.
Em còn nhớ có một hôm, khi học xong tiết cuối bỗng nhiên em bị sốt, người nóng ran. Cô đã không ngại đường xa chở em về nhà, báo cho mẹ em biết bệnh tình của em. Sau đó em nghỉ học mấy ngày để bình phục do bị sốt siêu vi. Dù không đi học những bữa nào cô cũng đến thăm em và phân công các bạn thay phiên chép bài cho em. Chỗ nào em không hiểu cô sẽ giảng lại tường tận. Bạn nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn cô cũng giúp đỡ, có khi còn đóng tiền học phí dùm cho một bạn trong lớp có hoàn cảnh mồ côi ba mẹ ở với bà ngoại. Trong lớp ai cũng quý mến cô, ngày Nhà giáo Việt Nam chúng em tặng quà cho cô cô chỉ cười bảo: “Món quà quý nhất với cô đó là kết quả học tập thật giỏi của các em đó!” Ngoài việc dạy kiến thức ở trường, cô còn dạy cho chúng em kĩ năng múa hát.
Giờ đây, tuy đã xa cô nhưng em vẫn nhớ mãi từng nụ cười, ánh mắt, giọng nói dịu dàng của cô. Cô đã truyền cho em một tấm lòng nhân hậu, dạy em biết cách yêu thương và quan tâm đến mọi người, tin yêu cuộc đời. Em tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để cho cô vui lòng, trở thành con ngoan, trò giỏi và một người có ích cho xã hội. Cô là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.
Để hoàn thiện bài văn viết về kỉ niệm với thầy cô giáo, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nhân ngày 20/11 kể cho các bạn nghe về kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
Bài mẫu số 3: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em
Ngày ấy tôi mới vào học lớp 1. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không mướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô ăn mặc giản dị nhưng lịch thiệp. Ấn tượng nhất ở cô là đôi mắt sáng, nghiêm nghị mà dịu dàng. Cái nhìn vừa yêu thương vừa như dò hỏi của cô cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên…
Hôm ấy là ngày thứ 7. Mai có một chiếc bút máy mới màu trắng sọc vàng với hàng chữ “My pen” lấp lánh và những bông hoa nhỏ xíu tinh xảo ẩn nấp kín đáo mà duyên dáng ở cổ bút. Tôi nhìn cây bút một cách thèm thuồng, thầm ao ước được cầm nó trong tay…
Đến giờ ra chơi, tôi một mình coi lớp, không thể cưỡng lại ý thích của mình, tôi mở cặp của Mai, ngắm nghía cây bút, đặt vào chỗ cũ rồi chẳng hiểu vì sao tôi bỗng không muốn trả lại nữa. Tôi muốn được nhìn thấy nó hàng ngày, được tự mình sở hữu nó, được thấy nó trong cặp của chính mình…
Hết giờ ra chơi, các bạn chạy vào lớp, Mai lập tức mở cặp và khóc oà lên khi thấy chiếc bút đã không cánh mà bay! Cả lớp xôn xao, bạn thì lục tung sách vở, bạn lục ngăn bàn, có bạn bò cả xuống gầm bàn ngó nghiêng xem chiếc bút có bị rơi xuống đất không… Đúng lúc đó, cô giáo của chúng tôi vào lớp! Sau khi nghe bạn lớp trưởng báo cáo và nghe Mai kể chi tiết về chiếc bút: nào là nó màu gì, có chữ gì, có điểm gì đặc biệt, ai cho, để ở đâu, mất vào lúc nào… Cô yên lặng ngồi xuống ghế. Lớp trưởng nhanh nhảu đề nghị:
– Cô cho xét cặp lớp mình đi cô ạ!
Cô hình như không nghe thấy lời nó nói, chỉ chậm rãi hỏi:
– Ra chơi hôm nay ai ở lại coi lớp?
Cả lớp nhìn tôi, vài giọng nói đề nghị xét cặp của tôi, những cái nhìn dò hỏi, nghi ngờ, tôi thấy tay mình run bắn, mặt nóng ran như có trăm ngàn con kiến đang bò trên má. Cô giáo tôi nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trường, chỉ một cái gật đầu của cô lúc này, cái cặp bé nhỏ của tôi sẽ được mở tung ra…Bạn bè sẽ thấy hết, sẽ chê cười, sẽ chẳng còn ai chơi cùng tôi nữa…Tôi sợ hãi, ân hận, xấu hổ, bẽ bàng…Tôi oà khóc, tôi muốn được xin lỗi cô và các bạn… Bỗng cô giáo của tôi yêu cầu cả lớp im lặng, cô hứa thứ hai sẽ giải quyết tiếp, giờ học lặng lẽ trôi qua…
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, cô bước vào lớp, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô nhẹ nhàng đến bên Mai và bảo:
– Hôm thứ bảy bác bảo vệ có đưa cho cô cây bút và nói rằng bác nhặt được khi đi đóng khoá cửa lớp mình, có phải là cây bút của em không?
Mai cầm cây bút, nó sung sướng nhận là của mình, cô dặn dò cả lớp phải giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận, giờ học trôi qua êm ả, nhẹ nhàng…Ra chơi hôm ấy, các bạn lại ríu rít bên tôi như muốn bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Chỉ riêng tôi là biết rõ cây bút thật của Mai hiện ở nơi đâu…
Sau đó vài ngày cô có gặp riêng tôi, cô không trách móc cũng không giảng giải gì nhiều. Cô nhìn tôi bằng cái nhìn bao dung và thông cảm, cô biết lỗi lầm của tôi chỉ là sự dại dột nhất thời nên đã có cách ứng xử riêng để giúp tôi không bị bạn bè khinh thường, coi rẻ…
Năm tháng qua đi, bí mật về cây bút vẫn chỉ có mình tôi và cô biết. Nhưng hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi tự thấy mình đã đủ can đảm kể lại câu chuyện của chính mình như là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống.
Giờ đây tôi đã lớn, đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về lỗi lầm và sự bao dung! Và có lẽ trong suốt cả cuộc đời mình, tôi sẽ chẳng lúc nào nguôi nỗi nhớ về cô như nhớ về MỘT CON NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG CAO CẢ
Trong chương trình học Tiếng Việt lớp 5 phần bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tuần 8 là một nội dung quan trọng các em cần chú ý Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tuần 8 đầy đủ.
Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Luyện từ và câu: Ôn tập về từ loại, tuần 14, tiết 1 nhằm chuẩn bị cho bài học này.
Ngoài ra, Soạn bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hạnh phúc là một bài học quan trọng trong chương trình Tiếng Việt lớp 5 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.
Những bài viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường là những mẩu chuyện nhỏ được các bạn học sinh, sinh viên kể lại theo trí nhớ của mình về những câu chuyện mà họ nhớ nhất về những người thầy cô giáo, về mái trường đã gắn bó bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của học sinh, sinh viên, cảm xúc chợt ùa về trong ta khi đọc những mẩu chuyện nhỏ viết về những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường , nó mang đến bao nhiêu điều tuyệt duyệt mà chỉ có thời học sinh hồn nhiên mới có.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp