Nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

0
67
Rate this post

Đề bài: Nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

nghi luan bay to y kien cua minh ve phuong cham hoc di doi voi hanh

Bạn đang xem: Nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành

 

1. Nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành, mẫu số 1:

Trong xã hội hiện nay, mỗi con người muốn tài giỏi, làm người có ích cho xã hội thì cần phải trang bị cho bản thân mình nhiều kĩ năng. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải có ý thức trong việc học tập điều mới, tìm các phương pháp học đúng đắn. Trong các phương pháp đó, “học đi đôi với hành” là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Học với hành như hai anh em vậy, cần phải luôn kề vai, sát cánh, hỗ trợ lẫn nhau thì mới dẫn đến kết quả tốt được.

Trước tiên, ta cần tìm hiểu rõ các khái niệm. Học chỉ một hoạt động tiếp thu kiến thức đã được đúc kết từ kinh nghiệm, từ thực tiễn, chân lí. Có nhiều cách để cho chúng ta học, học từ thầy cô, bạn bè, sách vở, đặc biệt từ thực tế cuộc sống. Học giúp chúng ta nâng cao sự hiểu biết, cách làm chủ được bản thân, tìm ra được mục đính của đời mình. Còn “hành” chỉ sự hành động làm trực tiếp, thực hành dựa trên những kiến thức mình đã học tập vào thực tế. Học và hành có sự gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau, để đạt được “năng suất” cao nhất.

Phương châm “học đi đôi với hành” là hoàn toàn đúng đắn. Một trong hai việc trên đều rất quan trọng. Từ thời xa xưa, cha ông ta đã đề cao việc học tập, bởi có học, ta mới nhận biết được đâu là đúng sai phải trái, thế nào là tốt xấu, từ đó giúp ta cách ứng xử giao tiếp hàng ngày cũng như trong công việc làm thế nào để đạt hiệu quả cao. Nhưng học không thì không đủ, nó chỉ là lí thuyết suông nếu ta không chịu thực hành nó. Ví dụ như, khi ta học về máy biến áp, mà chỉ học tên các bộ phận, cách hoạt động của nó trên sách vở thì nó vẫn chưa thể cung cấp hết được cách hoạt động thực tế của nó ra sao. Ngược lại, hành không mà không có học thực rất khó. Nếu cứ bắt tay vào làm mà không biết bắt đầu từ đâu, thế nào, rồi nó có đúng hay là sai thì làm gì cũng rất khó và tốn rất nhiều thời gian, không đạt được năng suất, hiệu quả cao trong công việc. Vì vậy, học phải đi đôi với hành.

Từ môi trường sư phạm trong nhà trường cho đến ngoài đời thực tiễn trong xã hội, học và hành phải luôn kèm theo với nhau. Học những được điều tốt, cách sử xự tốt, áp dụng vào thực tế sao cho đúng. Thật đáng tiếc hiện nay, nhiều học sinh được chỉ dạy trong trường những lời hay ý đẹp, nhưng khi ra ngoài xã hội thì có những cư xử thiếu phải phép, nói những lời lăng tục, chửi bậy. Vậy điều quan trọng là cần phải áp dụng lí thuyết vào thực tế cho đúng đắn. Như đơn giản việc học ngoại ngữ, nếu bạn chỉ ngồi đó làm sách ngữ pháp thì bạn mãi mãi không thể tốt trong việc nói tiếng anh được, bạn phải ra ngoài nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ ấy, luyện âm cho tốt. Có thể nói Bác Hồ là một tấm gương sáng cho chúng ta về phương pháp này, Bác đã có thể nói thành thạo nhiều thứ tiếng nhờ vào việc học tập chăm chỉ và thực hành chúng bằng cách nói và luyện viết.

Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần phải ý thức được việc học làm sao cho đạt kết quả cao nhất mà không nhàm chán. Luôn chủ động, sáng tạo trong các cách học để tiếp thu bài học một cách tốt hơn, ghi nhớ hơn.

Học đi đôi với hành có ý nghĩa thực tiễn đỗi với tất cả các ngành nghề, tất cả các lĩnh vực của xã hội. Thời đại phát triển hiện đại như hiện nay, thì phương pháp “học đi đôi với hành” là con đường đơn giản nhất để đạt được những gì mình mong muốn, giúp một phần nhỏ của bản thân cho đất nước và xã hội.

 

2. Nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành, mẫu số 2:

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng chỉ rõ để đào tạo được những con người vừa tài vừa đức cho đất nước thì không có cách nào hữu hiệu hơn phương châm “Học đi đôi với hành”. Bác cũng nhấn mạnh: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Thiết nghĩ phương châm và quan điểm ấy đều mang tính thời đại, đặc biệt phù hợp với nền giáo dục Việt Nam, khi chúng ta còn quá chú trọng lý thuyết mà xem nhẹ thực hành.

Học là một quá trình lĩnh hội, tiếp thu kiến thức một cách tích cực, chủ động từ nhiều nguồn khác nhau như sách vở, người hướng dẫn, bạn bè, cha mẹ,… Những kiến thức ấy không chỉ là những lý thuyết có trong sách giáo khoa mà còn là những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Con người học nhằm mục đích trau dồi trí tuệ, phát triển và hoàn thiện bản thân mình để cống hiến cho xã hội, đất nước. Song song với quá trình học là quá trình “hành”, hiểu một cách đơn giản đó là quá trình đưa lý thuyết vào với thực tiễn, là hành động cụ thể có chủ đích, nhằm kiểm tra, xác nhận và tạo ra kết quả từ những lý thuyết đã học. Ví dụ như việc bạn đọc sách dạy nấu ăn và bạn phải nấu để kiểm tra xem sách dạy có thực sự giúp bạn nấu ngon hơn không, còn món ăn mà bạn làm ra đó chính là thành quả đạt được sau khi kết hợp học và hành. Thực hành không phải là quá trình chỉ cần làm làm một lần duy nhất mà đó là một quá trình lặp lại, đến độ thuần thục thì khi đó mới thực sự là đưa lý thuyết vào thực tiễn thành công. Món ăn bạn mới học được, lần đầu bạn nấu hơi mặn, lần sau lại hơi nhạt, nhưng bạn nấu đến lần thứ 10 thì chắc chắn phải vừa, nếu không thì hẳn là lưỡi bạn đã có vấn đề.

Về phương châm “Học phải đi đôi với hành”, đó là một phương châm đúng đắn trong mọi sự học hành. Chúng ta đừng nên chống chế rằng các nhân sĩ thời phong kiến học chỉ học thuộc vài chục cuốn kinh thư là đã đỗ đạt làm quan rồi nổi danh một thời. Nay đã là thế kỷ 21, con người phải bao gồm cả đức và tài, đặc biệt là đương thời buổi hội nhập, chúng ta cần phải có những bước tiến vượt bậc, những bước đường tắt thì mới mong rút ngắn được khoảng cách tụt hậu trăm năm. Thế nên không còn cách nào khác là học và hành phải đi đôi với nhau, chúng ta vừa học vừa làm luôn, sai đâu sửa đó để rút ngắn thời gian kiểm chứng, để nhanh tạo ra những thành tựu nổi bật. Chẳng vậy mà, ở những trường đại học, cao đẳng, hay trường dạy nghề, họ thường bố trí học lý thuyết và thực hành song song. Sinh viên y sáng học lý thuyết về nhóm máu, chiều đã bước lên phòng thí nghiệm tự chích máu của mình ra làm thí nghiệm luôn. Qủa thực phải như vậy thì mới nhớ lâu, hiểu kỹ được. Hay như Debra Luffer có một câu nói rất kinh điển: “Có những ý nghĩ có thể mãi mãi chỉ nằm trên giấy, nhưng những ý tưởng khác thì luôn có một con đường dẫn thẳng vào trong các nang, các chai ngành dược”. Vậy sự chênh lệch ấy là ở đâu, khi mà mọi ý tưởng đều có một cơ hội như nhau, đó chính là sự thực hành của con người, thành công hay thất bại đều chỉ nằm trong một hành động làm hay không mà thôi. Lại lấy một ví dụ khác, người nghệ sĩ nắm rất rõ phương thức gảy đàn, nhưng chưa một lần sờ vào dây đàn thì đó không phải là một nghệ sĩ chân chính, bởi họ không tạo cho đời một khúc nhạc êm ái. Cũng tương tự như bạn học tiếng Anh mỗi ngày nhưng chưa bao giờ dám bắt chuyện với một người nước ngoài hay đơn giản là trốn tránh cả những tiết luyện nghe nói. Điều ấy cho thấy rằng lý thuyết của các bạn là lý thuyết chết, chỉ có thực hành mới tiếp cho chúng sự sống để khiến chúng tồn tại và phát triển. Có điều mà mọi người ít khi nghĩ đến, đó chính là lý thuyết cho chúng ta hiểu biết 1 phần thì thực hành làm được gấp 10 lần như thế, đó là những bài học kinh nghiệm mà chẳng lý thuyết nào viết ra cho bạn, trừ khi bản thân bạn tự trải nghiệm và lưu giữ.

Tuy vậy, ngày nay lại có một bộ phận không nhỏ những người học kiểu đối phó, học cho có, đến kỳ thi thì đi sưu tập đề thi năm ngoái hoặc có người thì đọc thuộc cả sách, trong khi chỉ cần túm đại một chỗ hỏi lại là đã vật vã, hoang mang vì không giải thích được. Đó là thói học vẹt, học tủ vô cùng nguy hại, rồi mai đây đất nước chỉ toàn mọt sách, toàn những cái đầu lười tư duy, lười hành động, não chỉ có nhiệm vụ ghi nhớ và không hơn. Chưa kể có người học chỉ vì thăng quan, tiến chức chứ chẳng phải vì trau dồi kiến thức, thế nên mới có cảnh 50 ngàn, 30 ngàn một buổi học hộ, học thuê. Riết rồi nghĩ cái người học hộ bỏ ra vài tiếng kiếm mấy chục ngàn rẻ mạt, còn người thuê thì chẳng cần học cũng không cần hành luôn. Ôi từ khi nào cái sự học nó lại lạ thế!

Tôi từng có nghe câu chuyện học sinh hỏi người hướng dẫn cách thực tập, người hướng dẫn lấy cuốn sách hướng dẫn mò mẫm cả buổi mà vẫn chẳng nghĩ ra cách, đây là lỗi của việc lười thực hành. Thế nên hãy ghi nhớ, học phải có hành, học mà không hành chẳng khác nào không học, học như vậy vừa tốn thời gian, vừa vô nghĩa.           Có câu nói thì hay mà làm thì dở, chính là một câu phê phán sâu sắc cho thói quen học mà lười thực hành ấy, bởi có bao giờ làm đâu mà hay cho được.

 “Học đi đôi với hành” là một phương châm chuẩn xác, là kim chỉ nam cho ngành giáo dục của Việt Nam ta, để tạo ra thế hệ thanh niên giỏi toàn diện, vừa chắc lý thuyết lại vừa giỏi làm, tiết kiệm được nhiều kinh phí trong việc đào tạo lại. Riêng thế hệ học sinh chúng ta lại càng cần phải nắm chắc phương châm trên, học viết thì phải luyện viết, học võ thì phải luyện quyền, học toán thì phải xông pha đi giải bài tập. Có thế lý thuyết mới không là lý thuyết suông mà lý thuyết đã phối hợp thật ăn ý với thực hành cho ra những kết quả tốt đẹp.

Nhiều em học sinh chưa biết cách viết bài văn nghị luận xã hội như thế nào cho đúng và hay, vậy em có thể tham khảo một số cách triển khai vấn đề, cách diễn đạt ở một số bài viết mẫu có sẵn để việc viết văn trở nên dễ dàng hơn. Các em có thể tham khảo bài nghị luận trang phục và văn hóa, đây là một trong những vấn đề xã hội cần thiết và quan trọng cần đưa ra để bàn luận.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-bay-to-y-kien-cua-minh-ve-phuong-cham-hoc-di-doi-voi-hanh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp