Đề bài: Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị
Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị
Bạn đang xem: Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị
I. Dàn ý Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị (Chuẩn)
1. Mở bài
– Dẫn ra vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài
a. Khái niệm
– Khiêm tốn là một đức tính quý giá, là việc con người có những nhận xét, đánh giá đúng mức và phù hợp với bản thân, không tự cho mình là đúng, không tỏ thái độ kiêu kỳ, tự mãn.
– Giản dị là sự tối giản một cách tự nhiên trong nếp sống. Người sống giản dị có gì dùng đó, thích những thứ đơn giản, hữu dụng hơn là những thứ màu mè hoa lá, họ sống một cách khoa học và tiết kiệm. Không chỉ là sự giản dị trong tiêu dùng mà còn là giản dị trong cả tâm hồn, lời ăn tiếng nói.
=> Ăng-ghen nói “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”, là nhằm khẳng định tầm quan trọng, sự quý giá và cần thiết của hai đức tính này trong quá trình phát triển của con người.
b. Biểu hiện và lợi ích:
* Khiêm tốn:
– Người khiêm tốn, không thích nói nhiều, họ quan tâm đến việc phải làm gì và luôn muốn phát triển bản thân một cách tích cực.
– Luôn nhận được sự tin tưởng, quý trọng từ người khác, được đánh giá một cách khách quan và trung thực, bởi họ thường chứng minh năng lực của bản thân bằng hành động, chính vì thế luôn đem đến cho người khác sự kỳ vọng vượt ngoài mong đợi.
* Người sống giản dị:
– Họ thường sẽ trở thành thành phần trung tính trong xã hội, với lối ăn mặc, sinh sống, trang điểm giản dị, họ thường dễ được chào đón trong môi trường xã hội.
– Giản dị không chỉ ở lối sống mà còn phải giản dị trong cách suy nghĩ, tư tưởng, nghĩ đơn giản, sống lạc quan, tư duy một cách tích cực, không toan tính thực dụng => Dễ tạo thiện cảm với mọi người, đồng thời có được mối quan hệ tốt đẹp.
– Sống giản dị, tiết kiệm giúp chúng ta tiết kiệm chi tiêu, dành tiền bạc của cải vào các quỹ tiết kiệm, hoặc thực hiện được những việc có ý nghĩa.
c. Bàn luận:
– Câu nói của Ăng-ghen đã mở ra cho mỗi chúng ta một quan niệm nhân sinh triết học sâu sắc, cho chúng ta những bài học, lời khuyên quý giá trong việc tu dưỡng đạo đức phẩm giá của mỗi con người.
– Phê phán lối sống kiêu căng, tự mãn và sự phung phí, chạy theo hình thức nguy hại.
3. Kết bài
Nêu bài học.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị (Chuẩn)
Hơn ai hết mỗi chúng ta cần ý thức được rằng chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 văn minh và tiến bộ, được hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật vượt bậc. Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, xu thế hội nhập quốc tế đã đem đến cho con người nhiều cơ hội để phát triển và có một cuộc sống tốt hơn. Là con người sống trong thời đại mới, đặc biệt là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước chúng ta lại càng cần phải học tập thật nhiều, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, nuôi dưỡng trí tuệ, mau chóng trưởng thành và tự lập, tự xác định cho mình một vị trí trong xã hội, tự có một cuộc đời cho riêng mình. Trong hàng vạn những kỹ năng và đức tính cần thiết con người cần chuẩn bị cho chặng đường đời, thì nhà triết học vĩ đại Ăngghen đã đặc biệt nhấn mạnh “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”. Đây là một nhận định, là một chủ đề rất hay và sâu sắc, mà mỗi chúng ta cần thấu hiểu, để bước đi tốt hơn trong quá trình trưởng thành.
Khiêm tốn là một đức tính quý giá, là việc con người có những nhận xét, đánh giá đúng mức và phù hợp với bản thân, không tự cho mình là đúng, không tỏ thái độ kiêu kỳ, tự mãn, luôn nghĩ rằng bản thân mình là “cái rốn” của vũ trụ, hơn hẳn người khác về mọi mặt. Người khiêm tốn không biết và cũng không thích khoe khoang bất kỳ một thứ gì, tuy nhiên họ cũng không bao giờ giấu giếm, đơn giản họ muốn người khác tự nhận ra thông qua đôi mắt, thông qua những cảm nhận thật khách quan và công bằng. Nói một cách đơn giản rằng, khiêm tốn tức là ít phô bày bản thân bằng những lời nói và hành động phô trương thái quá, đồng thời họ cũng không lấy những lời khen, sự xởi lởi tán dương của người khác làm tự hào, mãn nguyện. Người khiêm tốn luôn thích dùng hành động để chứng minh, mong muốn nhận được sự thừa nhận của người khác dựa vào năng lực thực tế của mình chứ không phải những lời nói khoe mẽ, sáo rỗng. Tuy nhiên các bạn cũng cần phân biệt rằng, đức tính khiêm tốn khác hoàn toàn với sự tự ti, kém tự tin của con người trong xã hội. Giản dị có lẽ là một đức tính khá có quan hệ họ hàng với sự khiêm tốn, đó là sự tối giản một cách tự nhiên trong nếp sống. Người sống giản dị có gì dùng đó, thích những thứ đơn giản, hữu dụng hơn là những thứ màu mè hoa lá, họ sống một cách khoa học và tiết kiệm. Không chỉ là sự giản dị trong tiêu dùng mà còn là giản dị trong cả tâm hồn, lời ăn tiếng nói, nghĩ đơn giản, nói thẳng thắn, lời nào ý đó. Có thể thấy rằng trong một số khía cạnh giản dị là một đức tính bổ trợ cho sự khiêm tốn của con người, là một biểu hiện khá tiêu biểu của sự khiêm tốn. Ăng-ghen nói “Trang bị quý nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”, là nhằm khẳng định tầm quan trọng, sự quý giá và cần thiết của hai đức tính này trong quá trình phát triển của con người. Trong cuộc sống con người muốn phát triển bản thân một cách toàn diện, xây dựng được cho mình hệ thống đạo đức và phẩm cách đáng quý thì cần phải học cho mình sự khiêm tốn và giản dị để đương đầu với cuộc sống và các mối quan hệ phức tạp trong xã hội.
Trong học tập người sống khiêm tốn sẽ chẳng bao giờ khoe khoang thành tích cá nhân, hay vội vã sung sướng khi những người xung quanh tán thưởng, trái lại họ sẽ luôn nhìn vào đó để cố gắng, phấn đấu và nỗ lực duy trì thành tích, không ngừng bổ sung kiến thức của bản thân. Tương tự một nhân viên bán hàng khiêm tốn sẽ chẳng vội vã khoe khoang doanh số với đồng nghiệp, để nhận lại sự đố kỵ, ghen ghét mà trái lại họ chỉ cần sếp nhìn thấy năng lực của mình và cố gắng hoàn thành chỉ tiêu của tháng sau rồi liên tục thăng chức, nhận được sự công nhận nhờ khả năng của bản thân. Một người thành công cũng ít khi nói về sự giàu có của họ, bởi sự khoe khoang khuếch trương tài sản chỉ khiến họ trở thành đích nhắm của những kẻ có ý đồ bất chính, kẻ cướp, kẻ bắt cóc. Trái lại họ chỉ chăm chăm phát triển bản thân, nghĩ cách làm sao cho tài sản tích lũy của mình ngày một tăng tiến theo cấp số nhân. Chung quy lại người khiêm tốn, không thích nói nhiều, họ quan tâm đến việc phải làm gì và luôn muốn phát triển bản thân một cách tích cực.
Như vậy con người có đức tính khiêm tốn, khiêm nhường trong các mối quan hệ xã hội, trong giao tiếp, trong công việc thì luôn nhận được sự tin tưởng, quý trọng từ người khác, được đánh giá một cách khách quan và trung thực, bởi họ thường chứng minh năng lực của bản thân bằng hành động, chính vì thế luôn đem đến cho người khác sự kỳ vọng vượt ngoài mong đợi. Trái lại kẻ ưng khoe khoang, thường là thùng rỗng kêu to, làm ít nhưng thích khuếch trương lên nhiều, hay ngủ quên trong chiến thắng và những lời tán tụng sáo rỗng, sau cùng cái họ nhận lại là sự thất bại và mất niềm tin của những người xung quanh. Với người sống giản dị, họ thường sẽ trở thành thành phần trung tính trong xã hội, với lối ăn mặc, sinh sống, trang điểm giản dị, họ thường dễ được chào đón trong môi trường xã hội. Chúng ta cần chú ý, giản dị không chỉ ở lối sống mà còn phải giản dị trong cách suy nghĩ, tư tưởng, nghĩ đơn giản, sống lạc quan, tư duy một cách tích cực và tránh được lối suy nghĩ thực dụng. Như vậy trong các mối quan hệ chúng ta bỗng nhiên trở thành một thứ ánh sáng nhạt, tươi trẻ và tràn đầy sức sống, dễ tạo thiện cảm với mọi người, đồng thời có được mối quan hệ tốt đẹp. Không chỉ vậy giản dị trong lối sống giúp ích chúng ta khá nhiều, chúng ta sẽ không phải đau đầu khi có quá nhiều quần áo sặc sỡ để lựa chọn, quá nhiều kiểu giày dép khác nhau đa số phủ bụi, không có mấy tác dụng mà chỉ làm cho ví tiền của mình xẹp đi. Sống giản dị, tiết kiệm giúp chúng ta tiết kiệm chi tiêu, dành tiền bạc của cải vào các quỹ tiết kiệm, hoặc thực hiện được những việc có ý nghĩa như đi du lịch, tham gia vào các khóa học nâng cao giá trị bản thân, hoặc chí ít cũng đem lại cho ta một sự an toàn vững chãi, không phải lo lắng nếu lỡ thất nghiệp. Chung quy lại sống khiêm tốn và giản dị chỉ khiến chúng ta phát triển một cách tích cực hơn, chỉ có lợi mà không có hại bao giờ.
Có thể nhận thấy rằng câu nói của Ăng-ghen đã mở ra cho mỗi chúng ta một quan niệm nhân sinh triết học sâu sắc, cho chúng ta những bài học, lời khuyên quý giá trong việc tu dưỡng đạo đức phẩm giá của mỗi con người. Hướng chúng ta đến những lối sống tốt đẹp, lành mạnh, làm nổi bật lên giá trị đích thực, vẻ đẹp tiềm ẩn và năng lực thực tế của mỗi con người, khiến chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống. Tránh khỏi được sự nguy hại của những thói kiêu ngạo, tự mãn đáng xấu hổ hay sự xa hoa lãng phí không cần thiết khiến con người ta rơi vào vòng luẩn quẩn khánh kiệt. Còn gì hợm hĩnh hơn việc liên tục khoe khoang, khoác loác về tài sản và năng lực của bản thân trong khi bản thân chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Còn gì vô bổ, hài hước hơn với việc thích đua đòi mốt này mốt kia, chạy theo hình thức mà bỏ qua sự tích lũy các giá trị của bản thân, xây dựng lối sống và cách chi tiêu khoa học. Để rồi đến khi bạn đã cạn kiệt, bạn thất bại thì những kẻ ngày đêm vẫn thường xum xoe, bỗng nhiên biến mất. Hoặc ngay cả khi bạn đang tự mãn, khoa trương thì những người trước mặt xởi lởi nhưng sau lưng phần nhiều họ chưa bao giờ xem trọng bạn. Đặc biệt trong công việc sự kiêu căng, phung phí thường là những điểm mà sếp của bạn ghét nhất, họ sẽ chẳng bao giờ thích cất nhắc những con người bồng bột, nông nổi kém sâu sắc vào những vị trí quan trọng cả, mà những vị trí ấy chỉ dành cho người khiêm tốn, ngay thẳng, sống giản dị và tích cực mà thôi.
Thế nên ngay từ bây giờ, từ lúc đọc được bài viết này, chúng ta hãy cố gắng thay đổi lối sống của mình, ai nhận ra sự yếu kém trong suy nghĩ thì cần chấn chỉnh đưa mình về với sự khiêm tốn, giản dị, luôn nêu cao tinh thần học hỏi, sự cầu tiến trong học tập, công việc và cuộc sống. Sống vừa khiêm tốn vừa giản dị khiến chúng ta thoải mái tinh thần và đẹp hơn trong mắt mọi người, hãy nhớ rằng người ta chỉ thành công trong sự khiêm nhường và ham học hỏi, trong sự giản dị và cần kiệm, chứ hiếm kẻ nào thành công bằng sự khoe mẽ, ngạo mạn hay sự phung phí, màu mè.
————————–HẾT—————————-
Cuộc sống của con người sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết tự ý thức về bản thân và không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình. Cùng với sự giản dị, khiêm tốn, con người còn cần trang bị cho mình rất nhiều những phẩm chất khác để làm hành trang bước vào đời, cùng tìm hiểu và bàn luận về vấn đề này, các em hãy tham khảo: Nghị luận về sợ hãi và cách vượt qua sợ hãi, Nghị luận về vai trò của tri thức, Nghị luận xã hội về sức mạnh của sự tử tế, Nghị luận xã hội về thành công và thất bại.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp