Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

0
135
Rate this post

Đề bài: Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

nghi luan ve tac pham lang le sa pa

Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

Bạn đang xem: Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

I. Dàn ý Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Thành Long.
– Dẫn dắt vào văn bản nghị luận: Lặng lẽ Sa Pa.

2. Thân bài

a. Tình huống truyện
– Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, thú vị của anh thanh niên với bác hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ.
– Tình huống truyện trong Lặng lẽ Sa Pa lại vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng những mang ý nghĩa sâu sắc, giàu giá trị.

b. Nhân vật trong truyện

– Nhân vật anh thanh niên- nhân vật chính của truyện:
+ Công việc của chàng trai hai bảy tuổi là làm công tác khí tượng, đo mưa, đo gió, dự báo những tình huống thời tiết có thể xảy ra để phục vụ chiến đấu và sản xuất.
+ Hoàn cảnh: Làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm gắn với cây cỏ và sương mù, anh tự thấy mình là kẻ “cô độc nhất thế gian” và “thèm người” đến lạ.
+ Tính cách: trách nhiệm, yêu công việc, dám làm, dám nghĩ, dám chiến đấu hết mình với công việc. Có nghị lực, ham đọc sách, giàu tình cảm.

– Nhân vật ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ:
+ Bác hoạ sĩ yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp của con người, của cuộc sống đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó phai.
+ Hình ảnh cô kĩ sư trẻ trong cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng là một hình tượng đẹp, cô gái ấy là một bức chân dung sáng ngời về hành động dám thử thách, dám chinh phục ước mơ của mình.

c. Nghệ thuật

– Xây dựng cốt truyện đơn giản, gần gũi.
– Giọng điệu giàu chất trữ tình.
– Kết hợp tả, biểu cảm và bình luận càng làm cho áng văn thêm sâu sắc.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Bài văn mẫu Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)

Nguyễn Thành Long sinh năm 1925, mất năm 1991, ông là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của Nguyễn Thành Long đều rất lôi cuốn với cách kể chuyện hấp dẫn, đậm chất trữ tình. “Lặng lẽ Sa Pa” là một tác phẩm hay của ông, truyện ngắn được viết trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai vào năm 1970.

Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, thú vị của anh thanh niên với ông hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Khác với những truyện ngắn hiện đại giàu kịch tính với tình huống truyện chứa đựng những mâu thuẫn, kịch tính, tình huống truyện trong Lặng lẽ Sa Pa lại vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng không vì thế mà câu chuyện trở nên kém sâu sắc, qua tình huống truyện tự nhiên cùng lối viết bình dị mà gần gũi, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thật đẹp về con người, về sự cống hiến bình lặng, âm thầm.

Trong tác phẩm, Nguyễn Thành Long đã xây dựng những nhân vật vô cùng gần gũi, họ say mê với công việc, yêu công việc và cuộc sống của chính họ. Đầu tiên phải kể đến là anh thanh niên- nhân vật chính của truyện. Nhân vật anh thanh niên hiện lên qua cái nhìn của những nhân vật khác với những nét đẹp đáng trân trọng về phẩm chất. Công việc của chàng trai hai bảy tuổi là làm công tác khí tượng, đo mưa, đo gió, dự báo những tình huống thời tiết có thể xảy ra để phục vụ chiến đấu và sản xuất. Một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm rất cao. Làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm gắn với cây cỏ và sương mù, anh tự thấy mình là kẻ “cô độc nhất thế gian” và “thèm người” đến lạ.

Tuy cô đơn và buồn nhưng khi làm việc, anh thanh niên luôn hết mình với nó, anh từng tâm sự với bác hoạ sĩ: “ta với công việc là đôi, công việc gắn liền với việc của bao nhiêu anh em, đồng chí đang làm dưới kia, công việc gian khổ thế đấy nhưng cứ cất nó đi cháu đến chết mất”. Điều này đã cho thấy anh thanh niên vô cùng trách nhiệm với công việc, là người dám làm, dám chiến đấu hết mình với công việc. Không chỉ vậy, đây còn là một nhân vật có nghị lực, vượt những gian khó, cô đơn, vượt lên trên những thiếu thốn về vật chất và tình cảm, vượt lên những cơn rét buốt của thời tiết, anh gắn bó với công việc đầy tận tuỵ. Suốt 4 năm ròng anh chưa một lần nghỉ phép, chưa để sai sót một con số nào khi báo cáo với cơ quan. Trách nhiệm, tận tuỵ, nghị lực với công việc, trong cuộc sống hàng ngày, anh thanh niên cũng rất đỗi thú vị. Anh là người ham đọc sách, cũng rất biết cách sắp xếp cuộc sống của mình sao cho khoa học. Anh thích trồng hoa, nuôi gà, biết chăm sóc, thu vén như một người phụ nữ trong gia đình, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Với chàng trai trẻ ấy, mỗi phút, mỗi giây anh còn được ở đây, còn sống và làm việc thì phải cống hiến và tận hưởng hết mình, không thể nào lãng phí. Bên cạnh đó, ta còn thấy được nét tính cách đáng quý của nhân vật anh thanh niên qua sự khiêm tốn, chân tình, cởi mở khi giao tiếp với những vị khách ghé thăm nhà. Đó là những tình cảm nồng hậu của con người Việt Nam mà thật đáng để trân quý.

Nhân vật ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ cũng là những nhân vật rất ấn tượng trong truyện. Qua cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ dành cho anh thanh niên, nhân vật được hiện lên rõ nét hơn. Một bác hoạ sĩ yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp của con người, của cuộc sống đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó phai. Hình ảnh cô kĩ sư trẻ trong cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng là một hình tượng đẹp, cô gái ấy là một bức chân dung sáng ngời về hành động dám thử thách, dám chinh phục ước mơ của mình. Cuộc nói chuyện với anh thanh niên đã giúp cô gái trẻ vững vàng, dũng cảm và tự tin hơn trên con đường mà cô đang chọn, cô đã nhận được bó hoa đẹp nhất trong ngày gặp gỡ “bó hoa của một hào hứng và hạnh phúc ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.

Không cần những ngôn từ hoa mĩ hay trau chuốt quá hoàn hảo, Nguyễn Thành Long đã xây dựng cốt truyện và chân dung nhân vật vô cùng tự nhiên, hợp lý bằng ngôn ngữ bình dị mà giàu sức gợi. Cách kể kết hợp tả, biểu cảm và bình luận càng làm cho áng văn thêm sâu sắc.

Qua văn bản, tác giả đã khắc hoạ thành công đẹp của những người lao động mới, họ thầm lặng cống hiến, thầm lặng hi sinh không quản nhọc nhằn, vất vả. Một tác phẩm được viết trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, nhưng ta không hề thấy cái sự ác liệt, hiểm nguy nơi chiến trường mà cảm nhận được sự bình yên của quê hương, nơi những con người cứ lặng lẽ sống, cống hiến thanh xuân, ước mơ của mình để phục vụ đất nước ơi những cuộc đời quên thân mình vì sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

—————-HẾT—————–

Bên cạnh bài Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa trên đây, các em cùng đọc thêm các bài văn Suy nghĩ của em về truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long để khám phá tác phẩm một cách toàn diện nhé!

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-ve-tac-pham-lang-le-sa-pa/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp