Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm
Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm (Chuẩn)
1. Mở bài
Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận: Lỗi lầm trong cuộc sống
2. Thân bài
– Giải thích:
+ Lỗi lầm là những lời nói, hành động mà chúng ta đã thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn mang đến những kết quả tiêu cực.
+ Lỗi lầm là một điều tất yếu của cuộc sống à Ai cũng sẽ mắc phải sai lầm.
– Bàn luận:
+ Lỗi lầm có thể được tạo ra trong những lúc nóng nảy, mất bình tĩnh; cũng có thể do sự nhẹ dạ, cả tin và đôi khi là do lòng ích kỉ, đố kị và những suy lệch lạc.
+ Một lời nói vô tình, một hành động thiếu chuẩn mực không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ mà còn có thể làm tổn thương sâu sắc đến niềm tin, tình cảm của người khác.
+ Sai lầm như con dao hai lưỡi, nó không chỉ làm cho mọi việc thêm tồi tệ, đánh mất đi niềm tin và sự tôn trọng của người khác mà chính bản thân chúng ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi.
+ Sai lầm không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là nhận thức được sai lầm nhưng không có ý định sửa lỗi.
– Bài học:
+ Lỗi lầm là điều không ai tránh khỏi, thế nhưng chúng ta hãy dũng cảm nhìn vào những lỗi lầm của bản thân để sửa chữa, rút kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân.
+ Để hạn chế mắc phải những lỗi lầm, chúng ta cần bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của bản thân
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm
1. Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm, mẫu 1 (Chuẩn)
Cuộc sống con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Bởi vậy là trong quá trình sinh sống, làm việc và giao tiếp, trước những tác động của những nhân tố xung quanh, con người rất khó có thể tránh được những sai lầm. Gây ra những lỗi lầm là điều không ai mong muốn, thế nhưng biết trước hậu quả và những tổn thương có thể gây ra cho mọi người xung quanh mà vẫn làm thì thực đáng trách. Lỗi lầm là những sai lệch về lời nói, hành vi có thể gây ra những hậu quả xấu. Một lời nói vô tình, một hành động thiếu chuẩn mực không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ mà còn có thể làm tổn thương sâu sắc đến niềm tin, tình cảm của người khác. Sai lầm cũng như một con dao hai lưỡi, nó không chỉ làm cho mọi việc thêm tồi tệ, đánh mất đi niềm tin và sự tôn trọng của người khác mà chính bản thân chúng ta sẽ cảm thấy áy náy, day dứt khi mắc lỗi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng, không nên quá khắt khe với những lỗi lầm mà bản thân vô tình gây ra. Bởi, cuộc sống luôn tồn tại những bất ngờ mà bản thân chúng ta không tránh khỏi những lúc mắc sai lầm. Nếu chúng ra biết nhận ra lỗi và có ý thức sửa chữa, thay đổi thì đó là điều đáng quý, bản thân chúng ta sẽ được hoàn thiện lên từng ngày. Mặt khác, nhìn thấy sự cố gắng thay đổi, cải thiện của bản thân, mọi người sẽ ghi nhận và dành cho chúng ta tình cảm yêu mến, kính trọng. Trong thực tế, có rất nhiều người sau khi gây ra lỗi lầm nhưng không biết hối hận, sửa chữa, cũng có những người vì lợi ích của bản thân mà cố tình gây ra những mất mát, tổn thương cho người khác. Chúng ta cần lên án những con người, hành động đó. Hãy sống trung thực, ngay thẳng và dám nhìn nhận vào những sai lầm của bản thân để sửa chữa và hướng đến những điều tốt đẹp.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm, mẫu 2 (Chuẩn)
Sai lầm như một điều tất yếu trong cuộc sống bởi con người không ai hoàn hảo. Ai trong đời cũng từng mắc phải những lỗi lầm khiến bản thân áy náy, tự trách. Thế nhưng, sai lầm không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là nhận thức được sai lầm nhưng không có ý định sửa lỗi. Lỗi lầm là những lời nói, hành động mà chúng ta đã thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn mang đến những kết quả tiêu cực. Chúng ta có thể vô tình hoặc cố ý gây ra những sai lầm, đó có thể là kết quả của những hoàn cảnh éo le, chúng ta bắt buộc phải làm vì không có lựa chọn nào khác, đó cũng có thể là do sự ích kỉ, lòng tham và một phút không làm chủ được bản thân. Lời nói dối về tình trạng bệnh tật của bác sĩ với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, lời nói dối ấy sai về sự thật nhưng lại mang đến sự lạc quan, vui vẻ cho người bệnh. Lỗi lầm bất đắc dĩ ấy hoàn toàn có thể thông cảm, bởi nó xuất phát từ lương tâm, tình thương của người thầy thuốc. Lỗi lầm có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người khác, mang đến những áy náy cho bản thân người mắc lỗi nhưng cũng có lỗi lầm có thể ảnh hưởng đến an nguy và sự tồn vong của cả một dân tộc. Ngược trở về quá khứ, vì sự nhu nhược, lợi ích của giai cấp mà triều đình nhà Nguyễn hết lần này đến lần khác bán nước ta cho Thực dân Pháp bằng những bản hiệp ước. Lỗi lầm của vua quan nhà Nguyễn đã đẩy cả đất nước, dân tộc trước cơn bão tố của lịch sử, điều ấy thật đáng trách. Lỗi lầm là điều không ai tránh khỏi, thế nhưng chúng ta hãy dũng cảm nhìn vào những lỗi lầm của bản thân để sửa chữa, rút kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân. Đừng sợ hãi những lỗi lầm, dám đối diện và thay đổi là khi bạn thực thực sự trưởng thành và có đủ bản lĩnh sống.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về lỗi lầm, mẫu 3 (Chuẩn)
Cuộc sống luôn tạo ra những tình huống bất ngờ khiến con người lúng túng, bị động và mắc phải những sai lầm. Hiểu một cách đơn giản, lỗi lầm là những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân hay những người xung quanh. Lỗi lầm có thể được tạo ra trong những lúc nóng nảy, mất bình tĩnh; cũng có thể do sự nhẹ dạ, cả tin và đôi khi là do lòng ích kỉ, đố kị và những suy lệch lạc. Tùy theo tính chất, mức độ của lỗi lầm mà hậu quả cũng sẽ khác nhau. Lỗi lầm có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, nó có thể làm rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp, làm cho bản thân cảm thấy áy náy, tự trách. Nếu lỗi lầm liên quan đến đạo đức, pháp luật thì con người sẽ phải trả bằng cái giá “đắt” hơn, có thể là cải tạo, cách li với xã hội, thậm chí là trả giá bằng chính cơ hội sống. Những vụ án giết người cướp của quá sức dã man trong thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng, vì những mâu thuẫn, lợi ích tiền bạc mà con người sẵn sàng gây ra những tội lỗi không thể tha thứ, đó là những lỗi lầm đáng lên án và loại trừ ra khỏi cuộc sống. Sự lệch lạc trong nhận thức và hành động có thẩ gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Lỗi lầm là điều tất yếu trong cuộc sống, thế nhưng không vì vậy mà chúng ta bất chấp để gây ra những lỗi lầm không thể cứu vãn. Mỗi người chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận lại bản thân để thấy được những lỗi lầm, hạn chế, từ đó khắc phục và hoàn thiện mình. Để hạn chế mắc phải những lỗi lầm, chúng ta cần bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động.
—————–HẾT——————
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em những bài văn nghị luận hay nhất viết về lỗi lầm. Để mở rộng vốn hiểu biết và rèn luyện kĩ năng viết bài của mình, các em có thể luyện tập thêm với những đề bài sau: Nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường, Nghị luận xã hội 200 chữ suy nghĩ về tuổi trẻ, Nghị luận xã hội suy nghĩ về bản chất của thành công, Nghị luận xã hội Suy nghĩ về lòng dũng cảm.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp