Đề bài: Nêu cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Bạn đang xem: Nêu cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Bài làm:
Với chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng khơi bao nguồn cảm hứng, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bài thơ Con cò với âm hưởng của lời ru, của ca dao từ bao đời nay với một cảm xúc êm đềm, chậm rãi có sự suy tưởng triết lý, lấy cánh cò làm biểu tưởng cho tình mẹ. Nguyễn Khoa Điềm lại có sự khác biệt, trong tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ông cũng viết về tình mẫu tử thiêng liêng bằng âm hưởng của lời ru. Tuy nhiên hình ảnh người mẹ Tà-ôi ở thơ ông hiện lên một cách trực tiếp mộc mạc và chân thành, không phải vòng vo ẩn dụ, phải suy tưởng, thông qua những vất vả, khó nhọc trong công việc hằng ngày. Từ đó ta dễ dàng cảm nhận được sự mạnh mẽ của những người bà, người mẹ trong những năm tháng chiến đấu vất vả, họ là những người phụ nữ thật anh hùng, thật vĩ đại vừa trong chiến đấu, vừa trong tình yêu thương đứa con nhỏ sâu sắc.
Mở đầu của mỗi đoạn thơ trong bài ta đều thấy hiện lên hai câu thơ thật ngọt ngào và êm đềm: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”. Đó là lời ru rất đỗi dịu dàng, trìu mến, vỗ về cho đứa con còn thơ bé được giấc ngủ ngon, mong con thông cảm cho nỗi vất vả khó nhọc của mẹ, khi mẹ phải mang theo con làm những công việc vất vả, khó nhọc, không cho con được giấc ngủ yên bình trong nôi, trong nhà. Giấc ngủ của con là những giấc ngủ nằm úp trên lưng mẹ, mẹ địu con đi khắp nơi, chỉ bởi mẹ chẳng phút nào muốn xa con, mẹ muốn được nhìn con bất cứ lúc nào.
Người mẹ Tà-ôi thật vất vả cực nhọc, đôi vai gầy địu đứa con thơ đang say ngủ, đôi tay chai sần phải vùng từng nhịp chày, giã từng hạt lúa, sao cho ra hạt gạo thơm trắng ngần. Gạo mẹ giã chẳng những để nuôi con, nuôi mẹ, nuôi cả gia đình mà gạo ấy còn là gạp để nuôi những chú bộ đội đang ngày đêm chiến đấu với thằng Mỹ ngoài kia. Cho mẹ con mình được êm đềm, mẹ ở góc sân nhỏ giã gạo cùng con, mẹ sẽ là hậu phương vững chắc, để một mai đây cách mạng thành công, đất nước sạch bóng quân thù, con được cuộc sống thanh bình yên ả. Nỗi vất vả của người mẹ được Nguyễn Khoa Điềm miêu tả trong câu thơ: “Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”. Phải vậy, để làm ra được hạt gạo người mẹ Tà-ôi đã phải dùng biết bao nhiêu công sức, đó là nước mắt, là mồ hôi mặn chát, nóng hổi, có lẽ mẹ phải đổ nhiều mồ hôi lắm, nên những giọt mồ hôi ấy mới có thể rơi vào đôi má hồng của em, cho em cũng cảm nhận được cái “nóng hổi” nhọc nhằn của mẹ. Giấc ngủ của em cu Tai không phải là một giấc ngủ cân bằng, nhưng lại rất đỗi êm đềm, bởi “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng”, em nghiêng theo nhịp chày của mẹ. Nhưng tất cả tình yêu của mẹ đã gửi vào “đôi vai gầy nhấp nhô làm gối”, “lưng đưa nôi và tim hát thành lời”, đã cho em một giấc ngủ an tâm, em chẳng sợ gì vì đã có mẹ kề bên, tiếng chày khua cũng là những lời ru thật nhịp nhàng, bình yên của mẹ.
Xa góc sân nhỏ mà mẹ thường hay giã gạo, em lại theo mẹ lên tỉa bắp ở núi K’Lưi. Nguyễn Khoa Điềm đã rất tinh tế khi đưa vào đây những hình ảnh sóng đôi, đẹp đẽ. “Lưng núi thì to, còn lưng mẹ nhỏ”, trên thực tế quả thật như vậy, nhưng nếu hiểu sâu xa thì lưng mẹ cũng sánh bằng lưng núi, lưng mẹ đang gánh nặng biết bao nhiêu thứ, lưng mẹ mang một tầm vóc vĩ đại sánh với thiên nhiên rộng lớn. Rồi “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”, đối với bắp, bắp cần mặt trời để có thể quang hợp, sinh sống và phát triển. Thì mẹ, mẹ cũng thế, em cu Tai là tất cả những gì mẹ có, em chính là mặt trời của mẹ, là động lực, là nguồn sống để mẹ ra sức lao động, ra sức chiến đấu vì một mai mặt trời của mẹ được khôn lớn được sống trong cảnh thái bình. Mẹ chỉ ước có vậy.
Thế rồi, vào những năm kháng chiến gần đi đến thắng lợi, mẹ lại buông chày, rời góc sân giã gạo, rời ngọn đồi tỉa bắp. Người mẹ Tà-ôi mạnh mẽ anh hùng ra tận tiền tuyến trực tiếp chống giặc với một niềm tin thật mạnh mẽ, mẹ nói với con “Mẹ địu em đi để giành trận cuối”. Công việc của mẹ lại càng gian nan vất vả hơn gấp bội phần, một người mẹ lưng địu đứa con chưa biết gì, đi chuyển lán, đi đạp rừng, như vậy mẹ phải kiên cường, phải mạnh mẽ biết bao. Mẹ là một người lính chiến đặc biệt, một người lính anh hùng. Mẹ vừa đứng ở hậu phương, mẹ vừa xông pha nơi tiền tuyến. Em cu Tai cũng theo mẹ đi chiến đấu, em gắn bó với mẹ, nỗi khổ nào của mẹ dường như em cũng chứng kiến. Điều đấy lại càng chứng minh sự gắn bó của tình mẫu tử thật thiêng liêng “Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường/Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”.
Trong suốt bài thơ ta vẫn thường thấy xen vào đó là những khúc hát ru của người mẹ. Trong đó gửi gắm biết bao tình cảm yêu thương, đầu tiên đó là nỗi lòng yêu con, sau là thương xóm làng, thương những anh bộ đội, lòng yêu quê hương đất nước thật sâu sắc. Mẹ cũng gửi gắm vào đó là những mong ước thật tốt đẹp, mong cho con lớn khỏe mạnh “vung chày lún sân”, mơ cho con được thấy Bác Hồ, mà mong ước lớn nhất là con được làm “người Tự Do”.
Như vậy qua những vần thơ rất đỗi giản dị, với âm hưởng lời ru của người mẹ Tà-ôi ta thấy hiện lên thật sâu sắc hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Ở họ có tấm lòng yêu thương con sâu sắc, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, dù có bao vất vả, chông gai đi chăng nữa. Chính lẽ ấy người mẹ lại càng thêm yêu xóm làng, yêu bộ đội, yêu tự do, mong cho Đất nước sớm ngày độc lập, để cho con một cuộc sống bình yên. Họ sẵn sàng tham gia vào kháng chiến, làm lụng những công việc vất vả nhất, tưởng chừng sức người phụ nữ yếu đuối chẳng thể nào gánh được. Nhưng chính đứa con, chính lòng yêu quê hương đất nước đã là nguồn động lực to lớn, khiến những cái vung chày mạnh mẽ hơn, đôi tay tỉa bắp mau hơn, đôi chân chuyển lán, đạp rừng, băng núi dù mỏi nhừ cũng chẳng thể làm họ nao núng bao giờ. Thật vĩ đại làm sao những người mẹ Tà-ôi.
——————-HẾT———————
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm, bên cạnh bài là văn Nêu cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ các bạn học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu khác như Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Cảm nghĩ về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Cảm nhận đoạn thơ sau trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ: “Em Cu Tai… nằm trên lưng” hay cả những phần Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp