Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ?

0
81
Rate this post

Đề bài: Về đoạn trích tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1), có ý kiến cho rằng: “Đó là một công trình khảo cứu công phu”. Nhưng ý kiến khác lại nhấn mạnh: “Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ”. Từ việc cảm nhận đoạn trích đã học, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Vài nét về tác giả, tác phẩm Người lái đò sông Đà, vấn đề cần bàn luận:

  • Nguyễn Tuân là một nhà văn tài năng với một phong cách độc đáo.
  • Tuỳ bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc trong và sau kháng chiến chống Pháp.

– Nêu 2 ý kiến cần nghị luận

>>Xem thêm: Những mở bài Người lái đò sống Đà hay nhất

II. Thân bài

1. Giải thích ý kiến:

  • Công trình khảo cứu công phu: Là một tác phẩm được tạo nên từ công sức tìm tòi, nghiên cứu dựa trên các tài liệu phong phú. Nó thể hiện vốn sống và tầm hiểu biết sâu rông của nhà văn. Nó đem đến cho người đọc những hiểu biết phong phú về các đặc điểm, tính chất của đối tượng được đề cập…
  • Áng văn giàu tính thẩm mĩ: Là tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo trong việc tái hiện cái đẹp, khơi gợi những hứng thú và khả năng cảm nhận cái đẹp ở người đọc thông qua cách viết tài hoa, độc đáo của người nghệ sĩ…

2. Phân tích biểu hiện:

a) Công trình khảo cứu công phu

Tác giả huy động một vốn kiến thức tổng hợp khá đồ sộ về rất nhiều ngành khoa học và nghệ thuật.

  • Địa lí: Đặc điểm địa hình, địa thế, dòng chảy của sông, các con thác dọc sông Đà, sắc nước mỗi mùa…
  • Lịch sử: Tên sông qua các thời kì và lịch sử sông Đà: thời tiền sử, thời Hùng Vương, thời phong kiến, thời kháng chiến, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội…
  • Văn học, văn hoá: Hình ảnh con sông Đà trong thơ văn: Nguyễn Quang Bích, gợi nhớ thơ Lí Bạch, thơ Ba Lan, Tản Đà… Đời sống vật chất (đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam) và tinh thần (bàn cá anh vũ, cá dầm xanh…)
  • Các kiến thức khác: quân sự, thể thao, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, sân khấu…
  • Sự am hiểu tường tận về công việc lái đò, và khả năng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động Tây Bắc…

b) Áng văn giàu tính thẩm mĩ

  • Người đọc có được khoái cảm thẩm mĩ thực sự trước vẻ đẹp tuyệt vời của con sông Đà hung bạo và trữ tình; vẻ đẹp của ông đò anh hùng và nghệ sĩ. Bên cạnh đó, người đọc còn được thưởng thức vẻ đẹp của một thiên anh hùng ca và một bản tình ca say đắm về thiên nhiên và cuộc sống. (Chứng minh qua chi tiết nghệ thuật)
  • Nhà văn đã biến những thông tin khô khan, tư liệu lạnh lùng thành hình tượng sống động, có đời sống, có tâm lí, tính cách, số phận cụ thể. (Chứng minh qua chi tiết nghệ thuật)
  • Giá trị thẩm mĩ còn thể hiện ở thể văn Tuỳ bút vừa thực tế vừa tự do phóng túng, ở tài năng lựa chọn ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.

3. Bình luận hai ý kiến:

  • Hai ý kiến đều đề cập đến những vẻ đẹp khác nhau của đoạn trích tuỳ bút. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh trí tuệ uyên bác, lao động nghệ thuật nghiêm túc, công phu và tình yêu đối với những người lao động bình thường của nhà văn. Ý kiến thứ hai thể hiện chất tài hoa, tài tử, sự sáng tạo độc đáo trong cách miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên và con người của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám…
  • Bàn luận chung: Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tác phẩm và sự vận động trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám…

III. Kết bài

  • Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám. Với sự tài hoa, uyên bác của mình nhà văn đã khắc họa thành công vẻ đẹp con người và thiên nhiên Tây Bắc. Qua đó, tác giả gửi gắm tình yêu thiên nhiên, con người nơi đây vốn được xem như “chất vàng mười”, một thứ vàng đã qua thử lửa. Tác phẩm này vừa là” một công trình khảo cứu công phu” vừa là “một áng văn giàu tính thẩm mĩ” mà Nguyễn Tuân đã để lại cho muôn đời sau.
  • Đọc “Người lái đò sông Đà” ta thấy yêu hơn về vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên và con người Việt Nam. Từ đó, chúng ta hiểu rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ cảnh quan thên nhiên tuyệt đẹp của quê hương đất nước mình.

>>Tham khảo: Dàn ý phân tích cái tôi độc đáo trong Người lái đò sông Đà

Với dàn ý chi tiết cho đề bài “Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ?” các em học sinh sẽ dễ dàng triển khai nội dung cho đề bài này. 

Ngoài ra cũng sưu tầm một số bài văn mẫu để các em tham khảo, học hỏi thêm về cách sử dụng ý tứ, từ ngữ cho bài viết của mình.

Văn mẫu Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ?

Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa, am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực và là người nghệ sĩ đặc biệt giàu cảm hứng trước những vẻ đẹp kì vĩ, phi thường, dữ dội . Người lái đò sông Đà là tác phẩm được rút từ tập truyện Tây Bắc (1960), là kết quả nhiều lần lên Tây Bắc và trong chuyến đi thực tế 1958 của Nguyễn Tuân. Về tác phẩm này, có ý kiến cho rằng “đó là một công trình khảo cứu công phu”, ý kiến khác lại cho rằng “đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ”. Phải chăng đó là hai ý kiến trái ngược nhau?

Trước tiên, Người lái đò sông Đà là “công trình khảo cứu công phu”, tức là tác phẩm được tạo nên từ công sức tìm tòi, nghiên cứu được dựa trên những tài liệu phong phú hay từ những quan sát tỉ mỉ thể hiện tầm hiểu biết, trí tuệ của nhà văn, nhằm cung cấp cho người đọc có thêm thông tin cũng như những giá trị về đối tượng được khám phá. Còn “áng văn giàu tính thẩm mĩ“ là tác phẩm đã đạt đến sự hoàn hảo trong việc tái hiện cái đẹp, xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhằm đem đến cái đẹp cho cuộc sống. Hai ý kiến trên đều rất đúng đắng và sâu sắc bởi Nguyễn Tuân đã sử dụng thể loại kí để truyền đạt thông tin, sự kiện để bộc lộ tài hoa, uyên bác của mình khi khám phá vẻ đạp thiên nhiên và con người sông Đà. Đồng thời đây cũng là thể loại giàu cảm xúc trữ tình trong nghệ thuật xây dựng hình tượng để khám phá được giá trị của tác phẩm Người lái đò sông Đà.

Trước hết, có thể nói “Người lái đò sông Đà là một công trình khảo cứu công phu”. Ở đây tác giả đã huy động toàn bộ kiến thức tổng hợp đồ sộ về nhiều nghành nghề Khoa học – Nghệ thuật để khám phá thiên nhiên và con người Tây Bắc qua nhiều vấn đề như: địa lí, cung cấp thêm thông tin về sắc nước “mùa xuân màu xanh dòng ngọc bích” , “mùa thu lừ lừ chín đỏ như mặt người bầm đi vì rượu” hay dáng vẻ sông Đà tràn đầy sức sống như áng tóc của thiếu nữ “sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình” hay đó còn là đặc điểm về địa hình hiểm trở, hoang sơ của con sông. Cũng như trong quân sự cung cấp cho ta hiểu thêm cách bày binh bố trận của sông đà về thạch trận trên sông. Hay là về mảng âm nhạc: tiếng thác nước cứ “réo gần mãi lại, réo to mãi lên” “nghe như oán trách, van xin”.

>>Xem thêm: Phân tích cái tôi độc đáo trong Người lái đò sông Đà

Ngoài ra tác phẩm còn cung cấp cho người đọc hiểu biết về sông Đà cũng như con người nơi đây, có thêm kiến thức về con sông từ tên gọi cho đến dáng vẻ “tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Về con người từ hoàn cảnh sống của những con người nhà thuyền thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy, những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng cũng từ đó ta mới thấy được con người kiên cường, dũng cảm thế nào, tài trí, anh dũng ra sao để có thể đối phó với những chông gai, thử thách mà thiên nhiên nơi đây tạo ra: “dù bị thương nhưng ông vẫn cố nén vết thương, chân bám chặt lấy cuống lái”, ”không một phút nghĩ tay, nghĩ mắt ông đã đổi luôn chiến thuật”.

Người lái đò sông Đà còn là “một áng văn trữ tình giàu tính thẩm mĩ”, đó, nghệ thuật đem đến vẻ đẹp tuyệt vời của hai hình tượng nghệ thuật là sông Đà và người lái đò. Nếu sông Đà là “chất vàng mười của màu sắc sông núi” thì người lái đò là” thứ vàng mười đã qua thử lửa“.

Với Nguyễn Tuân con sông Đà không phải là một thực thể vô tri vô giác mà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân nó được thể hiện với những cá tính rõ nét. Đó là những tính cách độc đáo thể hiện qua sự hùng vĩ và thơ mộng. Nói về sông Đà, ta không thể quên được những hình ảnh của đá: đá bờ sông “dựng thành vách, chẹt giữa lòng sông như cái yết hầu” hay đá lòng sông “cả một chân trời đá nhổm dậy vồ lấy thuyền”, ”đá chia nhau giao việc cho mỗi hòn, cùng phối hợp đói phó con người”. Hình ảnh những cái hút nước ghê rợn như những cạm bẫy khó lường là mối đe dọa lớn với người lái đò “như những cái giếng bê tông được thả xuống” hay “nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”. Hay đó là sóng nước “dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, ”cuồn cuộn luồn gió gùn ghè suốt năm” như con người mang tâm địa hiểm trở. Hay đó còn là tiếng thác nước với “tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên “hay mặt nước” hò la vang dậy quanh mình, ùa vào bẻ gãy cán chèo”.. những hình ảnh đó của sông Đà hùng vĩ, bí hiểm hung bạo mà đầy những chông gai, thử thách là hiện thân của thứ kẻ thù luôn thách thức, tấn công và cực kì nguy hiểm với con người.

Bên cạnh sự hung bạo, hùng vĩ thì nét trữ tình thơ mộng của con sông được Nguyễn Tuân khắc họa bằng dáng vẻ yêu kiều, mềm mại “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình” là con sông tràn đầy sức sống, hòa mình trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc và cuộc sống con người miền Tây. Sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa: mùa xuân thì êm đềm, yên ả còn mùa thu thì thác lũ dữ dội “mùa xuân dòng xanh màu ngọc bích”, “mùa thu lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu”. Tác giả “đằm đằm, ấm ấm như được gặp lại cố nhân “sông Đà không còn là con sông hung bạo hiểm trở, không còn là những thác nước cheo leo hay những bờ đá dựng đứng đầy hiểm trở mà con sông ở đây hiền hòa, gần gũi, trở thành người bạn thân thiết tri kỉ của con người. Lúc đó, nhà văn phát hiện màu nắng trên sông Đà, một màu nắng ấm, chan hòa, rực rỡ gợi lên sức sống mãnh liệt cho con người. Cảnh ven sông tĩnh lặng, hoang dại như bờ tiền sử, hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích xa xưa, đưa nhà văn vào huyền thoại, cổ tích của thế giới xa xưa, nguyên sơ, vĩnh hằng.

Bằng cách sử dụng nghệ thuật khắc họa hình tượng tự nhiên, nhân hóa, liên tưởng tưởng tượng tác giả đã biến con sông đà từ vô tri vô giác thành con sông có những nét cá tính riêng biệt mà không con sông nào có. Nghệ thuật đối lập tương phản khiến con sông khi hung bạo, hiểm trở khi thơ mộng trữ tình. Tác giả sử dụng tối đa vốn hiểu biết phong phú cùng với những phép so sánh, nhân hóa, những liên tưởng, tưởng tượng rất mới để khắc họa chân dung của dòng sông gợi câu văn uyển chuyển mộc mạc giàu chất thơ. Qua đó, sông đà hiện lên là một dòng sông hung bạo, hùng vĩ nhưng rất thơ mộng, trữ tình đẹp như trong hyền thoại, hiện lên như một công trình kiến trúc tuyệt vời mà tạo hóa dành riêng cho mảnh đất Tây Bắc. Nó còn như một sinh thể có hồn, gần gũi, gắn bó với Tây Bắc.

Bên cạnh khắc họa con sông thì con người nơi đây dược Nguyễn Tuân đặt trong tình huống có thử thách, đó là hoàn cảnh khắc nghiệt phải đối đầu giành sự sống từ những con thác, đó là cuộc chiến đấu hàng ngày với kẻ thù số một. tuy nhiên đó là cuộc chiến không cân sức bởi lẽ thiên nhiên nơi đây hùng vĩ thế nào thì con người lại nhỏ bé như vậy.

Nhưng dù con người có nhỏ bé đến đâu thì vẫn có thể thắng được con sông hung bạo này. Qua ba lần phá vòng vây dũng cảm: lần thứ nhất “dù bị thương nhưng ông lái đò vẫn cố nén vết thương chân bám chặt lấy cuống lái”, ”vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái“. Người đọc thấy được sự tỉnh táo, gan dạ đầy bản lĩnh của người lái đò. Lần thứ hai dù bị bao vây, ngăn chặn nhưng “không một phút nghỉ tay, nghỉ mắt ông đã đổi luôn chiến thuật”, nắm chắt binh pháp, thuộc những quy luật của dòng sông, ứng xử thông minh, có kinh nghiệm và biết vận dụng thành công để phá tan vòng vây của giặc. “nhớ mặt, tránh mà rảo bơi chèo lên”. Lần ba có sự mạnh bạo hơn hai lần trước “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa”, “thuyền như mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước vừa xuyên vừa tự động lái được” kinh nghiệm kết hợp với tài trí và lòng dũng cảm đã đem lại thành công cho con người trong quá trình vượt thác. Thế mới thấy lái đò là một nghệ thuật và người lái đò là người nghệ sĩ tài hoa trong quá trình vượt thác. Đó là sự kết hợp giữa trí và dũng , giữa tài hoa và nghệ sĩ, đó là “thứ vàng mười của Tây Bắc“.

Bằng nghệ thuật dựng cảnh tạo nên cuộc chiến đầy cam go, kịch tính, qua đó tác giả ca ngợi vẻ đệp của con người lao động trong cuộc chiến chinh phục tự nhiên.Với thủ pháp đối lập tương phản , tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của con người trong thử thách là “chất vàng mười đã qua thử lửa”.

Tác phẩm là một công trình nghệ thuật tuyệt mĩ, một thiên anh hùng ca vượt thác, cũng là một bản tình ca say đắm về thiên nhiên và con người cũng như cuộc sống người dân nơi đây. Những thông tin mà Nguyễn Tuân cung cấp sinh động mà không khô khan nhờ nghệ thuật tùy bút tài hoa phóng khoáng, tự do, giàu sức hút, cảm xúc trữ tình của mình.

Hai ý kiến trên đề cập đến hững phương diện khác nhau khi đánh giá vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm ”đó là công trình khảo cứu công phu” thiên về chất trí tuệ trong lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Sự say mê, khám phá vẻ đẹp của đất nước và con người lao động. Còn “đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ” nhấn mạnh tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ say mê cái đẹp, sự sáng tạo. Hai ý kiến không đối lập mà chúng bổ sung cho nhau để đánh giá toàn diện, sâu sắc giá trị tùy bút Người lái đò sông Đà.

Người lái đò sông Đà là một kí phẩm kiệt xuất qua đó thấy được sự tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Ông đã khắc họa thành công ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp con người và thiên nhiên Tây Bắc nơi đây. Qua đó, tác giả gửi gắm tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó với đất nước, con người của nhà văn.

***

Đề bài Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ? được chứng minh với những nội dung phía trên, hi vọng các em học sinh có thể tìm hiểu được cách làm bài đúng hướng mà vẫn có những quan điểm cá nhân để bài văn ấn tượng, đạt điểm cao.

Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ?

 

Đề bài Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ? được thcs-thptlongphu tổng hợp dàn ý cùng bài mẫu cho các em học sinh tham khảo tốt nhất

Giáo dục

Bạn đang xem: Người lái đò sông Đà là công trình khảo cứu công phu hay là một áng văn giàu tính thẩm mĩ?

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nguoi-lai-do-song-da-la-cong-trinh-khao-cuu-cong-phu-hay-la-mot-ang-van-giau-tinh-tham-mi-hay-nhat/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp