Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử
Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Giá trị của lịch sử.
2. Thân bài:
a. Giải thích giá trị lịch sử là gì?
– “Giá trị lịch sử” là là nguồn gốc hình thành nền văn hóa, là cội nguồn của con người, là những truyền thống quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại và được kế thừa phát huy qua từng đời.
– Giá trị lịch sử làm nên giá trị dân tộc bởi mỗi quốc gia có một quá trình dựng nước và giữ nước khác nhau.
b. Bàn luận về giá trị lịch sử:
– Biểu hiện của giá trị lịch sử:
+ Giá trị lịch sử được thể hiện ở quá trình gây dựng đất nước của ông cha ta, là niềm tự hào của dân tộc khi chiến thắng giặc ngoại xâm để bảo vệ nước nhà.
+ Giá trị lịch sử được thể hiện ở nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như “yêu nước nồng nàn”, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “tôn sư trọng đạo”,…
– Ý nghĩa của giá trị lịch sử:
+ Giá trị lịch sử là niềm tự hào của dân tộc, là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
+ Giá trị lịch sử giúp cho con người biết trân trọng cuộc sống hiện tại để bày tỏ lòng biết ơn với biết bao thế hệ đã hi sinh đổ máu.
c. Phê phán:
– Những người không biết coi trọng lịch sử, không biết trân trọng cuộc sống hiện tại.
– Những người có tư tưởng phản động, không chịu tìm hiểu về lịch sử nước nhà dẫn đến có những cái nhìn sai trái, lệch lạc về lịch sử dân tộc.
d. Trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc bảo vệ giá trị lịch sử:
– Mỗi cá nhân cần phải biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.
– Mỗi cá nhân cần phải có tinh thần tự tìm hiểu, học hỏi lịch sử nước nhà, giữ vững lòng yêu nước và cần phải biết ơn đối với những người đã có công với đất nước.
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: Giá trị của lịch sử.
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử
1. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử, mẫu 1 (Chuẩn)
Suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mới thoát khỏi ách nô lệ, giành lại độc lập, tự do. Giá trị của lịch sử cũng được hình thành và khẳng định trong quá trình đoàn kết đấu tranh bền bỉ, kiên cường đó. “Giá trị lịch sử” là nguồn gốc hình thành nền văn hóa, là cội nguồn của con người, là những truyền thống quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại và được kế thừa phát huy qua từng thế hệ. Giá trị lịch sử làm nên giá trị dân tộc bởi mỗi quốc gia có một quá trình dựng nước và giữ nước khác nhau. Giá trị lịch sử được thể hiện ở quá trình gây dựng đất nước của ông cha ta, là niềm tự hào của dân tộc khi chiến thắng giặc ngoại xâm để bảo vệ nước nhà. Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” đã lí giải nguồn gốc sinh ra của con người. Chính vì vậy, Bác Hồ đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã có rất nhiều anh hùng phải hy sinh để đổi lấy hòa bình đất nước. Lịch sử đấu tranh hào hùng trong quá khứ và những trang sử đang được viết tiếp trong cuộc sống hiện đại chính là niềm tự hào của mỗi dân tộc, là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nhờ có lịch sử mà con người biết trân trọng cuộc sống hiện tại hơn. Thế nhưng trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều người không biết coi trọng lịch sử, không biết trân trọng cuộc sống hiện tại hay có tư tưởng phản động, dẫn đến những cái nhìn sai trái, lệch lạc về lịch sử dân tộc. Do vậy, mỗi cá nhân chúng ta cần phải biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử, mẫu 2 (Chuẩn)
“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Chúng ta luôn tự hào vì dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử với bốn nghìn năm văn hiến. Đến nay, những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ, phát huy và tôn vinh trong những ngày lễ kỉ niệm như: Ngày quốc khánh 2/9, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ngày giải phóng Thủ đô 10/10,…. Giá trị lịch sử chính là gốc rễ của sự hình thành xã hội ngày hôm nay, là những truyền thống quý báu mà ông cha ta đã đúc kết được trong cuộc sống nhằm truyền lại cho từng thế hệ sau này. Lịch sử đã lí giải cho chúng ta biết ông cha ta đã gây dựng được đất nước Việt Nam, là nhân chứng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó của đồng bào ta. Chính vì vậy lịch sử đã trở thành một trong những môn học không thể thiếu ở các cấp. Nhờ có những trang sử hồng mà thế hệ trẻ mới được biết đến công lao của những vị anh hùng dân tộc. Nhân dân ta phải trải qua biết bao cuộc chiến tranh như kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với sự bóc lột vô cùng tàn ác của chúng đã khiến cho biết bao vị anh hùng phải gục xuống. Bởi vậy, giá trị lịch sử luôn được coi là niềm tự tôn dân tộc, là thứ để chúng ta tự hào với bạn bè năm châu. Tuy nhiên trong cuộc sống, chúng ta phải phê phán những người không có kiến thức về lịch sử dân tộc, phủ nhận những gì mà ông cha ta đã gây dựng nên và xem nhẹ giá trị của lịch sử. Bởi vậy, mỗi cá nhân chúng ta cần phải bày tỏ lòng biết ơn với những thế hệ đi trước, phải tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc để gây dựng một đất nước Việt Nam giàu có, văn minh.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử, mẫu 3 (Chuẩn)
Chúng ta không thể sống trong quá khứ nhưng chúng ta không thể sống mà không có quá khứ. Giá trị lịch sử đã gợi nhắc cho chúng ta nhớ về quá khứ với một thái độ trân trọng và biết ơn. Giá trị lịch sử là những giá trị, tư tưởng cốt lõi mà ông cha ta đã đúc kết được trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Giá trị lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự trường tồn của mỗi quốc gia. Những truyền thống quý báu của dân tộc được giá trị lịch sử lưu giữ lại chính là nền tảng để giáo dục thế hệ trẻ sau này. Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn bởi khi “giặc đến nhà thì đàn cũng đánh”. Trong nạn đói năm 1945, truyền thống tương thân tương ái đã cứu đói rất nhiều người khi Bác Hồ có chủ trương xây dựng “Hũ gạo cứu đói” đã cho thấy sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Giá trị lịch sử là thước đo của niềm tự hào dân tộc, nó giúp cho con người biết nhìn nhận về quá khứ từ đó biết trân trọng cuộc sống hiện tại và bồi đắp lòng biết ơn với những thế hệ cha ông đi trước. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng bỏ qua những giá trị cốt lõi của dân tộc khiến cho họ có những suy nghĩ sai lệch về lịch sử nước nhà. Thật đáng phê phán những người không chịu tìm hiểu về lịch sử nên đã có những hành động tiêu cực làm ảnh hưởng đến nền văn mình của đất nước. Mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, cần phải có tinh thần tự tìm hiểu, học hỏi lịch sử nước nhà, giữ vững lòng yêu nước trước mọi thế lực thù địch.
————HẾT—————–
Hy vọng bài Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giá trị của lịch sử trên đây sẽ giúp các em hiểu được tầm quan trọng của lịch sử đối với sự hình thành của mỗi quốc gia. Ngoài ra để có nhiều kiến thức làm bài nghị luận xã hội 200 chữ hơn thì các em có thể tham khảo thêm bài viết: Nghị luận xã hội 200 chữ về ý thức tôn trọng lẽ phải, Nghị luận xã hội 200 chữ về thanh niên trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Nghị luận xã hội 200 chữ về vai trò của Internet trong cuộc sống hôm nay, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa của sự thay đổi bản thân.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp