Đề bài: Lẽ ghét thương- những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu
Phân tích những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu trong bài Lẽ Ghét Thương
Bạn đang xem: Lẽ ghét thương- những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu
I. Dàn ý Lẽ ghét thương- những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích “Lẽ ghét thương”.
2. Thân bài
– Nhà thơ bàn về nỗi ghét:
+ Ghét những việc vu vơ, không có ý nghĩa gì.
+ Đối tượng ghét: Ghét những kẻ cầm quyền tranh giành quyền lực, không quan tâm đến đời sống nhân dân, đẩy nhân dân vào nạn binh đao, ghét những kẻ ăn chơi sa đọa gây khổ cực cho nhân dân.
+ Ví dụ: Vua Kiệt, Trụ, U, Lệ, đời Ngũ bá, thúc quý.
+ Thái độ ghét rõ ràng, dứt khoát…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Lẽ ghét thương- những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu tại đây.
II. Bài văn mẫu Lẽ ghét thương- những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu (Chuẩn)
“Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Nguyễn Đình Chiểu không chỉ nổi tiếng với những vần thơ chân thực, giản dị mà ông còn được biết đến là một nhà thơ có tư tưởng nhân đạo lớn. Các sáng tác của ông đều thể hiện lòng thương dân sâu sắc, tiêu biểu là đoạn trích “Lẽ ghét thương”.
Đây là đoạn thơ có vị trí từ câu 473 đến câu 504 trích trong “Truyện Lục Vân Tiên” kể về cuộc đối thoại giữa ông Quán và Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm đồng thời cũng thể hiện tình cảm yêu ghét rõ ràng của tác giả. Ông Quán không phải nhân vật chính của tác phẩm nhưng lại chiếm được nhiều cảm tình của bạn đọc bởi đó là nhân vật đại diện cho tiếng nói, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu. Ông là người có học thức, trí tuệ, hiểu biết nhưng lại mang dáng dấp của một nhà nho ở ẩn:
“Quán rằng: Kinh sử đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa.
Hỏi thời ta phải nói ra,
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Có lẽ trước đây, ông cũng từng đi thi, cũng từng có ước muốn làm quan giúp dân giúp nước. Tính cách của ông tiêu biểu cho tính cách bộc trực, thẳng thắn của những người dân Nam Bộ. Họ yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn. Ông Quán cũng vậy nhưng suy cho cùng thì đối với ông, mọi nỗi ghét đều bắt nguồn từ niềm thương. Tuy thương và ghét là hai phạm trù đối lập nhau nhưng chúng lại bổ sung, hỗ trợ cho nhau về phương diện ý nghĩa.
Vì thương dân nên ông Quán mới “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”:
“Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm, sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ bá phân phân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời thúc quý phân băng,
Sớm đầu, tối đánh lằng nhằng rối dân”.
Ông Quán ghét những chuyện vu vơ, hão huyền, những chuyện vô bổ, không có ý nghĩa. Ông ghét đời vua Kiệt, vua Trụ bạo ngược, vô nhân đạo trong lịch sử Trung Quốc. Hai đời vua đó hoang dâm vô độ, để thỏa mãn những trò dâm loạn của mình, vua còn cho đào hầm, đào ao rượu, núi thịt bóc lột biết bao sức lao động của nhân dân. Không chỉ vậy, đời vua U Vương và Lệ Vương vô cùng tàn bạo, gây ra nhiều chuyện rắc rối. Họ sai quân đốt lửa hiệu trên núi Li Sơn để quân chư hầu tưởng Kinh Đô xảy ra chuyện nên kéo quân đến ứng cứu chỉ để làm cho người đẹp Bao Tự cười và còn cho người xé vải lụa cả ngày để Bao Tự nghe. Đến đời Ngũ bá, thúc quý thì chia lìa, tan tác, chiến tranh xảy ra liên miên khiến nhân dân lâm vào cảnh khốn đốn, nhọc nhằn. Thời Ngũ bá là thời năm vua chư hầu kế tiếp nổi lên làm bá chủ. Họ dựa trên uy lực, kéo bè cánh đánh lẫn nhau, gây nên tình cảnh rối rắm, loạn lạc. Đó là các việc làm thể hiện bản chất xa hoa, dối trá, tàn bạo của các vị vua Trung Quốc. Đó là các vị vua sống trên mồ hôi, máu và nước mắt của những người dân vô tội. Vì quyền lực mà họ tranh giành nhau dẫn đến cuộc sống lầm than của nhân dân. Thay vì chăm lo đến đời sống nhân dân thì họ lại ăn chơi sa đọa, đẩy nhân dân vào sự cực khổ, điêu linh. “Đắng”, “cay” là những từ chỉ mùi vị nhưng trong trường hợp này, “đắng”, “cay” chỉ mức độ ghét của nhà thơ đối với những kẻ không chăm lo đến đời sống nhân dân.
Tuy ghét cay, ghét đắng nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng thương hết lòng:
“Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông.
Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.
Thương thầy Đổng Tử cao xa
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời iểu, tối đày đi xa.
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”.
Nguyễn Đình Chiểu đã mượn lời ông Quán để bày tỏ lòng thương. Khổng Tử là ông tổ của nền Nho giáo, ông tổ nền tinh thần của xã hội phong kiến xưa. Khổng Tử nổi tiếng là người tài giỏi và có rất nhiều học trò theo học. Ông được coi là bậc thánh nhân khi tìm tới các nước chư hầu như Tống, Vệ, Trần, Khuông để tìm cách hành đạo. Vượt qua bao gian nan,vất vả mà Khổng Tử cũng không tìm được người đồng đạo với mình. Nhan Hồi là học trò đức hạnh nhất của Khổng Tử nhưng không may mất sớm. Tác giả thương tiếc cho số phận bạc mệnh của thầy Nhan Tử vì nhân loại đã mất đi một người tài năng. Ông thương cho Gia Cát Lượng tài ba có lí tưởng khôi phục nhà Hán nhưng đến lúc chết vẫn chưa hoàn thành ý nguyện do không gặp đúng thời. Đến lúc Gia Cát Lượng qua đời thì ba nước Ngụy, Thục, Ngô vẫn phân tranh. Tác giả còn thương cả những bậc học rộng, tài cao, có chí nhưng lại không được trọng dụng như Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ hay thầy Liêm, thầy Lạc.
Nhà thơ đã liệt kê ra những minh chứng điển hình và sử dụng điệp từ “ghét” , “thương” nhằm mục đích nhấn mạnh đến nỗi ghét, niềm thương của bản thân. Ghét bắt nguồn từ thương. Ông thương nhân dân cực khổ, điêu đứng. Ông thương những người tài không được trọng dụng để giúp dân, giúp nước. Lời thơ giản dị, mộc mạc đã giúp bạn đọc có thể hiểu sâu hơn về quan niệm ghét – thương của Nguyễn Đình Chiểu.
——————– HẾT —————–
Với việc tìm hiểu bài mẫu phân tích Lẽ ghét thương – những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu, các em đã phần nào hiểu được quan điểm của tác giả về nỗi ghét, tình thương ở đời. Tiếp theo, để hiểu rõ hươn về phong cách thơ cũng như tính cách bộc trực, giàu tình thương của tác giả, các em có thể tham khảo bài viết Soạn bài Lẽ ghét thương, Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương, Nêu những bài học thấm thía nhất về cuộc đời và thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Dàn ý cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương,…
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp