Đề bài: Một số áng thơ văn được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc
Bài làm:
Bạn đang xem: Một số áng thơ văn được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải chịu ách đô hộ và xâm lược của biết bao kẻ thù. Khát vọng của đất nước cũng là tiếng lòng của triệu triệu con dân mong muốn hoà bình, an ổn, giữ gìn lãnh thổ, mảnh đất cha ông để lại và nền độc lập nước nhà. Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó là một tư tưởng từ bao đời, được kế thừa và phát huy qua bao thế hệ vẫn sáng ngời tinh thần ấy. Những trang sử chói lọi của dân tộc đã đi vào văn học nước nhà, viết nên những áng thơ văn bất hủ mà đời đời ca tụng. Nó còn trở thành những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc qua mỗi thời kì lịch sử.
Bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt được viết vào những ngày trận chiến đấu giữa quân ta với đội quân Quách Quỳ sang xâm lược nước ta. Sông Như Nguyệt trở thành bãi chiến trường phơi xác quân thù. Bài thơ như một khúc ca hào hùng, khẳng định niềm tự hào, lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm – bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”
Tác giả đã khẳng định chủ quyền của đất nước, sông núi, bờ cõi nước Nam là của vua Nam. Đó là một lẽ tất yếu, thuận ý trời, được lòng người. Trời là chứng nhân cho sự thật lịch sử ấy, sông núi nước Nam là của nhân dân nước Nam từ bao đời nay vẫn vậy, không ai có thể chối cãi được. Đó là niềm tin bất diệt, là sự tự tôn của dân tộc. Bằng lời lẽ mạnh mẽ, chắc chắn, tác giả đã nêu lên ý chí, quyết tâm mãnh liệt gìn giữ chủ quyền và nền độc lập của trời Nam, của bờ cõi nước Nam:
“Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Một hành động bạo ngược, không xem ai ra gì của kẻ thù, ngang nhiên sáng xâm chiếm bờ cõi đất nước khác. Hành động ấy là phi nghĩa, trái với lương tri và đạo đức, là xâm phạm đến tình thần yêu hoà bình, xâm phạm đến chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia khác. Đó là hành động đi ngược với lòng người, trái với “sách Trời” khiến người người căm phẫn. Bằng giọng thơ hùng hồn, tác giả đã bày tỏ sự căm phẫn của mình trước tội ác của quân xâm lược. Hành động phi nghĩa không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Đây cũng là lời khẳng định của tác giả về niềm tin và ý chí, vào chính nghĩa và sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Quân giặc sẽ chuốc lấy bại vong bởi tất cả những hành động ngang tàn, ngang nhiên của chúng.
Đến với áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, tư tưởng yêu nước ấy vẫn chực trào dâng mãnh liệt qua từng nét bút. Bài thơ được Nguyễn Trãi thừa lệnh vua Lê Lợi soạn nhằm tuyên bố cuộc kháng chiến chống giặc Minh của quân ta đã đi đến thắng lợi rực rỡ. Với tưởng yêu nước, tư tưởng nhân dân, tác giả đã thể hiện niềm tự hào vô cùng mạnh mẽ trước thắng lợi của quân ta và tinh thần, khí phách của nhân dân.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.”
Với ông, dân là gốc, việc nhân nghĩa ở đời là vì dân, là lo cho đời sống nhân dân được yên ổn, ấm no. Nhân dân chính là tài sản của một đất nước. Việc nhân nghĩa còn là đứng lên đấu tranh trừ bọn gian tà, bạo ngược. Nhân nghĩa chính là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định các yếu tố của một quốc gia độc lập và hào kiệt, nhân tài của non sông của đất nước để thấy được sự lớn mạnh của dân tộc ta, để quân giặc biết được chúng ta sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước một kẻ phi nghĩa nào.
Lời thơ xót xa trước bao cảnh bóc lột, đàn áp đầy tàn nhẫn của chúng, là tiếng nói căm phẫn, là tiếng khóc nghẹn ngào cho những hi sinh của nhân dân ta: Bao chế độ thuế cao sưu nặng, lòng tham vô nhân tính, khiến cho cuộc sống của nhân dân hủy hoại, điêu tàn:
“Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng.”
Có áp bức tất có đấu tranh, từ trong khổ đau nhân dân ta đồng lòng đứng lên chống giặc, bằng tinh thần đoàn kết một lòng, vượt qua những khó khăn thử thách, bằng chiến lược tài ba cùng cùng ngọn cờ yêu nước đã dấy lên khởi nghĩa giành độc lập. Vượt qua bao chặng đường gian khổ, bao gian nan khó khăn bằng tinh thần bền bỉ, cuộc chiến của ta đi đến thắng lợi trong vinh quang, quân giặc thảm bại nặng nề. Nhân dân từ đây được an ổn, yên vui, hướng tới một tương lai tươi sáng cho đất nước, cho dân tộc:
“Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
u cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;”
Lời văn biền ngẫu da diết, hùng tráng, ngòi bút sắc sảo của tác giả đã rạch mặt tội ác của kẻ thù xâm lược, khắc hoạ không khí chiến trận sôi nổi hào hùng của khởi nghĩa, tiếng thơ ngợi ca chân lí nhân nghĩa, ngợi ca tự hào về tình thần đấu tranh của dân tộc, là tiếng ca hân hoan trong niềm vui đón đợi một tương lai thịnh trị, phồn vinh. Bình Ngô đại cáo xứng đáng trở thành một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.
Nếu hai bản tuyên ngôn trước, nước ta vẫn phải chịu tầng áp bức, sống trong chế độ quản chủ chuyên chế hà khắc thì bản Tuyên ngôn độc lập của Bác mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hoà. Bác đã khẳng định việc xoá bỏ giai cấp phong kiến chuyên chế, hất cẳng Pháp, xoá bỏ mọi liên quan của chúng tới nước nhà ta, đánh đuổi phát xít và bao kẻ liều mạng xâm lăng khác để xây dựng nên nhà nước Dân chủ pháp quyền. Bằng lời lẽ hùng hồn, lập luận chặt chẽ, Bác đã vạch mặt tội ác thực dân trên mọi mặt của chúng, minh chứng Pháp là một kẻ đê hèn, bạo ngược. Việt Nam đã đứng lên giành lại đất nước từ tay Nhật bằng sức mạnh đoàn kết, tinh thần quyết tâm và lòng yêu Tổ quốc sâu sắc và ý thức nhân dân cao cả. Nhân dân Việt Nam có quyền được quyết định tương lai của chính mình, quyết định số phận cho dân tộc mình. “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Cuối lời tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đại diện cho toàn thể nhân dân trên đất nước Việt Nam đưa ra lời tuyên bố thiêng liêng và trịnh trọng nhất về chủ quyền dân tộc: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”… “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Và nền độc lập, dân chủ của nước ta bắt đầu từ thời khắc thiêng liêng ấy. Những tư tưởng trong Bản Tuyên ngôn độc lập được Bác viết bằng cả trái tim ấy luôn còn mãi với thời gian. Mãi mãi là những “kim chỉ nam” để Đảng và nhân dân, những thế hệ mai sau học tập, sống và làm việc theo tư tưởng của Người.
Cả ba bản tuyên ngôn tuy được viết vào những thời điểm lịch sử khác nhau của dân tộc nhưng đều thể hiện được bản lĩnh, ý chí bất khuất, kiên định, lòng tự hào và tinh thần quyết tâm giữ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Theo sự phát triển của lịch sử, tư tưởng qua mỗi bản tuyên ngôn ngày càng tiến bộ và giàu giá trị hơn. m hưởng của những bản tuyên ngôn ấy luôn mãi vang vọng và là niềm tự hào trong mỗi chúng ta .
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp