Đề bài: Từ hiện tượng vô cảm trong xã hội, anh/chị hãy viết bài Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm và bàn luận về tác hại của căn bệnh này.
Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm trong xã hội ngày nay
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm
1. Mở bài
– Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: hiện tượng vô cảm
2. Thân bài
a. Giải thích về hiện tượng vô cảm
– Vô cảm là gì?
– Biểu hiện của căn bệnh vô cảm?
b. Nguyên nhân dẫn đến vô cảm
– Nguyên nhân khách quan: xã hội phát triển
– Nguyên nhân chủ quan: lối sống không lành mạnh, ý thức của con người
c. Thực trạng của hiện tượng vô cảm hiện nay
– Vô cảm diễn ra ở mọi nơi
– Mọi người đều có thể mắc căn bệnh vô cảm
d. Giải pháp cho hiện tượng vô cảm
– Tuyên truyền, giáo dục
– Lối sống lành mạnh
– Sự quan tâm, chia sẻ từ những người xung quanh
3. Kết bài
Rút ra bài học nhận thức và hành động
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm
1. Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm, mẫu số 1 (Chuẩn):
Xã hội ngày nay người ta nhắc đến căn bệnh “vô cảm” nhiều hơn là nhắc đến HIV/AIDS, và thực sự căn bệnh này còn đáng sợ hơn cả cái chết trắng. Vô cảm là sự thờ ơ, lạnh lùng, không quan tâm đến người khác, là một người không cảm xúc, dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Nói cách khác, người vô cảm chỉ biết sống cho mình, họ chẳng mảy may quan tâm đến người khác, mặc kệ tất cả những người xung quanh mình. Ví dụ điển hình như trên đường có vụ tai nạn xe, chỉ có 1-2 người dừng lại hỏi han còn lại ai cũng chỉ nhìn rồi lại phóng xe đi tiếp, không hỏi thăm, không giúp đỡ. Đặc biệt là giới trẻ ngày nay, đánh nhau còn đánh hội đồng, không can ngăn lại còn cổ vũ chụp hình quay video đưa lên mạng xã hội. Căn bệnh vô cảm bắt nguồn từ chính lối sống, lối suy nghĩ của con người, lối sống ích kỷ, vô tâm khiến con người ta vô cảm, chính vì vậy phải thay đổi lối sống của chính mình, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn, luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người đó chính là liều thuốc tốt nhất chống lại căn bệnh vô cảm.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm, mẫu số 2 (Chuẩn):
Dân tộc ta nổi tiếng với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thế nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người có lối sống vô cảm trong xã hội. Người vô cảm họ không hề có bất cứ cảm xúc gì đối với chuyện gì của người khác, dù là chuyện buồn hay vui, nếu có thì đó chỉ là cảm xúc gượng gạo, giả tạo nhất thời chứ không phải là cảm xúc thật sự. Bởi vô cảm là sự thờ ơ, lạnh lùng, dửng dưng với mọi người ngay cả với người thân của mình. Ngày nay không khó để ta bắt gặp thái độ vô cảm của con người trong xã hội, ví dụ điển hình như những người ăn xin bên lề đường chẳng mấy ai cho tiền hay hỏi thăm, thấy người ta bị đổ xe, rơi hàng hóa ra thì chen nhau chạy đến hôi của. Thế mới thấy xã hội phát triển vẫn luôn tồn tại hai mặt, mọi người chỉ mải kiếm tiền, không quan tâm đến những giá trị đạo đức, dửng dưng trước những hoàn cảnh khó khăn, đi ngược lại với truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Gia đình và nhà trường phải đi đầu về giáo dục và tuyên truyền chống lại hiện tượng vô cảm trong thế hệ trẻ ngày nay.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm, mẫu số 3 (Chuẩn):
Cùng với sự phát triển của xã hội, con người vô tình bị cuốn theo và bị tác động bởi guồng quay ấy. Luôn tất bật với cơm áo, gạo tiền mà không ít người quên đi những thứ xung quanh, dần trở nên vô cảm với cuộc sống và với mọi người. Vô cảm đáng sợ không chỉ đối với người vô cảm mà còn đối với tất cả mọi người, cả xã hội, vô cảm mang thái độ thờ ơ, bàng quan với mọi người, sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình. Ví dụ như trên đường có người bị hỏng xe phải dắt bộ nhưng mọi người không hề quan tâm mà chỉ liếc nhìn rồi lướt đi qua, đó là sự vô tâm, vô cảm, không biết giúp đỡ người khác, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Nguyên nhân chính vẫn là ở nhận thức của mỗi người về thái độ sống, hãy sống vì mọi người, vì gia đình, vì xã hội đừng chỉ nên sống vì mình, khi ấy tình thương sẽ được lan tỏa, mọi người ai cũng quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ nhau, sẽ không còn tồn tại căn bệnh vô cảm nữa. Ngay từ bây giờ hãy quan tâm nhiều hơn đến những người thân trong gia đình, thẳng thắn lên án và phê phán thái độ sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ của bất cứ ai.
—————–HẾT—————
Viết bài nghị luận 200 chữ về một vấn đề, hiện tượng xã hội là chủ để quen thuộc trong đề thi của học sinh lớp 12, đặc biệt là đề tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngữ văn. Để luyện tập, trau dồi kỹ năng và kiến thức về các dạng văn nghị luận khác các em có thể tham khảo các bài viết: Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng hiếu thảo, Nghị luận xã hội 200 chữ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, Nghị luận xã hội 200 chữ về hậu quả của lối sống ăn bám, Đoạn văn nghị luận 200 chữ liên quan tới dịch Covid-19.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp