Đề bài: Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
Dàn ý , văn mẫu phân tích Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
Bạn đang xem: Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
I. Dàn ý Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
1. Mở bài
– Sơ lược về phong cách sáng tác của hai nhà văn, đi vào chủ đề chính.
2. Thân bài
a. Hai đứa trẻ:
* Ánh sáng:
– Phố huyện: Ánh hoàng hôn đỏ rực, những nguồn sáng leo lét bé nhỏ xuất phát từ ngọn đèn dầu của chị Tí, từ bếp lửa bập bùng tỏa sáng một vùng mờ mờ của bác Siêu, hay là những hột sáng, tia sáng lọt ra từ những khe cửa của những căn nhà trên phố huyện
=> Đem đến sự yếu ớt, ảm đạm của khu phố huyện, bộc lộ khung cảnh buồn bã ảm đạm nơi phố huyện nghèo, mà còn là biểu trưng cho những kiếp người tàn, đang sống lay lắt từng ngày.
– Đoàn tàu đêm: “toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường… đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”, thể hiện sự giàu có, sung túc, đưa ký ức của Liên về một thời tuổi thơ xa xăm mà chị đã từng có, không chỉ vậy nó còn là biểu tượng cho sự hy vọng, khát khao mãnh liệt, tiềm tàng về một cuộc đời tươi sáng hơn của người dân phố huyện, với ước mơ đổi đời.
* Bóng tối:
– Bóng tối lan dần trong mắt Liên, đến hình ảnh “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”, rồi cảnh bóng tối đen đặc đến tột cùng với hình ảnh “đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối”, “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”.
=> Tất cả đều thể hiện sự u tịch, buồn bã và yên ắng của phố huyện nghèo khi trời đêm sập xuống.
* Tiểu kết:
Sự xuất hiện của những thứ ánh sáng yếu ớt, leo lét thành từng chòm, từng hột, từng vệt,… giữa đêm tối mịt mùng nơi phố huyện là một sự tương phản sâu sắc, biểu trưng cho những kiếp người tàn, lầm lũi, nhỏ bé nơi phố huyện, biểu trưng cho cuộc sống chán nản, nghèo khó, và bế tắc, ngột ngạt của những con người nơi đây.
b. Chữ người tử tù:
* Ánh sáng:
– “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc”, “lửa đóm cháy rừng rực”, ngọn đèn nến trên án của viên quản ngục, rồi thì ánh sáng nhấp nháy của những vì tinh tú, của ngôi sao Hôm,…
=> Tượng trưng cho vẻ đẹp nghệ thuật cao quý và tâm hồn trong sáng, thiện lương của con người, chúng tồn tại ngay cả trong những hoàn cảnh tối tăm dơ bẩn nhất, chiếu sáng tâm hồn của những con người có thiên lương là thứ ánh sáng trường tồn bất diệt và vô cùng mãnh liệt.
* Bóng tối:
– cảnh “trại giam tối om”, “trời tối mịt” quạnh quẽ bao phủ lên người viên quản ngục trong đêm ông nhận được lệnh giam Huấn Cao, cảnh Huấn Cao cho chữ trong buồng giam chật hẹp ẩm thấp, đầy phân gián, phân chuột bừa bãi.
=> Mang ý nghĩa tả thực cảnh tù đày trong nhà lao của Huấn Cao mà suy rộng ra hơn nữa nó chính là biểu tượng cho sự bức bối, ngột ngạt, tối tăm của xã hội đương thời, cũng như của cái môi trường mà viên quản ngục đang làm việc và sinh sống.
* Tiểu kết:
– Ánh sáng và màu trắng tinh khôi của tấm lụa nổi bật trên cái nền đen tối, chật hẹp của nhà lao và ngược lại, từ đó suy ra mối tương quan rằng trong hoàn cảnh tối tăm, bẩn thỉu và tàn ác thì thiên lương, tâm hồn biệt nhưỡng liên tài của viên quản ngục, cũng như vẻ đẹp tâm hồn cao quý, cùng với nghệ thuật thanh cao được đẩy lên một cách rõ rệt, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.
c. Giống và khác:
* Giống:
– Sử dụng các chi tiết ánh sáng và bóng tối một cách dày đặc trên tác phẩm của mình.
– Ánh sáng tượng trưng cho vẻ đẹp trong tâm hồn con người, sự thanh cao thuần khiết, niềm hy vọng tốt đẹp, còn bóng tối lại tượng trưng cho sự bế tắc, khốn khổ chật hẹp và cái xấu xa tiêu cực trong xã hội.
– Ánh sáng và bóng tối đều được xây dựng ở thế giao tranh kịch liệt và gay gắt, với nghệ thuật tương phản đối lập rõ ràng.
* Khác:
– Hai đứa trẻ cách sử dụng nghệ thuật sáng tối của Thạch Lam thiên về khuynh hướng mềm mại, lãng mạn trữ tình, phảng phất sự u buồn, tịch liêu, trái lại trong Chữ người tử tù thì ánh sáng và bóng tối được khắc họa tạo hình sắc nét, sống động và mạnh mẽ.
– Ánh sáng ở Hai đứa trẻ được tác giả dựng lên một cách yếu ớt, lẻ tẻ, nhạt nhòa dường như bị màn đêm nuốt chửng. Chữ người tử tù ánh sáng và bóng tối được tác giả miêu tả ở thế cạnh tranh ngang bằng, kịch liệt, trong đó có vẻ ánh sáng được miêu tả một cách nổi bật, áp đảo bóng tối.
=> Từ đó suy ra thông điệp Thạch Lam muốn gửi gắm là sự vươn lên, vẻ đẹp sức sống tiềm tàng, niềm khát khao hy vọng tốt đẹp của những kiếp người nhỏ bé trong cuộc sống còn nhiều tối tăm, ảm đạm. Còn Nguyễn Tuân khẳng định chân lý vẻ đẹp thiên lương và tâm hồn thanh cao sẽ luôn thắng và tỏa sáng rực rỡ, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau dù cho có ở điều kiện khắc nghiệt, tối tăm và bẩn thỉu đến thế nào.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù
Thạch Lam là một nhà văn có lối viết văn đặc biệt, viết truyện không cần cốt truyện, mà nhà văn lại có hứng thú khai thác và tìm tòi những cái đẹp ẩn mình từ những ngóc ngách của vũ trụ bao la, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn của những con người nghèo khổ, cuộc sống tối tăm nhưng sâu trong đó là những khát khao hy vọng về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng không bao giờ bị vùi dập dẫu cuộc đời đầy khó khăn. Còn với Nguyễn Tuân một nhà văn gắn liền với hai từ uyên bác và tài hoa, các sáng tác trước cách mạng đều xoay quanh ba chủ đề với chủ nghĩa “xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và “lối sống trụy lạc”, trong đó vẻ đẹp “vang bóng một thời” của nhà văn có lẽ là gây được nhiều tiếng tăm nhất. Cả Thạch Lam và Nguyễn Tuân trong văn chương của mình đều yêu thích việc sử dụng nghệ thuật ánh sáng và bóng tối để làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm, điều đó thể hiện rất rõ trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù, thế nhưng với mỗi ngòi bút khác nhau thì cách vận dụng loại nghệ thuật này lại cũng có những điểm đặc sắc riêng biệt, in đậm dấu ấn của người sáng tác.
Trong tác phẩm Hai đứa trẻ, ánh sáng và bóng tối được tác giả miêu tả một cách tinh tế, lãng mạn thế nhưng lại mang những màu sắc u buồn, trầm lắng thể hiện cuộc sống nghèo nàn nơi phố huyện. Ánh sáng trong tác phẩm được thể hiện qua nhiều dạng thức và nhiều nguồn, với cường độ khác nhau, ví như ánh hoàng hôn đỏ rực, thi vị, rực rỡ thế nhưng lại không đem đến sắc thái tươi vui, sôi động vốn có của màu đỏ, mà ánh nắng ấy cũng là báo hiệu cho một buổi chiều tàn lụi, gợi xúc cảm buồn bã. Những nguồn sáng leo lét bé nhỏ xuất phát từ ngọn đèn dầu của chị Tí, từ bếp lửa bập bùng tỏa sáng một vùng mờ mờ của bác Siêu, hay là những hột sáng, tia sáng lọt ra từ những khe cửa của những căn nhà trên phố huyện cũng đều là thứ ánh sáng đem đến sự yếu ớt, ảm đạm của khu phố huyện. Thứ ánh sáng tù mù, lẻ tẻ ấy không chỉ bộc lộ khung cảnh buồn bã ảm đạm nơi phố huyện nghèo, mà còn là biểu trưng cho những kiếp người tàn, đang sống lay lắt từng ngày như chị Tí, bác Siêu, vợ chồng bác Xẩm, chị em Liên, bà cụ Thi điên, những đứa trẻ tội nghiệp ven chợ,… Trái ngược với thứ ánh sáng tù mù từ phố huyện thì ánh sáng mà chuyến tàu đêm từ Hà Nội về lại mang những sắc thái khác hẳn, các “toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường… đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”, thể hiện sự giàu có, sung túc, đưa ký ức của Liên về một thời tuổi thơ xa xăm mà chị đã từng có, không chỉ vậy nó còn là biểu tượng cho sự hy vọng, khát khao mãnh liệt, tiềm tàng về một cuộc đời tươi sáng hơn của người dân phố huyện, với ước mơ đổi đời, nhưng chỉ có điều họ vẫn chưa tìm ra cho mình được một con đường sáng.
Khác với ánh sáng nơi phố huyện, thì bóng tối ở nơi đây lại chiếm ưu thế hơn cả, Thạch Lam đã rất tinh tế và tài hoa khi diễn tả dáng hình vật lý của bóng tối thông qua các hình ảnh đặc sắc, từ chuyện bóng tối lan dần trong mắt Liên, đến hình ảnh “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”, rồi cảnh bóng tối đen đặc đến tột cùng với hình ảnh “đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tối”, “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Tất cả đều thể hiện sự u tịch, buồn bã và yên ắng của phố huyện nghèo khi trời đêm sập xuống. Không chỉ vậy sự xuất hiện của những thứ ánh sáng yếu ớt, không đủ soi sáng màn đêm, mà dường như bị màn đêm nuốt chửng đã đề cập ở trên lại càng làm cho màn đêm càng trở nên tăm tối và ảm đạm. Như vậy tổng kết lại sự xuất hiện của những thứ ánh sáng yếu ớt, leo lét thành từng chòm, từng hột, từng vệt,… giữa đêm tối mịt mùng nơi phố huyện là một sự tương phản sâu sắc, biểu trưng cho những kiếp người tàn, lầm lũi, nhỏ bé nơi phố huyện, biểu trưng cho cuộc sống chán nản, nghèo khó, và bế tắc, ngột ngạt của những con người nơi đây. Nó vẫn cứ mãi tối tăm và ảm đạm, dẫu rằng bản thân họ cũng có những niềm hy vọng khát khao mãnh liệt như ánh đèn của chuyến tàu từ Hà Nội về, chỉ có điều dẫu mạnh mẽ nhưng nó lại quá ngắn ngủi, mà khi qua rồi thì bóng đêm nơi phố huyện lại càng trầm tĩnh và u buồn hơn tất thảy. Niềm mơ ước hy vọng ấy, vẫn chưa tìm được giải pháp để thực hiện và có nguy cơ bị bóng đêm, cũng như cuộc sống bế tắc, buồn chán nơi đây bóp nghẹt.
Trong Chữ người tử tù, ánh sáng hiện lên trên phương diện vật lý với những hình ảnh khá ấn tượng, điển hình là hình ảnh “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc”, “lửa đóm cháy rừng rực”, ngọn đèn nến trên án của viên quản ngục, rồi thì ánh sáng nhấp nháy của những vì tinh tú, của ngôi sao Hôm,… Tất cả những thứ ánh sáng ấy đều tượng trưng cho vẻ đẹp nghệ thuật cao quý và tâm hồn trong sáng, thiện lương của con người, chúng tồn tại ngay cả trong những hoàn cảnh tối tăm dơ bẩn nhất, chiếu sáng tâm hồn của những con người có thiên lương là thứ ánh sáng trường tồn bất diệt và vô cùng mãnh liệt. Trái lại với ánh sáng thì bóng tối trong truyện ngắn được miêu tả bằng những chi tiết khá đặc sắc từ cảnh “trại giam tối om”, “trời tối mịt” quạnh quẽ bao phủ lên người viên quản ngục trong đêm ông nhận được lệnh giam Huấn Cao, rồi cái tối tăm còn hiện ra trong cảnh Huấn Cao cho chữ trong buồng giam chật hẹp ẩm thấp, đầy phân gián, phân chuột bừa bãi. Bóng tối này không chỉ mang ý nghĩa tả thực cảnh tù đày trong nhà lao của Huấn Cao mà suy rộng ra hơn nữa nó chính là biểu tượng cho sự bức bối, ngột ngạt, tối tăm của xã hội đương thời, cũng như của cái môi trường mà viên quản ngục đang làm việc và sinh sống. Kết hợp giữa sự tương quan của ánh sáng và bóng tối, với sự cạnh tranh gay gắt, bản thân chúng đã làm nổi bật lẫn nhau không chỉ về bản chất vật lý, mà quan trọng hơn là về ý nghĩa biểu tượng. Ánh sáng và màu trắng tinh khôi của tấm lụa nổi bật trên cái nền đen tối, chật hẹp của nhà lao và ngược lại, từ đó suy ra mối tương quan rằng trong hoàn cảnh tối tăm, bẩn thỉu và tàn ác thì thiên lương, tâm hồn biệt nhưỡng liên tài của viên quản ngục, cũng như vẻ đẹp tâm hồn cao quý, cùng với nghệ thuật thanh cao được đẩy lên một cách rõ rệt, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Xét về điểm tương đồng trong bút pháp nghệ thuật ánh sáng – bóng tối ở hai nhà văn Thạch Lam và Nguyễn Tuân ta có thể nhận ra rằng cả hai tác giả đều sử dụng các chi tiết ánh sáng và bóng tối một cách dày đặc trên tác phẩm của mình. Về ý nghĩa biểu tượng thì ánh sáng tượng trưng cho vẻ đẹp trong tâm hồn con người, sự thanh cao thuần khiết, niềm hy vọng tốt đẹp, còn bóng tối lại tượng trưng cho sự bế tắc, khốn khổ chật hẹp và cái xấu xa tiêu cực trong xã hội. Thêm một điểm nữa là ở cả hai tác phẩm ánh sáng và bóng tối đều được xây dựng ở thế giao tranh kịch liệt và gay gắt, với nghệ thuật tương phản đối lập rõ ràng.
Về điểm khác biệt, thì trong Hai đứa trẻ cách sử dụng nghệ thuật sáng tối của Thạch Lam thiên về khuynh hướng mềm mại, lãng mạn trữ tình, phảng phất sự u buồn, tịch liêu, trái lại trong Chữ người tử tù thì ánh sáng và bóng tối được khắc họa tạo hình sắc nét, sống động và mạnh mẽ. Thêm nữa so với Chữ người tử tù thì ánh sáng ở Hai đứa trẻ được tác giả dựng lên một cách yếu ớt, lẻ tẻ, nhạt nhòa dường như bị màn đêm nuốt chửng, phản ánh đúng với cuộc sống của con người nơi phố huyện, bế tắc và tối tăm vô cùng. Trái lại trong Chữ người tử tù ánh sáng và bóng tối được tác giả miêu tả ở thế cạnh tranh ngang bằng, kịch liệt, trong đó có vẻ ánh sáng được miêu tả một cách nổi bật, áp đảo bóng tối của sự xấu xa, độc ác. Từ đó suy ra thông điệp Thạch Lam muốn gửi gắm là sự vươn lên, vẻ đẹp sức sống tiềm tàng, niềm khát khao hy vọng tốt đẹp của những kiếp người nhỏ bé trong cuộc sống còn nhiều tối tăm, ảm đạm. Còn Nguyễn Tuân lại muốn thông qua chi tiết ánh sáng và bóng tối khẳng định chân lý vẻ đẹp thiên lương và tâm hồn thanh cao sẽ luôn thắng và tỏa sáng rực rỡ, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau dù cho có ở điều kiện khắc nghiệt, tối tăm và bẩn thỉu đến thế nào.
Như vậy có thể thấy rằng tuy cùng có chung một chi tiết nghệ thuật về ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm của mình, thế nhưng ngoài những điểm tương đồng chung nhất, thì bản thân mỗi tác giả lại có cách thể hiện khác nhau từ giá trị hình ảnh đến giá trị biểu tượng. Điều đó đã khẳng định được phong cách nghệ thuật cũng như tài năng của mỗi nhà văn trong sự nghiệp sáng tác, sự nỗ lực sáng tạo của họ đã đem lại cho độc giả những tác phẩm xuất sắc với những tầng ý nghĩa khác nhau, góp phần là phong phú văn đàn Việt Nam hiện đại.
—————————-
Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ là các truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Bên cạnh việc tìm hiểu bài mẫu phân tích Nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù, các em có thể tham khảo thêm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của hai truyện ngắn này qua việc tham khảo: Phân tích bút pháp lãng mạn trong Chữ người tử tù, Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ để chứng minh rằng đây là một bài thơ trữ tình đầy xót thương, Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam hãy trình bày những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trên,…
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp