Nguyên quán là gì?
Nguyên quán là cụm từ xuất hiện trên thẻ giấy CMND hoặc trong sổ hộ khẩu giấy,… dùng để xác định nguồn gốc của một người.
Nguyên quán thường được xác định dựa trên căn cứ như: Nơi sinh sống của ông, bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).
Theo quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TT-BCA, Bộ Công an quy định nội dung ghi trong biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, sổ hộ khẩu là nguyên quán (ghi theo giấy khai sinh).
Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2022, không còn cấp mới sổ hộ khẩu giấy nên theo Thông tư 55/2021/TT-BCA thì cụm từ nguyên quán không còn được nhắc đến.
Phân biệt quê quán và nguyên quán
Nguyên quán và quê quán hiện nay được hiểu như sau:
– Nguyên quán được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.
Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
Lưu ý: Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
CSPL: Trên tinh thần của điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA.
– Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
CSPL: Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.
Như vậy, có thể hiểu quê quán và nguyên quán đều được hiểu là “quê”, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Nguyên quán được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà. Còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ.
Nguyên quán và nơi sinh có khác nhau không?
Nguyên quán và nơi sinh không giống nhau.
Như phân tích ở phần nguyên quán là gì: Nguyên quán là từ chỉ quê gốc, thường căn cứ vào nơi sinh của ông/bà. Trong khi đó, nơi sinh của mỗi cá nhân là nơi người đó được sinh ra (bệnh viện, trạm y tế). Nơi sinh được thể hiện rất rõ tại Giấy khai sinh của mỗi cá nhân.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định về cách xác định và cách ghi nơi sinh như sau:
Nơi sinh của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra
Nguyên quán ghi như thế nào trong các loại giấy tờ?
Trước đây, Thông tư 36/2014/TT-BCA quy định rất rõ về cách ghi nguyên quan trong các loại giấy về đăng ký cư trú. Cụ thể, điểm e khoản 2 Điều 7 của Thông tư này nêu:
– Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh.
– Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông hoặc bà.
– Trường hợp không xác định được ông hoặc bà thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Lưu ý, cần phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (nếu địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại).
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021, Thông tư trên bị thay thế bởi Thông tư 56/2021/TT-BCA, trong Thông tư mới này, thông tin về “nguyên quán” không còn nữa, mà thay bằng “quê quán”.
Nguyên quán của con được xác định thế nào?
Nguyên quán của con được xác định theo nơi sinh của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại của con. Cần lưu ý rằng, trong các loại giấy tờ hiện nay, khái niệm “nguyên quán” hầu như không còn được sử dụng nữa, thay vào đó là thông tin về “quê quán”, như trong giấy khai sinh.
Khác với nguyên quán, quê quán của con được xác định dựa vào nơi sinh của bố hoặc mẹ.
Ghi quê quán và nguyên quán thế nào cho đúng?
Hiện nay, cụm từ nguyên quán không còn được sử dụng trong các giấy tờ hộ tịch.
Dựa trên tinh thần của điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA, theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân.
– Đối với nguyên quán: Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.
– Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.
Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Thông tin quê quán trên giấy khai sinh bị sai xử lý thế nào?
Theo khoản 1 Điều 6, Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, trong trường hợp thông tin về quê quán trên giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) được xác định là có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì mới được cải chính, sửa đổi giấy khai sinh.
Các ghi giấy khai sinh cho trẻ
Cách ghi thông tin trên giấy khai sinh mới nhất được hướng dẫn tại Điều 31 Thông tư 04/2020/TT-BTP và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Họ, chữ đệm, tên của người được khai sinh phải ghi bằng chữ in hoa, có dấu.
– Ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh được ghi bằng số và bằng chữ.
– Mục Nơi sinh được ghi như sau:
- Trường hợp trẻ em sinh tại bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là cơ sở y tế) thì ghi tên cơ sở y tế và địa chỉ trụ sở cơ sở y tế đó.
- Trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế, bao gồm trường hợp sinh tại nhà, sinh trên phương tiện giao thông, trên đường, trong trại tạm giam, trại giam hoặc tại địa điểm khác thì ghi địa danh hành chính thực tế, nơi trẻ em sinh ra (ghi đủ 3 cấp đơn vị hành chính).
- Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài thì Nơi sinh được ghi theo tên thành phố và tên quốc gia, nơi trẻ em được sinh ra; trường hợp trẻ em sinh ra tại quốc gia liên bang thì ghi tên thành phố, tên tiểu bang và tên quốc gia đó.
- Trường hợp đăng ký lại khai sinh mà không xác định được đầy đủ thông tin về nơi sinh thì mục Nơi sinh ghi cấp tỉnh nếu sinh tại Việt Nam hoặc tên quốc gia nếu sinh ở nước ngoài (ví dụ: tỉnh Vĩnh Phúc hoặc Hoa Kỳ).
– Mục Nơi cư trú được ghi như sau:
- Trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì ghi theo nơi đăng ký thường trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú, thì ghi theo nơi đăng ký tạm trú; trường hợp không có nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú thì ghi theo nơi đang sinh sống.
- Trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì ghi theo địa chỉ thường trú hoặc tạm trú ở nước ngoài.
– Mục Giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh phải ghi rõ: tên loại giấy tờ, số, cơ quan cấp, ngày cấp giấy tờ đó.
– Mục Nơi đăng ký khai sinh phải ghi đúng tên cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định của Luật hộ tịch, cụ thể như sau:
- Trường hợp đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã thì phải ghi địa danh hành chính đủ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh).
- Trường hợp đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì phải ghi địa danh hành chính 2 cấp (huyện, tỉnh).
- Trường hợp đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì ghi tên của Cơ quan đại diện.
– Trường hợp cha hoặc mẹ của người được khai sinh là người nước ngoài thì ghi tên người đó theo đúng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.
– Tên địa danh, tên quốc gia nước ngoài được viết theo tên đã được phiên âm sang tiếng Việt (ví dụ: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ….); trường hợp không có phiên âm tiếng Việt thì viết theo phiên âm La-tinh (ví dụ: Osaka; New York….).
– Phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này tại mặt sau của Giấy khai sinh sử dụng để ghi chú nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi các thông tin hộ tịch thay đổi theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện cần ghi rõ ngày, tháng, năm tiến hành ghi chú, thông tin hộ tịch có sự thay đổi và tên loại giấy tờ, số, tên cơ quan, ngày, tháng, năm cấp giấy tờ là căn cứ để thực hiện việc ghi chú.
– Việc hướng dẫn ghi họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm, nơi cư trú, giấy tờ tùy thân, nơi đăng ký, địa danh, quốc gia, phần ghi chú những thông tin thay đổi sau này tại Điều này được áp dụng để ghi thống nhất trong các Sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch khác.
********************
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp