Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương

0
122
Rate this post

Đề bài: Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương

nghi luan xa hoi ve mai am tinh thuong

Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương
 

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương

I. Dàn ý nghị luận xã hội về mái ấm tình thương (Chuẩn)

1. Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề: Có thể dẫn dắt vấn đề bằng cách sử dụng câu ca dao dân gian: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương… nhau cùng” để khẳng định truyền thống nhân đạo, tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta từ xưa đến nay. 
– Nêu vấn đề: Có nhiều hình thức thể hiện tình yêu thương giữa người với người, một trong số đó là những mái ấm tình thương – nơi cưu mang những trẻ em không nơi nương tựa.

2. Thân bài
– Khái niệm hạnh phúc của mỗi người là khác nhau: 
+ Đối với một số người, hạnh phúc là có thật nhiều tiền; có nhà lầu xe hơi,…
+ Một số người khác, hạnh phúc là khi được ăn những món ăn ngon, được đi du lịch khắp mọi nơi…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về mái ấm tình thương tại đây

 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương (Chuẩn)

Ca dao có câu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Có thể nói từ xưa đến nay, dân tộc ta luôn có một truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn. Đó là tình đồng bào, là tấm lòng nhân hậu của mỗi chúng ta. Có rất nhiều hình thức cũng như cách thể hiện tình thương đó đến mọi người. Nhưng hơn hết đó là mái ấm tình thương – nơi cưu mang những em bé không nơi nương tựa.

Có lẽ đối với mỗi người khái niệm hạnh phúc là khác nhau: Có người nói hạnh phúc là khi họ có thật nhiều tiền, hạnh phúc là khi học được đi du lịch khắp mọi nơi; hạnh phúc là được ở cạnh người mình yêu… Nhưng đối với một đứa trẻ lang thang, không người thân, không gia đình, vậy hạnh phúc là gì? Đối với các em, hạnh phúc là được che chở, được bảo vệ, có một mái ấm gia đình để nương tựa và bao bọc; hạnh phúc là khi có bố mẹ, được cảm nhận sự chăm sóc đầy yêu thương, được học tập và lớn lên. Niềm hạnh phúc đó thật giản đơn, nhưng đó là niềm mong ước của bao đứa trẻ không nơi nương tựa. Chính vì vậy, mái ấm tình thương đã hình thành.

Mái ấm tình thương chính là một mô hình tổ chức xã hội với mục đích giúp những em bé bị bỏ rơi có một gia đình và được chở che, học hành dưới sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, và tấm lòng thiện nguyện của mọi người trong xã hội. Có rất nhiều tổ chức cũng như mái ấm tình thương mà chúng ta đã từng một lần nghe qua: làng trẻ SOS, Làng Trẻ em Birla tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy); Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ở xã Thụy An (huyện Ba Vì)… Những mái nhà đó được các cấp tỉnh uỷ, đại hội đồng nhân dân các cấp, những nhà hảo tâm luôn tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Đây quả thật là một việc làm thiện nguyện tốt đẹp, góp phần lan toả yêu thương trong xã hội

Quả thật khi có những mái nhà tình thương, cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn biết bao nhiêu. Với những trẻ em không nơi nương tựa, các em được sống trong tình yêu thương của bạn bè thầy cô và mọi người. Thử nghĩ xem, chỉ với độ tuổi mười đến mười lăm thậm chí còn nhỏ hơn, những em không cha không mẹ đã phải mưu sinh kiếm sống bằng những nghề như bán vé số, phục vụ quán nước, đau lòng hơn nhiều em còn bị bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn của những kẻ vô lương tâm và rồi nhiều em sa ngã vào những tệ nạn như ma tuý, mại dâm,… Khi chứng kiến những cảnh như vậy, chúng ta không khỏi xót xa và đau lòng. Chính bởi vậy, mái ấm tình thương giúp các em có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng, giúp các em có một tuổi thơ thật đẹp, sống một cuộc sống có ước mơ và trở thành người có ích cho xã hội. Đó là mục tiêu cũng như sứ mạng mà mái ấm tình thương mang lại.

Như vậy có thể nói, mái ấm tình thương là một trong những tổ chức giúp cho chính những em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt thiếu may mắn và đồng thời cũng mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Qua đây, chúng ta cũng cần phải phê phán những người làm cha làm mẹ ngay cả khi vẫn còn sống mà đã bỏ rơi các em, để các em phải vất vả kiếm sống và chịu bao nhiêu tủi nhục. Đó là thái độ vô trách nhiệm, là sự vô cảm của những bậc sinh thành với chính những đứa con của mình. Bên cạnh những mái ấm tình thương theo đúng nghĩa thì đâu đó quanh chúng ta vẫn có những tổ chức cá nhân lợi dụng danh nghĩa đó để mang lại lợi ích cho bản thân mình. Họ trên danh nghĩa xin tài trợ từ các nhà hảo tâm nhưng thực chất lại không đem số tiền đó cho các em mà chuộc lợi cho cá nhân. Điều này rất đáng lên án và phê phán, chỉ có những người vô lương tâm, độc ác mới làm những điều như vậy. Vì nguyên do đó, khi chúng ta muốn đóng góp tấm lòng từ thiện thì nên chọn những tổ chức uy tín và tìm hiểu thật rõ về đối tượng mình mong muốn giúp đỡ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng mái ấm tình thương là một điều thật tuyệt vời, như một phép màu trong cuộc sống, cứu giúp những bạn nhỏ khó khăn, mang đến cho các bạn một cuộc sống mới và nhiều điều tốt đẹp. Bản thân em khi biết được hoàn cảnh của các bạn, em cảm thấy mình thật may mắn vì được sinh ra trong một gia đình vô cùng hạnh phúc và được tạo điều kiện học tập, có thầy cô và bạn bè ở bên cạnh. Chính bởi vậy, em càng trân trọng những thứ mình đang có và cố gắng phấn đấu để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.

———————HẾT———————-

Để nâng cao kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnh bài Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn nghị luận thường gặp khác như: Nghị luận xã hội Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương, Nghị luận về lòng yêu thương con người trong xã hội ngày nay, Nghị luận về Văn học và Tình thương, Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc con người, Nghị luận xã hội về lòng yêu thương, Nghị luận về câu nói Dân tộc ta chủ yếu sống bằng tình thương.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-mai-am-tinh-thuong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp