Một số cách kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
1. Kết bài số 1:
Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Nguyễn Thành Long đã để lại một hình ảnh thật đẹp về nhân vật anh thanh niên hay cũng chính là những con người vô danh vẫn ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước. Cũng chính cái vô danh của của họ đã làm nên cái hữu danh của đất nước. Câu chuyện không chỉ mang đến một hình ảnh đẹp đẽ, xúc động về người lao động mà còn gợi nhắc ở mỗi chúng ta ý thức, trách nhiệm học tập để đóng góp, xây dựng đất nước, xã hội.
Bạn đang xem: Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
2. Kết bài số 2:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khép lại, đọng lại trong ấn tượng chúng ta không chỉ là khung cảnh Sa Pa rộng lớn, thơ mộng nhưng vắng lặng, thiếu vắng sự sống con người mà còn là hình ảnh sáng ngời của những con người lao động bình dị, vô danh mà trong tác phẩm này được gợi nhắc đến chính là anh thanh niên. Hình ảnh anh thanh niên cũng chính là biểu tượng cho những con người lao động vô danh có vẻ đẹp trí tuệ, lí tưởng sống cao đẹp, dẫu khó khăn đơn độc nhưng vẫn âm thầm đóng góp, cống hiến sức lực cho sự phát triển của đất nước.
3. Kết bài số 3:
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết tinh cho tài năng và tấm lòng của nhà văn Nguyễn Thành Long với vùng đất Sa Pa và con người lao động nơi đây. Trong không gian lạnh lẽo, rộng lớn ở Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã có phát hiện quan trọng về những con người vẫn đang âm thầm, lặng lẽ làm việc, cống hiến cho đất nước, quê hương, đó là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét. Tình yêu nghề, sự nhiệt huyết trong công việc của anh thanh niên đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
4. Kết bài số 4:
Qua câu chuyện về anh thanh niên làm công tác khí tượng sống một mình trên đỉnh Yên Sơn quanh năm mây mù tuyết phủ, ta chợt nhận ra rằng “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long không hề lặng lẽ, bởi ở đó vẫn có sự xuất hiện của những con người vô danh với những công việc lao động thầm lặng, họ sống hết mình với lí tưởng, nhiệt huyết với công việc, tuy sống ở nơi hoang vắng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng họ vẫn hạnh phúc làm những công việc ý nghĩa, vậy sao có thể coi là lặng lẽ. Truyện ngắn giúp chúng ta hiểu hơn về những con người thầm lặng, những công việc thầm lặng để từ đó tự nhắc nhở bản thân cần sống ý nghĩa, sống hết mình cho đam mê để tạo ra cái đẹp cho cuộc đời.
5. Kết bài số 5:
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã tập trung bút lực ca ngợi những con người lao động thầm lặng: dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn gian khổ, hết mình cho đam mê. Trong truyện ngắn, chúng ta đã được làm quen với rất nhiều nhân vật, đó là anh thanh niên, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, họ có cuộc gặp gỡ tình cờ tại đỉnh Yên Sơn. Tuy mỗi người có một công việc, tính cách riêng nhưng cùng gặp gỡ trong thái độ nghiêm túc, say mê trong công việc, bởi vậy Lặng lẽ Sa Pa còn là bức tranh tuyệt đẹp về những con người lao động vô danh nhưng lại hữu danh trong chính công việc lao động của mình.
—————–HẾT——————-
Những mẫu Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa trên đây của chúng tôi chắc hẳn là những gợi ý cần thiết và hữu ích cho các em trong quá trình những đề văn có liên quan đến tác phẩm. Em cũng có thể học hỏi thêm các cách viết kết bài qua Những bài văn hay lớp 9 đã được tuyển chọn: Kết bài đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán; Kết bài đoạn trích Cảnh ngày xuân; Kết bài đoạn trích Những đứa trẻ; Kết bài bài thơ Đoàn thuyền đánh cá; Kết bài đoạn trích Cố hương;…
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp